Tình hình biến đổi khí hậu và tác động của biến đổi khí hậu tại Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tác động của biến đổi khí hậu tới sản xuất nông nghiệp tại huyện tân sơn, tỉnh phú thọ (Trang 39 - 47)

5. Bố cục của luận văn

1.2.2. Tình hình biến đổi khí hậu và tác động của biến đổi khí hậu tại Việt Nam

Hậu quả của BĐKH đối với Việt Nam là nghiêm trọng và là một nguy cơ hiện hữu cho mục tiêu xoá đói giảm nghèo, cho việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ và sự phát triển bền vững của đất nước. Các lĩnh vực, ngành, địa phương dễ bị tổn thương và chịu tác động mạnh mẽ nhất của biến đổi khí hậu là: tài nguyên nước, nông nghiệp và an ninh lương thực, sức khoẻ; các vùng đồng bằng và dải ven biển. Nhiệt độ tăng và tính biến động của nhiệt độ lớn hơn, kể cả các nhiệt độ cực đại và cực tiểu, cùng với biến động của các yếu tố thời tiết khác và thiên tai làm tăng khả năng phát triển sâu bệnh, dịch bệnh dẫn đến giảm năng suất và sản lượng, tăng nguy cơ và rủi ro đối với nông nghiệp và an ninh lương thực. BĐKH có tác động lớn đến sinh trưởng, năng suất cây trồng, thời vụ gieo trồng, làm tăng nguy cơ lây lan sâu bệnh hại cây trồng. BĐKH ảnh hưởng đến sinh sản, sinh trưởng của gia súc, gia cầm, làm tăng khả năng sinh bệnh, truyền dịch của gia súc, gia cầm.

Việt Nam đứng thứ 13 trong số 16 nước hàng đầu sẽ phải chịu tác động mạnh của hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu trong 30 năm tới - báo cáo mới nhất của cơ quan phân tích rủi ro Maplecroft (Anh) nhận định. Việt Nam nằm trong 10 nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH 20 năm qua vì bão, lũ và sạt lở đất (chuồi), theo Chỉ số Rủi ro Khí hậu do tổ chức Germanwatch (Đức) công bố tháng 12/2015. Trong đó, ĐBSCL là 1 trong 3 đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng, bên cạnh đồng bằng sông Nile (Ai Cập) và đồng bằng sông Ganges (Bangladesh). Tác động của BĐKH đến Việt Nam rất nghiêm trọng, là nguy cơ hiện hữu đối với mục tiêu xoá đói giảm nghèo, mục tiêu thiên niên kỷ và sự phát triển bền vững. Theo Ủy ban liên chính phủ về BĐKH, khi nước biển dâng cao 1m, ước chừng 5,3% diện tích tự nhiên, 10,8% dân số, 10,2% GDP, 10,9% vùng đô thị, 7,2% diện tích nông nghiệp và 28,9% vùng đất thấp sẽ bị ảnh hưởng. Theo số liệu quan trắc, biến đổi khí hậu ở Việt Nam có những điểm đáng lưu ý sau:

- Nhiệt độ:biến đổi nhiệt độ tương đối lớn vào các tháng mùa đông, lớn nhất vào các tháng chính đông (12, 1, 2), tương đối nhỏ vào các tháng mùa hạ, nhỏ nhất vào các tháng chính hạ (6, 7, 8). Biến đổi nhỏ nhất là nhiệt độ trung bình năm, phổ biến có độ chênh lệch tiêu chuẩn là 0.3-0.6°C (Nguyễn Đức Ngữ, 1996).

- Mức biến đổi phụ thuộc vào khu vực địa lý và điều kiện cụ thể của từng mùa. Về mùa đông, các khu vực có độ chênh tiêu chuẩn khoảng 1-2°C, giảm từ Bắc vào Nam, Về mùa hè biến đổi ít và khá đồng đều trên các khu vực, khoảng 0.4-0.8°C.

- Biến đổi nhiệt độ không khác biệt đáng kể giữa các vùng núi cao và các vùng núi thấp, giữa hải đảo và vùng đất cận kề (Nguyễn Đức Ngữ, 1996). Trong khoảng 50 năm qua (1951 - 2000), nhiệt độ trung bình năm ở Việt Nam đã tăng lên 0,7oC. Nhiệt độ trung bình năm của 4 thập kỷ gần đây (1961 - 2000) cao hơn trung bình năm của 3 thập kỷ trước đó (1931 - 1960).

