Một số kết quả và kinh nghiệm phát triển kinh tế trang trại ở

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu giải pháp phát triển bền vững kinh tế trang trại nuôi trồng thủy sản tỉnh quảng ninh (Trang 39 - 46)

5. Kết cấu luận văn

1.2.2. Một số kết quả và kinh nghiệm phát triển kinh tế trang trại ở

địa phương của nước ta trong những năm qua

Ở mỗi địa phương ngày càng nhiều điển hình các tập thể và hộ sản xuất, kinh doanh giỏi. Tinh thần hợp tác, tương trợ giữa các chủ trang trại được phát triển. Một số trang trại tự nguyện thành lập các tổ hợp tác, câu lạc bộ sản xuất, thành lập hợp tác xã.

Để tiếp tục đưa kinh tế trang trại NTTS phát triển bền vững, từng địa phương cần phải quan tâm làm tốt một số vấn đề: Đẩy mạnh việc giao, cho thuê mặt đất, mặt nước và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chủ trang trại, để họ yên tâm đầu tư sản xuất, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích các hộ gia đình, cá nhân và các thành phần kinh tế đầu tư sản xuất, kinh doanh theo mô hình kinh tế trang trại, hoặc liên doanh, liên kết, đầu tư vốn cùng chủ trang trại mở rộng SXKD. Nhà nước cần dành khoản đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế, xã hội ở nông thôn, để tạo điều kiện cho phát triển sản xuất thủy sản hàng hóa quy mô lớn.

Về công tác tín dụng, các ngân hàng thương mại và chủ trang trại được chủ động thỏa thuận thời hạn và lãi suất dựa trên phương án đầu tư của chủ trang trại và khả năng tài chính của ngân hàng thương mại, tháo gỡ khó khăn về vốn cho phát triển trang trại đang gặp phải hiện nay. Cần có chính sách về thuế phù hợp đối với các hộ gia đình sản xuất thủy sản hàng hóa, nhằm tạo động lực cho phát triển kinh tế hàng hóa. Khuyến khích và tạo điều kiện hỗ

trợ để các chủ trang trại thủy sản mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động, bằng cách ưu tiên các trang trại sử dụng nhiều lao động, sử dụng lao động của những hộ nông dân thiếu đất sản xuất, hộ nghèo thiếu việc làm, được vay vốn chương trình giải quyết việc làm, chương trình giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

Về tiêu thụ sản phẩm, cần khuyến khích các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với trang trại theo Quyết định số 80 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng, để việc liên kết "bốn nhà" hoạt động có hiệu quả hơn, thiết thực hơn. Do đặc thù của sản xuất thủy sản thường hay rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, vì vậy cần khuyến khích phát triển loại hình kinh doanh cung cấp dịch vụ bảo hiểm rủi ro về giá thủy sản cho các chủ trang trại, theo nguyên tắc thỏa thuận, tự nguyện, cùng có lợi. Làm tốt việc cung cấp thông tin thị trường để giúp các trang trại thủy sản hợp tác và liên kết nhau trong sản xuất, kinh doanh góp phần phát triển ngành thủy sản trong tiến trình CNH, HĐH đất nước.

* Kinh nghiệm làm kinh tế trang trại thủy sản tỉnh Bình Thuận

Kinh tế trang trại tỉnh Bình Thuận phát triển ở những nơi có điều kiện quỹ đất dồi dào, diện tích mặt nước thuận lợi là những nơi có điều kiện để mở rộng qui mô sản xuất. Có nhiều thành phần kinh tế tham gia mô hình kinh tế trang trại nhưng chủ yếu vẫn là hộ nông dân chiếm đa số.

Trang trại nuôi trồng thuỷ sản ở Bình Thuận được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn sau cây lúa. Thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nhiều địa phương trong tỉnh đã chuyển những diện tích đất bạc màu kém hiệu quả sang nuôi trồng thuỷ sản. Năm 2014, toàn tỉnh có 354 trang trại nuôi trồng thủy sản chiếm 18,8% trang trại toàn tỉnh so năm 2011 tăng 139,19% (tăng 206 trang trại).

Các trang trại nuôi trồng thuỷ sản đã xác định đối tượng, chủng loại nuôi phù hợp với điều kiện môi trường, nguồn nước, xây dựng hệ thống thuỷ lợi để tạo nguồn nước tốt cho tôm, cá phát triển và hạn chế tối đa dịch bệnh phát sinh. Ngoài ra công tác kỹ thuật và hoạt động khuyến ngư cũng được áp dụng để nâng cao năng suất nuôi, tạo sản phẩm sạch đáp ứng được tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của thế giới và tính bền vững của nghề nuôi trồng thuỷ sản.

