Quản lý thuế

Một phần của tài liệu Thực trạng quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử tại việt nam,khoá luận tốt nghiệp (Trang 33)

a. Khái niệm quản lý thuế

Quản lý thuế là một dạng của quản lý xã hội kể từ khi có nhà nước. Hoạt động quản lý thuế có phạm vi khá rộng với nhiều nội dung khác nhau. Do đó, khái niệm quản lý thuế cũng có nhiều cách hiểu khác nhau.

Quản lý thuế có thể hiểu theo 2 phạm vi khác nhau:

Theo nghĩa rộng, quản lý thuế bao gồm tất cả các hoạt động của nhà nước liên quan đến thuế. Quản lý thuế không chỉ bao gồm hoạt động tổ chức, điều hành quá trình thu nộp thuế vào ngân sách nhà nước mà còn bao gồm quá trình xây dựng chiến lược phát triển hệ thống thuế, ban hành pháp luật thuế và việc sử dụng số tiền thuế thu được.

Theo nghĩa hẹp, quản lý thuế là quản lý hành chính nhà nước về thuế, bao gồm việc tổ chức, quản lý, điều hành quá trình thu nộp thuế của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các tổ chức, cá nhân là đối tượng nộp thuế đã được nhà nước xác định trong các luật thuế (Vũ Văn Cương, 2012).

Dù hiểu theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp, trong quan hệ quản lý thuế có 2 chủ thể chính:

- Chủ thể quản lý thuế là nhà nước, tùy theo tổ chức bộ máy tổ chức hành chính của mà mỗi nước có cơ quan nhà trực tiếp quản lý thuế phù hợp, thông thường là cơ quan thuế, cơ quan hải quan.

- Đối tượng chịu sự quản lý thuế của nhà nước là người nộp thuế và các chủ thể nộp các khoản thu ngân sách nhà nước được xác định trong các luật thuế do nhà nước ban hành.

- Quản lý thuế nhìn chung hướng đến các mục tiêu: Đảm bảo tập trung huy động đầy đủ và kịp thời các nguồn thu từ thuế cho ngân sách nhà nước; Tối thiểu hóa chi phí quản lý thuế của nhà nước và chi phí tuân thủ của người nộp thuế ; Tăng cường sự tuân thủ của người nộp thuế một cách tự nguyện, đầy đủ, kịp thời theo các quy định của luật thuế và bảo đảm lợi ích của nhà nước, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người nộp thuế (Vũ Văn Cương, 2012).

b. Nguyên tắc quản lý thuế

Thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước. Nộp thuế theo quy định của pháp luật là nghĩa vụ và quyền lợi của mọi tổ chức, cá nhân. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tham gia quản lý thuế. Việc quản lý thuế được thực hiện theo quy định của Luật Quản lý thuế và các quy định khác của pháp luật có liên quan; bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người nộp thuế. (Luật Quản lý thuế, 2006). Các nguyên tắc cơ bản của quản lý thuế bao gồm:

- Một là, nguyên tắc tuân thủ pháp luật - Hai là, nguyên tắc đảm bảo tính hiệu quả

- Ba là, nguyên tắc thúc đẩy ý thức tự tuân thủ của người nộp thuế.

- Bốn là, nguyên tắc công khai minh bạch. Đây là một trong những nguyên tắc quan trọng trong quản lý thuế.

c. Nội dung quản lý thuế

Đối tượng nộp thuế vốn rất đa dạng. Đó có thể là cá nhân, là hộ gia đình hoặc là một tổ chức kinh tế. Với mỗi đối tượng nộp thuế khác nhau thì quản lý thuế cũng có nét khác biệt nhất định. Tuy nhiên, những nội dung chủ yếu của quản lý thuế mà các nước trên thế giới đều triển khai thực hiện cho các ĐTNT khác nhau gồm:

- Đăng ký thuế. - Kê khai, nộp thuế

- Quản lý thông tin người nộp thuế - Xử lý nợ thuế

- Kiểm tra, thanh tra người nộp thuế

- Giải quyết khiếu nại, tranh chấp về thuế - Tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế

