7. Cấu trúc của luận văn
3.1.2 Ngôn ngữ giàu tính tạo hình
Tác phẩm thơ ca nào sử dụng nhiều ngôn ngữ mang tính tạo hình sẽ làm cho người đọc hình dung được rõ nét hơn bức tranh sinh động nhiều màu sắc, đường nét một cách cụ thể. “Tính tạo hình của ngôn ngữ thơ ca còn có khả năng gợi mở, liên tưởng, tưởng tượng cho người đọc ở hai phương diện: là chiếc cầu nối để người đọc tìm về miền kí ức, tìm lại những hình ảnh, hình tượng đã gặp, đã thấy trong quá khứ và giúp người đọc tưởng tượng ra một thế giới kì diệu, đẹp và thật hơn cả sự thật ngoài đời - qua thứ ngôn từ nghệ thuật giàu tính tạo hình ấy! Nên có thể nói, ngôn ngữ tạo hình trong thơ không những có khả năng biểu hiện nội dung của sự vật hiện tượng mà còn làm cho chúng hiện lên với một hình hài cụ thể, sinh động, tạo
nên một vẻ đẹp mang tính thẩm mỹ và tính tư tưởng cao” [61, tr. 213].
Tản Đà là một nhà thơ tiêu biểu trong việc sử dụng những từ ngữ giàu tính tạo hình qua những sáng tác cụ thể của mình. Thông qua những ngôn ngữ giàu tính tạo hình đó giúp cho những tác phẩm thơ của ông có những nét đặc trưng riêng, góp phần làm nên sức hấp dẫn cho những sáng tác của mình.
Thông qua những từ ngữ tạo hình, vẻ đẹp của non sông, quê hương, đất nước hiện lên thật mộc mạc, chân thật mà cũng đầy thi vị. Khi đọc những bài thơ của Tản Đà nói về non sông, đất nước ta thấy hiện lên một đất nước đầy đau thương, có cả nước mắt, sự chia li xa cách.
Nước non nặng một lời thề
Nước đi đi mãi không về cùng non Nhớ nhời “nguyện ước thề non” Nước đi chưa lại non còn đứng trông. Non cao những ngóng cùng trông, Suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày. …
Hình ảnh non nước hiện lên dưới ngòi bút của Tản Đà trở nên sinh động, gần gũi nhưng cũng mang một nỗi buồn sâu sắc. Tác giả đã sử dụng những động từ để miêu tả như: “lời thề”, “đi mãi”, “không về”, “ngóng”, “đứng trông”, “chờ mong”… Chính từ hình ảnh non nước đầy tính tạo hình tạo ảnh đó đã làm cho người đọc có nhiều cách nghĩ khác nhau. Nhắc đến nước và non, người ta hay nghĩ đến một bức tranh sơn thủy. Nhưng ở bài thơ này không phải như vậy, hình ảnh nước đi để non ở lại không về cùng non nữa. Nước đã bỏ lại lại thề sau lưng để hiện tại bỏ non ở lại mãi mãi không quay về nữa. Để non mòn mỏi chờ mong hình ảnh nước với một nỗi cô đơn, đau buồn. Đó là một lời thề nặng tình nặng nghĩa. Dường như trong đoạn thơ nói về sự chia li của đôi trai gái. Sự ra đi của chàng trai cùng với lời thề năm xưa dường như đã làm cho cô gái đau khổ.
Nghệ thuật sử dụng hình ảnh trong thơ rất linh hoạt, đôi khi hình ảnh non nước đi chung, sóng đôi với nhau như hình với bóng.
Non nước sang xuân hoa cỏ mới Nước non Đinh Mão ngậm ngùi ai
(Tiễn năm Đinh Mão) Hay:
Nước non hội ngộ cùng luôn Bảo cho non chớ có buồn làm chi
(Thề non nước) Nhưng đôi khi non và nước bị chia tách ra thành hai hình ảnh khác nhau tạo nên sự chia li, chia cắt. Hình ảnh chia cắt đó không chỉ gợi cho người đọc sự chia ly của đôi tình nhân, mà qua đó gợi cho người đọc thấy được sự chia cắt của ba miền đất nước trước sự giày xéo, xâm lăng của quân xâm lược.
Non cao tuổi vẫn chưa già
Non thời nhớ nước, nước mà quên non.
Hình ảnh thiên nhiên sông núi với tình ái, tình yêu đất nước cứ hòa quyện vào nhau, đó là một điều dễ nhận thấy trong thơ Tản Đà, dường như đối với thi sĩ, tình yêu thiên nhiên với tình ái, tình yêu gộp thành là một.
