Nhìn con người bằng thước đo nhân bản, văn học sau 1975 đã phát hiện ra sự không tương hợp giữa cá nhân với cộng đồng, giữa cá nhân với chính nó trong sự biến đổi dữ dằn của thời cuộc. Kiểu nhân vật cô đơn lạc thời, bất hòa với môi trường sống trở thành một mẫu người tương đối phổ biến trong văn xuôi, đặc biệt xuất hiện nhiều trong tác phẩm của những nhà văn viết ở cả hai giai đoạn trước và sau 1975. Với Sắm vai, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Cỏ lau, Nguyễn Minh Châu biểu hiện
khá sâu sắc sự cô đơn của con người trong khả năng tự ý thức về chính mình. Nguyễn Khải đưa ra hàng loạt cảnh báo về những vết nứt không thể hàn gắn trong gia đình. Tiến (Một cõi nhân gian bé tí), tướng Thuấn (Tướng về hưu – Nguyễn Huy Thiệp),
Trung tướng giữa đời thường (Cao Tiến Lê) cả đời trận mạc nhưng thực sự ngơ ngác “luống cuống khổ sở”, thậm chí “kinh hãi đau đớn, trước lối sống ô trọc, hỗn tạp”của đời thường.
Nhiều nhà văn nữ như Phan Thị Vàng Anh, Y Ban, Võ Thị Hảo, Nguyễn Thị Thu Huệ, Lê Minh Khuê, Dạ Ngân… gặp nhau trong nhận thức hết sức tinh tế về sự vênh lệch giữa các thế hệ trong gia đình khi cha không hiểu con, vợ không hiểu chồng, chị em không hiểu nhau (Khi người ta trẻ, Kịch câm, Chị em họ…)
Bên cạnh việc xây dựng kiểu con người cô đơn do bất hòa với thời đại và môi trường sống, văn xuôi sau 1975 còn xây dựng kiểu con người cô đơn do bị ruồng bỏ, hắt hủi. Đa số, họ là những con người vì lí do này hay lí do khác bị loại ra khỏi xã hội, bị ngăn cách trong quan hệ đồng loại, quan hệ với người thân. Họ không có nơi chốn để trở về dù gia đình họ ngay bên cạnh. Hằng (Những thiên đường mù), lão Thiệt (Ngày xửa ngày xưa), những con người khuyết tật, dị dạng, mồ côi như Đăng (Tâm hồn mẹ),
Khó (Trái tim hổ), Cún (Cún) mang nỗi đau là những kẻ lạc loài. Có thể nói, hoàn cảnh, môi trường là một tác nhân không nhỏ tạo ra sự trống trải, cô độc, lạc loài của con người ngay trong cuộc sống của chính nó. Đó cũng là một cảnh tỉnh với mỗi chúng ta, khi con người đang bị phân rã thành những mảnh vỡ rời rạc, lạc điệu, vô âm sắc.
Khi ý thức về cá nhân phát triển ở trình độ cao, con người có nhu cầu khám phá sâu vào bản thể, tự cô đơn vì vậy càng bộc lộ nhiều hơn. Không hòa mình vào nhịp sống chung của xã hội, những cái tôi của thế hệ mới tách ra, sống với những tín điều của riêng họ về giá trị đạo đức, về nhân cách, về lí tưởng. Dĩ nhiên, vì cái nhìn khác người mà cái tôi có thể phải trả giá đắt. Và cũng vì điều đó, cái tôi ấy hoàn toàn cô đơn, giữa đám đông, trong gia đình, giữa những người thân thuộc nhất. Điển hình cho tư tưởng này là Thiên sứ, (Phạm Thị Hoài), Đi tìm nhân vật, Thiên thần sám hối… (Tạ Duy Anh)…
Buồn, cô đơn cũng trở thành cảm giác thường trực trong thơ. Có nỗi buồn về thần tượng bị gẫy đổ, ảo tưởng bị tan vỡ khi nhận ra “Chúa chỉ bằng đất đá” (Nguyễn Trọng Tạo), có nỗi buồn vì cuộc sống mưu sinh làm cho con người chỉ chú ý chuyện tồn tại mà “xa dần truyện bớt dần thơ” (Nguyễn Duy) và có những trắc ẩn về riêng tư, đôi lứa: Em chết trong nỗi buồn - Chết như từng giọt sương - Rơi không thành tiếng (Lâm Thị Mỹ Dạ). Chất giọng tự thú, tự bạch trở thành gam giọng phổ biến. Tuy nhiên cũng xuất hiện không ít nỗi đau giả, những tiếng khóc vờ vì cảm xúc hời hợt và thói triết lý vặt trong thơ. Thậm chí, việc nói quá nhiều đến nỗi buồn, kể lể dài dòng về chúng một cách nông cạn đã khiến cho không ít tác phẩm rơi vào tình trạng mòn
sáo. Điều quan trọng là nhà thơ phải thể hiện được những nỗi buồn sâu sắc và thấm đầy chất nhân bản.
Nếu đem so sánh, có thể thấy trong văn học 1930-1945, đặc biệt là Thơ Mới một thời cũng chăm chú khai thác nỗi cô đơn của con người, nhưng cơ bản vẫn là cái cô đơn cá thể, cái tôi ấy bị cảm thức cô đơn bủa vây và trở nên cô độc giữa đồng loại. Nỗi cô đơn này cũng phần nào xuất hiện trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn và được thể hiện khá rõ trong văn xuôi đô thị miền Nam (1954 - 1975). Trong văn xuôi đương đại, cái cô đơn của con người cá nhân đã phát triển từ chỗ “bị cô đơn” đến chỗ “tự cô đơn”. Nói rõ hơn, đó là tâm thức hậu hiện đại, thể hiện ở sự bất tín vào những giá trị bền vững, những đại tự sự, chấp nhận những ngẫu nhiên, phi lí trong hiện tại của con người.
Như vậy, bị rơi vào hoàn cảnh cô đơn hay tự cô đơn đều là trạng thái của con người trong đời sống. Cô đơn không có nghĩa là hủy diệt, ngược lại, cô đơn đem lại thức nhận về những giá trị mà con người cần theo đuổi, gìn giữ. Dám đối mặt với nỗi cô đơn, thể hiện con người trong nỗi cô đơn, văn xuôi đã thực hiện chức năng nhân bản nhất: viết vì con người và sự sống con người.