Nghĩa biểu tượng Đất trong thơ Tản Đà

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) biểu tượng trong thơ tản đà (Trang 59 - 67)

7. Cấu trúc của luận văn

2.3.2. nghĩa biểu tượng Đất trong thơ Tản Đà

Qua quá trình khảo sát trên tất cả 304 bài thơ của Tản Đà, mặc dù số lần xuất hiện của biểu tượng Đất không nhiều như các biểu tượng khác, chỉ 46 lần nhưng nó mang một ý nghĩa quan trọng góp phần làm nên ý nghĩa của bài thơ. Mặt khác, từ biểu tượng Đất khi đi vào thơ ca lại có những biến thể khác nhau tạo nên sự sinh động và góp phần diễn tả tâm trạng của người thi sĩ.

Đất mẹ luôn bao dung và đầy lòng vị tha. Vạn vật sinh ra từ đất mẹ, được đất mẹ nuôi dưỡng và khi chết đi cũng trở về với đất mẹ. Đó như một quy luật của tự nhiên. Khi đi vào trong thơ ca Tản Đà, biểu tượng Đất không chỉ mang ý nghĩa nguyên bản của nó nữa mà mang những biến thể khác như con đường, núi…

sinh và nuôi dưỡng, bao bọc, chở che. Dù có đi đâu, ở nơi nào cũng có đất mẹ yêu thương và rộng cánh tay bao bọc. Để rồi cuối cùng khi chết đi lại trở về lòng đất:

Ngoài xa trơ một đống đất đỏ Hang hốc đùn lên đám cỏ gà. Người nằm dưới mả, ai ai đó Biết có quê đây hay vùng xa?

(Thăm mả cũ bên đường) Hình ảnh ngôi mộ cũ bên đường không rõ lai lịch, tung tích, tên tuổi, họ là một vị khách cung đao, kẻ văn chương hay khách hồng nhan bạc mệnh, bậc danh tài, khách phong lưu…không một ai rõ. Tất cả đều thuộc loại tài tử giai nhân nhưng đều có chung một kết cục bi thảm. Kết cục của bao nhiêu cuộc đời dù có lúc huy hoàng hay hiển hách cuối cùng chỉ là một “đống đất đỏ”. Khi còn sống, có thể là một vị cao nhân hay một người phàm trần nhưng khi chết đi ai cũng phải trở về với đất mẹ. Ngôi mộ cũ bên đường ấy theo năm tháng chỉ còn là một đống đất đỏ, đùn lên những đám cỏ gà xanh tươi. Ở đó, nơi con người đã khuất lại có sự xuất hiện của sự sống vươn lên. Những đám cỏ ấy lại mọc lên tươi tốt như một sự tái sinh đang hình thành và tiếp diễn.

Đất mẹ vĩ đại luôn chở che, đón nhận tất cả những người con. Dù đi đâu, đến nơi nào, cho dù là kẻ không rõ lai lịch hay người xa xứ thì cuối cùng khi đã tắt hơi thở cuối cùng cũng được đất mẹ dang rộng cánh tay ôm vào. Chết chưa phải là hết, mà chết là để lại được tái sinh thêm lần nữa.

Người phụ nữ trong xã hội phong kiến luôn bị chà đạp cả về thể xác lẫn tinh thần, đặc biệt là những người phụ nữ có nhan sắc. Thúy Kiều là một ví dụ điển hình cho thân phận người phụ nữ trong xã hội đó. Cuộc đời lắm nỗi truân chuyên, gia đình gặp họa, người yêu li biệt, cuộc đời gặp biết bao nhiêu sóng gió, những tưởng khi gặp được Từ Hải sẽ là cái phúc cho Kiều, từ đây Kiều sẽ được hưởng vinh hoa phú quý. Nhưng rồi nàng lại khuyên Từ Hải ra hàng để rồi từ đây cuộc đời lại là một chuỗi bi kịch đầy cay đắng:

Tiếng sấm ân tình bốn mặt ran, Tướng quân chi tiếc cánh hoa tàn Đôi hàng nước mắt, đôi làn sóng Nửa đám ma chồng nửa tiệc quan Tổng đốc ví thương người bạc phận Tiền Đường chưa chắc mả hồng nhan Trơ trơ nấm đất bờ sông nọ

Hồn có nghe chăng mấy giọng đàn?

