Biểu tượng Giời (Trời)

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) biểu tượng trong thơ tản đà (Trang 40 - 45)

7. Cấu trúc của luận văn

2.2. Biểu tượng Giời (Trời)

2.2.1. Ý nghĩa gốc của biểu tượng

Theo Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới [27] thì Trời là một biểu tượng gần như phổ quát mà qua đó con người thể hiện niềm tin vào một Sinh Linh thần thánh ở trên cao, người sáng tạo ra vũ trụ và bảo đảm cho sự phì nhiêu của đất (bằng những cơn mưa đổ xuống). Những Sinh Linh như thế có tài tiên tri và

trí anh minh vô biên; những luật lệ đạo đức và nhiều khi cả những nghi lễ của bộ tộc là do họ đặt ra trong thời gian ngắn ngủi khi mà họ xuống cõi trần; họ giám sát việc chấp hành những luật lệ ấy và kẻ nào vi phạm chúng sẽ bị sét đánh…

Trời là biểu tượng phức hợp cho sự thiêng liêng của vũ trụ, trật tự này được biểu hiện qua sự vận động tuần hoàn, có quy củ của các thiên thể lại vừa được ẩn giấu để chỉ gợi ý tưởng về những trật tự siêu đẳng và vô hình trong thế giới vật thể, trật tự siêu tại của thánh thần và trật tự nội tại của con người.

Bầu trời hay được biểu thị bằng quả chuông, bằng cái cốc có chân đặt ngược, bằng mái nhà hình bát úp, bằng cái lọng, cái dù hay ô che nắng, bằng con chim bồ câu, bằng ô che mưa xoay quanh trục và bằng trái tim con người.

Trời khắp nơi là biểu tượng cho những uy lực tối cao đối với con người, dù là thiện chí hay đáng sợ: chữ thiên trong chữ Hán ngữ biểu thị cái mà con người phải đội trên đầu mình. Đó là sự bao la không thể dò được, là thiên quyển của những tiết điệu vũ trụ, của những Minh Tinh lớn, là nguồn của ánh sáng, và cũng có thể là nơi canh giữ những bí mật của số mệnh. Trời là nơi các thần linh cư ngụ, vì thế đôi khi nó chỉ bản thân Uy lực thánh thần. Trời cũng là cõi Cực Lạc, chỗ ở của các thánh nhân. Người ta thường quan niệm có bảy (hoặc chín) tầng trời: cả trong đạo Phật lẫn đạo Hồi, từ Dante sang Trung Hoa đều là như thế. Những thiên cung này biểu thị hệ thống thứ bậc tinh thần được xếp đặt từ dưới lên trên.

Dưới một bình diện khác, Trời và Đất là kết quả của một sự phân cực đầu tiên, trời là nửa trên của Quả Trứng Vũ Trụ. Trời là bản nguyên dương, chủ động đối lập với đất là bản nguyên âm, thụ động. Trời luôn luôn hoạt động, đó là uy lực tối cao, sách Kinh Dịch nói về lục hào Càn. Trời vì vậy không phải là nguyên lý tối thượng, mà là cực chính diện, biểu hiện nguyên lý ấy: Trời là công cụ của Đạo, Trang Tử viết; Đạo là Đỉnh Trời (thiên cực).

nhập của Trời vào Đất được hình dung như một cuộc giao phối tình dục. Sản phẩm của sự giao phối ấy là con người, con của Trời và Đất hoặc, theo ý nghĩa biểu tượng đặc biệt trong thuyết luyện đan nội, là thần thoại bất tử. Huyền thoại về cuộc hôn phối Trời - Đất trải dài từ châu Á sang châu Mỹ, qua Hy Lạp, Ai Cập và châu Phi đen. Con người thực thụ của Trời và Đất, mà Kinh Dịch nói rằng con người ấy ngang bằng với Trời và Đất và vì thế không đối lập với Đất Trời, là chân nhân và đế vương đích thực: chữ wang (vương) trong từ ghép này biểu thị rất rõ vai trò môi giới, điều mà cũng được nhắc đến trong Tấm biển ngọc lục bảo bí hiểm (Ngài từ Đất lên Trời rồi từ Trời xuống Đất…)

Thuật luyện đan Trung Hoa, như chúng tôi đã nhận xét, chuyển bầu trời vào bên trong vũ trụ vi mô con người.