Nhiệt độ trung bình năm của thập kỷ 1991 - 2000 ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh đều cao hơn trung bình trung bình của thập kỷ 1931 - 1940 lần lượt là 0,8; 0,4 và 0,6oC. Năm 2007, nhiệt độ trung bình năm ở cả 3 nơi trên đều cao hơn TB của thập kỷ 1931 - 1940 là 0,8 - 1,3oC và cao hơn thập kỷ 1991 - 2000 là 0,4 - 0,5oC.

- Lượng mưa: Trên cùng một địa điểm, biến đổi lượng mưa của tháng mưa nhiều lớn hơn các tháng mưa ít. Biến đổi lượng mưa năm vượt xa biến đổi của lượng mưa tháng xét về trị số tuyệt đối Biến đổi của mùa mưa rõ rệt hơn nhiều so với biến đổi mùa nhiệt.

- Nhiều năm lượng mưa trong một số tháng mùa khô có thể dao động trong phạm vi 3-4 tháng hoặc đến 4-6 tháng như ở duyên hải Trung Bộ. Thời gian cao điểm của mùa mưa có thể có là một trong 5-6 tháng mùa mưa, từ tháng 5-9 ở Bắc Bộ, Nam Bộ… và hạn hẹp hơn đôi chút ở ven biển duyên hải Trung Bộ. Lượng mưa trung bình giữa các thập kỉ khác nhau rất rõ, về trị số năm cũng như về trị số tháng hay mùa.

- Mực nước biển: Theo số liệu quan trắc trong khoảng 50 năm qua ở các trạm Cửa Ông và Hòn Dấu cho thấy, mực nước biển trung bình đã tăng lên khoảng 20cm.

- Số đợt không khí lạnh (KKL) ảnh hưởng tới Việt Nam giảm đi rõ rệt trong hai thập kỷ gần đây (cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI). Năm 1994 và năm 2007 chỉ có 15-16 đợt KKL, bằng 56% trung bình nhiều năm. 6/7 trường hợp có số đợt KKL trong mỗi tháng mùa đông (XI-III) thấp dị thường (0-1 đợt) cũng rơi vào 2 thập kỷ gần đây (3/1990, 1/1993, 2/1994, 2/1997, 11/1997). Một biểu hiện dị thường gần đây nhất về khí hậu trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu là đợt KKL gây rét đậm, rét hại kéo dài 38 ngày trong tháng 1 và tháng 2 năm 2008 gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp.

- Bão: Những năm gần đây, số cơn bão có cường độ mạnh nhiều hơn, quỹ đạo bão dịch chuyển dần về các vĩ độ phía Nam và mùa bão kết thúc muộn hơn, nhiều cơn bão có quỹ đạo di chuyển dị thường hơn.

Việt nam là nước nông nghiệp với 75% dân số sống bằng nghề nông nghiệp và 70% lãnh thổ là nông thôn. Sản xuất nông nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên. Quy mô sản xuất nông nghiệp chủ yếu theo hộ gia đình, nhỏ lẻ, trình độ khoa học chưa cao chính vì vậy đó là một thách thức lớn dưới tác động của BĐKH.

*Tác động của nước biển dâng

Việt Nam có 3.260 km bờ biển với 28/64 tỉnh, thành phố có biển. Kinh tế biển đã trở thành một yếu tố quan trọng không thể thiếu trong chiến lược phát triển kinh tế đất nước. Biến đổi khí hậu tác động mạnh mẽ đến đời sống con người, song đối với một nước có đường bờ biển dài và hai đồng bằng châu thổ lớn thì mối đe doạ do biến đổi khí hậu và nước biển dâng cao sẽ thực sự nghiêm trọng.

Theo kịch bản về biến đổi khí hậu và nước biển dâng của ngân hàng thế giới WB (2007), Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất trong khu vực Đông Á khi nước biển dâng từ 1-5m.

Sự tác động của nước biển dâng đang có xu hướng làm hẹp dần diện tích đất nông nghiệp của nước ta, đặc biệt là các vùng đất ven biển. Với tình hình như vậy, dự báo đến năm 2100 sẽ có khoảng 90% diện tích trồng lúa trên ĐBSCL bị ngập hoàn toàn. Tại vùng đồng bằng duyên hải Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ mực nước biển dâng sẽ thu hẹp diện tích rừng ngập mặn, gây khó khăn cho ngành nuôi trồng thủy sản. Nếu không có kế hoạch đối phó phần lớn diện tích đất ở ĐBSCL sẽ ngập trắng nhiều thời gian trong năm và ước tính thiệt hại lên đến 17 tỷ USD.

