7. Cấu trúc của luận văn
2.3 Biểu tượng Đất
2.3.1. Ý nghĩa gốc của biểu tượng
Trong Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới [27] đã nói khá rõ ràng về ý nghĩa gốc của biểu tượng Đất.
Đất đối lập với trời một cách tượng trưng như là bản nguyên thụ động đối lập với bản nguyên chủ động; khuôn mặt nữ tính đối với khuôn mặt nam tính của thế giới; bóng tối đối với ánh sáng.
Trong Kinh Dịch, đất là quẻ k’ouen (khôn), là tính thụ động hoàn hảo, tiếp thụ tác động của nguyên lý chủ động k’ien (càn). Đất chống đỡ, trời che phủ. Mọi con người đều sinh ra từ đấy, vì đất là đàn bà và bà mẹ, nhưng nó hoàn toàn phục tùng nguyên lý chủ động của Trời. Mọi động vật có cái bản chất của đất. Xét ở mặt tích cực, những đức tính của đất là dịu dàng và chịu phục tùng, là tính kiên định yên tĩnh và bền bỉ. Cũng cần thêm vào đấy là tính khiêm nhường, theo từ nguyên học thì liên quan với mùn, mùn quả là tương đồng với đất và con người thì lại được lập khuôn từ chất ấy.
Đất tượng trưng cho chức năng của người mẹ. Đất cho và lấy lại sự sống. Như vậy là đã đồng hóa đất mẹ với lòng mẹ.
Trong đạo Vệ Đà, đất cũng tượng trưng cho người mẹ, nguồn gốc của hiện hữu và sự sống, che chở và chống lại mọi sức mạnh hủy diệt. Theo nghi thức tang lễ của tôn giáo này, người ta xướng những khúc thơ vào lúc đặt xuống huyệt cái bình: đựng tro hỏa thiêu người chết:
Hãy nằm xuống Đất là Mẹ của người!
Nơi tọa lạc mênh mông ấy chứa chan ân huệ Ai biết dâng hiến, với họ Đất êm như len,
Cầu Đất canh giữ người khỏi sa ngã vào cõi Hư vô!
Hỡi Đất Mẹ, hãy xây cho con người này một mái vòm, đừng đè bẹp. Hãy tiếp nhận, hãy tiếp đón sinh linh này, hỡi Đất!
Hãy lấy vạt áo của mình chở che cho nó, Như mẹ hiền che chở đứa con yêu!
(Rig - veda, Grhyasutra) Một số bộ lạc ở châu Phi có tập quán ăn đất: một biểu tượng đồng nhất hóa. Thầy tế thần nếm đất; người phụ nữ có mang nuốt đất. Lửa sinh ra từ đất đã ăn. Trong quan niệm của họ về sự hôn phối thiêng liêng. Đất - Trời, người Dogon hình dung đất như một người phụ nữ nằm ngửa hướng đầu về phía Bắc, chân về phía Nam; bộ phận sinh dục của người đó là một tổ kiến và âm vật là một tổ mối.
Được đồng nhất với người mẹ, đất là một biểu tượng cho sức sản sinh và tái sinh. Đất sinh ra mọi sinh vật, nuôi dưỡng muôn loài để rồi tiếp nhận lại từ chúng cái mầm đầy sức sinh nở.
Ở người Maya, hình đất khắc chìm đồng thời là hình tượng nữ thần trăng, bà hoàng của các chu trình sinh sản. Vị nữ thần già này vừa là trăng vừa là đất của người Maya có một chức năng hàng đầu: bà là chủ tể số 1. Tức là bà chủ trì công cuộc sinh đẻ, chủ trì cội nguồn của mọi sự vật, chủ trì bước khởi đầu hình thành thế giới.
Người Nhật Bản cho rằng đất được một con cá rất lớn cõng; ở Ấn Độ đấy là một con rùa; chỗ người thổ dân châu Mỹ là một con rắn; ở Ai Cập một con bọ hung; ở Đông Nam Á một con voi… Những cuộc động đất được cắt nghĩa là do những cử động đột ngột của các động vật cõng đất này, tương ứng với các giai đoạn tiến hóa.
