3.4.2.1.Hạn chế
Công ty chứng khoán VCBS tuy có số lượng khách hàng chiếm tỉ trọng lớn trên thị trường, tuy nhiên số lượng tài khoản có giao dịch không nhiều, chiếm khoảng gần 40% tổng số tài khoản. Vì vậy tuy số lượng tài khoản lớn nhưng doanh thu thu được từ hoạt động môi giới không nhiều.
Khách hàng chủ yếu là khách hàng cá nhân (đây là tình trạng chung của các công ty chứng khoán hiện nay), khách hàng là các tổ chức ít tham gia giao dịch, điều này làm ảnh hưởng lớn đến doanh thu của VCBS, do đối tượng tổ chức thường giao dịch khối lượng lớn, đây chính là đối tượng tiềm năng của các công ty chứng
khoán nói chung và của VCBS nói riêng.
Tại thời điểm hiện nay, cơ sở hạ tầng của VCBS tuy đã thay đổi nhưng chưa có tính đồng bộ dẫn tới thiếu an toàn. Với bất kì sự thay đổi nhỏ nào về giải pháp kỹ thuật hay phương thức trong giao dịch đều sẽ có những ảnh hưởng đến việc quản lí giao dịch tại công ty. Hạn chế của việc đầu tư công nghệ không được xây dựng đồng bộ thì khả năng tích hợp giữa VCBS với các CTCK khác và Trung Tâm giao dịch chứng khoán sẽ nảy sinh nhiều vấn đề.
3.4.2.2.Nguyên nhân của hạn chế tồn tại
Nguyên nhân chủ quan
(i) Mô hình tổ chức và cách thức quản lí còn cồng kềnh
VCBS hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn, hiện công ty được quản lí bởi chủ sở hữu là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam theo cơ chế giao kế hoạch. Theo đó, Ban điều hành sẽ đề xuất các kế hoạch về tài chính, ngân sách, lao động, lương và trình lên Hội đồng Thành viên phê duyệt. Hội đồng thành viên sau khi thông qua sẽ trình tiếp lên Hội đồng quản trị của Vietcombank. Hạn chế này dẫn đến việc chậm ra quyết định một cách nhanh chóng, bắt kịp với những diễn biến liên tục của thị trường. Điều này làm giảm khả năng cạnh tranh của các chính sách phát triển các hoạt động môi giới, cản trở việc nâng cao chất lượng hoạt động, thiếu tính độc lập và sáng tạo trong chiến lược kinh doanh và các quyết định quan trọng. Hình thức sở hữu này cũng hạn chế công ty trong việc muốn tăng vốn pháp định của mình do không được phát hành thêm cổ phiếu.
(ii) Quy mô vốn của công ty còn hạn chế
Ngoài vốn pháp định và tên giao dịch, hoạt động kinh doanh của công ty hiện được thực hiện hoàn toàn độc lập với Ngân hàng mẹ. Công ty chưa tân dụng được mạng lưới chi nhánh tại các tính, thành phố và danh mục khách hàng rộng lớn ở mọi ngành nghề kinh doanh của ngân hàng mẹ. Địa bàn hoạt động còn nhỏ làm VCBS mất đi một lượng lớn các khách hàng ở các tỉnh thành khác, làm giảm đáng kể thị phần môi giới của VCBS. Vốn chủ sở hữu của công ty so với các công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI), Công ty chứng khoán Hồ Chí Minh (HSC) thì còn rất
nhỏ, điều này hạn chế cho công ty trong việc đầu tư vào trang thiết bị và đầu tư nguồn vốn vào phát triển hoạt động kinh doanh nói chung, hoạt động môi giới của công ty nói riêng.
(iii) Công ty chưa phát huy được hết khả năng của nguồn nhân lực VCBS
Thị trường chứng khoán Việt Nam ra đời từ năm 2000, tuy đã được một thời gian nhưng so với các ngành các lĩnh vực khác vẫn được coi là còn mới, do đó nhân lực trong lĩnh vực chứng khoán nhìn chung là còn thiếu kinh nghiệm dẫn đến khả năng làm việc và quản lí nguồn nhân lực chưa tốt.
Bên cạnh đó, do khó khăn chung về mặt thị trường nên việc tuyển mới nhân sự bị giới hạn định biên, việc mở rộng quy mô chậm hơn, các công ty chứng khoán TOP 5 đều có nhân sự môi giới từ 400-1000 người trong khi nhân sự môi giới tại VCBS bình quân năm 2018 chỉ 80 người. Nhân viên môi giới tại VCBS còn thụ động trong công tác chăm sóc khách hàng dẫn đến việc nhiều khách hàng chưa đạt được hài lòng khi giao dịch tại công ty.
