NHẪN MỘT GIÂY, THẮNG CẢ ĐỜ

Một phần của tài liệu TRÍ TUỆ KINH DOANH VÀ LÝ THUYẾT TRÒ CHƠI (Trang 125 - 129)

• TINH HOA TRÍ TUỆ

Trong trò chơi, khi hai bên không ngang sức nhau và bạn lại là người yếu thế hơn, nếu hiếu thắng, cố thể hiện mình thì kết cục chờ bạn phía trước chỉ là thất bại.

• GIAI THOẠI

Phạm Thư là nhà chính trị, nhà ngoại giao nổi tiếng thời Chiến Quốc. Song ông cũng là người trải qua rất nhiều trắc trở trên quan trường.

Phạm Thư là người nước Ngụy. Ngay từ hồi trẻ, ông đã mong mỏi được dốc sức phò trợ vua Ngụy. Vì xuất thân từ tầng lớp bần hàn, Phạm Thư không có cơ hội diện kiến nhà vua nên ông mới phải làm đầy tớ cho trung đại phu Tu Giả.

Một hôm, Tu Giả nhận lệnh sang sứ nước Tề, Phạm Thư cũng theo hầu. Khi sang nước Tề, Tề Tương Vương biết Phạm Thư là người tài đức nên đã sai người mang vàng bạc, trâu bò và rượu đến tặng Phạm Thư, nhưng ông chỉ cảm tạ chứ không nhận. Sau khi biết chuyện, Tu Giả nghĩ nhất định Phạm Thư đã tiết lộ tin mật của vua Ngụy nên báo việc này với tướng quốc Ngụy Tề của nước Ngụy. Tướng quốc chưa tra hỏi rõ đầu đuôi đã ra lệnh cho người nọc Phạm Thư ra đánh một trận thừa sống thiếu chết. Phạm Thư giả vờ chết thì bị quấn vào manh chiếu rách rồi vứt vào nhà xí. Tu Giả chứng kiến từ đầu đến cuối, đã vậy còn viện cớ say để tiểu lên người Phạm Thư.

Phạm Thư cắn răng nhịn nhục. Đợi khi mọi người đi khỏi, ông liền nhô đầu ra khỏi manh chiếu rách, bảo người đứng canh nhà xí rằng: “Nếu anh có

thể cứu tôi ra khỏi đây, tôi nhất định sẽ trả ơn anh”. Người canh nhà xí liền chạy đi xin Ngụy Tề cho phép mình mang “xác chết” trong chuồng xí ra ngoài.

Trải qua bao khó khăn, khổ cực, sau khi đến được kinh thành Hàm Dương nước Tần, Phạm Thư đã đổi tên thành Trương Lộc. Vua nước Tần lúc bấy giờ là Tần Chiêu Vương, song trên thực tế người nắm đại quyền lại là Tuyên thái hậu - mẹ Tần Chiêu Vương - cùng Nhương Hầu, Hoa Dương Quân - em trai Tuyên thái hậu - và hai người con trai khác của Tuyên thái hậu là Kinh Dương Quân và Cao Lăng Quân. Những nhân vật này dùng quyền lực như một phương tiện để mưu cầu lợi ích cho bản thân, trong khi đó Tần Chiêu Vương - vị vua bù nhìn - thì hoàn toàn bị bịt mắt.

Phạm Thư nhận thấy Tần là nước có nhiều thực lực và Tần Chiêu Vương cũng là vị vua rất có triển vọng nên đã quyết định ở lại nước Tần. Sau nhiều trắc trở, cuối cùng Phạm Thư cũng được yết kiến Tần Chiêu Vương. Bằng tài hùng biện của mình, ông chỉ ra cho nhà vua thấy những sai lầm về mặt sách lược chính trị, đồng thời đưa ra một loạt chủ trương về bộ máy triều đình, đường lối ngoại giao của đất nước. Ngay sau đó, Tần Chiêu Vương đã phong Phạm Thư làm tể tướng.

Sách lược ngoại giao Phạm Thư đưa ra chính là “viễn giao cận công” (giao hảo với các nước ở xa, tấn công các nước ở gần) nổi tiếng sau này. Mục tiêu tấn công đầu tiên của Phạm Thư chính là nước Ngụy.

Vua Ngụy hay tin nước Tần sang đánh thì vô cùng hoảng sợ. Vua cử sứ thần là Tu Giả sang cầu hòa với vua Tần. Tu Giả chỉ biết tướng quốc nước Tần tên là Trương Lộc mà không hay ấy là Phạm Thư.