(Thúy Kiều hầu rượu Hồ Tôn Hiến) Trong bài thơ trên, Tản Đà có sự đả kích về hành động của Thúy Kiều, khuyên Từ Hải ra hàng để rồi phải mất mạng, khi chồng chết vẫn phải ngồi đánh đàn cho kẻ đã giết chồng mình. Dù đúng hay sai, thì số phận của người phụ nữ vẫn đáng thương nhất. Họ không có quyền được chọn lựa con đường đi cho cuộc đời mình, bị xã hội chà đạp, xô đẩy đến bức đường cùng. Để chấm dứt nỗi đau khổ, bi kịch phải nhảy xuống sông Tiền Đường mà chấm dứt tất cả. Bi kịch của Kiều cũng giống như số phận nàng Đạm Tiên khi chết đi cũng chỉ thành một con người vô danh nằm sâu dưới lòng đất mẹ, tháng năm qua đi kẻ đi người đến cũng chẳng đoái hoài thương tiếc. Hình ảnh nấm đất trơ trơ bên bờ sông nọ như nói lên tất cả bi kịch của người phụ nữ. Chỉ khi chết đi, trở về với đất thì mới thoát khỏi bi kịch của cuộc đời.

Lại nói về thân phận của người phụ nữ hồng nhan trong xã hội cũ, dù có vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành nhưng cuộc đời lại vô cùng bất hạnh:

Cô ơi, cô đẹp nhất đời

Mà cô mệnh bạc thợ trời cũng thua Một đi, từ biệt cung vua

Có về đâu nữa, đất Hồ ngàn năm!

Chiêu Quân có tên là Vương Tường, cung nhân của Hán Nguyên đế. Vua Hán sai Mao Diên Thọ vẽ chân dung các cung phi, vì Chiêu Quân cậy mình có nhan sắc không đưa lễ cho Mao nên bị y vẽ xấu đi. Không được vua biết đến, chúa Hung Nô mang binh Mã uy hiếp biên giới đòi vua Hán nộp mỹ nhân và phẩm vật, lúc đó mới phát hiện ra Chiêu Quân. Vua Hán sai chém Mao Diên Thọ nhưng Chiêu Quân vẫn phải sang Hồ, tới cõi đất Hồ, nàng tử tự mà chết.

Thân phận người phụ nữ như cánh bèo trôi, như hạt mưa sa không biết đến ngày mai, tương lai. Cõi đất Hồ trở thành nơi nàng giải thoát cho chính bản thân mình. Cuối cùng chỉ có cách giải thoát cho số phận của mình là tìm đến cái chết, trở về với đất mẹ. Chỉ có đất mẹ vĩ đại luôn bao dung, dang cánh tay ra bao bọc, chở che cho những con người ấy.

Không chỉ có vậy, khi đi tìm hiểu các bài thơ của Tản Đà, ta thấy có những biến thể từ biểu tượng Đất. Từ mặt đất đó, dòng người đi lại ngược xuôi vô tình đã tạo nên những con đường quen thuộc. Con đường đã trở thành quen thuộc với khách giang hồ, từ những con đường quen thuộc đến những con đường xa lạ. Con đường đó không chỉ là con đường đi theo đúng nghĩa của nó mà trong đó nó còn là con đường đi đến niềm vui, hạnh phúc, con đường tương lai tươi đẹp hay mịt mù:

Khuất khúc non sông lắm dịp cầu Những là Á gió với mưa Âu

Đời chưa duyên kiếp ai xanh mắt? Khách chẳng công danh cũng bạc đầu! Cảnh cũ đòi phen thay chủ mới

Đường xa kinh nỗi suốt đêm thâu. Giang hồ chưa đã bao nhiêu bước Mà cuộc trần ai mấy bể dâu!