(iv) Hệ thống công nghệ thông tin đã được nâng cấp nhưng chưa tạo được sự thích nghi cho khách hàng.
Khi mới thành lập năm 2002, VCBS là công ty chứng khoán đầu tiên áp dụng giao dịch trực tuyến tại Việt Nam, VCBS lúc bấy giờ luôn dẫn đầu về việc áp dụng công nghệ vào giao dịch. Chính nhờ ưu điểm đó mà VCBS đã thu hút lượng lớn nhà đầu tư.
Tuy nhiên cùng với sự phát triển chóng mặt của thị trường chứng khoán, lượng khách hàng tham gia giao dịch ngày càng tăng, trình độ nhận thức thị trường ngày càng cao của nhà đầu tư, hàng chục công ty chứng khoán được thành lập với số vốn lớn, đổi mới công nghệ, nâng cao tín hiệu đường tuyền, cập nhật những thay đổi mới nhất để phù hợp với sự thay đổi của thị trường chứng khoán. VCBS cũng bắt kịp được xu thế bằng việc đưa vào vận hàng hệ thống giao dịch mới vào ngày 3/8/2015, tuy nhiên sự đổi mới của VCBS vẫn chưa thực sự tạo được sự thích nghi cho khách hàng. Hệ thống thông tin trước và sau ngày 3/8/2015 chưa được nhất quán.
(v) Dịch vụ chưa đa dạng, chưa tạo thêm giá trị gia tăng cho khách hàng
Thời điểm mới bắt đầu phát triển TTCK Việt Nam, VCBS là một trong những công ty hàng đầu phát triển dịch vụ và việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động. Chính điều này đã thu hút một lượng khách hàng lớn đến VCBS, giúp VCBS trở thành công ty chứng khoán hàng đầu. Tuy nhiên với sự phát triển ngày càng cao của TTCK, quy mô giao dịch mở rộng, trình độ nhận thức của nhà đầu tư được nâng cao thì VCBS lại chưa kịp đổi mới cho phù hợp. Các dịch vụ tiện ích gia tăng cho khách hàng như webtrading, hometrading, giao dịch online mới chỉ triển khai, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều hạn chế như tốc độ đường truyền không ổn định, xử lí chậm. Nhiều sản phẩm dịch vụ có tính thị trường thấp, chưa đa dạng, quản trị rủi ro chặt chẽ, không triển khai được các sản phẩm lách quy định của UBCKNN như bảo lãnh T0, margin ngoài danh mục,… Những hạn chế này đã làm cho giảm sút lượng khách hàng mở tài khoản giao dịch tại VCBS, doanh thu thu được từ hoạt động môi giới suy giảm, việc thiếu thông tin làm hoạt động tự doanh của VCBS không bắt kịp xu hướng thị trường.
(vi) Chiến lược kinh doanh của công ty chưa thay đổi linh hoạt với diễn biến của thị trường
Hiện tại, Công ty đang tiếp cận khách hàng trên cơ sở dịch vụ thay vì cơ sở khách hàng. Công ty chưa xác định cụ thể các nhóm khách hàng mục tiêu. Nhân viên môi giới hiện đang đảm nhiệm cả chức năng quan hệ khách hàng và cung cấp dịch vụ. Điều này sẽ tạo ra hạn chế về mặt thời gian tiếp cận và chăm sóc khách hàng. Bên cạnh đó do không phân tách giữa bộ phận bán hàng và bộ phận dịch vụ nên công ty gặp nhiều khó khăn về cơ chế tuyển dụng, đào tạo và đãi ngộ.
Bên cạnh đó, Công ty thiếu bộ phận chuyên trách về marketing, truyền thông cho hoạt động bán lẻ.
