• TINH HOA TRÍ TUỆ
Trong vài hoàn cảnh nhất định, những “lời nói dối trắng” sẽ mang lại hiệu quả tích cực.
• GIAI THOẠI
Vào những năm Bắc Tống, Địch Thanh là viên tướng giỏi chinh chiến được triều đình cử làm chỉ huy cuộc nam chinh. Khi đó, thế lực của phe chủ hòa, thỏa hiệp trong triều đình rất mạnh. Ngay trong đội quân do Địch Thanh chỉ huy cũng có một vài tướng lĩnh sợ chiến đấu, một số kẻ còn gieo rắc, tung tin đồn nhảm, rằng mình “nằm mộng thấy thần linh hiện về báo rằng cuộc nam chinh lần này binh lính nước Tống sẽ bị thua”. Những kẽ mê tín trong hàng ngũ quân lính nghe thấy thế thì đều khiếp vía, một mực tin cuộc chiến lần này “lành ít dữ nhiều, khó có thể giành được chiến thắng”, khiến lòng quân chẳng mấy chốc đã loạn. Địch Thanh đã giải thích nhiều lần rằng: “Quân ta là đội quân chính nghĩa nên cứ chiến ắt sẽ thắng, cứ tấn công ắt sẽ được”. Nhưng vì quân lính quá mê tín nên lời nói của Địch Thanh chẳng thể lọt vào tai họ.
Lúc đó, Địch Thanh cùng các đại tướng tâm phúc đều đang đau đầu, không biết làm thế nào. Lúc đại quân đi qua Quế Lâm, gặp phải trận mưa to. Suốt mấy ngày liền, bầu trời đều âm u vần vũ khiến đoàn quân không thể tiếp tục lên đường. Lúc này, tin đồn nhảm trong hàng ngũ quân lính càng rộ hơn, rằng xuất binh bất lợi, trời đổ mưa báo điều hung, ý trời muốn họ phải rút quân…
Chiều tối hôm đó, Địch Thanh dẫn một vài phó tướng đội mưa đi kiểm tra. Lúc đi ngang qua ngôi miếu cổ, cả bọn thấy không ít người dân đội mưa đến đây dâng hương bốc quẻ nên mới vào miếu hỏi thăm. Vị hòa thượng trụ trì cho biết đây là ngôi miếu rất linh nghiệm, cứ cầu ắt sẽ ứng nên đến cuối
năm, mọi người lại lũ lượt về đây dâng hương lễ Phật.
Địch Thanh nghe thấy thế liền nảy ra một kế. Sáng sớm ngày hôm sau, vị tướng khoác áo đội mũ, dẫn tướng sĩ vào miếu lễ Phật, thành kính dâng hương cúng bái rồi bảo với vị hòa thượng trụ trì rằng: “Xin thầy hãy bốc cho chúng con một quẻ, xem chuyến nam chinh lần này hung cát thế nào?”. Nói xong, Địch Thanh mời ông từ mang ra một trăm đồng tiền, một mặt sơn đỏ, một mặt sơn đen, rồi chắp tay khấn: “Địch Thanh con lần này xuất binh nam chiến, nếu được toàn thắng, nguyện xin thần Phật hãy khiến cả trăm đồng tiền này đều ngửa mặt đỏ lên trên!”. Dứt lời, Địch Thanh tung tiền lên. Lúc rơi xuống đất, quả nhiên các đồng tiền đều ngửa ở mặt sơn đỏ. Tướng lĩnh, binh sĩ thấy thế thì vô cùng kinh ngạc, hớn hở hò reo, vội vàng chạy đi loan tin cho những người chưa biết. Tinh thần, khí thế của binh lính chẳng mấy chốc đã dâng lên ngùn ngụt.
Sau khi giành được chiến thắng, trên đường hồi triều, Địch Thanh dẫn đại quân quay lại ngôi miếu lễ tạ thần Phật. Một viên tướng vừa cầm đồng tiền lên xem đã kinh ngạc kêu lên: “Quái lạ thật! Sao hai mặt của cả trăm đồng tiền này đều được sơn đỏ nhỉ?”.