(Khách giang hồ) Con đường vô xứ Huế thật lãng mạn và thơ mộng dưới con mắt của thi sĩ

Tản Đà

Đường vô xứ Huế quanh quanh

Non xanh nước biếc như tranh họa đồ. Yêu em anh cứ anh vô,

Kệ truông nhà Hồ, mặc phá Tam Giang…

(Chơi Huế) Con đường đi chứa đựng biết bao niềm vui, hạnh phúc của con người. Con đường quanh co nhưng nó lại làm nên một bức tranh phong thủy thơ mộng, hài hòa. Hình ảnh con đường quanh co, hài hòa cùng thiên nhiên núi xanh nước biếc càng làm cho cảnh sắc xứ Huế thêm thơ mộng. Con đường đó còn là con đường tình yêu đôi lứa, dù có gian nan, cách trở về khoảng cách nhưng vì tình yêu người con trai cũng không quản ngại vượt qua.

Trong ca dao Việt Nam đã từng có những câu thơ rất sinh động, hấp dẫn về sự cách trở của tình yêu: Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo/ Ngũ lục sông cũng

lội, thấp bát cửu thập đèo cũng qua. Tình yêu lứa đôi không quản ngại đường

xá xa xôi, núi sông cách trở. Trong những vần thơ ấy ta thấy được tình yêu trìu mến, sự khát khao được gặp gỡ, gần gũi của những đôi tình nhân. Khoảng cách có là chi khi hai trái tim luôn hướng về nhau.

Trong thơ Tản Đà cũng vậy, mặc cho con đường có xa xôi, cách trở. Mặc cho truông nhà Hồ - là một chỗ giữ giặc dã, phá Tam Giang là chỗ giữ sóng nước, ấy là hai chỗ nguy hiểm trong con đường vào Huế khi xưa. Nhưng dường như mọi sự khó khăn đó đều không chùn bước chân người con trai để đến gặp người con gái. Con đường đó chính là con đường đi đến niềm vui, niềm hạnh phúc của lứa đôi.

Nếu như có những con đường biểu hiện cho niềm vui, hạnh phúc, hay đó là những con đường xa lạ của khách đông tây thì có những con đường cũ lại trở thành kỷ niệm khó phai của con người:

Này con đường cũ chỗ này đây Kìa khúc sông kia đỉnh núi này Cảnh vật còn nguyên sông với núi Người như hơi lạ nước cùng mây Núi cao sông rộng là quê quán Nước chảy mây bay mấy tháng ngày

(Chơi con đường cũ) Con đường ấy một thời đã quá quen thuộc với tác giả, cảnh vật vẫn như xưa không thay đổi, vẫn khúc sông đó, đỉnh núi kia. Chỉ có con người là không còn ở nơi này nữa. Trải qua bao tháng năm lăn lộn trường đời, khi trở lại nơi đây tác giả bồi hồi xúc động. Mọi thứ vẫn vẹn nguyên như lúc ban đầu, chỉ có thời gian là vẫn cứ trôi qua. Con đường ấy đã gợi lên cho nhà thơ biết bao nhiêu kỷ niệm, đó là con đường của hoài niệm, cũng là con đường để trở về với quá khứ một thời đã xa. Qua đó cũng cho thấy tình yêu cảnh vật thiên nhiên quê hương, sự trân trọng quá khứ của một con người xa quê.

Một biến thể nữa của đất chính là núi (non). Theo Từ điển biểu tượng

văn hóa thế giới [27] thì nghĩa tượng trưng của núi có nhiều mặt với nhiều đặc

điểm: cao, thẳng đứng, gần mặt trời, núi tham gia vào hệ biểu tượng của các siêu tài, siêu phàm với tính cách trung tâm của những hiển linh trong khí quyển và rất nhiều sự tích thần hiện, núi biểu tượng của cái bản thể…

Trong thơ Tản Đà có rất nhiều bài thơ viết về núi non:

Sông Đà núi Tản đúc nên ai

Trần thế xưa nay được mấy người? Trung hiếu vẹn tròn hai khối ngọc Thanh cao phô trắng một cành mai

Hay trong một bài thơ khác:

Quả núi Tiên Sơn có nhớ công? Mà em bán nước để mua chồng! Ấy ai khôn khéo tài dan díu

Những chuyện huê tình có biết không?