Việc phát triển kinh tế trang trại nuôi trồng thuỷ sản ở Bình Thuận phần nào đã tạo thuận lợi cho việc đầu tư về cơ sở hạ tầng, chuyển giao công nghệ, ứng dụng khoa học phát triển sản xuất thủy sản hàng hóa và tạo ra sản lượng nông sản hàng hoá lớn có giá trị kinh tế cao phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và chế biến xuất khẩu. Các trang trại NTTS được tập trung phát triển chủ yếu ở vùng ven biển nuôi tôm sú như các huyện Tuy Phong chiếm phần lớn 208 trang trại, Hàm Thuận Nam 31 trang trại, Hàm Tân 37 trang trại, Đức Linh là huyện miền núi có 37 trang trại chủ yếu là nuôi thuỷ sản nước ngọt (cá nước ngọt), Phú Quý 27 trang trại nuôi cá Mú biển cho giá trị sản xuất rất cao.

Kinh tế trang trại NTTS đã góp phần không nhỏ vào quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn nông nghiệp theo hướng tăng nhanh tỷ trọng sản xuất hàng hoá, tạo ra nhiều vùng sản xuất tập trung, tạo tiền đề cho công nghiệp chế biến thủy sản địa phương phát triển.

* Kinh nghiệm làm kinh tế trang trại thành phố Hải Phòng

Hải Phòng là địa phương có truyền thống và kinh nghiệm về nuôi trồng thủy sản nước mặn, nước lợ và nước ngọt. Diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản có 12,3 ngàn ha; với sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2013 đạt 50.840 tấn, trong đó sản lượng tôm nuôi đạt 4.258 tấn, sản lượng cá đạt 35.997 tấn. Với lợi thế biển đảo, Hải Phòng còn phát triển gần 400 trang trại nuôi trồng

thủy sản (tiêu chí cũ), 78 trang trại NTTS (tiêu chí mới). Trong đó, kinh tế thủy sản được tập trung phát triển theo hướng đẩy mạnh nuôi thâm canh công nghiệp, phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển. Bên cạnh đó, các cơ sở chế biến thủy sản cũng được quan tâm đầu tư, từng bước hiện đại hóa. Viện Tài nguyên-Môi trường biển và Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I triển khai thực hiện nhân giống thủy sản. Tại 27 trại sản xuất giống thủy sản đã sản xuất hơn 2.900 triệu cá giống các loại, 105 triệu con tôm và các giống thủy sản khác. Các cơ sở sản xuất con giống được đầu tư phát triển mạnh, sản xuất được các giống thủy sản có giá trị kinh tế cao như bào ngư chín lỗ Bạch Long Vỹ, tu hài, ngao, cá bớp, cá song, cua… Hải Phòng xuất hiện nhiều mô hình tổ chức, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh, đạt hiệu quả kinh tế cao như: Doanh nghiệp Phúc Hà, Khoa Thành, Sơn Trường; trại sản xuất cua giống Tân Trào, trang trại giống thủy sản Phương Lan, trang trại Ngôi Sao Thủy Tiên…Cùng với đó, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Hải Phòng cũng thí điểm nhiều mô hình (nuôi tôm thẻ chân trắng, nuôi cá chạch bùn, trê ta, hầm PU bảo quản sản phẩm thủy sản sau khai thác…) cho hiệu quả cao, khuyến khích phát triển sản xuất thủy sản ở địa phương.

Tại vùng nuôi tôm công nghiệp xã Phù Long, huyện Cát Hải, bên cạnh kỹ thuật tạo ra các hồ nuôi tiêu chuẩn, còn áp dụng các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh bằng cách cải tạo ô đầm, tháo cạn nước, làm sạch đầm nuôi, bơm nước mới và ngăn cách giữa các ô bằng hệ thống tường bao bảo đảm tránh lây lan nếu xảy ra dịch bệnh. Hình thành vùng nuôi trồng an toàn, tổ đội liên kết nuôi trồng có sự giám sát, tham gia của cộng đồng thay vì tự phát, nhỏ lẻ dễ gây dịch bệnh; áp dụng công nghệ cao, ứng dụng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản, bảo đảm thân thiện với môi trường.

Việc tăng thêm vụ nuôi thứ 2 trong năm khuyến khích phát triển thêm nhiều khu nuôi thủy sản công nghệ cao. Điển hình là sự đầu tư công nghệ cao

với quy trình nuôi khép kín tại khu nuôi tôm Đình Vũ và khu nuôi công nghiệp của doanh nghiệp Trường Sơn, Thuận Thiện Phát đưa 19 ao với diện tích trung bình mỗi ao là 5000 m2 vào nuôi thả. Sau 3 tháng nuôi, diện tích này cho thu hoạch 145 tấn sản phẩm. Nhờ tích lũy được nhiều kinh nghiệm sản xuất, quản lý; cộng với sự phối hợp chặt chẽ về cung ứng giống, thức ăn và quy trình kỹ thuật nuôi nên năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế từ vùng nuôi được nâng lên đáng kể. Ngoài hai khu nuôi công nghiệp này, trên địa bàn thành phố có nhiều hộ dân mạnh dạn đầu tư công nghệ, nuôi tôm he chân trắng theo phương pháp bán thâm canh. Chẳng hạn như trại nuôi tôm Văn Khỏe, trại Khoa Thành ở Dương Kinh, Đồ Sơn... Tại huyện Vĩnh Bảo, bình quân mỗi trang trại thuỷ sản mang lại giá trị sản xuất đạt trên 10 tỷ đồng/năm. Các trang trại nuôi trồng tại các huyện An Lão, Kiến Thụy, Thủy Nguyên, Tiên Lãng có giá trị sản xuất trung bình đạt từ 2,3 đến 2,5 tỷ đồng/năm.

