7. Cấu trúc của luận văn
2.1.1 nghĩa gốc của biểu tượng
Theo từ điển Biểu tượng văn hóa thế giới của Jean Chevalier ý nghĩa tượng trưng của nước có thể quy về ba chủ đề chiếm ưu thế: nguồn sống, phương tiện thanh tẩy, trung tâm tái sinh. Ba chủ đề này thường gặp trong những truyền thuyết cổ xưa nhất và hình thành những tổ hợp đa dạng nhất và đồng thời cũng chặt chẽ nhất.
Nước là khối vật chất chưa phân hóa, là hình tượng của số lượng vô cùng lớn của những khả năng diễn biến, chứa đựng cái tiềm tàng, cái phi hình, cái mầm mống của mọi mầm mống, tất cả mọi hứa hẹn về sự phát triển, nhưng cũng chứa đựng mọi mối đe dọa bị tiêu tan. Đầm mình trong nước để rồi lại đi ra mà không tự hòa tan hết vào trong đó, trừ khi do một cái chết tượng trưng, đó là trở về nguồn cội, tự tiếp nguồn cho mình trong một kho dự trữ tiềm năng rộng mênh mông và lấy ở đó một sức mạnh mới: là một bước thoát lui và tan rã nhất thời, tạo tiền đề cho một bước tiến lên để tái thống hợp và tái sinh.
Trong kinh Vệ Đà ca ngợi những dòng nước mang lại sự sống, sức mạnh và sự thanh khiết về mặt tinh thần cũng như về mặt thể xác:
Hỡi những Dòng nước hồi sức cho đời, hãy mang lại cho chúng tôi sức mạnh, sự cao cả, niềm vui, cảnh mộng!
…Hỡi những Dòng nước, nữ chúa của những điều kỳ diệu, là những vị nữ nhiếp chính của mọi giống nòi!
…Hỡi những Dòng nước, hãy ban cho phương thuốc đầy đủ tính năng toàn vẹn
và nhờ đó tôi được nhìn lâu dài ánh sáng mặt trời! …Hỡi những Dòng nước, xin hãy cuốn đi
cái tội lỗi này, dù lớn hay nhỏ mà tôi đã phạm,
cái điều không hay mà tôi đã gây ra cho ai đó, câu thề nguyện dối trá mà tôi đã thốt ra.
(Bản dịch của Jean Varenne, VEDV 137) Trong những nền văn hóa khác nhau, có những biến thể về các chủ đề chính yếu này, giúp chúng ta hiểu rõ hơn và đi sâu hơn vào những tầm cỡ và những sắc thái trong ý nghĩa tượng trưng của nước, trên một cơ sở gần như đồng nhất.
Tại châu Á, nước là một dạng thức thực thể của thế giới, là nguồn gốc sự sống và là yếu tố tái sinh thể xác và tinh thần, là biểu tượng của khả năng sinh sôi nảy nở, của tính thanh khiết, tính hiền minh, tính khoan dung và đức hạnh. Là chất lỏng, nước có khuynh hướng hòa tan; nhưng chất lỏng thuần nhất, nó có khuynh hướng liên kết và đông tụ.
Người Trung Hoa nói nước là wouki (Vô cực) là cái Không có Đỉnh, là trạng thái hỗn mang không phân định ở thời nguyên thủy. Những dạng nước tiêu biểu cho toàn bộ mọi khả năng của Bản Thể, chia tách thành Nước thượng đẳng (trên trời) tương ứng với những khả năng phi hình và Nước hạ đẳng (dưới đất) tương ứng với các khả năng hữu hình.
Nước là nguồn gốc và phương tiện chuyển tải sự sống; Về mặt thể chất và cũng do nước cũng là một thứ trời cho, nước được coi là một biểu tượng phổ biến về sự phì nhiêu và khả năng sinh sản dồi dào. Người dân miền núi ở Nam Việt Nam nói là nước của trời làm ra thóc lúa; họ cũng rất coi trọng chức năng tái sinh của nước, đối với họ, nước là vị thuốc và là đồ uống trường sinh bất tử.
Nước còn có công dụng là công cụ thanh tẩy theo nghi lễ, từ trong đạo Hồi cho tới ở Nhật Bản, cũng như trong các nghi lễ của thầy phù thủy. Tại Ấn Độ và khắp Đông Nam Á, lễ tắm cho các tượng thánh và các tín đồ (đặc biệt là vào dịp năm mới) vừa là việc tẩy uế vừa nhằm tái tạo sự sống.
Nước thuộc âm, đối lập với lửa. Nước tương ứng với phương Bắc, với cái lạnh, với ngày đông chí, với thận, với màu đen, với quẻ khảm (quẻ này là vực thẳm của biển).
Trong truyền thống Do Thái và Kito giáo, nước trước tiên tượng trưng cho khởi đầu cuộc sáng tạo thế giới. Chữ cái tiếng hêbrơ men tượng trưng cho nước cảm tính: đây là người mẹ và tử cung. Là nguồn gốc của muôn vật, nước biểu hiện cho cái siêu tại và do đó phải được coi là một dạng thần hiện.
Nước đã có tính năng thanh tẩy lại còn có thêm một năng lực cứu sinh. Việc dìm xuống nước có tác dụng tái sinh, làm cho con người ra đời một lần nữa, theo ý nghĩa của nước vừa là sự chết vừa là sự sống. Nước xóa hết lịch sử vì nó khôi phục con người trong một trạng thái mới. Việc dìm mình trong nước ví như việc chọn Chúa Kitô xuống mộ: sau khi bị hạ xuống dưới lòng đất, Chúa đã phục sinh.
Nước là biểu tượng cho sự tái sinh: nước rửa tội rõ ràng dẫn dắt tới một lần sinh mới.