1.3.2. Quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT

a. Nguyên tắc quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT

Năm 1998, Ủy ban Tài chính của OECD, trên cơ sở các kết quả nghiên cứu của mình, đã đưa ra Các điều kiện khung về đánh thuế đối với TMĐT. Các điều kiện khung này đã được phần lớn các quốc gia và vùng lãnh thổ chấp nhận như một cơ sở khung đúng đắn để giải quyết các vấn đề về thuế đối với TMĐT. Với các điều kiện khung này, các nguyên tắc cơ bản dưới đây về quản lý thuế đối với TMĐT đã được chấp nhận:

- Trung lập: chế độ thuế phải đảm bảo tính trung lập và công bằng giữa các hình thức của TMĐT cũng như giữa thương mại truyền thống và TMĐT.

- Hiệu quả: chi phí tuân thủ của doanh nghiệp và chi phí quản lý của cơ quan - Thuế phải được giảm thiểu ở mức thấp nhất.

- Chắc chắn và đơn giản: các quy định về thuế cần phải rõ ràng và đơn giản để người nộp thuế có thể hiểu được.

- Linh hoạt: các hệ thống thuế phải có tính linh hoạt để đảm bảo phù hợp với xu hướng phát triển về công nghệ và thương mại

- Hiệu lực và công bằng: chế độ thếu phải điều chỉnh đầy đủ các hoạt động TMĐT, đảm bảo người nộp thuế thực hiện đúng nghĩa vụ thuế với nhà nước và giảm thiểu khả năng tránh và trốn thuế ở mức thấp nhất.

Các nguyên tắc về thuế nêu trên là định hướng cho các Chính phủ trong quan hệ đối với cả lĩnh vực thương mại truyền thống và TMĐT. Cách tiếp cận này không cản trở việc ban hành các quy định pháp lý hoặc biện pháp hành chính mới, hoặc thay đổi các biện pháp hiện có liên quan đến TMĐT với điều kiện các biện pháp đó được xây dựng để hỗ trợ cho việc thực hiện các nguyên tắc về thuế hiện tại và không nhằm để tạo sự phân biệt đối xử về thuế đối với các giao dịch TMĐT.

b. Nội dung quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT - Đăng ký thuế

Đăng ký thuế là việc người nộp thuế kê khai những thông tin của người nộp thuế theo mẫu quy định và nộp tờ khai cho cơ quan quản lý thuế để bắt đầu thực hiện nghĩa vụ thuế cho Nhà nước theo các quy định pháp luật. Đăng ký thuế là nội dung đầu tiên của quy trình quản lý thuế.

Đối với người nộp thuế có hoạt động kinh doanh TMĐT, nguyên tắc đăng ký thuế không khác với những người nộp thuế khác. Các tổ chức, cá nhân hoạt động TMĐT tiến hành đăng ký thuế. “Đối với DN kinh doanh TMĐT đăng ký thuế trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc kể từ Ngày ghi trên Giấy phép thành lập và hoạt động, hoặc Quyết định thành lập. Đối với Hộ gia đình, nhóm cá nhân, cá nhân kinh doanh thực hiện đăng ký thuế cùng với thời hạn nộp hồ sơ khai thuế lần đầu. Trường hợp được cơ quan đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh thì hộ gia đình, nhóm cá nhân, cá nhân kinh doanh phải thực hiện đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.” (điều 6, TT 95/2016/TT - BTC Hướng dẫn về đăng ký thuế)

Hồ sơ đăng ký thuế được thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 7 “Thông tư 95/2016/TT-BTC ngày 28/6/2016 của Bộ Tài chính”

- Kê khai, nộp thuế

Việc tính thuế có thể do cơ quan thuế hoặc đối tượng nộp thuế thực hiện. Tiền thuế có thể nộp tại Kho bạc Nhà nước, tại cơ quan quản lý thuế nơi tiếp nhận hồ sơ khai thuế, thông qua tổ chức được cơ quan quản lý thuế ủy nhiệm thu thuế, thông qua ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác và tổ chức dịch vụ theo quy định của pháp luật. Ở các nước phát triển, hệ thống thanh toán hiện đại, việc khai thuế và nộp thuế được thực hiện qua mạng. Hiện nay, khai thuế điện tử và nộp thuế điện tử qua mạng là tiêu chí phấn đấu của tất cả các cơ quan thuế trên thế giới. Điều này cũng có ý nghĩa rất lớn khi quản lý thuế các doanh nghiệp kinh doanh TMĐT để đảm bảo mục tiêu tạo thuận lợi cho người nộp thuế và việc quản lý thuế không cản trở sự phát triển của các tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT.