(Chiêu Hoàng lấy chồng) Núi Tản được nhà thơ nhắc lại trong một bài thơ khác:

“Người ở phương nào? Ta chửa biết”. -“Dạ, bẩm lạy Trời, con xin thưa: “Con tên “Khắc Hiếu” họ là “Nguyễn” “Quê ở Á châu về Địa cầu

Sông Đà núi Tản nước Nam Việt”.

(Hầu trời) Trong một bài thơ khác, Tản Đà có nói đến bà chị ruột của nhà thơ, góa chồng từ năm 25 tuổi và ở vậy giữ tiết. Hình ảnh núi Sài Sơn được nhắc đến như một địa danh của quê hương mình:

Trời nam sáng vẻ văn minh,

Họ Phan một gái hiển vinh trên đời. Núi Sài Sơn là nơi quê quán,

Xe hương về họ Nguyễn làm dâu. Dâu con một đạo chân tu,

Áo nâng khuya sớm, canh hầu hôm mai.

Núi Tản, núi Tiên Sơn, núi Sài Sơn…đều là những địa danh của quê hương, đất nước ta. Đặc biệt hình ảnh núi Tản được nhắc đến trong khá nhiều bài thơ của Tản Đà. Nó không chỉ mang ý nghĩa là một địa danh của đất nước, mà qua những địa danh đó ta thấy được một tâm hồn luôn luôn hướng về nguồn cội, quê hương mình. Con người vô cùng gắn bó với quê hương ấy đôi khi mải mê “Giang hồ mê chơi quên quê hương”, nhưng khi chơi quá lâu rồi, lại nhớ đến quê, trở về quê thì nghiệm ra rằng quê hương thực sự là cội nguồn của con người, đó là nơi “thác về” chứ không phải là sống gửi. Khê Thượng không những là nơi nuôi cậu ấm Hiếu từ tấm bé cho đến thủa thiếu thời mà nhiều năm sau đó trong cuộc đời ông, vẫn thường đi đi về về, nhất là những ngày lễ tết, ngày xuân và cả những cuộc giang hồ mệt mỏi, ông lại về đó nghỉ chân. Hoặc những khi thất bại trên đường đời, ông lui về tĩnh trí. Mảnh đất Khê Thượng và xứ Đoài nói chung vừa là nguồn cảm hứng, vừa là cái nôi ru vỗ về ông sau bao năm thăng trầm của cuộc đời bên ngoài kia để rồi khi mệt mỏi lại trở về. Đó cũng là nơi để ông tâm sự, giãi bày những nỗi cô đơn, sầu muộn của mình. Qua đó, ta thấy được sự tự hào, tình yêu quê hương của thi sĩ Tản Đà.

Từ ý nghĩa gốc khi đặt vào hoàn cảnh bài thơ, có khi biểu tượng vẫn giữ nguyên được ý nghĩa ban đầu: biểu tượng đất trong một số bài thơ của Tản Đà đều mang ý nghĩa là trở về với đất mẹ, khi chết đi lại quay về với đất mẹ thân yêu. Nhưng trong một số bài thơ khác, nó lại là biểu tượng mang ý nghĩa khác với ý nghĩa gốc: thể hiện niềm vui, hạnh phúc và cũng có khi lại là nỗi buồn và thể hiện tình yêu quê hương qua những biểu tượng đấy. Tác giả đã có sự thay đổi, biến thể biểu tượng để phù hợp với hoàn cảnh, mục đích sáng tác của từng bài thơ. Vì vậy khi đi phân tích ý nghĩa cả biểu tượng Đất, chúng tôi không đưa ra ý nghĩa cụ thể như những biểu tượng khác. Khi những bài thơ đến tay độc giả, mỗi người sẽ có những cách cảm nhận khác nhau về ý nghĩa biểu tượng đó. Độc giả cũng có quyền bình luận, nhận xét theo cách riêng của mình. Nhà thơ là người sáng tác, còn cảm nhận phụ thuộc vào chính người đọc.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) biểu tượng trong thơ tản đà (Trang 59 - 67)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(107 trang)