• TINH HOA TRÍ TUỆ
Thế nào là người thắng cuộc đích thực trong trò chơi đối chọi? Là người khiến đối phương phải tan tác, tơi bời? Hoàn toàn sai. Cách chinh phục dựa trên sự ỷ mạnh hiếp yếu chỉ dẫn đến cảm giác căm ghét và thù hận của đối phương, kẻ thắng cuộc đích thực là người khiến đối phương thán phục từ tận đáy lòng.
• GIAI THOẠI
Theo ghi chép trong Hậu Hán thư - Lưu Bồn Tử liệt truyện:
Năm 27 Công nguyên, để bình định khởi nghĩa Xích Mi, Lưu Tú đích thân dẫn đại quân tiến về Nghi Dương, cắt đứt đường lui của quân Xích Mi. Nhìn thấy tình thế khó khăn trước mắt, tiểu hoàng đế Lưu Bồn Tử của quân Xích Mi liền quay sang cầu cứu Lưu Cung, một người huynh đệ khác: “Chúng đệ tuy là đại quân 10 vạn người, song từ lâu đã như còn chim bị thương sợ cành cong, không còn hơi sức đâu để tiếp tục chiến đấu. Đệ đã vắt óc suy tính đủ mọi cách rồi, mong huynh trưởng hãy đến cứu giúp.
Lưu Cung là người rất tài trí, liền gật đầu bảo: “Chiến đấu nữa cũng vô ích, hiện thời việc cấp bách là phải bảo toàn tính mạng của mình. Lưu Tú dù gì cũng là tôn thân nhà họ Lưu chúng ta, để huynh cầu xin hắn mở cho đại quân 10 vạn người một con đường sống”.
Lưu Bồn Tử mang việc này ra bàn bạc với các tướng lĩnh, có người lo lắng bảo: ” Ý kiến này tuy hay thật, chỉ sợ rằng Lưu Tú không đồng ý thôi. Hiện thời, địch mạnh ta yếu nên không thể đem so với hồi trước. Để diệt trừ mầm họa về sau này thì sao hắn có thể thật lòng tha mạng cho chúng ta? Thay vì chịu nhục vẫn không thoát khỏi tội chết chi bằng ta cứ quyết một trận”.
Lưu Cung nói: ” Để bảo toàn tính mạng cho 10 vạn tướng sĩ, ta vẫn giữ ý kiến cầu xin Lưu Tú mở lượng khoan hồng. Nếu mọi việc không như mong
muốn, Lưu Cung ta nguyện sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng với các ngươi”.
Sau khi cầu xin, trình bày rõ ý muốn được quy hàng với Lưu Tú, Lưu Cung còn nói: ” Bệ hạ biết vì sao mình có được thành tựu ngày hôm nay chăng?”.
Lưu Tú cười, bảo: “Tên tướng của quân bại trận thì có tư cách gì mà đánh giá trẫm?”.
Lưu Cung đáp: “Bệ hạ có biết vì sao một đại quân Xích Mi gồm trăm ngàn người trước đây lại đến nông nỗi như ngày hôm nay?”.
Lưu Tú nghiêm sắc mặt, đanh giọng phán: “Đã từ lâu nghe nói ngươi là kẻ hiểu biết, trẫm tạm cho phép ngươi trình bày rõ nguyên cớ. Nếu ngươi nói không đúng sự thật, dùng lời lẽ đường mật phỉnh nịnh, lừa gạt lòng người, trẫm nhất định sẽ xử tội thật nghiêm”.
Lưu Cung đau khổ cười thưa: “Quân Xích Mi quá tàn ác với trăm họ bách tính, khiến nhân dân sinh lòng oán hận, nên cuối cùng mới không hoàn thành được việc lớn. Bệ hạ là người nhân từ, hòa nhã, biết thu phục lòng dân, được trăm họ ủng hộ nên mới có thể thành công như hôm nay. Tuy đã chiếm được thiên hạ, song nếu bệ hạ vẫn có thể thi chút ân nghĩa, miễn tội chết cho bọn tướng sĩ chúng thần thì một là danh tiếng bệ hạ sẽ càng thêm lừng lẫy, hai là bệ hạ có thể bảo đảm được giang sơn của người sẽ chẳng bị mất, biến loạn sẽ chẳng nổi lên. Không rõ ý bệ hạ thế nào?”.