Trái ngược với truyền thống Trung Hoa, ở Ai Cập trời là bản nguyên âm tính, là nguồn gốc của mọi sự hiển lộ. Quả là như thế, ở Ai Cập cổ đại, biểu trưng của trời đất là nữ thần Nout với thân hình uốn cong như mái vòm. Một bức chạm nổi trên một cái quách thuộc triều đại pharaon thứ XXX khắc hình nữ thần này nghiêng người giống như hàng hiên trong kiến trúc rôman, hai bàn tay tì xuống đất ở phía Đông, hai bàn chân ở phía Tây. Đằng sau hàng hiên có khắc bản đồ thế giới với nhiều nước trên mặt đất, âm phủ dưới đất - chỗ ở của các thần linh hạ giới - và mặt trời tỏa sáng những tia sáng trên trời. Nữ thần Nout với thân thể uốn cong theo hình bán nguyệt trùng với đường vận chuyển của mặt trời, bao trùm toàn bộ vũ trụ với ba cấp bậc của nó. Hiện thân cho không gian vũ trụ bao quanh thế giới, Nout được gọi là mẹ của các thần linh và của loài người. Hình ảnh nàng được khắc trên rất nhiều quách; một chỉ thảo thư hiện lưu giữ ở Louvre, phát biểu thay cho người quá cố, miêu tả nữ thần này như một người mẹ rất đỗi dịu hiền: Mẹ Nout của người đã tiếp đón người vào cõi yên bình. Ngày nào nào cũng đặt hai cánh tay làm gối cho người. Nàng che chở người trong quan tài; Nàng bảo vệ người trong núi an táng ; Nàng chăm sóc tuyệt vời cho thân xác của người; Nàng che chở cho mọi sự sống và bảo

đảm sức khỏe toàn vẹn.

Trong truyền thống Thánh Kinh, trời được đồng nhất hóa với Thượng Đế; các sử gia và các nhà tiên tri kiêng dùng tên Thượng Đế một cách có hệ thống. Vì vậy, Trời đã thay thế cho Chúa Trời, một từ ngữ đã trở thành thông dụng trong thời đại Ba Tư.

Trong Kinh Tân Ước, thành ngữ nước thiên đàng được dùng cụ thể trong sách Phúc Âm gần với đạo Do Thái nhất là sách Phúc Âm của Matthieu, đáp ứng mối quan tâm của người Do Thái thay thế cái Tên đáng sợ bằng một ẩn dụ.

Trong sách Khải Huyền, trời là nơi ở của Thượng Đế, một cách nói tượng trưng để chỉ ra sự khác biệt giữa đấng Tạo Thế và vật thụ tạo của Ngài. Từ đó, trời tham gia vào hệ thống các quan hệ giữa Thượng Đế với con người. Để cho những quan hệ ấy thay đổi, thí dụ sau cuộc hóa thân cứu rỗi của Kitô, toàn bộ hệ thống đổi thay, và người ta có thể nói về một bầu trời mới. Cũng như thế, tác giả sách Khải Huyền có thể thốt lên: …Tôi đã thấy một trời mới và một đất mới; vì trời thứ nhất và đất thứ nhất đã biến mất… Và tôi đã thấy Thành Đô thần thánh, là Jerusalem mới từ trên trời, nơi Đức Chúa Trời hạ xuống… Trời mới ở đây biểu trưng cho sự đổi mới hoàn toàn thế giới, mở đầu kỷ nguyên cứu thế. Những quan hệ giữa thế giới thụ tạo với Thượng Đế của chúng được cải hóa hoàn toàn.