Nguyên nhân khách quan
(i) Môi trường pháp lý cho sự phát triển của thị trường chứng khoán còn chưa hoàn thiện và còn nhiều bất cập
chứng khoán đã có nhiều nỗ lực cố gắng để xây dựng môi trường pháp lý điều chỉnh các hoạt động trên thị trường chứng khoán nhưng đến nay vẫn chưa hoàn chỉnh, đồng bộ và còn nhiều yếu tố chồng chéo. Luật chứng khoán ra đời vào năm 2007 nhưng vẫn không thể theo kịp với sự phát triển của thị trường, việc phát hành chứng khoán ra nước ngoài, niêm yết ở thị trường chứng khoán quốc tế, giao dịch trực tuyến và giao dịch từ xa, qua điện thoại hay máy fax không phải đối tượng điều chỉnh của luật này. Bên cạnh đó, các dịch vụ hỗ trợ đang được các công ty chứng khoán phối hợp với các ngân hàng thương mại cung cấp cho khách hàng như cho vay ứng trước tiền bán chứng khoán, cho vay cầm cố chứng khoán, cho vay bảo chứng, dịch vụ repo vẫn chưa có văn bản pháp lý hướng dẫn. Sự bất cập ở môi trường pháp lý đã ảnh hưởng ít nhiều đến sự phát triển của thị trường chứng khoán, từ đó tác động đến các CTCK đang hoạt động.
(ii) Số lượng nhà đầu tư chuyên nghiệp trên thị trường còn ít
Thành phần tham gia đầu tư trên thị trường gồm có nhà đầu tư tổ chức là các ngân hàng, các quỹ đầu tư, các công ty bảo hiểm, các công ty chứng khoán và các nhà đầu tư cá nhân trong và ngoài nước. Tuy nhiên các CTCK vẫn do các nhà đầu tư cá nhân trong nước chi phối. Nhóm nhà đầu tư này có đặc trưng cơ bản dễ bị ảnh hưởng bởi tâm lí đám đông và có hiểu biết hạn chế về tình hình tài chính của doanh nghiệp do vậy mức độ chấp nhận rủi ro, kiến thức về chứng khoán nói riêng và nền kinh tế nói chung là nhân tố quyết định sự thành bại của nhà đầu tư. Nếu nhà đầu tư tham gia vào thị trường gặp thất bại, họ sẽ rút khỏi thị trường và gây ảnh hưởng đến tâm lí chung của các nhà đầu tư chưa tham gia.
(iii) Vai trò của Hiệp hội kinh doanh chứng khoán còn mờ nhạt
Có thể nói kể từ khi thành lập đến nay, Hiệp hội kinh doanh chứng khoán Việt Nam chưa có nhiều đóng góp đáng kể đối với các thành viên tham gia thị trường, như việc vẫn chưa ban hành được bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ nhân viên hoạt động trong ngành. Thêm vào đó, Hiệp hội này chưa có khả năng đề xuất những định hướng chiến lược cho thị trường hay các chính sách thúc đẩy sự phát triển của các công ty trong ngành. Ví dụ, việc phát triển hạ tầng công nghệ
thông tin, từ khi khai trương và hoạt động chính thức của thị trường Việt Nam đến nay, các CTCK phải tự định hướng, tự trang bị hệ thống công nghệ thông tin cho chính mình.
(iv) Doanh thu của các CTCK phụ thuộc nhiều vào diễn biến thị trường
Doanh thu từ hoạt động môi giới và tự doanh của VCBS chiếm chủ yếu trong tổng doanh thu. Do đó, khi TTCK biến động sẽ làm ảnh hưởng lớn đến doanh thu công ty. Bởi vậy khi thị trường ảm đạm, lượng khách hàng giao dịch giảm làm ảnh hưởng đến doanh thu của công ty, hoạt động tự doanh theo đó có thể gặp thua lỗ.
CHƯƠNG 4. GIẢI PHÁP VÀ KIẾN NGHỊ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG DỊCH VỤ MÔI GIỚI CHỨNG KHOÁN TẠI CÔNG TY TNHH CHỨNG KHOÁN NGÂN HÀNG TMCP NGOẠI THƯƠNG
VIỆT NAM
4.1. Phương hướng phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam tới năm 2030
Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô trong nước ổn định, hoạt động tái cơ cấu nền kinh tế được đẩy mạnh, Chính phủ tiếp tục triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, xây dựng nền hành chính kiến tạo, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, duy trì động lực tăng trưởng, kinh tế vĩ mô ổn định, tổng phương tiện thanh toán và dư nợ tín dụng cải thiện. Các giải pháp tài chính và chính sách thúc đẩy cổ phần hóa, gắn cổ phần hóa với niêm yết/đăng kí giao dịch trên thị trường chứng khoán đã mang lại hiệu quả tích cực trong việc tăng nguồn hàng chất lượng cho TTCK, đảm bảo thị trường hoạt động hiệu quả và trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của nền kinh tế.