a. Nhân tố chủ quan
Thứ nhất là quy mô nguồn vốn của ngân hàng. Quy mô phản ánh khả năng đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế. Bởi lẽ, một quyết định cho vay phải dựa trên hai yếu tố: Khả năng trả nợ của khách hàng, khả năng nguồn vốn của ngân hàng. Nguồn vốn ngân hàng dùng để cho vay là vốn huy động được. Công tác huy động vốn được quan tâm, chú trọng thực hiện thì quy mô vốn của ngân hàng sẽ tăng lên. Ngược lại, quy mô vốn nhỏ thì đồng nghĩa với đó là khả năng cho vay của ngân hàng giảm đi. Hơn nữa, ngân hàng sẽ phải khắt khe hơn trong việc ra quyết định cho vay, phải lựa chọn kĩ càng những khoản vay, có thể làm mất đi cơ hội phát triển thêm những khách hàng mới, có khả năng đem lại lợi ích cho ngân hàng sau này.
Thứ hai là chính sách tín dụng của ngân hàng. Chính sách tín dụng có tác động rất lớn đến hoạt động cho vay. Tất cả các hoạt động cho vay đều phải tuân thủ chặt chẽ theo quy trình tín dụng mà ngân hàng ban hành. Một chính sách tín dụng thống nhất, khoa học sẽ tạo cho cán bộ tín dụng một phương hướng đúng đắn trong phát triển khách hàng. Chính sách tín dụng phù hợp sẽ thu hút được nhiều khách hàng đến giao dịch, mở rộng quy mô cho vay. Trong chính sách tín dụng sẽ chứa đựng những quy định cụ thể, phù hợp với đặc điểm của từng ngân hàng, khu vực,... và nó tác động rất lớn đến quy mô và hiệu quả khoản vay. Chính sách tín dụng đúng đắn, rõ ràng, hợp lí sẽ đảm bảo tính an toàn và sinh lời của hoạt động cho vay trên cơ sở phân tán rủi ro, tuân thủ pháp lập, hài hòa quyền lợi giữa người đi vay và người cho vay.
Thứ ba là các hình thức cho vay. Các hình thức cho vay càng đa dạng, linh hoạt thì càng đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Đây là nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động cho vay. Nhu cầu của khách hàng không ai giống ai, nếu sản phẩm ngân hàng cứ theo một khuôn mẫu chung, đơn điệu, không có sự bứt phá, riêng biệt thì khó có thể cạnh tranh được.
Thứ tư là thông tin hoạt động cho vay. Thông tin tín dụng là tất cả những nội dung liên quan đến khách hàng, về tài chính, tài sản bảo đảm, pháp lí, quan hệ tín dụng,... Nhờ có những nguồn thông tin này mà ngân hàng có thêm cơ sở để đánh giá khách hàng, Thông tin càng cụ thể, rõ ràng thì ngân hàng càng phòng tránh được những rủi ro phát sinh. Tuy nhiên, giữa ngân hàng và khách hàng luôn có sự mất cân xứng về thông tin, cần có những biện pháp để giảm thiểu sự bất cân xứng này. Thông tin có thể thu thập từ nhiều nguồn: internet, báo chí, cơ quan chức năng, trung tâm thông tin tín dụng,... Việc thu thập thông tin đầy đủ, chính xác ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng cũng như việc ra quyết định cho vay của ngân hàng.
Thứ năm là khả năng quảng cáo, makerting. Chiến lược quảng bá sản phẩm cũng rất quan trọng. Nó tác động trực tiếp đếm tâm lí khách hàng và thu hút khách hàng. Một ngân hàng có công tác makerting tốt thì các sản phẩm dịch vụ sẽ được biết đến rộng rãi, gia tăng khách hàng, mở rộng quy mô hoạt động cho vay.