Tác giả Nguyễn Văn Hạnh đã từng có lời bình về hình ảnh non nước trong bài thơ như sau: “Nếu trong bài thơ có một bức tranh sơn thủy, thì bức tranh này có phần khác so với bức tranh của Vân Anh, nó không toàn một màu “tang thương, thê thảm”, mà còn có thêm những đường nét tươi sáng. Nếu trong bài thơ có một mối tình lứa đôi, thì đó là một mối tình nghiêm trang, lớn lao, đau đớn nhưng không tuyệt vọng, ấm áp lòng chung thủy và niềm tin tái hợp. “Non nước trong bài thơ là một đất nước khô héo trong hồi ấy vì không toàn vẹn, vì hồn nước đã ra đi, vẫn hi vọng, vẫn tin tưởng. Cả ba bình diện này (bức tranh sơn thủy, mối tình lứa đôi, đất nước) như lồng vào nhau, bồi bổ cho nhau, làm cho hình ảnh, ý tình trong bài thơ thành tầng lớp, như gần như xa, như ẩn như hiện, có cái nhìn thấy ngay được, có cái phải tưởng tượng, phải nghe bằng tấm lòng của nhà thơ, tâm sự của nhà thơ đối với đất nước, một mối tình sâu nặng, nghiêm trang, thủy chung như mối tình giữa non và nước, một mối tình đau khổ trong hiện tại, nhưng
vẫn không mất lòng tin, vẫn hy vọng…” [ dẫn theo 11, tr. 399].
Như vậy có thể thấy rằng, nghệ thuật tạo hình ảnh non nước trong thơ Tản Đà rất linh hoạt, sinh động tạo nên những vần thơ hấp dẫn, giàu sức gợi. Với nhiều tầng nghĩa khác nhau, nhiều cách hiểu khác nhau tùy theo cách cảm nhận, kinh nghiệm, trình độ của độc giả mà nó được hiểu theo một nghĩa riêng. Điều đó đã tạo nên thành công trong những trang viết của Tản Đà. Tản Đà đã đóng góp một thành công rất lớn trong việc làm phong phú thêm hình ảnh “non nước” trong văn học.
“Trong bài Tống biệt thấy rõ được cái hiện hình của ngôn ngữ , cùng cách phối vần tạo nên ngữ điệu cho giọng thơ. Đôi khi chỉ một chữ ẩn trong cái thần cả bài. Nhà thơ đã dùng chữ tạo nên hình tượng, nhạc điệu :
“Cái hạc bay lên vút tận trời, Trời đất từ nay xa cách mãi Cửa động,
Đầu non, Đường lối cũ,
Ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi…”
(Tống biệt) “Vút” với âm sắc mạnh như thể hiện sự xa cách, biệt li, chóng vánh. Bay vút cho thấy một khoảng cách xa cao và nhanh chóng. Cũng như cách nhà thơ ngắt nhịp thành ba câu thơ ngắn với chỉ hai từ, sự phối hợp từ âm điệu đến tiết tấu diễn tả từng bước chân ngập ngừng đầy quyến luyến trong một buổi chia xa. Hay ở từ “trăng chơi” thể hiện sự vô định chơi vơi lơ lửng giữa không trung, không xác định được đích đến đích đi” [2].
Trong thơ Tản Đà còn luôn sử dụng những hình ảnh so sánh, diễn đạt những cảm nghĩ trừu tượng bằng những hình ảnh cụ thể, do đó ngôn ngữ thơ Tản Đà có tính chất bóng bẩy, tình cảm thể hiện tinh tế có tác dụng gợi lên được tinh thần của sự kiện đối tượng mà nhà thơ muốn diễn tả. Nói đến tình cảm không cứu vãn được Tản Đà đã sử dụng hình ảnh con diều đứt dây:
Gió thu thổi lạnh ao bèo
Tiếc công bác mẹ như diều đứt dây
Trong câu thơ cuối cùng của đoạn phong thi sau, Tản Đà đã hình tượng hóa tuổi già bằng hình ảnh quen thuộc nhưng gợi cảm và rất gần với lối hình tượng của ca dao:
Anh đi lẽo đẽo đường trường
Công danh chẳng thấy những thương cùng sầu Lại đây ăn một miếng trầu
Kẻo mai tuyết nhuộm mái đầu huê râm.
Phương pháp so sánh và hình tượng hóa làm cho câu thơ có khi trở nên cứng cáp hàm súc nhưng dễ dàng gây ấn tượng sâu xa trong tâm hồn người đọc.
Hay trong nhiều bài thơ khác, ngoài việc sử dụng những ngôn từ giản dị, tự nhiên ta còn thấy cả những âm thanh, hình ảnh hiện lên một cách sinh động:
Ào ào tiếng suối bên tai
Lợn kêu eng éc bên ngoài cửa phên Đầu nhà sương xuống từ trên
Vách phên gió lọt bốn bên lạnh lùng
(Một đêm ngủ nhà người Mán Xiềng) Sử dụng những động từ mạnh “ào ào”, “eng éc” cùng những động từ, từ láy như “xuống”, “lọt”, “lạnh lùng”… làm cho bài thơ trở nên sinh động, hấp dẫn. Bởi vậy, trong thơ Tản Đà, dường như ta thấy được thiên nhiên, loài vật cũng như có tâm hồn, như có một sự giao cảm đặc biệt với con người.
Suối tuôn róc rách ngang đèo, Gió thu bay lá bóng chiều về tây Chung quanh những lá cùng cây, Biết người tri kỷ đâu đây mà tìm...
