Hoạt động dạy: là sự tổ chức, hướng dẫn tối ưu quá trình học sinh lĩnh hội tri thức, hình thành và phát triển năng lực, nhân cách. Vai trò chủ đạo của hoạt động dạy là tổ chức, hướng dẫn việc học tập của học sinh, giúp học sinh nắm bắt kiến thức đồng thời hình thành kỹ năng, thái độ. Hoạt động dạy có hai chức năng là truyền đạt kiến thức, định hướng quá trình nắm bắt kiến thức theo nội dung chương trình quy định bằng phương pháp phù hợp [28, tr.36].
Hoạt động học: là quá trình tự điều khiển tối ưu sự chiếm lĩnh khái niệm khoa học, qua đó hình thành cấu trúc tâm lý mới, phát triển nhân cách [28, tr.36].
Hoạt động dạy học dùng ở đây được hiểu là dạy học trong nhà trường – một bộ phận của hoạt động giáo dục tổng thể chứ không hàm ý nói đến dạy học nói chung (dạy học trong cuộc sống).
Khi xem xét HĐDH, có nhiều cách tiếp cận khác nhau như tiếp cận hướng vào hoạt động dạy của thầy hoặc tiếp cận hướng vào hoạt động học của trò. Dạy học hướng vào hoạt động học của trò thì trọng tâm của HĐDH được đặt vào hoạt động học của HS chứ không phải vào hoạt động dạy của GV. Nói cách khác, GV là người tạo ra việc học, gợi cho HS khám phá và tạo dựng kiến thức, tạo ra các môi trường học tập mạnh mẽ; nâng cao chất lượng học tập, v.v…
Theo tác giả B.P.Exipop “Hoạt động dạy học là quá trình gồm hai hoạt động thống nhất biện chứng: hoạt động dạy của giáo viên và hoạt động học của học sinh. Trong đó dưới sự lãnh đạo, tổ chức, điều khiển của giáo viên, người học tự giác, tích cực tự tổ chức, tự điều khiển hoạt động học tập của mình nhằm thực hiện những nhiệm vụ dạy học. Trong quá trình dạy học, hoạt động dạy của giáo viên có vai trò chủ đạo, hoạt động học của học sinh có vai trò tự giác, chủ động, tích cực. Nếu thiếu một trong hai hoạt động trên, quá trình dạy học không diễn ra” [5, tr.57].
Theo tác giả Hoàng Anh thì “ Hoạt động dạy học của giáo viên là một mặt của hoạt động sư phạm. Trước đây, người ta hiểu hoạt động sư phạm chỉ là hoạt động của người thầy. Người thầy đóng vai trò trung tâm trong quá trình dạy và học. Trong hoạt động sư phạm, người thầy chủ động từ việc chuẩn bị nội dung giảng dạy, phương pháp truyền thụ, đến những lời chỉ dẫn, những câu hỏi, v.v. Còn học sinh (HS) tiếp nhận thụ động, học thuộc để “trả bài”. Người thầy giữ “chìa khoá tri thức”, cánh cửa tri thức chỉ có thể mở ra từ phía hoạt động của người thầy. Quan niệm này hiện nay đã lỗi thời, bị vượt qua. Vì rằng, từ góc độ khoa học sư phạm, quan niệm trên chỉ chú trọng hoạt động một mặt, hoạt động của người thầy mà không thấy được mặt kia của hoạt động sư phạm là hoạt động của trò" [1, tr.42].
Như vậy, hoạt động dạy học là hoạt động có tổ chức, có mục đích, có sự lãnh đạo của nhà giáo dục và có hoạt động tích cực, tự giác của người học. Hoạt động
dạy học là hoạt động chủ yếu, giữ vai trò chủ đạo trong các hoạt động của nhà trường, có ảnh hưởng đến tất cả các hoạt động giáo dục khác trong nhà trường. Do vậy, có thể khẳng định: dạy học là hoạt động giáo dục cơ bản nhất, có vị trí nền tảng và chức năng chủ đạo của quá trình giáo dục trong nhà trường.
Tóm lại “HĐDH là hệ thống những hành động phối hợp, tương tác giữa GV và
HS, trong đó, dưới tác động chủ đạo của GV, HS tự giác, tích cực, chủ động lĩnh hội hệ thống tri thức khoa học, kỹ năng, kỹ xảo, phát triển năng lực nhận thức, năng lực hành
động, hình thành thế giới quan khoa học và những phẩm chất của nhân cách”.
Theo tác giả Nguyễn Thu Hà, dạy học định hướng phát triển năng lực là dạy học chú trọng vào chất lượng đầu ra của quá trình dạy học, trong đó nhằm nhấn mạnh người học cần đạt được các mức năng lực như thế nào sau khi kết thúc một chương trình giáo dục [15, tr.56-64].
Dạy học định hướng phát triển năng lực thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện các phẩm chất nhân cách, chú trọng năng lực vận dụng tri thức trong những tình huống thực tiễn, nhằm chuẩn bị cho con người năng lực giải quyết các tình huống của cuộc sống nghề nghiệp. Dạy học theo định hướng phát triển năng lực chú trọng đến người học với tư cách chủ thể của quá trình nhận thức. Học sinh làm trung tâm, còn giáo viên giữ vai trò là người hướng dẫn. Hình thái giáo dục này có thể áp dụng cho nhiều lĩnh vực và bối cảnh. Chính vì vậy, dạy học định hướng phát triển năng lực gắn liền với nhu cầu của thị trường lao động và xã hội, đáp ứng yêu cầu của cấp học trên.