Khi nhận thức về giá trị của cái tôi, con người cá nhân luôn có khát vọng tìm kiếm những giá trị đích thực của đời sống. Nhân vật Nhĩ (Bến quê) đã đi gần hết cuộc đời mới nhận ra rằng anh đã phiêu lãng và viển vông nơi những vùng đất xa xôi, trong khi hạnh phúc giản dị hiện tồn ngay ở bên cạnh, ở người vợ hiền, ở vẻ đẹp bình dị mà quyến rũ của một bãi bồi bên kia sông. Nhân vật của Tạ Duy Anh, Nguyễn Khải đem đến suy cảm về sự mỏng manh, hữu hạn kiếp người, để rồi tìm được câu trả lời: “Sống hết mình cho một lí tưởng cao cả là cách sống dài nhất”. Các nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư (Cải ơi, Dòng nhớ, Cuối mùa nhan sắc, …) đều tìm đến ý nghĩa của sự sống bằng cách sống như mình mong muốn. Cái mà họ theo đuổi đôi khi hết sức giản đơn mà cái giá phải trả cho nó thật nghiệt ngã. Giá trị của con người nằm ở chỗ, người ta đã nhận ra mình nên sống như thế nào để được là chính mình.
Cá nhân con người luôn có những lựa chọn khác nhau nhằm thực hiện đam mê, khát vọng. Họ có thể kiếm tìm tình yêu lí tưởng như những người phụ nữ trong truyện của Dương Thu Hương, Nguyễn Thị Thu Huệ (Cát đợi, Tình yêu ơi, ở đâu?, Hậu thiên đường, Sơ ri đắng, Tân cảng, Giai nhân). Họ cũng khao khát kiếm tìm sự nghiệp lí tưởng như Tự (Đám cưới không có giấy giá thú), họa sĩ Xuân Tư (Bán cốt – Võ Thị Hảo).
Có thể nói, tự ý thức là phẩm chất của con người trong đời sống. Khi còn ý thức về bản thể, về nhân vị, khát vọng kiếm tìm còn tiếp tục thiêu đốt họ. Khi phản ánh khát vọng tự vấn, kiếm tìm của con người, văn học sau 1975 đã thực sự khẳng định được giá trị nhân bản của nó.