Hiệu quả là một phạm trù được sử dụng rộng rãi trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội. Theo P.Samuelson và W.Nordhaus, hiệu quả được định nghĩa là “Hiệu quả sản xuất diễn ra khi xã hội không thể tăng sản lượng một loại hàng hóa mà không cắt giảm sản lượng một loại hàng hóa khác”. Quan điểm này đã đề cập đến việc phân bổ hiệu quả các nguồn lực. Trong báo cáo sinh hoạt học thuật, chuyên đề Phương pháp phân tích hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, Võ Đình Quyết có đưa ra khái niệm :
“Hiệu quả là sự liên quan giữa nguồn lực đầu vào khan hiếm (như lao động, vốn, máy móc...) với kết quả trung gian hay kết quả cuối cùng. Hiểu theo nghĩa rộng, hiệu quả thể hiện mối tương quan giữa các biến số đầu ra thu được (outputs) so với các biến số đầu vào đã được sử dụng để tạo ra những kết quả đầu ra đó ”. Với mỗi doanh nghiệp, trong
từng giai đoạn phát triển lại có những mục tiêu riêng. Hiệu quả phản ánh trình độ sử dụng nguồn lực để đạt được những mục tiêu đó, được xác định bởi tỷ số giữa kết quả và chi phí bỏ ra. Trong thời đại hiện nay, hiệu quả không chỉ được xem xét ở mặt tài chính với việc tối đa hóa lợi nhuận mà còn liên quan đến những lợi ích, giá trị tạo ra cho cộng đồng xã hội.
Ngân hàng thương mại là loại hình doanh nghiệp đặc thù, trong đó hoạt động cho vay là hoạt động chính, đem lại nguồn thu lớn. Hiệu quả hoạt động cho vay luôn là vấn đề trọng yếu, được quan tâm hàng đầu. Ngân hàng luôn thực hiện và tìm tòi những biện pháp mới để tối đa hóa hiệu quả này. Trên cơ sở khái niệm chung về hiệu quả, có thể thấy rằng hiệu quả cho vay của NHTM chính là những lợi ích mà khoản vay đó mang lại cho cả bên đi vay và bên cho vay. Hiệu quả tín dụng đánh giá khả năng hoạt động tín dụng của ngân hàng có chất lượng, hiệu quả hay không, được xem xét trên cả 3 khía cạnh: ngân hàng - doanh nghiệp và nền kinh tế.
Đứng trên góc độ ngân hàng thì hiệu quả hoạt động cho vay được thể hiện ở mức độ sinh lời cũng như độ an toàn của khoản vay. Khoản vay càng an toàn, lợi nhuận cao thì càng hiệu quả. Khi ra quyết đinh cho vay đối với một khách hàng, ngân hàng phải xem xét toàn diện các yếu tố: độ an toàn cao, ít rủi ro, sử dụng đúng mục đích, kế hoạch sử dụng vốn.
Đứng trên góc độ khách hàng, khi đi vay, họ quan tâm đến những lợi ích nhận được từ khoản vay. Bỏ ra một chi phí nhất định, khách hàng sẽ nhận lại nguồn vốn tín dụng, phục vụ cho việc mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, thỏa mãn nhu cầu. Mức độ hiệu quả thể hiện ở việc khoản vay được đáp ứng nhanh chóng, kịp thời, đúng nhu cầu, tiết kiệm thời gian chi phí.
Xét thêm góc độ kinh tế - xã hội, một khoản vay được coi là hiêu quả khi nó đáp ứng được những mục tiêu chung trong phát tri ển đất nước, tăng khả năng tiếp cận vốn của các DNVVN. Khoản vay có chất lượng cao góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập.
Hiệu quả hoạt động cho vay phải được xem xét đồng thời ở cả ba góc độ trên. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng bộ phận nào cũng muốn tối đa hóa lợi ích của mình. Bởi vậy, hoạt động cho vay phải dung hòa được lợi ích của các bên thì mới có thể phát triển bền vững. Nâng cao hiệu quả hoạt động cho vay doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng, quyết định tới sự tồn tại và phát triển của NHTM nói chung và toàn hệ thống nói riêng. Nâng cao hiệu quả cho vay khiến cho ngân hàng gia tăng khả năng sinh lời, tăng uy tín cạnh tranh, tạo vị thế trên thị trường. Nâng cao hiệu quả cho vay khiến cho các doanh nghiệp có nguồn vốn kịp thời mở rộng sản xuất kinh doanh, với chi phí thấp, thời gian nhanh chóng. Nâng cao hiệu quả cho vay là chiến lược trọng tâm, có ý nghĩa to lớn và quan trọng đối với sự phát triển của kinh tế - xã hội.
Khóa luận nghiên cứu hiệu quả cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ tại NHTM CP Quân đội chi nhánh Hưng Yên dưới cả ba góc độ: ngân hàng - doanh nghiệp - kinh tế để đưa ra những nhận xét, đánh giá cụ thể nhất, làm nền tảng nghiên cứu đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả cho vay.