5. Bố cục của luận văn
3.1.1. Đặc điểm tự nhiên
3.1.1.1. Vị trí địa lý
Tân Sơn là huyện miền núi được thành lập theo Nghị định số 61/2007/NĐ-CP ngày 09/04/2007 của Chính phủ trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính huyện Thanh Sơn để thành lập huyện: Thanh Sơn và huyện Tân Sơn.
Huyện Tân Sơn nằm về phía Tây Nam của tỉnh Phú Thọ, phía Bắc giáp huyện Yên Lập, phía Đông giáp huyện Thanh Sơn tỉnh Phú Thọ, phía Nam giáp huyện Đà Bắc tỉnh Hòa Bình, phía Tây giáp huyện Văn Chấn tỉnh Yên Bái và huyện Phù Yên tỉnh Sơn La. Trung tâm huyện lỵ nằm tại xã Tân Phú có trục đường Quốc lộ 32A chạy qua, cách thành phố Việt Trì 75km, cách thủ đô Hà Nội 117km, vị trí địa lý thuận lợi cho giao thương giữa huyện với các trung tâm kinh tế, chính trị lớn của tỉnh và của cả nước. Huyện Tân Sơn có diện tích tự nhiên 68.984,58 ha, dân số trung bình năm 2016 hơn 80 nghìn người gồm 8 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đ: dân tộc thiểu số chiếm 82,3% (Dân tộc Mường chiếm 75%, Dao 6,4%, H’Mông 0,67%...). Tân Sơn có 17 xã, bao gồm các xã: Minh Đài, Tân Phú, Mỹ Thuận, Thu Ngạc, Thạch Kiệt, Thu Cúc, Lai Đồng, Đồng Sơn, Tân Sơn, Kiệt Sơn, Xuân Đài, Kim Thượng, Xuân Sơn, Văn Luông, Long Cốc, Tam Thanh, Vinh Tiền. Trong đó có 14/17 xã đặc biệt khăn, thuộc vùng II.
3.1.1.2. Địa hình và diện tích tự nhiên
Tân Sơn là một huyện miền núi của tỉnh Phú Thọ có địa hình tương đối phức tạp và nhiều đồi núi dốc. Đây là mặt khó khăn của huyện trong việc phát triển cơ sở hạ tầng và giao thông vận tải. Có thể chia thành 4 dạng địa hình như sau:
- Địa hình núi đá phía Tây và Tây Nam.
- Địa hình núi đá dốc từ 250C đến 300C chiếm 70% diện tích tự nhiên. - Các dải thung lũng hẹp chiếm 3,5%.
- Các dải thoải có độ dốc từ 150C đến 200C có khoảng 4000ha.
Huyện Tân Sơn nằm trên địa bàn kết thúc dãy Hoàng Liên Sơn, có địa hình khá phức tạp: độ dốc cao, bị chia cắt bởi các chi lưu của hệ thống sông Bứa nên có nhiều suối và khe lạch, đất cho sản xuất nông nghiệp rất ít. Bên cạnh đó tình trạng sạt lở, lũ ống, lũ quét thường xảy ra cục bộ, nên đói nghèo đeo đẳng mãi người dân nơi đây, tập trung chủ yếu ở đồng bào dân tộc thiểu số.
Huyện Tân Sơn có diện tích đất tự nhiên năm 2015: 68.984,58 ha; diện tích đất nông nghiệp: 11.352 ha; diện tích đất sản xuất nông nghiệp: 5.382,35 ha. Trong đó: Đất cây trồng hàng năm là 2.586,4 ha; đất trồng lúa 2.433,5 ha; đất trồng cây lâu năm 2.796 ha. Đất lâm nghiệp có rừng 54.874 ha; Trong đó: rừng sản xuất 30.811,5 ha, rừng phòng hộ 14.553,4 ha; đất nuôi trồng thuỷ sản 94,25 ha; đất rừng đặc dụng 9.509,47 ha. Diện tích đất phi nông nghiệp là 2.675,17 ha. Theo kết quả tổng hợp trên bản đồ thổ nhưỡng 1/25.000 của huyện, trên địa bàn huyện Tân Sơn có 13 loại đất chính phù hợp với nhiều loại cây trồng phát triển tốt như cây nguyên liệu giấy, chè, cây lấy gỗ và chăn nuôi gia súc như: trâu, bò, dê, lợn...
3.1.1.3. Khí hậu, thủy văn và sông ngòi
Tân Sơn nằm trong vùng khí hậu Trung du Bắc Bộ nhưng có ảnh hưởng mạnh của khí hậu Tây Bắc, có nét điển hình của khí hậu nhiệt đới gió mùa.
Nhiệt độ không khí trung bình qua các năm là 23,3°C (Nhiệt độ cao tuyệt đối là 42,3°C và nhiệt độ thấp tuyệt đối là 3,1°C), mùa khô hạn kéo dài từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau. Tháng 4, 5, 6, 7 chịu ảnh hưởng của gió Tây Nam, nhiệt độ trong các tháng này nhiều khi lên tới 39 - 40°C; tháng 8, 9 thường có mưa bão, lốc xoáy gây lũ quét, lũ ống sạt lở đất; mùa đông có sương muối, giá rét, nhiệt độ xuống dưới 5°C.
Hệ thống sông Bứa và các chi lưu của nó tỏa rộng ra khắp vùng, các chi lưu lớn phân bố đều là sông Chôm (xã Văn Luông), sông Giày (Minh Đài), sông Gôm (Thu Ngạc).
Đồi núi, sông suối, khe lạch nhiều thuận lợi cho phát triển cây lâm nghiệp và nông nghiệp, nhưng giao thông đi lại khó khăn, khí hậu giá rét, sương muối nên ảnh hưởng đến canh tác nông nghiệp, trồng trọt một năm chỉ canh tác được 2 vụ lúa và thường phải cấy muộn, chăn nuôi thì thường sảy ra hiện tượng trâu, bò, lợn, gà chết rét hàng loạt. Nên có thể nói địa hình, khí hậu, thủy văn, sông ngòi không phải là điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội giảm nghèo bền vững.