Theo dự báo của văn phòng quản lý điều tra tài nguyên biển và môi trường (Bộ tài nguyên và môi trường, 2010), ở Việt Nam, mực nước biển sẽ dâng cao từ 3 đến 15 cm năm 2010 và từ 15-90 cm vào năm 2070. Các vùng ảnh hưởng gồm có Cà Mau, Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình. Cũng theo dự báo này, nếu mực nước biển dâng cao 1m thì 23% dân số sẽ thiếu đất.

* Tác động do bão lũ

Thay đổi khí hậu làm gia tăng thiên tai ở nhiều vùng miền của Việt Nam. Điều này được thể hiện qua hiện tượng bão lũ lụt xảy ra liên tiếp tại khu vực duyên hải miền trung Việt Nam những năm gần đây.

Nghiên cứu về tác động của BĐKH tới tăng trưởng và phát triển kinh tế ở Việt Nam IMHEN (2011) cho biết: giữa năm 1954 và 2000, trung bình có 6,9 cơn bão/ năm ảnh hưởng tới đất liền dọc theo bờ biển Việt Nam. Cấp độ gió mạnh và mực nước biển dâng kết hợp với các cơn bão gây ra phá hủy lớn đối với vùng Duyên Hải. Lượng mưa đi kèm với các cơn bão gây ra lũ lụt. Hậu quả của các cơn bão, lũ là phá hủy hàng ngàn ha đất sản xuất nông nghiệp và gây thiệt hại mùa màng.

Năm 2014, cả nước xảy ra 5 cơn bão, 3 đợt áp thấp nhiệt đới, kéo theo 170 trận lốc xoáy, mưa đá cùng với 30 trận lũ quét và sạt lở đã làm chết và mất tích 133 người, 145 người bị thương, gần 2.000 căn nhà bị sập, đổ, nước cuốn trôi và gần 43.000 căn nhà bị ngập, hư hại tốc mái, song song đó, có trên 230.000 hécta lúa, hoa màu bị thiệt hại và hàng triệu mét khối đất đá, công trình giao thông bị hư hại, ước tính thiệt hại về vật chất khoảng 2.830 tỷ đồng.

* Tác động của nhiệt độ cực đoan, hạn hán, rét đậm

Trong báo cáo lần thứ V của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu, IPCC (2013) về giới thiệu kịch bản BĐKH, nước biển dâng có đánh giá: tốc độ BĐKH gia tăng theo hướng cực đoan hơn so với các đánh giá trước đây, đặc biệt là các hiện tượng cực đoan liên quan đến nhiệt độ.

Theo báo cáo của Oxfam (2008) thì ở miền Bắc, trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia ghi nhận trận rét chưa từng có kéo dài 38 ngày, phá kỷ lục trận rét dài 31 ngày năm 1989. Nhiệt độ xuống thấp dưới 100 C. Thời tiết rét đậm, rét hại phá hỏng ít nhất 100.000 ha lúa, chết hơn 60.000 gia súc, thiệt hại ước tính gần 30 triệu USD.

Những năm gần đây các tỉnh ĐBSH liên tục phải đối phó với tình trạng hạn hán gay gắt trong vụ Đông Xuân do mực nước sông Hồng liên tục xuống thấp dưới mức lịch sử. Trung bình trong vòng 10 năm qua diện tích bị khô hạn ở miền Trung lên đến 140.000 ha và mất trắng gần 50.000 ha.

Theo báo cáo mới nhất của cục thủy lợi, bộ NN& PTNT (2009). Hạn hán đã gây thiếu nước cho trên 120.000 ha đất cánh tác, tập trung ở hầu hết các tình Tây Nguyên, Ninh Thuận, Bình Thuận. Năm 2015 hạn hán xảy ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh, làm gần 40.000 ha đất nông nghiệp phải dừng sản xuất do thiếu nước, diện tích cây trồng bị hạn lên tới 122.000 ha và hàng chục nghìn người bị thiếu nước sinh hoạt.

Ngoài ra hạn hán làm cho dịch bệnh trên cả hai đối tượng cây trồng và vật nuôi diễn biến phức tạp, một số bệnh mới như rầy nâu nhỏ, rầy lưng trắng gây bệnh lùn sọc đen ở ngô và lúa, các bệnh như vàng lùn, xoắn lá, thối thân, gốc xuất hiện ngày càng nhiều và trên diện rộng.