Vào thời đại lịch sử (gần 1000 năm sau C.N), người Mêhico tin có chín tầng trời, được biểu trưng cho kiến trúc tôn giáo của họ bằng chín tầng kim tự tháp. Họ cũng tin có chín hạ giới.

Người Algonquin quan niệm có mười hai cung trời, mỗi cung có một thần Manitou lớn, thần sáng thế có quyền lực tối cao.

Trong thế giới tưởng tượng của các dân tộc Ural - Altai cũng có bảy hoặc chín tầng trời. Những tầng trời khác nhau ấy được biểu thị bằng những khấc cọc hoặc trên thân cây bạch dương thiêng liêng được thầy pháp sư saman chọn

để vật chất hóa những bước thăng tiến tinh thần của ông ta. Ở nhiều địa phương, người ta còn nói đến trời mười hai, mười sáu, thậm chí mười bảy tầng. Sao Bắc Đẩu đóng một vai trò đặc biệt trong tổ chức cõi trời này.

Người Tatar ở Altai và người Téléoute đặt mặt trăng ở tầng thứ sáu và mặt trời ở tầng thứ bảy.

Cũng những dân tộc ấy coi bầu trời thứ ba là Thiên Đường Cực lạc, trú sở của Jajk - Khan, Lãnh Chúa của Lụt, vị thần linh che chở cho loài người làm môi giới giữa người với Thượng Đế tối cao. Cũng từ tầng trời thứ ba này, các linh hồn hài nhi được Jajkl phái xuống đầu thai ở cõi trần gian.

Sách Kuđatku Bilek của người Ouigours (câu thơ 1069) xếp đặt bảy tinh đẩu theo trật tự sau đây, bắt đầu từ trời cao nhất: Thổ tinh, Mộc tinh, Hỏa tinh, Mặt trời, Kim tinh, Thủy tinh và Mặt trăng. Sự xếp đặt mà các chiêm tinh và thần bí học phương Tây xưa ka vẫn chấp nhận.

Trời cũng là biểu tượng của lương tâm, lương tri.

Từ này hay được sử dụng để chỉ cái tuyệt đối của những hoài bão của con người, như là kết quả mỹ mãn của mọi sự tìm kiếm, như là nơi mà tinh thần con người có thể được hoàn thiện, tựa hồ trời là tinh thần, sự thức tỉnh lương tri.

Như vậy, biểu tượng Trời cũng có tính đa nghĩa, có thể đó là biểu hiện cho sự uy lực tối cao hay còn có nghĩa khác là thể hiện sự thiêng liêng của vũ trụ. Từ khi loài người xuất hiện, đã thấy sự có mặt của trời. Có nhiều quốc gia, dân tộc coi trời như một đấng siêu nhiên có uy lực tối cao, và người dân thường là do ông trời, tạo hóa sinh ra. Bởi vậy, trong phong tục tập quán, thờ cúng của họ thể hiện rất rõ tín ngưỡng này. Ngay cả trong những tác phẩm văn học từ dân gian, trung đại đến hiện đại, biểu tượng Trời cũng được đề cập đến rất nhiều. Mỗi thời kì, mỗi giai đoạn lịch sử sẽ có một cách nhìn nhận riêng về biểu tượng Trời, ý nghĩa đó sẽ tồn tại cùng thời điểm lịch sử đó và được số đông thừa nhận. Nhưng nếu đặt ý nghĩa biểu tượng theo quan điểm của từng cá

nhân, sẽ có cách cảm nhận riêng của từng người. Do đó, ý nghĩa biểu tượng Trời sẽ không giống nhau, có thể nó mang ý nghĩa này nhưng cũng có thể mang một ý nghĩa khác.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) biểu tượng trong thơ tản đà (Trang 40 - 45)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(107 trang)