HỢP ÂM DƯƠNG HÀI HÒA THÀ PHẠM LỖI, KHÔNG PHẠM ĐIỀU CẤM
KỊ
• TINH HOA TRÍ TUỆ
Sách lược hài hòa cho ta biết nếu đứng trước hai lựa chọn tồi là phạm lỗi và phạm điều cấm kị, hãy chọn phạm lỗi.
• GIAI THOẠI
Hoàng đế Khang Hy thời còn trẻ là người rất chăm lo việc nước. Về già, do tuổi tác ngày một cao, hoàng đế trở nên trái tính - cấm mọi người không được nhắc đến từ “lão”. Ai bảo hoàng đế già, ngài sẽ rất tức giận, thậm chí còn sai lôi kẻ kia ra ngoài trị tội. Vì thế, tất thảy mọi người trong triều đều tránh nhắc từ tối kị này.
Một ngày đẹp trời, hoàng đế dẫn các cung tần ra bờ hồ trong Di Hòa Viên câu cá. Vừa buông câu, hoàng đế đã bắt được con ba ba già nên trong lòng rất không vui. Ai ngờ dây câu vừa mới kéo lên, ba ba đã cắn đứt dây lao xuống nước. Khang Hy xuýt xoa tiếc rẻ, hoàng hậu đứng cạnh thấy vậy liền an ủi: “Nhìn cũng biết đấy chỉ là con ba ba già đã rụng hết răng nên lưỡi câu mới lỏng đến như vậy”.
Hoàng hậu chưa dứt lời thì phi tần trẻ đứng cạnh đấy đã bật cười khúc khích rồi nhìn hoàng đế. Khang Hy bất giác nổi cơn thịnh nộ. Hoàng đế cho rằng hoàng hậu chỉ sơ ý lỡ lời, không cố tình nói vậy, còn phi tần thì có ý chế giễu nhà vua đã rụng hết răng, vừa già vừa vô dụng nên đã lệnh tống phi tần đó vào lãnh cung.
• PHÂN TÍCH THEO LÝ THUYẾT TRÒ CHƠI
Vị phi tần trẻ trong câu chuyện trên vì bật cười mà bị giam vào lãnh cung. Song nguyên do sâu xa hơn lại nằm ở sự thiếu phẩm cách, thiếu kinh nghiệm trong những “trò chơi” chốn cung đình nên mới phạm vào điều đại kị của hoàng đế. Trong khi đó, Khang Hy lại không chịu chấp nhận thực tế mình đang già đi nên rất khó chịu nếu có ai đó động chạm đến đề tài nhạy cảm này. Phần hoàng hậu, dù phạm cùng một lỗi như phi tần, nhưng do tình cảm của hoàng đế dành cho mỗi người mỗi khác nên sự đánh giá của Khang Hy cũng có phần thiên lệch.
Trạng thái cân bằng mang tính chiến lược do nhà kinh tế học người Mỹ Paul Weirich đề xướng, là một cống hiến mới cho lý thuyết trò chơi. Nếu áp dụng lý thuyết vào câu chuyện trên thì phạm lỗi và phạm điều đại kị đều là những lựa chọn tồi, song thà phạm lỗi, quyết không phạm vào điều đại kị rõ ràng sẽ giúp tạo ra sự cân bằng mang tính chiến lược.