Thứ sáu là đội ngũ cán bộ nhân viên ngân hàng. Các nghiệp vụ ngân hàng ngày một đa dạng, hiện đại, đòi hỏi trình độ chuyên môn cao. Cán bộ ngân hàng phải không ngừng trau dồi kiến thức, học tập, tích lũy kinh nghiệm để có thể hoàn thành tốt công việc được giao. Hoạt động tín dụng phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nếu như cán bộ ngân hàng không nắm vững quy trình nghiệp vụ, không biết phân tích, nhìn nhận vấn đề thì không thể phát hiện ra những sai sót, bất ổn. Ngoài ra, đạo đức của cán bộ tín dụng cũng rất quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến hiệu quả cho vay.
Nhân tố chủ quan là những nhân tố mà ngân hàng có thể điều chỉnh và khắc phục được. Nó bao gồm tổng thể tất cả các yếu tố từ chiến lược, uy tín, kinh nghiệm, trình độ cán bộ tín dụng đến chính sách hoạt động. Với xu hướng hội nhập, toàn cầu hóa hiện nay, các ngân hàng cần thấy rõ những tồn tại của mình để đưa ra phương hướng khắc phục và kế hoạch phát triển trong thời gian tới.
b. Nhân tố khách quan
về phía doanh nghiệp vừa và nhỏ, các nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động cho vay của ngân hàng bao gồm: địa bàn, số lượng doanh nghiệp, ngành nghề hoạt động, nhu cầu, tiềm lực tài chính, phương án sản xuất kinh doanh, khả năng quản lí của doanh nghiệp,... Một khu vực đông đúc dân cư, có nhiều doanh nghiệp hoạt động, giao thông đi lại thuận lợi sẽ là thị trường tiềm năng của ngân hàng trong khai thác khách hàng doanh nghiệp. Ngành nghề kinh doanh đa dạng sẽ giúp cho ngân hàng đa dạng hóa được danh mục cho vay, giảm thiểu rủi ro hệ thống. Mặc dù thị trường ngân hàng hiện nay cạnh tranh rất khốc liệt, song để hạn chế rủi ro, ngân hàng vẫn đặt ra những tiêu chuẩn nhất định. Để có thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng, các doanh nghiệp phải đáp ứng được các điều kiện khắt khe do ngân hàng quy định. Tiềm lực tài chính vững mạnh là cơ sở để doanh nghiệp hoạt động, sản xuất kinh doanh, tạo ra tiền để hoàn trả cho ngân hàng. Không chỉ vậy, doanh nghiệp cũng phải có một phương án, kế hoạch kinh doanh hiệu quả, khả thi. Cũng phải thừa nhận một thực tế là các doanh nghiệp vừa và nhỏ khá yếu về vốn và phương án kinh doanh, làm ảnh hưởng đến hiệu quả khoản vay cũng như lòng tin của ngân hàng. Mặc dù vậy, vẫn có rất nhiều doanh nghiệp uy tín, nghiêm chỉnh
chấp hành quy định của ngân hàng. Các nhân tố khách quan đến từ phía doanh nghiệp rất khó kiểm soát và đánh giá, phụ thuộc nhiều vào trình độ của cán bộ tín dụng.
về môi trường kinh doanh, hoạt động cho vay chịu ảnh hưởng rất lớn từ môi trường pháp lí, kinh tế - xã hội. Tác động của môi trường kinh doanh được thể hiện qua các biến số kinh tế như: tỷ lệ lạm phát, thất nghiệp, lãi suất, tỷ giá,... Các chỉ tiêu này không chỉ tác động đến hiệu quả cho vay mà còn ảnh hưởng đến chi phí của ngân hàng, của doanh nghiệp.
Môi trường pháp lí, bao gồm những quy định điều chỉnh mọi hoạt động của ngân hàng đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhà nước đã ban hành, bổ sung điều chỉnh các văn bản liên quan như Luật Doanh nghiệp, Luật các TCTD, Luật Thương mại, các thông tư hướng dẫn liên quan,... Môi trường pháp lí thông thoáng sẽ tạo điều kiện cho hoạt động ngân hàng phát triển.
