Hiện nay ở chi nhánh, quá trình lập kế hoạch phát triển khách hàng vẫn còn đang ở giai đoạn sơ khai, quy trình kiểm soát việc quản lý phát triển khách hàng chưa được hoàn thiện dẫn đến công tác phát triển khách hàng còn thụ động, Hội sở chưa có định hướng rõ ràng cho chi nhánh thực hiện mà mới chỉ phổ biến các chính sách ưu đãi dành cho khách hàng DNVVN cho chi nhánh. Theo đó, chi nhánh phải tự phát triển phương pháp tìm kiếm, phát triển khách hàng căn cứ theo các chính sách ưu đãi và một số tiêu chí chung do Hội sở ban hành. Tuy nhiên, mỗi một phương án kinh doanh hay giải pháp phát triển khách hàng doanh nghiệp đều được tổ chức họp giữa ban lãnh đạo và đạt được sự nhất trí của toàn thể lãnh đạo tại chi
nhánh mới được đưa vào thực hiện. Theo đó Chi nhánh giao cho mỗi nhân viên tín dụng một chỉ tiêu cụ thể về việc phát triển khách hàng mới trong một khoảng thời gian nhất định, có thể là theo quý hoặc 6 tháng.
Khi cán bộ tín dụng tìm kiếm được khách hàng mới về, cán bộ quản lý trực tiếp của nhân viên đó có trách nhiệm kiểm tra, soát xét lại toàn bộ hồ sơ khách hàng mà cán bộ tín dụng đưa về, đồng thời tổ chức xuống địa bàn để gặp gỡ khách hàng, kiểm tra năng lực thực tế cũng như tài sản bảo đảm của khách hàng.
Cùng với việc phát triển khách hàng mới thì việc giữ quan hệ với những khách hàng thân thiết, những khách hàng vẫn còn đang quan hệ với ngân hàng cũng là một vấn đề trọng tâm cần phải lưu ý. Đối với những khách hàng đã có quan hệ với chi nhánh thì cần phải có những chính sách chăm sóc khách hàng riêng biệt. Khi những khách hàng này phát sinh nhu cầu mới thì các cán bộ quản lý cũng phải thực hiện việc gặp gỡ khách hàng nhằm tìm hiểu nhu cầu mới phát sinh, từ đó đưa ra những sản phẩm có thể sử dụng cho khách hàng.
Đối với cả khách hàng mới hay khách hàng cũ, nếu có phát sinh nhu cầu quan hệ với ngân hàng đều cần phải có báo cáo từ nhân viên trực tiếp làm việc với khách hàng để cán bộ quản lý có thể kịp thời đưa ra những đề xuất, đánh giá về khách hàng, đồng thời cũng gửi những đề xuất, đánh giá này lên ban giám đốc chi nhánh để ban giám đốc có thể nắm được thông tin khách hàng cùng với những đề xuất, đánh giá này làm cơ sở để ra quyết định tín dụng.
Song song với việc quản lý về mặt thông tin của khách hàng thì chi nhánh cũng luôn chú ý đến cơ sở hạ tầng, các chính sách, sản phẩm, dịch vụ đang có tại ngân hàng. Đối với từng khách hàng có những cách thức chăm sóc riêng theo xếp hạng của khách hàng tại chi nhánh. Đối với những khách hàng xếp hạng A trở lên chi nhánh luôn có cơ chế chăm sóc khách hàng khác biệt, đảm bảo khách hàng luôn hài lòng với chất lượng dịch vụ hiện có tại ngân hàng. Những khách hàng có xếp hạng kém hơn chi nhánh cũng đã đưa ra cơ chế phục vụ chung cho nhóm khách hàng này, và đối với những khách hàng xếp hạng thấp thì chi nhánh đưa ra các biện pháp quản chế, theo dõi sát sao hoạt động của khách hàng. Các cán bộ lãnh đạo tại chi nhánh có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát thường xuyên đối với từng nhóm
khách hàng. Hàng tháng, mỗi một nhân viên quản lý khách hàng đều phải có báo cáo chi tiết về tình hình hoạt động kinh doanh của khách hàng trong tháng đó để cán bộ quản lý có thể theo dõi, cập nhật thông tin của khách hàng kịp thời.