Khát vọng kiếm tìm bản thể

Một phần của tài liệu sáng kiến kinh nghiệm THPT21 73 (Trang 26 - 27)

Có thể nói, để khẳng định bản sắc riêng, con người buộc phải tham gia vào cuộc kiếm tìm. Ở văn học sau 1975, con người khao khát truy tìm cái thuộc về bản ngã, thuộc về cái tôi, muốn sống thực với khao khát, thể hiện khát vọng sinh tồn, tìm lí tưởng cho chính mình, không a dua, chống lại sự mỏi mòn của công thức, của khuôn khổ định sẵn.

Trong văn học dân gian, sự kiếm tìm khởi nguồn từ khi loài người băn khoăn, muốn cắt nghĩa về nguồn gốc của mình và toàn bộ thế giới xung quanh. Ở văn học viết thời kỳ trung đại, khi con người về cơ bản bình ổn với những chuẩn mực, giá trị chung được định ra theo khuôn mẫu của cộng đồng, khát vọng kiếm tìm chỉ gắn với những con người dám hoài nghi những gì có sẵn, họ trăn trở trong hành trình tìm kiếm lí tưởng mới cho bản thân (Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát…). Đến thời kì hiện đại, văn học kiếm tìm sự tự do trong cá tính, khát vọng bứt phá khỏi những ngột ngạt của đời sống thường nhật. Đặc biệt, ở thời kỳ đương đại, con người khao khát kiếm tìm giá trị của cá nhân, của nhân cách và những hệ giá trị trong mối quan hệ người – người. Tìm những gì họ đã trải qua, đã đánh mất, nhìn nhận lại những giá trị đích thực của bản thân, đánh giá vị trí của mình trong cõi nhân sinh thế tục là hành trình muôn thuở của con người. Càng có ý thức sâu sắc về mình, con người càng khao khát tìm kiếm. Dù trong hành trình kiếm tìm ấy, có thể nó va vấp, lầm lạc, không ai hiểu và đôi khi phải trả giá rất đắt. Tuy nhiên nó chấp nhận tất cả. Bởi điều con người quan tâm là được sống theo những suy nghĩ, những chân lí của mình, tìm ra nguồn cơn sự thật, được thể hiện, khẳng định mình trong cuộc sống.

Trong văn xuôi, con người kiếm tìm đã manh nha trong tác phẩm của các nhà văn Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Ma Văn Kháng, xuất hiện nhiều trong tác phẩm của các nhà văn lớp sau: Phạm Thị Hoài, Nguyễn Huy Thiệp, Tạ Duy Anh, Phan Thị Vàng Anh, Hồ Thị Hải Âu, Y Ban, Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Bình Phương… Dù mức độ quan tâm thể hiện khác nhau nhưng các nhà văn đã có tiếng nói chung về khát vọng “tìm mình” trong cõi nhân sinh của con người.

Những trải nghiệm và những điều chưa tới có thể làm con người vừa tò mò, vừa hoang mang, hoài nghi, thậm chí tuyệt vọng, nhưng họ vẫn ra đi dù hành trình đó hầu như đều thất bại.

Thời hậu chiến, con người lâu nay quen đồng bộ, đồng bộ ở cách nghĩ, cách viết và phần nào đó cách sống, đột ngột bị đẩy vào tình thế buộc nhìn lại mặt mình: ta thấy mình không giống ai, đúng hơn – giống tất cả mọi người mà không nét nào là của mình. Thế nên, nỗi hoài nghi về sự phản ánh trung thực của diện mạo về nhân cách con người là sự ám ảnh trong nhiều bài thơ. Nhận ra cuộc đời mỗi người chỉ như

“góc diễn tấu vỉa hè hay trang trọng sân khấu thời cuộc” (Mặt – Trần Quang Quý),

các nhà thơ thể hiện khát vọng ráo riết tìm lại mặt thực, nhân cách thực của chính mình: “Mình đi tìm mặt mình đi tìm mặt mình đi tìm mặt/ Ta đói mặt người ta khát mặt ta” (Người đi tìm mặt - Hoàng Hưng). Tuyên ngôn của Trần Quang Quý: “Hãy lột chiếc mặt nạ tự phỉnh mình” (Quen) là tiếng thơ kêu đòi tự do cho cá thể bị đánh cắp, mặt người bị đánh cắp. Cách cảm nhận đó đã thể hiện một cái nhìn duy lý, biện chứng đối với cuộc sống phức tạp đa chiều chứ không phải là một cách nhìn khuôn sáo một chiều đơn giản, đồng thời cũng cho thấy sự quan tâm một cách cấp thiết của người nghệ sĩ với những vấn đề nhân bản của con người thời đại. Xét đến cùng, những tiếng gọi mặt ráo riết, cuộc trốn chạy hoảng hốt khỏi sân khấu thời cuộc, chính là sự thể hiện của một nhân cách tỉnh táo- ý thức được thực trạng, dám nhìn thẳng vào sự thật, và khát khao muốn được là mình, muốn sống thật với chính mình!

Một phần của tài liệu sáng kiến kinh nghiệm THPT21 73 (Trang 26 - 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(64 trang)