Tác động đến ngành chăn nuôi

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tác động của biến đổi khí hậu tới sản xuất nông nghiệp tại huyện tân sơn, tỉnh phú thọ (Trang 76 - 80)

5. Bố cục của luận văn

3.3.3. Tác động đến ngành chăn nuôi

Đối với chăn nuôi theo kiểu tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp thì biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả. Kết quả điều tra hộ đã chỉ ra rằng: BĐKH đã gây ra những tác động trực tiếp đến chăn nuôi, đó là tăng các loại bệnh tật, ảnh hưởng đến quy mô nuôi, đồng thời nó cũng gây ra những tác động gián tiếp đến nguồn thức ăn, giảm năng suất và tăng chi phí sản xuất.

* Tác động của BĐKH đến nguồn thức ăn chăn nuôi

Như đã nói ở trên, chăn nuôi ở đây phụ thuộc rất lớn vào nguồn phụ phẩm nông nghiệp. Đó là nguồn thức ăn chính của các hộ chăn nuôi tại đây, đặc biệt là những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ từ 1 - 3 con.

Hình 3.7: Quan điểm của người dân về tác động của BĐKH đến nguồn thức ăn chăn nuôi

BĐKH đã làm nguồn thức ăn xanh của vật nuôi bị giảm sút. Những vật nuôi mà thức ăn chủ yếu phụ thuộc vào tự nhiên sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất là: trâu, bò. Nhiệt độ cao và không mưa, nên các loài thực vật không sinh trưởng tốt, đặc biệt là cỏ tự nhiên càng cằn cỗi và khan hiếm hơn. Theo kết quả điều tra có 92,14% hộ cho rằng hạn hán tác động đến nguồn thức ăn của bò và 83,14% đối với trâu.

Riêng đối với những vật nuôi có nguồn thức ăn thay thế thì sẽ giảm được tác động của hạn hán. Ví dụ như lợn, ngoài nguồn rau khoai lang (bị khan hiếm vào mùa khô, như đã phân tích ở trên) thì thức ăn công nghiệp cũng đã được sử dụng nhiều ở các gia đình. Lợi thế của thức ăn công nghiệp là không cần chế biến, vì thế làm giảm chi phí lao động để chuẩn bị cho lợn ăn. Nhưng thực tế cũng cho thấy, sử dụng thức ăn công nghiệp sẽ không có lãi đối với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Vì thế tỷ lệ những hộ dùng rau khoai lang làm thức ăn chính vẫn chiếm tỷ lệ lớn tại các hộ điều tra.

Đối với trâu, bò để đảm bảo nguồn thức ăn cho gia súc vào mùa khô hạn thì người dân buộc lòng phải giảm quy mô nuôi xuống, chủ yếu người ta nuôi trâu bò để lấy phân chuồng dùng cho trồng trọt và cày kéo.

* Tác động của BĐKH đến dịch bệnh đối với vật nuôi

Thời tiết thay đổi dễ gây bùng phát và lây lan dịch bệnh. Quan điểm của người dân về tác động của BĐKH tới dịch bệnh của vật nuôi được thể hiện qua hình 3.8.

Từ hình 3.8 ta thấy trâu, bò là 2 đối tượng người dân cho rằng dịch bệnh gia tăng nhiều khi trời lạnh. Thời tiết thay đổi, cỏ bị sương muối khiến cho trâu bò ăn vào bị lỡ mồm long móng. Trong khi đó, hình thức chăn nuôi của đa phần người dân tại địa bàn nghiên cứu là chăn thả. Vì thế, trời rét làm nguồn thức ăn bị hạn chế, lại không có chế độ thức ăn bổ sung. Do vậy, 88,2- 92,14% hộ được phỏng vấn cho rằng vật nuôi bị bại liệt, gầy yếu và chết do rét đậm rét hại kéo dài và chuồng trại chưa được kiên cố.

Hình 3.8: Quan điểm của người dân về tác động của BĐKH đến dịch bệnh đối với vật nuôi

Nguồn: Tổng hợp số liệu điều tra của tác giả

Rét kéo dài làm lợn con bị còi cọc, mắc các bệnh về đường tiêu hóa, ỉa chảy. Nhiệt độ thay đổi làm lợn rất dễ mắc bệnh lỡ mồm long móng . Bệnh làm chết lợn con, sảy thai đối với lợn có thai, và làm giảm năng suất, chất lượng thịt. Bệnh lây lan rất nhanh và không có thuốc đặc trị nên gây thiệt hại kinh tế của người chăn nuôi. Có 88,25% số hộ được phỏng vấn cho rằng dịch bệnh của lợn tăng do lạnh.

