CHIẾN THẮNG NHỜ BIẾT CÁCH ẨN MÌNH

Một phần của tài liệu TRÍ TUỆ KINH DOANH VÀ LÝ THUYẾT TRÒ CHƠI (Trang 133 - 136)

• TINH HOA TRÍ TUỆ

Âm Phù Kinh có câu: “Tinh hữu xảo chuyết, khả dĩ phục tàng”. Nghĩa là với hai lực lượng ngang tài ngang sức, bên giỏi ẩn mình sẽ là người chiến thắng.

• GIAI THOẠI

Năm Cảnh Sơ thứ ba, Tào Ngụy Minh Đế qua đời, Tề vương Tào

Phương lên ngôi kế vị. Chiếu theo di chúc của Minh Đế, đại tướng quân Tào Sảng và Thái úy Tư Mã Ý sẽ phụ giúp vua giải quyết việc triều chính.

Mới đầu, do xét về kinh nghiệm, danh tiếng và tài năng, Tào Sảng đều kém hơn Tư Mã Ý nên Tào Sảng đành phải kính nhường đối phương. Tào Sảng luôn coi Tư Mã Ý như bậc bề trên, việc gì cũng hỏi ý kiến, không dám tự tiện quyết định nên quan hệ giữa hai người cũng xem như là hòa hảo.

Lúc bấy giờ, môn khách nhà Tào Sảng có 500 người, trong đó Tất Quỹ, Hà Yến, Đặng Dương, Đinh Mật thường sát cánh gần bên giúp đỡ bày mưu tính kế. Họ liên tục nhắc Tào Sảng rằng Tư Mã Ý là mối đe dọa ngầm đối với hoàng thất và là kể không thể tin tưởng.

Thế nên, đến tháng 2 năm Cảnh Sơ thứ ba, Tào Sảng ép Ngụy Đế hạ chiếu rằng Tư Mã Ý đức cao vọng trọng, đáng được ngồi ở ngôi cực phẩm nên được thăng từ chức Thái úy lên làm Thái phó. Theo đó, nếu xét trên danh nghĩa thì Tư Mã Ý được thăng chức song trên thực tế, ông đã bị tước mất binh quyền. Phàm tất thảy những việc thượng thư tấu trình lên vua sau này đều phải đưa Tào Sảng xem trước. Ngay sau đó, Tào Sảng lại sắp xếp cho ba người em trai cùng tâm phúc vào các vị trí tương đối quan trọng nhằm thâu tóm toàn bộ thực quyền về mình.

Về việc Tào Sảng kết bè phái tranh đoạt quyền lực, Tư Mã Ý đã nhìn thấu dã tâm từ lâu. Tuy nhiên, ông không tỏ thái độ ra mặt. Sau khi xem xét tình thế, Tư Mã Ý thấy hiện giờ mình đang ở thế bất lợi. Tào Sảng là người thuộc dòng tôn thất, là con cháu công thần Tào Chân; trong khi đó, ông chỉ là người ngoài họ, là kẻ bị chính quyền Tào Thị nghi kị, đề phòng nên Tư Mã Ý không chọn cách đứng lên đối kháng ngay lúc đó.

Bởi vậy, Tư Mã Ý nhường Tào Sảng một bước, cho đối phương nắm toàn quyền, còn mình lấy cớ tuổi cao sức yếu nên không muốn lo chuyện chính sự. Điều đó càng khiến Tào Sảng cùng phe cánh trở nên tự tung tự tác hơn.

Dù vậy, Tào Sảng cũng chưa thực tin bệnh tình của Tư Mã Ý. Vừa hay lúc đó thân tín của Tào Sảng là Lý Thắng sắp về Kinh Châu nhận chức thứ sử nên Tào Sảng liền sai Lý Thắng đến tận nhà từ biệt Tư Mã Ý, rồi nhân cơ hội này thăm dò bệnh tình của đối phương.

