Bên cạnh con người ý thức, con người bản năng là con người của vô thức, tiềm thức. Bên cạnh cái bề ngoài dễ nhận biết, dễ đoán định là những vùng sâu mơ hồ, ẩn mật nhất của tâm linh. Yếu tố vô thức, tâm linh chính là những thuộc tính ẩn sâu, làm nên tính bất ngờ, không dễ nhận biết của con người.
Văn học dân gian đã ghi nhận sự có mặt của vô thức với những tín ngưỡng, mẫu gốc trong thần thoại. Thời trung đại, vô thức được thể hiện trong những chi tiết có tính truyền kì như điềm báo, báo mộng… Thế kỉ XX, những biến đổi trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, đặc biệt là tư tưởng văn hóa đã làm đổi thay sâu sắc quan niệm thẩm mĩ, tư duy, nghệ thuật. Nhiều cây bút mạnh dạn khám phá cõi xa mờ, sâu thẳm, cõi mơ, cõi say, cõi hư ảo huyễn mộng của tâm hồn, tiêu biểu là Hàn Mặc Tử, nhóm Xuân Thu, Dạ Đài. Giai đoạn 30 năm vệ quốc không cho phép người nghệ sĩ ẩn sâu vào cái tôi, vì vậy cái vô thức trở nên xa vời. Hòa bình, ý thức về cái tôi như một tất yếu thúc đẩy khả năng sáng tạo, khám phá của văn chương. Vô thức, tiềm thức chính là mặt khuất, ẩn chìm, là phần thẳm sâu mà văn học trước 1975 chưa chú ý thì nay được phơi mở. Từ Nguyễn Minh Châu đến hàng loạt các nhà văn khác như: Nguyễn Huy Thiệp, Hồ Anh Thái, Tạ Duy Anh, Bảo Ninh, Võ Thị Hảo, Y Ban, Nguyễn Bình Phương, Châu Diên, Đỗ Hoàng Diệu… vô thức đã được vận dụng như một phương thức biểu đạt hiệu quả khám phá những vỉa ẩn chìm của con người. Đời sống bên trong con người được soi chiếu từ nhiều góc độ, với nhiều chiều kích khác nhau, gợi dậy cả những vùng u tối, hoang sơ nhất. Con người không còn giản đơn thuần túy, sáng suốt rạch ròi bởi lí tính, mà mơ hồ lẫn lộn, có lúc rơi vào cõi vô minh, nhập nhằng huyễn hoặc. Con người hóa ra chứa bao nhiêu bí ẩn lạ lùng, chỉ hé lộ khi người ta biết cách khơi sâu, xoay lật, tìm đến nó với cái nhìn thực sự uyển chuyển.