Lúc bấy giờ, Địch Thanh mới cười, nói: “Việc này chẳng phải thần linh định đoạt, thực ra là bổn tướng quân đã mượn tạm danh thần Phật để khích lệ, cổ vũ tinh thần chiến đấu cho binh sĩ đó thôi!”. Khi đó, mọi người mới vỡ lẽ, hiểu ra đầu đuôi mọi chuyện.
• PHÂN TÍCH THEO LÝ THUYẾT TRÒ CHƠI
Có người cho rằng chỉ những kẻ vô đạo đức mới nói dối, người thành thật thì luôn ngay thẳng, liệu có đúng như vậy không? Liên quan đến mối quan hệ biện chứng giữa đạo đức và nói dối, Socrates, triết gia lỗi lạc của Hy lạp cổ đại, từng có bài luận bàn sâu sắc như sau:
Vào một ngày, Socrates đi chân trần ra ngoài khu chợ. Chợt ông túm lấy một người qua đường và hỏi:
- Có một vấn đề mà mãi tôi vẫn chưa hiểu được, mong ngài chỉ dạy dùm. Mọi người đều nói ta phải làm người có đạo đức, nhưng rốt cuộc thì cái đạo đức đó nó mặt mũi thế nào?
- Trung thành, thật thà, không dối trá, đấy chính là những phẩm chất đạo đức được mọi người công nhận - người kia trả lời.
Socrates hỏi:
- Ngài nói người đạo đức thì không được nói dối, nhưng nếu tướng sĩ quân ta tìm cách đánh lừa quân địch trong lúc giao chiến với kẻ thù thì có phải họ là người thiếu đạo đức chăng?
Người kia đáp:
- Nói dối để đánh lừa quân địch thì không phải là hành vi vô đạo đức, nhưng dối gạt người bên mình thì đúng là vậy.
Socrates lại hỏi:
-Vậy nếu trong lúc đánh nhau với kẻ thù, quân mình bị bao vây, tình thế rất nguy ngập. Để cổ vũ tinh thần chiến đấu cho binh lính, có vị tướng lừa họ rằng: “Viện quân sắp đến rồi, mọi người hãy cố phá vòng vây”, và họ đã thành công. Thế viên tướng nói dối đó có phải là kẻ vô đạo đức không?
Người kia trả lời:
- Đấy chỉ là vì bất đắc dĩ, chúng ta không thể làm thế trong cuộc sống hằng ngày.
Socrates vẫn tiếp tục hỏi:
- Ta vẫn thường gặp tình huống thế này, đứa con bị ốm nhưng không chịu uống thuốc nên người cha mới phải đánh lừa nó rằng: “Con à, thứ này có phải là thuốc đâu, là kẹo mà, ngon lắm đấy!”. Lẽ nào nếu nói vậy thì người cha cũng là người thiếu đạo đức?
Người kia đành phải công nhận:
Socrates vặn lại:
- Người không nói dối người khác là có đạo đức, lừa dối người khác cũng là có đạo đức, vậy hóa ra đạo đức của một người không thể phân định qua việc anh ta có nói dối hay không. Vậy rốt cuộc ta phải dựa vào tiêu chí nào để xét, ngài cho tôi biết đi?
Người kia đành nói:
- Kẻ không biết thế nào là đạo đức thì không thể làm người có đạo đức, người biết đạo đức là gì là người có đạo đức.
Socrates vỗ tay nói:
- Ngài quả là một triết gia vĩ đại! Ngài đã cho tôi biết đạo đức chính là sự nhận thức về đạo đức, giúp tôi hiểu ra vấn đề mà bấy lâu nay tôi vẫn còn thắc mắc. Xin chân thành cảm tạ ngài.
Qua câu chuyện trên, ta hiểu ra rằng: nói dối không liên quan gì đến đạo đức mà chỉ là một kiểu chiến thuật.
Đương nhiên, lời nói dối ta đề cập đến ở đây cần nằm trong giới hạn nhất định. Bất kỳ lời nói dối nào, dù xuất phát từ thiện ý hay ác ý, một khi vượt quá giới hạn cho phép cũng đều phản tác dụng.