Đối với người Do Thái và người theo đạo Kito, tên gọi Đất thánh được áp dụng cho xứ Palestine; nhưng rõ ràng tên ấy có nhiều tương đương ở những truyền thuyết khác đã cho Đất thánh những tên gọi khác như: Đất của các bậc Thánh, Đất của các bậc Chân Phúc, Đất Bất Tử… Trong mọi trường hợp, đây là những trung tâm tinh thần, tương ứng với Trung tâm thế giới đặc thù của mỗi huyền thoại; các trung tâm thế giới ấy, bản thân nó lại là phản ánh của Trung tâm nguyên thủy hoặc Thiên đường nơi thế gian.
Có những nghi lễ mai táng tượng trưng, giống như động tác dìm xuống nước để rửa tội, hay để chữa khỏi bệnh và tăng lực, hay để đáp ứng các nghi thức thụ pháp. Ý tưởng vẫn luôn là như vậy: tái sinh qua tiếp xúc với các lực của đất, chết đi ở một dạng sống để sống laị với một dạng khác.
So với nước cũng là gốc của vạn vật, người ta thấy sự khác biệt của của đất ở chỗ Nước có trước sự hình thành vũ trụ, còn đất thì sản sinh ra các hình dạng sống. Nước là cái khối lượng chưa phân hóa, đất biểu thị những mầm mống riêng biệt. Các chu kỳ của nước bao gồm những thời kỳ dài hơn các chu kỳ của đất trong cuộc tiến hóa chung của Vũ Trụ.
Ruộng đất và người đàn bà thường được đồng nhất trong các nền văn học; những luống cày gieo hạt, cày bừa và hành động xâm nhập tính giao, ở cữ và gặt hái, công việc đồng áng và hành vi sinh sản, hái quả và cho bú, lưỡi cày và sinh thực khí đàn ông. Theo một số tín ngưỡng ở châu Phi cũng như châu Á, những phụ nữ vô sinh có thể làm cằn cỗi đất đai của gia đình, và vì lý do ấy mà chồng họ có thể bỏ. Ngược lại nếu những người phụ nữ có mang ném hạt xuống đường cày, thì mùa màng sẽ thêm phong phú; họ là nguồn sống của sự phì nhiêu.
Nhưng đất để đến không xa lạ với đất khởi thủy. Miền đất khởi thủy này luôn giữ tính chất thiêng liêng của mình. Do vậy khi một nhóm người muốn tự tái sinh về tinh thần, thì nó thực hành một thứ trở về với quê cha đất tổ. Một không gian thiêng liêng giữ được hiệu lực là nhờ tính thường hằng của sự hiển linh đã một lần tháng hóa không gian đó.
Với tính thiêng liêng ấy, với vai trò người mẹ ấy, đất can thiệp vào đời sống xã hội như là một đảm bảo cho các lời thề. Nếu lời thề là mối ràng buộc cốt tử của cộng đồng, thì đất là mẹ và vú nuôi của toàn xã hội.
Trong văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc thì ý nghĩa gốc của Đất vẫn không giống nhau. Nếu như với dân tộc này, đất có ý nghĩa là thể hiện tình yêu thiêng liêng, cao cả, là cánh tay bao bọc, chở che của mẹ đất với những đứa con của mình thì với dân tộc khác, nó lại thể hiện niềm vui, niềm hạnh phúc nhưng có khi lại thể hiện một nỗi buồn, nỗi cô đơn… Do vậy, biểu tượng Đất cũng chứa tính đa nghĩa, chứa đựng nhiều hàm ý sâu xa khác nhau. Vậy trong thơ Tản Đà, ý nghĩa của biểu tượng Đất được hiểu theo cách nào, chúng tôi sẽ tiến hành khảo sát, phân tích ý nghĩa biểu tượng Đất ngay sau đây.