Bản năng tính dục

Một phần của tài liệu sáng kiến kinh nghiệm THPT21 73 (Trang 31 - 32)

Trong các sáng tác dân gian, tính dục thường đi cùng tiếng cười trào tiếu, hóm hỉnh. Sáng tác văn học viết thời trung đại cũng có đề cập đến cảnh ái ân, chăn gối, dù không đậm đặc (Thánh Tông di thảo, Hoa viên kì ngộ, Truyền kì mạn lục). Những ẩn ức tình dục, cảm quan phồn thực được thể hiện khá đậm nét, tạo thành một dấu ấn đặc biệt trong phong cách của bà chúa thơ Nôm. Tiểu thuyết Tự lực văn đoàn cũng có đề cập đến ẩn ức dục tình, mong muốn được tự do yêu đương, vượt qua khỏi sự trói buộc của lễ giáo. Giai đoạn 1945-1975, văn học tạm quên con người cá thể do nhiệm vụ đặc biệt của ba mươi năm vệ quốc, đời sống bản năng, yếu tố nhục thể vì lẽ đó gần như không được đề cập. Văn học từ sau 1975 ghi nhận sự trở lại mãnh liệt của con người cá nhân, cá thể. Con người tự nhiên bản năng được văn học chú ý khai thác. Bản năng tính dục được xem như một vấn đề thường hằng của đời sống, một phương diện không thể thiếu trong mỗi một con người. Hơn nữa, bản năng tính dục còn được xem như một đối tượng thẩm mĩ đặc thù, gắn liền quan niệm nhân bản và cái nhìn có chiều sâu triết học về con người.

Có thể nhận thấy sự thể hiện ẩn ức tính dục, hành vi tình dục, hoạt động tính giao trong hàng loạt sáng tác. Nhiều tác giả đồng thuận trong quan niệm tính dục là một nguồn sống tự nhiên vô cùng trong trẻo, thầm thào mà mãnh liệt trong mỗi một con người (Đám cưới không có giấy giá thú, Chọn chồng, Những người đàn bà – Ma Văn Kháng, Bến không chồng - Dương Hướng, Vĩnh biệt mười chín con gà trống – Nguyễn

Quang Lập, Gia đình bé mọn – Dạ Ngân, thơ của Dư Thị Hoàn, Phạm Thị Ngọc Liên, Đàm Thị Lam Luyến, Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư…). Có tác giả nhấn mạnh tình dục như một trạng thái sống có ý nghĩa nhất, một trạng thái hiện sinh đầy nhục cảm và đam mê, là con đường giải thoát những ám ảnh, ẩn ức, cô độc (Thoạt kì thủy, Người đi vắng, Ngồi – Nguyễn Bình Phương, Vân Vy- Thuận, Phiên bản – Nguyễn Đình Tú). Coi tính dục như một phần của con người tự nhiên, văn học đã thể hiện cái nhìn khá toàn diện về con người cá nhân. Đó cũng là một nét đẹp mới tạo nên đặc trưng thẩm mĩ cho văn học Việt Nam giai đoạn này. Tuy nhiên cũng không thể không thấy rằng một số tác phẩm đã chạy theo xu hướng tuyệt đối hóa vấn đề tính dục, lạm dụng yếu tố tình dục như một phương tiện để hấp dẫn người đọc, làm giảm giá trị nghệ thuật của tác phẩm.

Con người với bản năng sinh tồn và bản năng xâm hại

Tiến hành cuộc thăm dò vùng tiềm ẩn, chiêm nghiệm tầng sâu vô thức trong tâm hồn con người, bên cạnh việc quan tâm đến những ẩn ức thể hiện bản năng tính dục, văn học sau 1975, đặc biệt là văn xuôi còn chú tâm khai thác bản năng sống và bản năng xâm hại của con người. Bản năng sống là cội nguồn của ý chí sinh tồn, đem lại nghị lực, khát vọng sống mãnh liệt, giúp con người có thể vượt qua cả những hoàn cảnh ngặt nghèo nhất. Khảo sát văn xuôi sau 1975, ta nhận thấy những ẩn ức bản năng hầu như đều thể hiện trong nhiều sáng tác, tuy nhiên ám ảnh nhất vẫn là Ăn mày dĩ vãng, Nỗi buồn chiến tranh, Đi tìm nhân vật… Khao khát được “trở về nhà, bơm xe, bới rác, trông kho…” của Tuấn, ham muốn sống “một cuộc đời tật nguyền, không vợ con, không tương lai, không niềm vui nỗi buồn, vô tri vô giác nhưng còn ngàn lần hơn vĩnh viễn chui vào lòng đất, câm lặng” của Hùng đâu phải là cái tội. Đó là khát vọng sinh tồn. Đi ngược lại bản năng sinh tồn chính là bản năng xâm hại (Bản năng chết). Trong chiều hướng tiêu cực, bản năng này sẽ dẫn đến sự tự hủy diệt của cá thể. Chính cảm giác trống rỗng (Người đi vắng) đã đẩy Hoàn đến với cái chết, một hình thức tự hủy. Thảo Miên rao bán trinh tiết, vào nhà thổ, trở thành điếm cao cấp của Cảm giác thiên đường, cuối cùng, tự đốt cháy mình trong khát vọng “hóa thân thành trinh nữ”.

Rõ ràng, bản năng sống hay bản năng xâm hại đều có thể tồn tại trong mỗi một con người. Chúng ta không thể loại trừ, chối bỏ sức mạnh của nó. Tuy nhiên, chúng ta cũng không để cho mặt tiêu cực của nó chi phối, lấn át.

Một phần của tài liệu sáng kiến kinh nghiệm THPT21 73 (Trang 31 - 32)