Gà vịt cũng bị ảnh hưởng bởi trời lạnh, trời lạnh làm gia cầm con bị chết rét do không có sức đề kháng. Thời tiết đang mát mẻ, tạnh ráo gặp mưa lạnh kéo dài làm gia cầm bị dịch tả, toi gà. Bệnh lây lan nhanh ra toàn đàn gia cầm nếu không có phương pháp phòng tránh thích hợp.

* Tác động của BĐKH đến năng suất vật nuôi

Nguồn thức ăn, sức đề kháng, dịch bệnh tấn công là những thứ ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất vật nuôi. Tác động của BĐKH được thể hiện qua bảng 3.9 sau:

Hình 3.9: Quan điểm của người dân về tác động của BĐKH đến năng suất vật nuôi

Đơn vị: %

Vật nuôi Năng suất

Tăng Giảm Bình thường

Lợn 20,7 26,8 52,5

Trâu 15,8 62,1 22,1

Bò 25,7 64,8 9,5

Gà 34,6 20,7 44,7

Vịt 17,8 54,7 27,5

Nguồn: Tổng hợp số liệu điều tra của tác giả

Nhìn vào bảng ta thấy trâu bò là vật nuôi được người dân cho rằng giảm năng suất lớn nhất bởi lúc khô hạn, khả năng chịu đựng kém cộng với việc thiếu thức ăn trầm trọng sẽ làm suy kiệt và làm giảm năng suất rất lớn. Hơn nữa, hạn hán thường gây ra các vụ cháy, cây cỏ là thức ăn của trâu bò như rơm rạ có thể khô và dễ cháy dẫn đến khan hiếm nguồn thức ăn cho trâu bò, cộng với tình trạng thiếu nước càng khiến trâu bò không thể cầm cự qua mùa hạn hán.

Riêng đối với vịt, loài thích nước và thức ăn tanh, tỷ lệ người được phỏng vấn trả lời giảm năng suất chiếm 54,7%. Bởi vì, hạn hán làm nguồn nước bị suy giảm, các ao đầm bị khô. Vì thế, làm giảm năng suất và quy mô nuôi của nông hộ.

Đối với gà, thì tùy thuộc vào từng điều kiện của nông hộ, những hộ có cơ sở vật chất chuồng trại, cũng như đầu tư chăm sóc thì năng suất tăng, những hộ không có điều kiện chăm sóc thì năng suất giảm. Tuy nhiên, đa phần người dân vẫn cho rằng năng suất của gà vẫn bình thường, với tỷ lệ người được phỏng vấn trả lời chiếm 44,7%.

Riêng lợn được cho là vật nuôi có khả năng tăng năng suất vào mùa khô hạn, có đến trên 20,7% người được hỏi đồng ý lợn tăng năng suất. Điều này được lý giải bởi các điều kiện về chuồng trại chống nóng, những kỹ thuật chăm sóc phù hợp làm lợn ít bị ảnh hưởng bởi điều kiện bên ngoài.

Có thể nói hạn hán tác động lên năng suất của tất cả các loại vật nuôi, nhưng đối với mỗi loại vật nuôi và điều kiện nông hộ khác nhau sẽ ảnh hưởng khác nhau đến năng suất từng vật nuôi. Điều này cũng ảnh hưởng đến quy mô nuôi của nông hộ. Thông qua thảo luận nhóm và phỏng vấn hộ chỉ ra rằng: quy mô vịt thường giảm vào mùa hè, nhưng với gà lại có xu hướng tăng. Riêng đối với trâu, bò và lợn thì hầu như ít thay đổi, đặc biệt là trâu, bò bởi chúng là những loài sinh trưởng chậm và quy mô nuôi cũng không lớn, nên họ chỉ quan tâm đến thời điểm nào đạt đến độ lớn có thể bán.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tác động của biến đổi khí hậu tới sản xuất nông nghiệp tại huyện tân sơn, tỉnh phú thọ (Trang 76 - 80)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)