7. Cấu trúc của luận văn
1.3. Khái quát về biểu tượng trong thơ Tản Đà
Tản Đà là một nhà nho tài tử sống trong một xã hội mà văn học đang chuyển hóa từ mô hình văn học trung đại sang hiện đại, thế nên ta bắt gặp trong thơ ông một cái ngông nghênh ngạo nghễ của một cái tôi cá nhân. Nhưng ta lại vẫn thấy ẩn sau trong cái ngông đó là một tâm hồn yêu nước, nặng tình nặng nghĩa sâu sắc với non sông, thiên nhiên, đất nước, con người. Chính vì lẽ đó, bên cạnh những bài thơ bộc lộ cái ngông của một đấng quân tử trước thời buổi giao thoa giữa cái cũ và cái mới, ta vẫn thấy được vẻ đẹp của quê hương, của dân tộc mình, và nó được nhắc đi nhắc lại khá nhiều trong những trang thơ của ông. Dưới ngòi bút đó không chỉ gợi lên cho ta những hình ảnh gần gũi của thiên nhiên, của đất nước mà sau những hình ảnh đấy ẩn chứa một tình yêu nước sâu sắc và một nỗi buồn vô hạn của một nhà nho yêu nước đương thời đang lâm nguy trong cảnh nước mất nhà tan. Vì vậy, những hình ảnh đó đã được nâng lên một mức độ cao hơn, dần trở thành những biểu tượng nổi bật, tiêu biểu trong thơ ông.
Là một nhà thơ yêu thích chủ nghĩa ‘xê dịch”, khắp mọi miền tổ quốc hầu như nơi nào cũng in dấu bước chân của ông. Vì vậy, trong thơ ông ta thấy có rất nhiều địa danh gắn với lịch sử của nước nhà. Những hình ảnh về thiên nhiên, cảnh đẹp, con người...cũng được ông nhắc đến nhiều lần trong thơ với một nỗi niềm tâm trạng mà khó giãi, tâm sự cùng ai. Hình ảnh những người phụ nữ lam lũ, tảo tần nuôi chồng nuôi con, hi sinh cả nhan sắc, thanh xuân của mình đã trở thành một biểu tượng đẹp cho người phụ nữ Việt Nam chịu thương chịu khó. Hay những hình ảnh con cò, con thuyền, hình ảnh hoa sen, dòng sông...được lặp lại với tần suất khá lớn trong thơ Tản Đà là những hình ảnh đặc trưng của nông thôn Việt Nam góp phần làm cho tâm hồn người đọc trở nên phong phú hơn về phong tục tập quán, sinh hoạt của nhiều vùng miền tổ quốc, qua đó củng cố thêm tình yêu nước sâu sắc của độc giả.
Trong thơ Tản Đà có rất nhiều biểu tượng được lặp lại với tần suất khá lớn, tuy nhiên khi đi vào khảo sát chúng tôi nhận thấy có những biểu tượng nổi bật, tiêu biểu xuất hiện trong thơ.
Qua quá trình khảo sát những bài thơ của Tản Đà, bên cạnh những bài thơ nói về đề tài tình yêu, người phụ nữ, về chính bản thân mình thì đa số những bài thơ của ông thường hướng về đề tài non sông, quê hương, đất nước. Những biểu tượng chúng tôi đề cập đến rất gần gũi, quen thuộc nhưng đồng thời nó cũng được lặp đi lặp lại với tần xuất khá lớn trong thơ và mang một ý nghĩa nhất định.
Đất là một biểu tượng được nhắc đến khá nhiều trong thơ Tản Đà, gợi cho ta hiện thân về tình yêu thương bao la, hiền hòa của đất mẹ, tại nơi này, những thực thể vươn lên để lan tỏa sức sống mãnh liệt, được thể hiện chính mình, được thể hiện cảm xúc, niềm vui và được trải nghiệm cả những buồn đau của cuộc sống hiện thực. Để rồi, cuối cùng khi không còn bám trụ lại được trên cõi đời này nữa, nó sẽ vụt tắt, sẽ héo rũ đi, khi đó đất mẹ bao dung, thương yêu lại dang cánh tay ra để đón nó vào lòng. Đất là một biểu tượng rất hay và mang
một ý nghĩa nhân văn sâu sắc, bên cạnh đó biểu tượng này còn có những biến thể riêng góp phần tạo nên sự sinh động, hấp dẫn khi đi khám phá, nghiên cứu biểu tượng này.
Trong những trang thơ của Tản Đà, khi đi vào phân tích, nghiên cứu, khám phá, chúng ta sẽ thấy được một biểu tượng có sức ảnh hưởng khá lớn là biểu tượng Trời. Nó biểu hiện cho cái ngông nghênh, kiêu ngạo của một cái tôi cá nhân, vừa phản ánh xã hội đương thời, coi văn chương chỉ là một thứ hàng hóa để mua đi bán lại chứ không hề được trân trọng, nâng niu, để thưởng thức và cảm thụ nó. Thông qua biểu tượng này, ta ngậm ngùi thương cảm cho những thân phận trí thức nghèo giao thời phải chấp nhận thức văn chương hàng hóa chứ không được coi đó là một tác phẩm nghệ thuật.
Bên cạnh đó, nổi bật lên đó là biểu tượng Nước – biểu tượng cho nguồn sống, cho sức sống đang tuôn chảy không bao giờ cạn kiệt. Hay đó là biểu tượng Dư đồ, một biểu tượng nói lên cảnh nước mất nhà tan và sự dửng dưng của những thế hệ thanh niên chỉ biết chạy theo những thú vui của cuộc sống mà quên mất nhiệm vụ chính của mình. Tất cả những điều đó được thể hiện rất rõ qua những bài thơ chất chứa đầy tâm sự của Tản Đà.
Những biểu tượng trên mang một ý nghĩa sâu xa, mang một giá trị văn hóa và giá trị lịch sử dân tộc. Do đó, qua khảo sát, chúng tôi phát hiện, tra cứu và chọn lọc ra những biểu tượng tiêu biểu nhất để nghiên cứu đó là những biểu tượng Trời, Đất, Nước, Dư đồ (có mục lục kèm theo).
Những biểu tượng đó góp phần quan trọng trong việc thể hiện tình cảm của nhà thơ đối với quê hương, đất nước vừa mang ý nghĩa sâu xa khác được thể hiện trên những trang viết của Tản Đà.
Tiểu kết chương 1
Trong chương I, chúng tôi đã đề cập đến những vấn đề lý luận liên quan đến đề tài. Qua việc mạnh dạn đưa ra những kiến thức về khái niệm biểu tượng, biểu tượng văn hóa, biểu tượng văn học để từ đó dễ dàng đi sâu vào khai thác những biểu tượng đặc trưng trong thơ Tản Đà. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng khái quát lại vài nét về tác giả Tản Đà với - một nhà nho tài tử, lãng mạn giữa hai thế kỷ… Những vấn đề được nghiên cứu ở chương I sẽ là cơ sở để chúng tôi triển khai và tiếp tục phân tích ở chương II của đề tài.
Chương 2
NHỮNG BIỂU TƯỢNG TIÊU BIỂU TRONG THƠ TẢN ĐÀ