GIỮA HAI CÁI HẠI, CHỌN CÁI HẠI ÍT HƠN

Một phần của tài liệu TRÍ TUỆ KINH DOANH VÀ LÝ THUYẾT TRÒ CHƠI (Trang 99 - 101)

• TINH HOA TRÍ TUỆ

Khi đứng trước hai lựa chọn tồi và không có cách gì hay hơn có thể giúp bạn vừa thoát khỏi tình thế vừa bảo toàn được uy tín, bạn chỉ có thể chọn cái hại ít hơn.

• GIAI THOẠI

Chiến Quốc sách có ghi lại một câu chuyện như sau:

Ngũ Tử Tư, nhà quân sự kiệt xuất của nước Ngô thời Xuân Thu, là người tính tình kiên cường. Tổ phụ ông là Ngũ Cử, cha ông là Ngũ Xa, anh trai là Ngũ Thượng, đều là những trung thần nước Sở. Năm Chu Cảnh Vương thứ 23 (năm 522 trước Công nguyên), Sở Bình Vương do nghi ngờ thái tử “ngoại giao chư hầu, tương nhân vi loạn” (ngoại giao với các nước chư hầu để làm loạn) đã trút giận lên Ngũ Xa, thầy dạy học của thái tử, lừa Ngũ Xa và Ngũ Thượng đến Sính đô rồi cho người sát hại. Thế nên, Ngũ Tử Tư đã một mình chạy trốn sang nước Ngô.

Chạy đến biên giới thì Ngũ Tử Tư bị quan trấn giữ cửa ải bắt được. Người này bảo Ngũ Tử Tư: “Nhà ngươi là tội phạm bỏ trốn, ta buộc phải giải ngươi về chỗ vua Sở!”. Ngũ Tử Tư nói: “Không sai, đúng là vua Sở đang cho người lùng bắt tôi. Nhưng anh có biết vì sao không? Là bởi có người nói với vua Sở rằng tôi có một viên ngọc quí. Vua Sở vẫn muốn chiếm viên ngọc đó, không may là tôi làm mất nó rồi. Nhưng nhà vua không tin, khăng khăng cho rằng tôi lừa dối ngài. Không còn cách nào khác nên tôi mới phải bỏ trốn. Giờ nếu anh đem giao nộp tôi cho vua Sở, tôi sẽ nói với nhà vua rằng anh đã cướp viên ngọc đó rồi nuốt chửng vào bụng. Để có viên ngọc ấy, vua Sở ắt sẽ ra lệnh cho người giết anh, rồi mổ bụng moi ruột anh ra tìm ngọc. Lúc đó, tôi sống cũng chẳng được, mà anh chết lại càng thảm hơn”. Quan trấn giữ của ải tin lời Ngũ Tử Tư nói là thật, vô cùng khiếp sợ, đã thả Ngũ Tử Tư đi. Cuối cùng, Ngũ Tử Tư trốn thoát sang nước Ngô.

Bị Sở vương truy bắt, Ngũ Tử Tư rơi vào tình thế lưỡng nan: hoặc để viên quan trấn giữ cửa ải dẫn giải mình đến chỗ vua Sở, hoặc tìm cách uy hiếp đối phương để thoát thân. Nếu chọn cách đầu, Ngũ Tử Tư ắt sẽ mất mạng; chọn cách sau, danh tiếng và chữ tín của Ngũ Tử Tư tiêu tan. Và cuối cùng, ông đã chọn cách sau, bởi đó chính là lựa chọn ít thiệt hại hơn.

Trong lý thuyết trò chơi, sách lược Ngũ Tử Tư áp dụng trên đây có tên gọi là song đề tù nhân hay còn gọi là thế tiến thoái lưỡng nan của người tù. Đây là lý thuyết nhập môn kinh điển nhất trong lý thuyết trò chơi, được nhà toán học Albert W. Tucker, giáo sư thỉnh giảng của Đại học Stanford, đưa ra vào năm 1950. Mô hình cơ bản của lý thuyết này là:

Một tên nhà giàu nọ bị sát hại ngay trong chính nhà mình, cảnh sát bắt được hai nghi can tên là A và B. Do hai nghi can không có đủ chứng cớ để chứng mình vô tội nên cảnh sát quyết định cho cách li cả hai để lấy lời khai. Trong quá trình thẩm vấn, A và B đều là bị cáo, nếu một trong hai tên nói thật thì tên kia là kẻ nói dối, tên nói thật sẽ nhận mức án 5 năm tù, còn tên nói dối là 10 năm tù. Còn nếu cả hai tên đều thành thực thú nhận tội lỗi thì mỗi tên sẽ nhận được 15 năm tù. Tất nhiên, còn một khả năng nữa tuy cảnh sát không nói song cả A và B cũng đều biết và đã thống nhất với nhau từ trước, đó là nếu cả hai đều không thành khẩn nhận tội thi chúng sẽ được thả tự do bởi phía cảnh sát thiếu chứng cứ buộc tội.

Là người lí trí, khi rơi vào tình thế lưỡng nan như hai nghi phạm trên, bạn cần cân nhắc các mặt lợi hại, được mất giữa các khả năng để lựa chọn một sách lược phù hợp, có thể giảm thiểu tổn thất cho mình.

Một phần của tài liệu TRÍ TUỆ KINH DOANH VÀ LÝ THUYẾT TRÒ CHƠI (Trang 99 - 101)