Tư Mã Ý đương nhiên biết rõ mục đích thực sự của cuộc đến thăm nên đã cố tình làm ra vẻ mình đang mắc bệnh nặng. Lý Thắng thưa với Tư Mã Ý: “Đội ơn trời biển của thánh thượng, lần này vi thần được cử về Kinh Châu nhận chức thử sử, hôm nay vi thần đến cáo từ Thái phó”.

Tư Mã Ý vờ chưa nghe rõ, cố tình nhầm “Kinh Châu” sang thành “Tịnh Châu”, đoạn bảo: “Vậy thiệt cho anh quá, Tịnh Châu ở phía Bắc, gần chỗ người Hồ, anh nên cẩn thận đề phòng!”.

Lý Thắng lên giọng giải thích: “Vi thần về Kinh Châu, không phải Tịnh Châu”. Tư Mã Ý vẫn vờ như chưa nghe ra: “À, anh mới từ Tịnh Châu về?”.

Lý Thắng phải nói thật to thì Tư Mã Ý mới vờ nghe ra rồi thở dài, than vãn: “Đúng tôi già thật rồi, tai đã điếc, chẳng thể nghe rõ lời anh nói nữa. Anh về Kinh Châu làm thứ sử thì tốt quá rồi, anh nên cố gắng lập công lập

nghiệp”.

Lý Thắng quay về chỗ Tào Sảng, thuật lại mọi điều tai nghe mắt thấy ở nhà Tư Mã Ý thì Tào Sảng mới tin Tư Mã Ý thực sự không còn là mối nguy hiểm của mình nữa.

Tháng Giêng năm Gia Bình nguyên niên, vua Ngụy dẫn tôn thất cùng bá quan văn võ trong triều ra ngoài thành làm lễ trước lăng mộ vua Ngụy Minh Đế. Tào Sảng cùng các huynh đệ, bè lũ thân tín cũng tiền hô hậu ủng đi theo. Lúc bấy giờ, kẻ giả bệnh nặng đã lâu là Tư Mã Ý mới phát động chính biến.

Ông cùng các con trai là Tư Mã Sư, Tư Mã Chiêu dẫn quân đến chiếm giữ vị trí chiến lược quan trọng và trọng yếu như cổng thành, kho vũ khí, đồng thời trình tấu lên thái hậu, phế truất chức đại tướng quân và tước đoạt binh quyền của Tào Sảng. Tư Mã Ý còn sai người trình lên Ngụy Đế tờ tấu yêu cầu bãi miễn Tào Sảng. Tào Sảng cùng bè lũ thân tín hoảng hốt, chưa kịp tổ chức phản công, lại nhẹ dạ tin nghe theo cáo dụ từ chức của Tư Mã Ý nên đã ngoan ngoãn giao nộp binh quyền, thúc thủ chịu trói. Khi về đến kinh thành, Tư Mã Ý chiếu theo tội danh mưu phản, tống Tào Sảng cùng bè lũ thân tín vào ngục. Không lâu sau đó, ông lại lệnh đưa tất cả ra chém đầu.

• PHÂN TÍCH THEO LÝ THUYẾT TRÒ CHƠI

Trong sử sách, những nhân vật giỏi giấu mình nhìn bề ngoài như đã “rũ sạch bụi trần”, không màng chuyện mưu tính, ăn nói thực bụng song thực tế

thì ngược lại. Trông bề ngoài họ chỉ là kẻ tầm thường, bất tài vô dụng nhưng thực tế khó có người bì kịp.

Trong trò chơi, khi đã rõ tình thế hiện giờ của bản thân cũng như ý đồ của đối phương song cơ hội vẫn chưa chín muồi, nếu muốn giành chiến thắng, bạn cần vờ nhẫn nhịn, ẩn mình, che mắt, bịt tai đối phương, đồng thời giữ kín ý đồ của bản thân.

Một phần của tài liệu TRÍ TUỆ KINH DOANH VÀ LÝ THUYẾT TRÒ CHƠI (Trang 133 - 136)