Hiện nay, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, chỉ sau Trung
Quốc. Việt Nam cũng là một trong 6 nước có thặng dư thương mại lớn nhất với Hoa Kỳ
(sau Trung Quốc, Mexico, Nhật Bản, Đức và Ireland). Căng thẳng tranh chấp giữa hai cường quốc khiến chúng ta còn hy vọng và cố gắng để hàng hóa Việt Nam sẽ xuất khẩu sang Hoa Kỳ nhiều hơn nữa, thay thế lượng hàng trước đây Trung Quốc xuất khẩu sang,
nay đã bị áp thuế. Đây là một thị trường xuất khẩu tiềm năng mà nhiều nền kinh tế hướng
đến. Nhưng chúng ta cũng cần nhìn nhận một sự thật là Hoa Kỳ cũng là một thị trường phức tạp với luật pháp cực kỳ nghiêm ngặt, là nơi Việt Nam thường hay bị điều tra thương mại và bị quy là bán phá giá. Việt Nam đã từng bị Hoa Kỳ quy cho tội bán phá giá sản phẩm cá tra, cá basa nhưng căn cứ vào giá cá tra, cá basa tại Bangladesh. Các doanh nghiệp sản xuất cá của Việt Nam dù sản xuất theo đúng quy trình, công nghệ khép kín nhưng vẫn phải chịu mức thuế khổng lồ. Đó là vì chúng ta chưa được Hoa Kỳ công nhận là nền kinh tế thị trường.
Điều này giúp chúng ta nhận ra rằng, bị coi là nền kinh tế phi thị trường, mua và bán không theo quy luật của thị trường, sẽ khiến vị thế của Việt Nam yếu hẳn đi trên bàn đàm phán. Đặc biệt, khi hàng hóa Việt Nam đang xuất siêu sang Mỹ, không loại trừ
khả năng Mỹ có thể dựa vào điểm yếu này của Việt Nam để đẩy hàng hóa Việt Nam ra khỏi đất nước họ. Thực tế này là lời thúc giục Chính phủ nỗ lực vận hành nền kinh tế Việt Nam theo định hướng kinh tế thị trường, đảm bảo thỏa mãn các yêu cầu mà Hoa Kỳ đặt ra. Thực tế, nếu đảm bảo được 6 yêu cầu Hoa Kỳ đề ra với một nền kinh tế thị trường, Việt Nam sẽ không chỉ bảo vệ lợi ích của mình trong trường hợp bị kiện bán phá giá mà đồng thời cũng tận dụng được thời cơ mà chiến tranh thương mại mang tới. Cụ thể, sự minh bạch, tự do thỏa thuận lương giữa người lao động và người chủ, mức độ hoạt động cao của nhà đầu tư nước ngoài sẽ giúp Việt Nam thu hút vốn dòng vốn đầu
tư vào những dự án chất lượng tốt. Tóm lại, sau 12 năm chấp nhận gắn mác kinh tế phi thị trường kể từ lúc gia nhập WTO, năm 2019 là thời điểm chính phủ cần hành động mạnh mẽ để thúc đẩy Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường vì đây là nền kinh tế mà chúng ta đã rất cố gắng để theo đuổi suốt những năm vừa qua và vì nó sẽ mang đến cho Việt Nam sự tự tin đối mặt với cơ hội và thách thức mà chiến tranh thương mại mang đến.