Liên quan giữa bệnh lý khớp háng với kết quả phẫu thuật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá kết quả phẫu thuật thay khớp háng toàn phần tại bệnh viện đa khoa trung ương thái nguyên (Trang 74 - 75)

Theo Trần Ngọc Ân [2], thay khớp là biện pháp cuối cùng cho những bệnh nhân có bệnh lý về khớp háng sau khi những biện pháp điều trị bảo tồn nội khoa không có kết quả. Thực tế, tại BVĐKTƯ Thái Nguyên nơi chúng tôi tiến hành nghiên cứu, ngoại trừ nguyên nhân cấp tính là GCXĐ do chấn thương, người bệnh thường đến khám và điều trị ở giai đoạn muộn của bệnh, lúc này những biện pháp điều trị bảo tồn dù tích cực cũng chỉ hạn chế được phần nào tiến triển của bệnh. Bên cạnh đó điều kiện kinh tế, xã hội cũng là một yếu tố làm cản trở quá trình tuân thủ chế độ điều trị của BN. Tại đây có ba nguyên nhân tổn thương dẫn đến thay KHTP là THKH, GCXĐ, HTVKCXĐ, theo Trần Trung Dũng đây cũng là nhóm các bệnh lý tổn thương thường gặp trong thay khớp háng [9].

Trong nhóm nghiên cứu của chúng tôi các trường hợp thay KHTP do nguyên nhân GCXĐ có kết quả điều trị rất tốt và tốt đạt 92,9%, 1 trường hợp duy nhất bị ngã do bệnh lý động kinh kèm theo dẫn đến vỡ xương, lỏng chuôi có kết quả: kém, chưa có điều kiện mổ lại (tỉ lệ: 7,1%). Kết quả này cho thấy với những bệnh nhân mắc các bệnh lý kèm theo thì nguy cơ dẫn đến các tai biến, biến chứng là rất dễ xảy ra và ảnh hưởng rất lớn tới kết quả phẫu thuật. Chính vì vậy cần phải có các biện pháp hướng dẫn tập luyện cụ thể với từng BN, phối hợp điều trị tốt các bệnh lý kèm theo, đồng thời quản lý, theo dõi và khám kiểm tra định kỳ nhằm phát hiện những tai biến, biến chứng để xử trí kịp thời thì kết quả điều trị mới đạt hiệu quả cao nhất.

Có thể nhận thấy ở những BN có thời gian bị bệnh ngắn, tình trạng khớp tổn thương chưa bị phá hủy nhiều thì hiệu quả điều trị đạt được như mong muốn của thầy thuốc và BN. Thực tế là với các tổn thương mới cho dù người bệnh có kèm theo loãng xương (là yếu tố thuận lợi dẫn đến GCXĐ khi có chấn thương tác động), thì với lớp

66

xương dưới sụn của BN còn tốt, khớp không bị các tổn thương thoái hóa, hoại tử… kèm theo cũng là tiêu chí đảm bảo kéo dài tuổi thọ cho khớp nhân tạo được thay.

Chúng tôi nhận thấy giữa 2 nhóm bệnh lý THKH và HTVKCXĐ với kết quả phẫu thuật là không có sự khác biệt vì BN ở 2 nhóm này đều có quá trình bệnh lý diễn biến trong thời gian dài (1 -5 năm), khớp háng bị phá hủy, mọc thêm những tổ chức thoái hóa, những thành phần là hậu quả của quá trình viêm kéo dài xuất hiện. Cùng với đó bệnh lý khớp háng có thể là hậu quả hoặc song song tồn tại trên cơ địa BN có bệnh mạn tính… sau khi được thay KHTP, ảnh hưởng của những bệnh lý lâu dài đó là những yếu tố bất lợi với kết quả phẫu thuật.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá kết quả phẫu thuật thay khớp háng toàn phần tại bệnh viện đa khoa trung ương thái nguyên (Trang 74 - 75)