Kinh nghiệm của Singapore

Một phần của tài liệu Tác động của việc gia nhập tổ chức thương mại thế giới đến thương mại hàng hóa của Việt Nam (Trang 51 - 53)

4. Kết cấu của đề tài

1.2.1.1. Kinh nghiệm của Singapore

Singapore được coi là một mô hình của tư bản chủ nghĩa và kinh tế thị trường ở Đông Nam Á. Trong những thập niên trở lại đây, Singapore là một quốc gia năng động trong việc hoạch định các chính sách và triển khai các chiến lược phát triển kinh tế của mình trên cơ sở khắc phục sự nghèo nàn về đất đai, tài nguyên và phát huy lợi thế về vị trí địa lý và tiến bộ khoa học kỹ thuật. Khi nghiên cứu mô hình công nghiệp hoá của Singapore ta nhận thấy quốc gia này có những nét chung của các nước công nghiệp hoá ở châu Á như khởi đầu bằng sự phát triển của các ngành thay thế nhập khẩu và sau đó chuyển sang chính sách phát triển các ngành công nghiệp hướng về xuất khẩu. Tuy nhiên, Singapore cũng có một số chính sách mang nét đặc thù riêng trong con đường phát triển.

Thứ nhất, Singapore lấy xuất khẩu làm thước đo thành công về kinh tế, lấy thu hút vốn đầu tư nước ngoài làm nền tảng cho tiến bộ kỹ thuật và chuyển giao công nghệ. Chính sách đổi mới công nghệ, thu hút đầu tư trong và nước ngoài vào các ngành kỹ thuật cao, tiên tiến, bỏ vốn vào tư bản cố định, xây dựng ngành công nghiệp hướng vào xuất khẩu,… Những chính sách trên đã làm bùng nổ ngành công nghiệp điện tử bán dẫn tại Singapore. Ngoài ra, Singapore còn xuất khẩu phương tiện văn phòng và viễn thông, sản phẩm dầu, hàng may mặc, cao su, dầu thực vật. Thị trường xuất khẩu chủ yếu của Singapore là Hoa Kỳ, ASEAN, Nhật Bản và EU. Hàng nhập khẩu chủ yếu vẫn là máy móc thiết bị và hoá chất. Có thể nói, so với các quốc gia khác thì nền kinh tế thị trường của Singapore trưởng thành hơn, ở đó chính sách kinh tế tự do được nhấn mạnh, luật pháp kinh doanh được tôn trọng, mức độ can thiệp của Nhà nước được hợp lý hoá cao hơn.

Thứ hai, đối với những doanh nghiệp mà sản phẩm dành cho xuất khẩu sẽ được ưu đãi nhiều hơn so với những doanh nghiệp cung cấp cho tiêu dùng nội địa. Cụ thể là:

- Có thể được miễn tới 90% thuế lợi tức trong thời hạn 8 năm. - Có thể được miễn giảm một phần thuế xuất khẩu hàng hoá.

Thứ ba, Singapore đi từ loại hình công nghiệp sử dụng nhiều lao động đến công nhiệp sử dụng nhiều vốn và kỹ thuật, cùng với định hướng ưu tiên xuất khẩu. Mục tiêu của chiến lược công nghiệp hoá ưu tiên xuất khẩu là xây dựng một hệ thống công nghiệp hiện đại nhằm tạo ra chất lượng sản phẩm có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Bên cạnh việc lựa chọn và khuyến khích những ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động như ngành kéo sợi, may mặc, chế biến gỗ, chế biến thực phẩm, lắp ráp các thiết bị điện dân dụng, các phương tiện giao thông vận tải, xây dựng các cơ sở lọc dầu và đóng tàu biển, Singapore còn chú trọng đầu tư vào các ngành có hàm lượng công nghệ cao, kỹ thuật tinh xảo như luyện thép, chế tạo máy, chế tạo các thiết bị chính xác cho ngành hàng không vũ trụ, quang học, y học, thiết bị tự động hoá, điện tử bán dẫn, hoá dầu bắt nguồn từ đòi hỏi của nền kinh tế.

Bảng 1.1: Một số chỉ tiêu kinh tế của Singapore

Chỉ tiêu kinh tế 1997 2000 2003 2006 2009 2011

Tăng trưởng GDP (%) 8,6 9,1 4,6 8,6 -1,3 4,5

GDP (Tỷ USD) 99,3 94,3 96,0 145,1 182,2 233,2

Lạm phát (%) 2,0 1,3 0,5 1,0 0,6 2,4

Xuất khẩu (Tỷ USD) 125,5 138,2 160,0 271,8 269,8 409,5

Nhập khẩu (Tỷ USD) 132,6 134,6 136,3 238,7 245,8 365,8

Tài khoản vãng lai/GDP 15,4 10,8 22,8 24,2 17,8 18,4

Qua bảng trên cho ta thấy tốc độ tăng trưởng GDP của Singapore là không đồng đều qua các năm. Cao nhất là năm 2000 đạt 9,1%. Đáng lưu ý là năm 2009, tốc độ tăng trưởng ở mức âm. Tổng thu nhập quốc nội GDP tăng dần qua các năm, ở mức 99,3 tỷ USD năm 1997 tăng lên đạt 145,1 tỷ USD năm 2006 và 233,2 tỷ USD năm 2011. Lạm phát ở mức thấp 2,4% năm 2011. Tổng kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu tăng nhanh qua các năm, lần lượt ở mức 125,5 tỷ USD và 132,6 tỷ USD năm 1997, và tăng lên đạt 409,5 tỷ USD và 365,8 tỷ USD năm 2011.

Có thể nói những thành tựu phát triển kinh tế của Singapore gắn với hoạt động ngoại thương, lợi thế của một cảng thương mại trung chuyển quốc tế. Cùng với lĩnh vực ngân hàng tài chính, dịch vụ viễn thông và du lịch, hoạt động của lĩnh vực thương mại, đặc biệt là hoạt động xuất nhập khẩu, đã phục vụ đắc lực cho nền kinh tế và hiện đại hoá các thể chế kinh tế tư bản chủ nghĩa tại quốc gia này.

Một phần của tài liệu Tác động của việc gia nhập tổ chức thương mại thế giới đến thương mại hàng hóa của Việt Nam (Trang 51 - 53)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(111 trang)