Những nơi thờ cúng thường tập trung xung quanh các nguồn nước. Nơi hành hương nào cũng có điểm nước và nguồn nước. Nước chữa khỏi bệnh do những tính năng đặc trị. Từ xa xưa, Giáo Hội Kitô giáo đã nhiều lần lên tiếng phản đối việc thờ bái các nguồn nước; lòng sùng tín trong dân gian xưa nay vẫn coi trọng giá trị thiêng liêng và thiêng liêng hóa của nước. Nhưng những hướng đi lệch lạc của các tôn giáo đa thần và việc quay trở lại những điều mê tín dị đoan đã luôn đe dọa: Cái ma thuật rình rập cái thiêng liêng để làm cho nó suy thoái trong tâm tưởng của con người.
Nhưng nước có thể tàn phá và nhấn chìm, nuốt chửng, những cơn lốc hủy hoại những cánh đồng nhỏ đang ra hoa. Vậy là, nước có thể có thể có một sức mạnh gây tác hại. Trong trường hợp đó, nước trừng trị những kẻ có tội, nhưng không thể làm hại những người chính trực, những dòng nước đó hóa
thành nước của sự sống. Cũng giống như lửa, nước cũng có thể dung làm một phương tiện thử tội. Nước không phân xử mà những vật ném xuống nước tự phán xử.
Nước mưa - nước biển là biểu tượng của đối tính trên cao và dưới thấp, nước mưa thanh khiết, nước biển mặn. Biểu tượng của sự sống: nước thanh khiết có vai trò tạo dựng và thanh tẩy; nước mặn chát mang lại lời nguyền. Những dòng sông có thể mang lại lợi ích, hoặc là nơi ẩn náu của những loài quái vật. Những dòng nước cuộn sóng mang ý nghĩa của cái ác, sự hỗn độn. Những dòng nước lặng mang ý nghĩa về sự bình yên và trật tự. Trong folklore Do Thái, khi tạo ra thế giới, Chúa Trời đã phân chia ra các dòng nước thượng đẳng và hạ đẳng, chia thành nước dương và nước âm, tượng trưng cho sự yên lành, giống đực và giống cái, như vậy là, có cùng nội dung với hệ biểu trưng phổ biến.
Nước mặn chát của đại dương là biểu tượng của nỗi khổ tâm. Richard de Saint - Victor sau này nói rằng con người phải đi qua những dòng nước chát đắng, khi đã ý thức được vì cảnh khốn cùng của mình, nỗi cay đắng thánh thiện, đó sẽ hóa thành niềm hoan lạc. Nước trong đại dương là Tinh chất thiêng liêng. Nước này có đầy khắp trong vũ trụ và các ngọn sóng là những vật được tạo ra.
Vả lại, nước còn tượng trưng cho tính thanh khiết và được dung làm phương tiện tẩy uế. Lời nguyện cầu theo nghi thức của đạo Hồi chỉ được coi như thực hiện đúng phép khi người cầu nguyện đã tắm gội sạch sẽ theo nghi thức, bao gồm nhiều quy tắc tỉ mỉ.
Cuối cùng nước tượng trưng cho sự sống: nước hồi sinh mà con người tìm được trong cõi tối tăm có tính năng làm sống lại. Trong truyền thuyết thần bí của Đạo Hồi, nhất là ở Iran, luôn luôn nhắc lại chủ đề này. Trong những huyền thoại về Alexandre đi tìm Nguồn nước sống, có người đầu bếp là Andras ra suối rửa một con cá ướp muối, thấy cá sống lại và Alexandre cũng trở thành bất tử.
Nước tù đọng, dịch tương của đất từ đó sự sống nảy sinh, cũng được nói đến trong nhiều huyền thoại về công cuộc sáng thế. Theo một số truyền thuyết của người Tuyết ở Trung Á, nước là mẹ của loài ngựa. Trong truyền thuyết gốc vũ trụ của người xứ Babylonie, khởi đầu mọi sự, khi đó còn chưa có trời đất, mà chỉ có một thứ vật chất chưa phân hóa trải rộng mãi mãi, đó là những vùng đất nguyên sơ….
Cũng như trong những truyền thuyết trên đây, một đỉnh phù sa nhô lên khỏi mặt nước là hình ảnh thường thấy trong những truyện thần thoại Ai Cập. Một đóa hoa sen lớn lên từ những vùng đất nguyên sơ, đó là cái nôi của mặt trời vào buổi sáng đầu tiên.
Từ những biểu tượng cổ xưa coi nước là nguồn thụ tinh cho đất và sinh ra những cư dân trên mặt đất, chúng ta có thể quay trở lại với những biểu hiện phân tâm học của nước, được coi như là nguồn thụ tinh cho tâm hồn: sông nhỏ, sông lớn, biển là hình tượng của đời người và của những biến động của những ước muốn và cảm xúc.
Nước là biểu tượng của những năng lượng vô thức, của những sức mạnh không định hình của tâm hồn, của những động cơ thầm kín và không cảm nhận thấy.
Như vậy có thể thấy trong từ điển, nước được quy vào ba phương diện chính: nguồn sống, phương tiện thanh tẩy và trung tâm tái sinh. Mỗi quốc gia, mỗi khu vực lại có một cách nhìn nhận khác nhau về ý nghĩa của nguồn nước, điều đó được thể hiện rất rõ trong quan điểm, trong phong tục tập quán, trong sinh hoạt, văn hóa của họ. Vậy khi đi vào trong thơ ca, liệu ý nghĩa của Nước còn giữ được giá trị nguyên bản của nó không hay lại có cách hiểu, có những ý nghĩa khác, ta sẽ đi tìm hiểu một số bài thơ của Tản Đà.