Lúc nghị sự với văn võ bá quan, Lưu Tú đem thuật lại một lượt từ đầu chí cuối những lời Lưu Cung đã nói với mình rồi thở dài bảo: “Thiên hạ vẫn chưa thực yên, những lời Lưu Cung nói ta không thể không nghe. Ta muốn tiêu diệt quân Xích Mi thì dễ, song định dùng nó để chinh phục lòng dân thì thật là sai lầm. Bách tính không phục thì liệu thiên hạ có thực sự thái bình, đấy mới chính là điều làm trẫm lo lắng nhất”.
Bởi thế, Lưu Tú cho gọi Lưu Cung vào gặp, chấp nhận lời xin hàng của đối phương. Không những vậy, Lưu Tú còn ban tặng lương thực cho quân Xích Mi và an ủi Lưu Bồn Tử rằng: “Các ngươi tuy mắc tội lớn, song vẫn có
ba điều đáng khen: một là các ngươi công thành chiếm đất nhưng lúc phú quý giàu sang cũng không từ bỏ người vợ thuở xưa; hai là lúc lập thiên tử vẫn dùng tôn thất họ Lưu; ba là quân tướng của ngươi không giết ngươi để tranh công lấy lòng, bán đứng chủ mình để cầu vinh”.
Khi thấy thuộc hạ lo ngại quân Xích Mi tiếp tục nổi loạn, Lưu Tú liền bảo: “Nhân nghĩa xuất phát từ cái tâm chân thành thì mới thực sự có hiệu quả. Trẫm đối với hắn không bạc, nếu sau này hắn tiếp tục làm phản thì đó là hắn tự chuốc lấy cái chết cho mình; nếu trẫm bất tín, chẳng giữ lời thì đó là cái sai của trẫm”.
Lưu Tú còn ban thưởng hậu hĩnh cho Lưu Bồn Tử, còn phong làm lang trung của Triệu vương. Nhân dân trăm họ ca tụng sự hiền đức của Lưu Tú, cục diện rối ren trong thiên hạ đã lắng xuống và cuộc sống cũng dần trở nên thái bình, yên ổn hơn.
• PHÂN TÍCH THEO LÝ THUYẾT TRÒ CHƠI
Binh pháp Tôn Tử viết: “Dụng binh chi đạo, công tâm vi thượng, công thành vi hạ; tâm chiến vi thượng, binh chiến vi hạ”. (Trong đạo dùng binh, tấn công nhân tâm là thượng sách, tấn công thành là hạ sách; tâm chiến là thượng sách, chiến đầu bằng vũ lực là hạ sách). Cổ nhân cũng nói người có được lòng người sẽ có được cả thiên hạ. Nhưng làm thế nào để thu phục được lòng người? Trước tiên, bạn cần biết “giành được cảm tình” để khiến đối phương tâm phục.
Vào thời Sở - Hán tranh hùng, nếu chỉ luận bàn về khả năng cá nhân thì Lưu Bang chẳng thể sánh kịp Hạng Vũ. Hạng Vũ muốn công thành nào, thành đó ắt bị vỡ, muốn tiêu diệt kẻ địch nào, kẻ đó ắt sẽ chết. Lưu Bang chỉ là kẻ trói gà còn chưa chặt. Trong toàn bộ tiến trình khởi binh diệt Tần và Sở - Hán tranh hùng, không kế sách nào là do Lưu Bang tự nghĩ ra, không có tòa thành nào do Lưu Bang tự mình chiếm được, không có trận chiến nào là Lưu Bang đích thân tự chỉ huy. Bản lĩnh duy nhất của Lưu Bang là hỏi Trương Lương, Hàn Tín và Trần Bình nên làm thế nào. Vậy nhưng sau cùng, Lưu
Bang lại là người chiến thắng. Bởi Hạng Vũ tuy biết dụng binh chinh phục người khác song lại chẳng hay kế sách công tâm.
Bởi vậy, dù là trên chiến trường hay trong cuộc sống hàng ngày, cách chinh phục dựa trên sự ỷ mạnh hiếp yếu chỉ dẫn đến cảm giác căm ghét và thù hận của đối phương. Người thắng cuộc thực sự là người biết nhìn xa trông rộng và hiểu rằng trong trò chơi, “công chiếm nhân tâm” mới là thượng sách của thượng sách.