TƯỚNG
• TINH HOA TRÍ TUỆ
Thông thường, chúng ta cho rằng có hai cách đảm bảo sự hợp tác trong trò chơi: một là cam kết hai là trừng phạt. Thật ra vẫn còn chiến thuật thứ ba là phương pháp khích tướng.
• GIAI THOẠI
Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, Henry Ford đã áp dụng một phương pháp mới khá hiệu quả vào công ty mình. Phương pháp này bắt nguồn từ một sự việc tình cờ:
Một lần, Ford đang ngồi đánh giá hiệu quả thì phát hiện thấy có một công xưởng trực thuộc công ty luôn không đạt dược mục tiêu đề ra.
- Thế này là thế nào nhỉ? - Ford hỏi giám đốc công xưởng đó - Người có năng lực như ông sao lại để ra tình trạng này?
- Tôi không biết - vị giám đốc kia khó chịu đáp - Tôi đã nghĩ hết cách, dùng đủ mọi biện pháp mà vẫn chẳng giải quyết được gì.
Vừa hay lúc đó mặt trời lặn, công nhân ca ngày đang chuẩn bị bàn giao cho ca khác.
- Mang một viên phấn tới đây! - Ford bảo. Rồi ông quay sang một người trong số họ: - Hôm nay các anh lắp được mấy bộ động cơ?
- 6 bộ.
Ford viết lên trên sàn một số “6” thật to, không nói câu nào lập tức rời đi.
Khi công nhân ca đêm đến làm việc, bọn họ nhìn thấy số “6” ấy, mới hỏi nó có ý nghĩa gì. Những công nhân ca ngày đem toàn bộ sự việc lúc chiều thuật lại.
Sáng ngày hôm sau, Ford trở lại nhà máy thì phát hiện số “6” đã được thay bằng số “7”. Khi công nhân ca ngày tới làm việc, nhìn thấy số “7” đó, họ nghĩ bụng: Công nhân ca đêm cho rằng mình làm việc tốt hơn công nhân ca ngày sao? Được thôi, chúng tôi sẽ cho các người biết tay. Vì thế, nhân viên ca ngày làm việc cật lực hơn. Trước khi tan ca, họ để lại trên sàn một số “10”. Từ đó trở đi, tình hình sản xuất của công xưởng dần được cải thiện. Không lâu sau, công xưởng bị coi là chậm tiến nhất này trở thành đơn vị sản xuất tiên tiến trong toàn công ty.
• PHÂN TÍCH THEO LÝ THUYẾT TRÒ CHƠI
“Phương pháp nâng cao hiệu quả sản xuất” - Ford nói - “nhằm tạo ra sự cạnh tranh. Ý tôi không phải là đấu đá nội bộ, khiến mọi thứ càng trở nên tồi tệ hơn, mà là kích thích lòng hiếu thắng của họ”. Phương pháp khích tướng này của Ford quả là khôn ngoan.
Dù trong quản lý công việc hay trong cuộc sống hàng ngày, nếu muốn ai đó hợp tác với mình thì thay vì mời mọc, bạn hãy chọn phương pháp khích tướng, nó sẽ hiệu quả hơn nhiều. Bất cứ người thành công nào cũng thích thách thức, vì nó là cơ hội để họ thể hiện bản thân, chứng minh giá trị của mình. Thế nên, muốn khiến một người chuyển từ trạng thái bị động sang trạng thái tích cực chủ động hợp tác với bạn, bạn hãy thách thức đối phương để họ có cơ hội thể hiện bản thân.