Vì mục tiêu phát triển bền vững của toàn bộ nền kinh tế Việt Nam, các giải pháp xanh thân thiện với môi trường cần được triển khai song hành với các chương trình nhiệm vụ phát triển kinh tế, phát triển ngành thủy sản. Các giải pháp xanh phải được triển khai trên toàn bị chuỗi giá trị để đạt được hiệu quả đồng bộ, bất kỳ mắt xích nào lơ là sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các mắt xích khác liền sau nó. Để Việt Nam tham gia hiệu quả hơn nữa trong chuỗi giá trị toàn cầu ngành thủy sản, đòi hỏi các đơn vị tham gia vào các hoạt động trong chuỗi phải tiến hành hoàn thiện các quy trình nuôi trồng, khai thác, chế biến,... thân thiện với môi trường, bảo vệ nguồn lợi thủy sản tương lai. Tăng cường nghiên cứu khoa học kỹ thuật là điều cần thiết phải làm để có những quy trình chuẩn mực, đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật. Ngoài việc phải cải tiến quy trình kỹ thuật, hệ thống xử lý nước thải, hoàn thiện các tiêu chuẩn trong sản xuất để hạn chế lãng phí trong chế biến, sản xuất thủy sản thì còn cần xây dựng trang trại, cơ sở sản xuất chế biến sạch sẽ, thân thiện với môi trường. Và ngay khi hoàn thiện phải tìm cách quảng bá cho thể giới biết đến, tránh những hiểu lầm hay những tin đồn có dụng tâm gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của sản phẩm thủy sản Việt Nam. Một bài học đáng nhớ đã xảy ra với con trá của Việt Nam. Cá tra là giống cá có giá trị kinh tế lớn của Việt Nam và là một trong các loại thủy sản chủ lực xuất khẩu. Tuy vậy, đã không ít lần cá tra đã bị báo giới thế giới nhất là các nước châu Âu, châu Mỹ viện cớ về vệ sinh chăn nuôi, thành phần thức ăn để nói xấu và kêu gọi tẩy chay. Chính vì lẽ đó, ngay khi đạt được các thành tựu về nuôi trồng sản xuất xanh phải nhanh chóng thông cáo báo chí trong nước và quốc tế để khẳng định chất lượng và trình độ sản xuất thủy sản của Việt Nam không chỉ chất lượng tốt mà chúng còn được sản xuất ra từ một quy trình hợp vệ sinh, thân thiện với môi trường.