Hay tin Tu Giả sang, Phạm Thư liền cởi bỏ áo xống, thay bộ quần áo cũ rách, để tùy tùng ở nhà, một mình đi đến chỗ Tu Giả. Thấy Phạm Thư, Tu Giả vô cùng bất ngờ, hỏi: “Kể từ khi chia tay, Phạm Thúc vẫn khỏe chứ?”. Phạm Thư đáp: “Cũng tàm tạm!”. Tu Giả lại hỏi: “Phạm Thúc muốn đi thuyết khách ở nước Tần sao?”. Phạm Thư trả lời: “Không! Sau khi đắc tội với tướng quốc nước Ngụy, tôi lưu vong tới đây có đâu dám đi thuyết khách nữa?”. Tu Giả

tiếp: “Giờ các hạ làm gì?”. Phạm Thư đáp: “Tôi làm thuê cho người khác”. Tu Giả bất giác cảm thấy đôi phần ngậm ngùi, xót thương nên đã giữ Phạm Thư ở lại dùng bữa. “Không ngờ Phạm thúc bần hàn đến vậy!” - nói đoạn, Tu Giả sai đầy tớ lấy một chiếc áo choàng lụa ra tặng Phạm Thư.

Trong lúc ăn, Tu Giả hỏi: “Các hạ có quen tướng quốc Trương Lộc không? Tôi nghe nói mọi việc hiện giờ đều do Trương tướng quốc quyết định, sự thành bại chuyến đi lần này của tôi cũng phụ thuộc vào ông ấy. Các hạ có bạn bè nào quen tướng quốc không?”. Phạm Thư đáp: “Chủ nhân của tôi rất thân với ông ấy, tôi cũng có gặp qua ngài rồi, tôi sẽ tìm cách sắp xếp cho ngài gặp tướng quốc”.

Ngày hôm sau, Phạm Thư tự đánh cỗ xe ngựa đưa Tu Giả đến phủ tướng quốc. Khi hai người vào đến trước đại sảnh trong tướng quốc phủ, Phạm Thư nói: “Ngài đợi một chút, tôi vào báo với tướng quốc hộ ngài”.

Đợi mãi không thấy Phạm Thư ra, Tu Giả hỏi người gác cửa gần đó thì mới biết Phạm Thư - người đánh xe ngựa đưa mình đến đây - là vị tướng quốc nước Tần.

Sau khi tỏ tường, Tu Giả lết gối đến trước ghế ngồi của Phạm Thư, dập đầu nói: “Tiểu nhân đáng tội chết, xin ngài đày tiểu nhân đến một nơi thật xa. Tiểu nhân sống hay chết cũng do ngài định đoạt!”. Phạm Thư hỏi: “Ngươi có mấy tội?”. Tu Giả trả lời: “Tội lỗi tiểu nhân mắc phải nhiều hơn số tóc trên đầu tiểu nhân”. Phạm Thư nói: “Ngươi có ba tội lớn. Song vì nể tình nhà ngươi vẫn chưa quên tình xưa nghĩa cũ, hôm qua đã tặng ta chiếc áo choàng nên ta tha mạng. Song ngươi phải thay ta chuyển lời về cho vua Ngụy là phải mau chóng chặt đầu Ngụy Tề mang sang đây, kẻo không ta sẽ lệnh cho đại quân sang đánh, khiến kinh đo nước Ngụy ngập trong biển máu!”.

Ngụy Tề hay tin liền hốt hoảng tháo chạy. Nhưng nước Triệu lẫn nước Sở đều sợ uy danh nước Tần, không nước nào dám đứng ra thu nhận nên cuối cùng Ngụy Tề buộc phải tự sát.

Nhẫn nhịn thực sự là lựa chọn sáng suốt của kẻ yếu thế trong trò chơi đối chọi. Khi hai bên không ngang sức nhau và không may bạn lại là người yếu thế hơn trong trò chơi, nếu bạn lại là người hiếu thắng, cố thể hiện mình thì kết cục chờ đợi bạn phía trước chỉ có thất bại. Hãy nhẫn nhịn một giây để có được cái lợi lớn hơn sau này.

Đương nhiên, tình thế của mỗi người mỗi khác. Việc gì nên nhịn, việc gì không vốn chẳng có tiêu chuẩn phân định rõ ràng. Nếu xét thấy bản thân yếu thế hơn thì tốt nhất bạn nên nhẫn nhịn.

“Yếu thế hơn” ở đây có nghĩa là hoàn cảnh môi trường khách quan lúc đó không có lợi cho bạn, chẳng hạn như khi bạn bị cấp trên của công ty chèn ép hoặc bạn không hài lòng với môi trường làm việc song bạn lại không có công việc nào tốt hơn. Khi “yếu thế hơn” người khác, bạn sẽ khó mà thể hiện được tài năng của bản thân. Nhưng thay vì hành động dựa theo cảm tính, bất chấp mọi thứ, bạn hãy nghĩ đến mục tiêu lâu dài và cố gắng nhẫn nhịn.

Một phần của tài liệu TRÍ TUỆ KINH DOANH VÀ LÝ THUYẾT TRÒ CHƠI (Trang 125 - 129)