(Vô đề)
Trong bài thơ Vô đề, Tản Đà đã sử dụng những động từ, từ tượng thanh “róc rách”, “bay”để khắc họa được hình ảnh thiên nhiên thơ mộng. Trong khung cảnh thiên nhiên hiện lên qua những từ ngữ giàu hình ảnh, âm thanh nhưng lại gợi lên một nỗi buồn của người thi sĩ, trời đất mênh mông như vậy biết tìm đâu người tri kỉ…
Không chỉ thiên nhiên, loài vật mang tính tạo hình cao, trong thơ Tản Đà còn hiện lên hình ảnh người phụ nữ. Nếu như trong thơ ca trung đại, ta bắt gặp hình ảnh người phụ nữ được miêu tả với vẻ đẹp chuẩn mực như Thúy Kiều:
“Làn thu thủy nét xuân sơn/ Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh…”. Hình
ảnh người phụ nữ trong thơ Tản Đà được miêu tả với những đặc điểm chân thực nhất:
Từ khi em đã có chồng
Vú ngày xếch Lưng ngày cong
Con mang con bế lại con bồng
(Lời đàn bà con gái ngồi buồn nghĩ buồn) Người ta thường nói “Gái một con trông mòn con mắt”, ấy vậy mà trong thơ Tản Đà, ta thấy hiện lên là hình ảnh rất thực, được tác giả sử dụng những tính từ mạnh như “xếch”, “cong” để miêu tả. Không cần trau chuốt, gọt giũa tỉ mỉ nhưng lại giúp cho người đọc cảm nhận được một cách chân thực nhất. Tản Đà đã chọn những ngôn từ có tính tạo hình cao, đầy ấn tượng để diễn tả nhan sắc, hình dáng người phụ nữ nuôi con.
Hình ảnh con cò vốn quen thuộc, gần gũi với người nông dân Việt Nam. Hình ảnh con cò đó thường biểu trưng cho sự vất vả. lam lũ, nhọc nhằn kiếm sống để nuôi những đứa con nhỏ. Và trong màn đêm tối tăm đó, có biết bao nguy hiểm luôn rập rình nó, số phận nó thật mong manh và đáng thương.
Một đàn cò trắng nó bay tung Nó lại thương em lật đật chồng Mày có biết ai người phụ bạc Thời lên mách hộ với thiên công
(Cò trắng) Hay:
Con cò lặn lội bờ sông,
Ngày xanh mòn mỏi, má hồng phôi pha. Em về giục mẹ cùng cha,
Chợ trưa dưa héo, nghĩ mà buồn tênh
(Phong dao) Những từ ngữ như “tung bay”, “lặn lội”, “giục”, “mách”… làm cho người đọc thấy được một ngụ ý sâu xa hơn. Nó tượng trưng cho thân phận
người phụ nữ vất vả, lam lũ, một nắng hai sương nuôi chồng nuôi con. Người phụ nữ luôn là người chịu nhiều đau khổ, bất hạnh nhất. Người con gái có lứa, có thì, khi còn xuân xanh.
Những hình ảnh trên vốn dĩ rất gần gũi trong đời sống hàng ngày của người dân Việt Nam. Khi đọc những vần thơ của Tản Đà, những hình ảnh đó lại gợi lên rất rõ nét, sinh động và chân thực. nó tạo cho người đọc cảm giác thân quen như chính nó đang hiện diện trong chính cuộc sống này. Và rồi, dù sau này có đi xa quê hương, đất nước, những hình ảnh đó bất chợt lại gợi lên trong tâm trí chúng ta tạo nên một nỗi nhớ thương da diết. Qua những vần thơ đó, ta thấy được tình yêu quê hương, yêu đất nước, con người Việt Nam của tác giả. Chính những hình ảnh đó đã dần dần bồi đắp nên tình yêu nước ngày một sâu sắc, để nhà thơ có thể sáng tác ra những vần thơ hấp dẫn, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Qua đó cũng hình thành cho bạn đọc tình yêu quê hương, dân tộc.
Nói tóm lại, trong các tác phẩm thơ của mình, Tản Đà đã thể hiện rất rõ khả năng sáng tạo và khả năng sử dụng ngôn ngữ giàu tính tạo hình của mình. Với một tình yêu non sông, đất nước sâu sắc, am hiểu cuộc sống, cảm thông với thân phận của người phụ nữ trong xã hội đương thời, Tản Đà đã thổi hồn vào những bức tranh đó khiến cho chúng vừa sinh động, chân thực nhưng cũng thấm đượm ý nghĩa nhân văn cao cả. Qua những bài thơ đó, ta thấy hiện lên cả chân dung của những người phụ nữ lao động nghèo khổ, lam lũ bươn trải hi sinh cả nhan sắc, tuổi xuân của mình vì chồng, vì con. Họ không đẹp về hình thể, nhưng tâm hồn của họ thật đẹp và cao quý biết bao. Vẻ đẹp tiềm ẩn đó đã được hiện lên bởi những ngôn từ nghệ thuật giàu chất tạo hình mà không phải ai cũng có thể nhìn thấu được. Đây chính là một nét đặc sắc trong nghệ thuật của nhà thơ Tản Đà.