Môi trường kinh tế có ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp. Một nền kinh tế phát triển ổn định, môi trường kinh doanh thuận lợi, nhu cầu tiêu dùng gia tăng sẽ là tiền đề để các doanh nghiệp mở rộng quy mô hoạt động. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn có tiềm lực tài chính, bởi vậy, nhu cầu vay vốn ngân hàng là tất yếu. Ngược lại, giai đoạn kinh tế trì trệ, kém phát triển cũng sẽ kéo theo sự trì trệ trong hoạt động ngân hàng.
Môi trường chính trị - xã hội, sự ổn định của chính trị là cơ sở thu hút vốn đầu tư, các chủ đầu tư không thể yên tâm hoạt động, kinh doanh tại khu vực mà tình hình chính trị bất ổn, chiến tranh, biêt tình. Nhân tố xã hội ở đây chính là các tầng lớp dân cư, bao gồm: người gửi tiền, người đi vay. Phong tục tập quán cũng như trình độ văn hóa của mỗi tầng lớp là không giống nhau, ngân hàng cần có sự phân chia cụ thể theo từng bộ phận để đạt hiệu quả phục vụ tốt nhất.
về chính sách điều tiết và quản lí của nhà nước, hoạt động của hệ thống ngân hàng chịu sự kiểm soát chặt chẽ của Chính phủ và Ngân hàng nhà nước. Những chính sách mà nhà nước đưa ra trong từng thời kì có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt
động tín dụng. Tùy theo thực tế phát triển kinh tế đất nước, Chính phủ sẽ nới lỏng hay thắt chặt chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, đưa ra các quy định về lãi suất, tái cơ cấu,... Đặc biệt là những chính sách của nhà nước trong phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ có ý nghĩa to lớn trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường. Giai đoạn hiện nay, làn sóng khởi nghiệp được lan tỏa mạnh mẽ, và càng lớn mạnh hơn khi chính phủ Việt Nam ban hành một số chính sách như thuế, tài chính, tín dụng,.. hỗ trợ gián tiếp thông qua mô hình vườn ươm doanh nghiệp. DNVVN có điều kiện để phát triển là cơ hội lớn cho các ngân hàng mở rộng hoạt động tín dụng, nâng cao chất lượng cho vay.
Ngoài ra, hiệu quả cho vay cũng chịu sự ảnh hưởng của các nhân tố khách quan bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn,... Khi gặp phải rủi ro, khách hàng sẽ phải gánh chịu những tổn thất không mong muốn, khả năng trả nợ cho ngân hàng không được đảm bảo. Những nhân tố này nằm ngoài tầm kiểm soát của cả ngân hàng và khách hàng. Để duy trì hoạt động tín dụng được ổn định, ngân hàng cần có những biện pháp cụ thể, ứng phó kịp thời, trích lập dự phòng, đảm bảo tính thanh khoản của toàn hệ thống.
Tóm lại: Chương 1 đã giới thiệu và làm sáng tỏ những khái niệm cơ bản nhất về doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như hoạt động cho vay của ngân hàng. Trong chương này cũng đã đề cập đến hiệu quả hoạt động cho vay DNVVV, về khái niệm, vai trò, các tiêu chí đo lường. Có thể thấy được rằng, doanh nghiệp SME có một vai trò vô cùng quan trọng trong nền kinh tế, sự phát triển của SME kéo theo sự phát triển của cả hệ thống ngân hàng nói chung. Nâng cao chất lượng cho vay không chỉ giúp thỏa mãn nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp, mà còn góp phần tăng thu nhập, lợi nhuận cho ngân hàng, đảm bảo hoạt động cho vay an toàn, hiệu quả, thúc đẩy kinh tế phát triển ổn định.
Năm 1994 2005 2007 2010 2015 2016 2017 2018
CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG HIỆU QUẢ CHO VAY DOANH NGHIỆP VỪA VÀ NHỎ TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN QUÂN ĐỘI