* Tác động của xâm nhập mặn

Theo kết quả nghiên cứu của Cục quản lý tài nguyên nước (2013), trong 3 năm tới có khoảng 1.605.000 ha đất bị xâm nhập mặn chiếm gần 41% diện tích toàn ĐBSCL, tăng 2551 ha so với thời kỳ nền 1991-2000.

Theo thống kê chỉ tính năm 2015, gần đây nhất tỉnh Tiền Giang có khoảng 700 ha lúa chết vì thiếu nước ngọt. Còn vùng U Minh Thượng lúa chết 34.000 ha nhưng vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Một số địa phương có có diễn biến xâm nhập mặn đến mức báo động là: Kiên Giang, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau, Trà Vinh, Hậu Giang.

Dưới tác động của BĐKH, chỉ trong 10 năm gần đây, các loại thiên tai như: bão, lũ, sạt lở đất, úng ngập, hạn hán, xâm nhập mặn... đã gây thiệt hại đáng kể, làm chết và mất tích hơn 9.500 người, thiệt hại về tài sản ước tính 1,5% GDP/năm.Nhận thức được các nguy cơ và thách thức của BĐKH, Việt Nam đã chủ động triển khai xây dựng và ban hành một cách hệ thống các chủ

trương, chính sách nhằm ứng phó có hiệu quả với tác động của BĐKH. Ngày 3/6/2013 tại Hội nghị lần 7, BCH TƯ khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 24- NQ/TW về “Chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”. Nghị quyết là cơ sở cho việc thống nhất nhận thức và hành động, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, bố trí nguồn lực của Nhà nước về ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, hướng tới mô hình phát triển mới để đạt được nền kinh tế xanh, phát triển bền vững ở nước ta trong tương lai.

Để triển khai đồng bộ, Chính phủ cũng ra Nghị quyết số 08/NQ-CP (23/1/2014) ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24- NQ/TW của Đảng, nhằm mục tiêu đến 2020, về cơ bản chủ động được trong thích ứng với BĐKH, phòng tránh thiên tai, kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường, chủ động ứng phó với BĐKH, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia.

Căn cứ vào các chủ trương, chính sách ứng phó với BĐKH đã đề ra, thời gian qua, các cơ quan trung ương và địa phương đã hành động tích cực nhằm hiện thực hóa chủ trương, chính sách thành các giải pháp ứng phó với BĐKH như: Tuyên truyền, phổ biến, tạo sự chuyển biến về nhận thức, nâng cao ý thức ứng phó với BĐKH; Đổi mới, hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực thi chính sách, phát luật về ứng phó với BĐKH; Kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước, phát triển nguồn nhân lực về ứng phó với BĐKH; Phát huy vai trò của khoa học và công nghệ trong ứng phó với BĐKH; Đẩy mạnh hợp tác, hội nhập quốc tế và mở rộng đối tác chiến lược về ứng phó với BĐKH như đẩy mạnh tham gia các điều ước quốc tế, thỏa thuận song phương, đa phương về BĐKH, chủ động xây dựng các thỏa thuận, hiệp định đa phương và song phương, tăng cường vai trò của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế về BĐKH cũng như chủ động hợp tác với các quốc gia phát triển về BĐKH như Hà Lan

để xây dựng Kế hoạch châu thổ ĐBSCL...; Tăng cường huy động nguồn lực tài chính cho ứng phó với BĐKH như tăng đầu tư và chi thường xuyên từ ngân sách Nhà nước cho công tác ứng phó BĐKH, khai thác hiệu quả nguồn hỗ trợ phát triển chính thức…

Nói chung, để thích ứng với BĐKH, Việt Nam đã triển khai rất nhiều mô hình nhà đa năng tránh bão, lũ; kè, kênh thủy lợi kết hợp đường giao thông nông thôn; xử lý nước mặn thành nước ngọt; trồng rừng ngập mặn ven biển, trồng rừng và bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn, xây dựng hệ thống cảnh báo thiên tai… kết hợp giải pháp sinh kế cho người dân. Bên cạnh đó, tăng cường nâng cao nhận thức cho cộng đồng bằng các hoạt động bảo vệ môi trường; tuyên truyền kiến thức về BĐKH đến rộng rãi nhân dân, giúp họ hiểu đúng bản chất của BĐKH để thích nghi, chủ động điều chỉnh hành vi, tiến tới sống chung với BĐKH.

Chương 2

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tác động của biến đổi khí hậu tới sản xuất nông nghiệp tại huyện tân sơn, tỉnh phú thọ (Trang 39 - 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)