GẦN BÊN BẠN
• TINH HOA TRÍ TUỆ
Mỗi một cuộc giao tiếp đều có thể được xem như một cuộc chơi. Để chiến thắng trong những cuộc chơi này, bạn cần nâng cao ý thức cảnh giác của bản thân với “bạn bè”, tính đến một số sách lược đề phòng nhằm giữ lại cho mình một “lối thoát hiểm”.
• GIAI THOẠI
Tiêu Tiêu là một cô gái xinh đẹp, lạc quan, phóng khoáng. Ngày đầu tiên đặt chân vào giảng đường đại học, cô đã kết thân với các bạn trong kí túc xá. Ngay như Tiểu Khiết - một cô gái hướng nội - cũng không thể kháng cự trước sức hút cùng nhiệt tình tỏa ra từ nụ cười của Tiêu Tiêu. Hai cô gái có tính cách hoàn toàn trái ngược đó đã nhanh chóng kết thành một đôi bạn thân.
Xinh đẹp, năng động, hoạt bát, lại có nhiều tài lẻ nên chẳng mấy chốc Tiêu Tiêu đã trở thành “hot girl” của trường. Sang năm thứ hai, Tiêu Tiêu được bầu làm trưởng ban văn nghệ của hội sinh viên. Là cán bộ, tất nhiên Tiêu Tiêu cũng bận rộn hơn. Cô bận lo tổ chức các hoạt động văn nghệ của nhà trường đến mức quên cả ăn uống, nghỉ ngơi hay thậm chí là việc học tập. Vì Tiểu Khiết là bạn thân nhất nên Tiêu Tiêu đều nhờ bạn giúp rất nhiều việc. “Tiểu Khiết này, trưa nay cậu mua giúp mình một suất cơm nhé!”, “Tiểu Khiết ơi, cậu đi photo bài này giùm mình được không?”. Lúc đầu, Tiểu Khiết còn nhiệt tình giúp đỡ bạn, nhưng khi những việc Tiêu Tiêu nhờ ngày càng nhiều lên thì một Tiểu Khiết nhạy cảm lại cảm thấy mình giống như người hầu của Tiêu Tiêu.
Sang học kỳ 2 của năm thứ hai, trường có kế hoạch đưa hai sinh viên đi nước ngoài thì Tiêu Tiêu là một trong hai người đó. Trong buổi tiệc tiễn chân Tiêu Tiêu, Tiểu Khiết ngoài mặt thì gượng cười song trong lòng thì vô cùng
khó chịu.
Tối đó, vì không thể kiềm chế tình cảm của bản thân, Tiểu Khiết đã mạo danh bạn thời còn trung học của Tiêu Tiêu, viết ba bức thư nặc danh đặt điều nói xấu Tiêu Tiêu gửi lên ban giám hiệu nhà trường, khoa cùng hội sinh viên. Do thường ngày Tiêu Tiêu tâm sự với Tiểu Khiết rất nhiều chuyện nên Tiểu Khiết bịa chuyện rất trơn tru. Sau khi thư được gửi đi, ban giám hiệu nhà trường vì tin vào điều bịa đặt đó nên đã đình chỉ suất xuất ngoại của Tiêu Tiêu. Thầy cô và bạn bè cũng nhìn Tiêu Tiêu với con mắt hoàn toàn khác hẳn trước. Với bản thân Tiêu Tiêu mà nói, cú đánh đó tựa như một đòn chí mạng. Từ một cô gái lạc quan, năng nổ, khỏe mạnh xưa kia, Tiêu Tiêu dần trở thành cô gái trầm lặng, khép kín và gầy gò. Về sau, tuy nội dung những bức thư nặc danh đó đã được chứng minh là vô căn cứ, Tiêu Tiêu vẫn chọn cách thôi học. Bởi chỉ cần nhìn qua những chi tiết như thật trong bức thư nặc danh, cô đã đoán ra ngay ai là người viết chúng. Với Tiêu Tiêu, nếu đem so với cảm giác thất vọng khi bị chính người bạn thân nhất của mình bán đứng thì cảm giác thất vọng vì không được ra nước ngoài chỉ là chuyện nhỏ.
• PHÂN TÍCH THEO LÝ THUYẾT TRÒ CHƠI
Có thể xem mỗi cuộc trò chuyện giữa ta với bạn bè là một trò chơi. Nếu muốn giành được thế chủ động trong những trò chơi đó, bạn cần rút ra cho mình một bài học từ câu chuyện của Tiêu Tiêu: đừng bao giờ quá tin tưởng đối phương. Lúc vui vẻ, hai bạn có thể cùng giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau; nhưng một khi xảy ra mâu thuẫn lớn, tình bạn khăng khít đó sẽ khó mà giữ được. Hơn nữa, đòn đánh lén của người hiểu và gần gũi với ta nhất luôn là cú đánh chí tử nhất. Bởi vậy, trong thực tế cuộc sống, nếu bạn đã học cách thận trọng, đề phòng với người lạ thì tại sao bạn lại không thận trọng, cảnh giác với bạn bè?
Những kiểu bạn bè nên đề phòng, cảnh giác:
1. Đã lợi dụng còn hay khoe mẽ: Kiểu người này thường tìm cách lợi dụng bạn rồi sau đó lại nói bạn mắc nợ họ.
2. Cố tình gây sự: Kiểu người này thường rất thích đàm tiếu người khác, hay thêm mắm dặm muối
3. Hai mặt: Là kiểu người đáng sợ nhất và cần phải đề phòng.
4. Lời nói không đi đôi với việc làm. 5. Hay đố kị, ghen ghét.