Ðể chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế nông nghiệp-thủy sản, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất thủy sản, và phát triển các trang trại thủy sản. Hải Phòng đang tích cực triển khai những nội dung: Rà soát điều chỉnh quy hoạch hệ thống cơ sở sản xuất thủy sản; tiếp tục khuyến khích phát triển trang trại, gia trại quy mô lớn; đẩy mạnh phát triển các ngành nghề, tạo động lực để chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động. Bổ sung điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành thủy sản; tiếp tục đầu tư, phát triển thủy sản theo hướng thâm canh, công nghiệp hóa; coi trọng phát triển lĩnh vực dịch vụ, nuôi trồng, chế biến; phấn đấu để ngành thủy sản phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn, là một trung tâm thủy sản về giống, thức ăn, khoa học-công nghệ, chế biến, xuất khẩu và dịch vụ hậu cần nghề cá của vùng duyên hải Bắc Bộ.

* Kinh tế thủy sản và phát triển kinh tế trang trại NTTS Thái Bình

Thái Bình là tỉnh có nhiều tiềm năng trong phát triển nông nghiệp. Trong tổng diện tích đất tự nhiên là 157 ngàn ha, thì đất cho sử dụng nông

nghiệp là 97,2 nghìn ha (chiếm tới 61,9% tổng diện tích đất tự nhiên). Bên cạnh đó với 50km bờ biển kéo dài từ cửa sông Thái Bình cho tới cửa Ba Lạt của sông Hồng thuộc địa giới hai huyện Tiền Hải và Thái Thụy; Thái Bình có nhiều lợi thế và tiềm năng trong phát triển ngành thủy sản. Đó là ngành có tốc độ tăng khá nhanh về giá trị sản xuất, khoảng 10%/năm, trong đó hoạt động nuôi trồng tăng nhanh hơn, khoảng 12%/năm. Về sản lượng thủy sản năm 2010 là 114,5 ngàn tấn và năm 2011 là 130,5 ngàn tấn, năm 2013 đạt 175,4 ngàn tấn. Trong đó hoạt động nuôi trồng là chủ yếu, chiếm khoảng từ 55% đến 65%. Trong tổng sản lượng thủy sản của tỉnh và cũng vẫn tập trung chủ yếu ở hai huyện ven biển Tiền Hải (42,3%) và Thái Thụy (36,8%).

Ngành nuôi trồng thủy sản nước mặn, nước lợ đang phát triển mạnh ở Thái Bình, đặc biệt hai vùng ven biển Thái Thụy và Tiền Hải. Diện tích nuôi trồng thủy sản của Thái Bình qua các năm vẫn giữ được nhịp độ phát triển tăng và ổn định. Nếu so với các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Hồng về chỉ tiêu số lượng diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh trong vài năm gần đây thì Thái Bình là trong những tỉnh xếp ở vị trí cao, chiếm từ 11- 15% so với tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của vùng đồng bằng sông Hồng. Năm 2013 diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 13.700 ha, với sản lượng 99.924 tấn.

Trên địa bàn, hiện có 8.645 diện tích nước ngọt trong đó nuôi cá chiếm 98% và 4.845 diện tích nước mặn, lợ trong đó nuôi tôm chiếm 57%. Thái Thụy và Tiền Hải là hai huyện nuôi trồng chủ yếu và cũng là hai huyện có sản lượng khai thác lớn nhất, nhì của tỉnh (Tiền Hải: 52%, Thái Thụy: 21%).

Các trang trại nuôi trồng thủy sản đang phát triển nhanh. Toàn tỉnh hiện có khoảng 450 trang trại thủy sản với diện tích đạt khoảng 1500ha, sử dụng 1.450 lao động. Các trang trại thủy sản Thái Bình với mức đầu tư thâm canh cao. Việc đưa giống chất lượng cao, áp dụng quy trình kỹ thuật tiến tiến trong sản xuất nuôi trồng thủy sản đã giúp cho nhiều trang trại thủy sản tỉnh này có

thu nhập cao. Lực lượng lao động làm việc trong các trang trại thủy sản có kinh nghiệm, có kiến thức; đặc biệt các chủ trang trại có kiến thức tốt trong tổ chức và quản lý sản xuất là cơ sở tốt trong việc phát triển các trang trại gia tăng về quy mô và giá trị sản lượng.

Chương 2

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu giải pháp phát triển bền vững kinh tế trang trại nuôi trồng thủy sản tỉnh quảng ninh (Trang 39 - 46)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(119 trang)