Trong khuôn khổ Hiệp định Khung, ASEAN và Trung Quốc cũng ký kết Hiệp định về Đầu tư. Việt Nam thuộc ASEAN và cũng chịu những tác động của hiệp định này. Hai nước đều có những dự án đầu tư lẫn nhau. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, mục Đầu tư trực tiếp của nước ngoài được cấp giấy phép năm 2017 phân theo đối tác chủ yếu cho thấy Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam 295 dự án, tổng số vốn đăng ký đạt 2.137,6 triệu USD. Việt Nam đầu tư trực tiếp sang Trung Quốc 20 dự án, với số vốn đăng ký đạt 15,5 triệu USD.
Về phía Trung Quốc, các nhà đầu tư nước này đầu tư trực tiếp với các dự án đầu tư mới và cả gián tiếp bằng việc góp vốn mua cổ phần. Dòng FDI của Trung Quốc vào Việt Nam chủ yếu đổ vào các lĩnh vực dệt may, da giày, khai thác khoáng sản, bất động sán,... và nhất là cơ sở hạ tầng với những dự án đường sắt quy mô lớn. Trung Quốc cũng làm những điều tương tự ở các quốc gia ASEAN khác. Điều này có thể lý giải
được thông qua nỗ lực thực hiện kế hoạch “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc.
Trong thời gian gần đây, Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư theo hướng liên doanh hoặc mua bán, sáp nhập. Các vụ mua bán trong đó Trung Quốc mua lại các dự án, công ty Việt Nam ngày càng gia tăng. Tiêu biểu có thể kể đến như vụ Alpha King bỏ tiền mua
lại dự án Ngân Bình Golden Hill Complex còn dang dở tại Thành phố Hồ Chí Minh từ Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Ngân Bình; hay China Fortune Land Development mua lại dự án Đại Phước Lotus ở Đồng Nai và nhiều thương vụ khác. Có thể thấy Trung
Quốc đang tận dụng chính sách cổ phần hóa của Việt Nam để gia tăng sức ảnh hưởng của mình trên lĩnh vực kinh tế. Hơn thế nữa, đầu tư vào Việt Nam cũng là một giải pháp
giúp Trung Quốc có thể đưa hàng hóa của mình vào Mỹ thông qua cái mác hàng Việt Nam và tránh được khoản thuế Mỹ áp lên hàng Trung Quốc khi chiến tranh thương mại còn chưa đến hồi kết.
Như vậy, về tổng thể, Việt Nam có quan hệ kinh tế về thương mại và đầu tư khá chặt chẽ đối với cả hai quốc gia Hoa Kỳ và Trung Quốc. Các mối quan hệ này này ngày càng phát triển mạnh mẽ, rộng hơn và sâu sắc hơn. Điều này có nghĩa là chiến tranh thương mại nổ ra sẽ khiến hoạt động kinh tế của các doanh nghiệp Việt Nam không tránh khỏi những ảnh hưởng cả tích cực và tiêu cực. Chiến tranh thương mại sẽ đem theo đồng thời cả những cơ hội và thách thức đến cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặt ra yêu cầu các doanh nghiệp phải nhận diện được những thời cơ và thách thức này và nhanh chóng đưa ra những biện pháp giải quyết hợp lý để duy trì sự ổn định và phát triển nền kinh tế.