Các nước tham gia chiến tranh thương mại đều có xu hướng lôi kéo các quốc gia
khác trở thành đồng minh của mình. Bằng cách này, các quyết định của họ sẽ nhận được
sự ủng hộ của nhiều nước và gây sức ép tối đa lên đối thủ. Trong cuộc song đấu này, Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng đang làm điều đó. Việt Nam có quan hệ kinh tế với cả Hoa
Kỳ và Trung Quốc, lại là cửa ngõ ASEAN nên cả hai nước đều muốn Việt Nam trở thành đồng minh của mình.
Chuyên gia kinh tế Phạm Nam Kim (2018) cũng đồng quan điểm như vậy. Ông cho rằng nếu bị lôi kéo trở thành đồng minh của một trong hai nước, chắc chắn Việt Nam sẽ chịu sự chi phối của nước đó. Hệ quả kéo theo là Việt Nam sẽ bị nước còn lại trừng phạt, gây khó dễ như cách họ làm với phe mà Việt Nam đang nghiêng theo. [6]
Trong quá khứ, khi Việt Nam ký Hiệp ước Hữu nghị và có hành động ủng hộ Liên Xô, Trung Quốc đã đưa ra đối sách trừng phạt Việt Nam rất kinh khủng về cả an ninh lẫn chính trị, kinh tế. Tuy rằng trong bối cảnh hiện nay, Trung Quốc hay Hoa Kỳ không thể tấn công Việt Nam trực diện, công khai như vậy nhưng họ hoàn toàn có thể gây khó dễ cho hoạt động kinh tế của chúng ta. Trung Quốc từng khiến du lịch Hàn Quốc điêu đứng khi nước này đồng ý các yêu cầu triển khai THAAD của Mỹ. Về phía Mỹ, ngay khi hay tin Italia quyết định trở thành một phần của kế hoạch “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc, phát ngôn viên của Nhà Trắng đã lên tiếng chỉ trích. Như vậy, có thể thấy rằng dù nghiêng về bên nào, Việt Nam cũng sẽ chịu sự chi phối
của bên đó và dễ bị mắc kẹt trong cuộc chiến với những ngón đòn không khoan nhượng
của Mỹ Trung. Vì thế, Việt Nam nên giữ thái độ trung lập, đa dạng hóa thị trường để giảm thiểu rủi ro có thể gặp phải.
Các doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế không nhỏ để làm được điều này. Đó là chính phủ đã nỗ lực đàm phán để tham gia nhiều FTA có lợi cho Việt Nam, nhất là CPTPP. Những FTA như vậy mang lại cho Việt Nam ưu đãi thuế quan rất lớn để đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu. Các doanh nghiệp nên tìm hiểu thị trường xuất khẩu tiềm năng của các đối tác tham gia FTA với Việt Nam như EU, Nhật Bản, Hàn Quoc,.... nghiên cứu tình hình tiêu thụ sản phẩm mà mình đang sản xuất ở thị trường đó, các đối thủ cạnh tranh, xu hướng tiêu dùng,... để có kế hoạch sáng tạo, sản xuất hàng hóa tốt nhất, mang hàng hóa tiếp cận người tiêu dùng tại đó. Việc này vừa giúp Việt Nam tránh được sự chi phối của Hoa Kỳ hay Trung Quốc, vừa là một giải pháp không tồi khi hàng hóa Việt Nam xuất khẩu tới hai quốc gia trên đang chịu sự cạnh tranh gay gắt.