- Kiểm tra, thanh tra người nộp thuế

Kiểm tra, thanh tra thuế là hoạt động giám sát của cơ quan thuế đối với các hoạt động, giao dịch liên quan đến phát sinh nghĩa vụ thuế và tình hình thực hiện thủ tục hành chính thuế, chấp hành nghĩa vụ thuế của người nộp thuế, nhằm đảm bảo pháp luật thuế được thực hiện nghiêm chỉnh trong đời sống kinh tế xã hội.

Để quản lý đối với lĩnh vực thương mại điện tử hiệu quả cơ quan Thuế sẽ phối hợp của các bộ, ngành, mà cụ thể là Bộ Tài chính và Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng cơ chế quản lý, cơ chế chính sách trong việc kiểm tra, thanh tra các đối tượng kinh doanh qua Internet. Phối hợp cùng các ngân hàng thương mại trên địa bàn và Sở Thông tin - Truyền thông Hà Nội để kiểm soát, đối chiếu các giao dịch liên quan đến người kinh doanh thương mại điện tử qua các số điện thoại và tài khoản đăng ký giao dịch. Cùng với đó là phối hợp với các nhà mạng viễn thông cảnh báo, ngăn chặn các hành vi vi phạm.

- Giải quyết khiếu nại, tranh chấp về thuế

Cơ quan thuế giải quyết tranh chấp về thuế khi có khiếu nại, tố cáo của người nộp thuế. Người nộp thuế có quyền khiếu nại đối với các quyết định của cơ quan thuế như quyết định hoàn thuế, miễn thuế, giảm thuế, quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế, kết luận thanh tra thuế, quyết định giải quyết khiếu nại. Người nộp thuế có quyền khiếu nại đối với các hành vi hành chính của cơ quan thuế, công chức quản lý thuế, người được giao nhiệm vụ trong công tác quản lý thuế khi có căn cứ cho rằng hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

- Tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế

Cơ quan thuế cần tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ NNT đặc biệt là các tổ chức cá nhân kinh doanh TMĐT. Hỗ trợ người nộp thuế bao gồm các nội dung hỗ trợ chính sách, pháp luật thuế như: văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn về thuế được các cơ quan Nhà nước ban hành, các thủ tục, quy trình nghiệp vụ quản lý như: đăng ký thuế, kê khai nộp thuế, quyết toán thuế... Cụ thể như việc Cục Thuế HN đã liên hệ với các cá nhân qua email, tin nhắn, website của cục thuế để tuyên truyền, hướng dẫn người nộp thuế. Để từ đó đảm bảo quyền lợi của người nộp

thuế, đồng thời giúp người nộp thuế nắm bắt chính sách pháp luật thuế, từ đó nâng cao ý thức tuân thủ trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế.

c. Ý nghĩa quản lý thuế đối với hoạt độngTMĐT

* Ý nghĩa đối với nhà nước:

Thứ nhất, quản lý thuế đối với TMĐT giúp làm tăng nguồn thu thuế, đóng góp quan trọng vào ngân sách nhà nước. Thuế là nguồn lực tài chính để nhà nước có thể duy trì và thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Lợi nhuận mà các doanh nghiệp TMĐT thu được hàng năm là rất lớn, các hình thức kinh doanh bằng TMĐT ngày càng đa dạng - đây là các hoạt động có khả năng sinh lợi cao và trong thời gian ngắn. Điều này đã thu hút ngày càng nhiều tổ chức, cá nhân tiến hành kinh doanh theo phương thức TMĐT và qua đó gia tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Thứ hai, quản lý thuế đối với TMĐT tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà kinh doanh trong và ngoài nước mặc dù kinh doanh theo kiểu truyền thống hay kinh doanh bằng phương tiện điện tử.

Hiện tại các văn bản quy phạm pháp luật vẫn chưa quy định đầy đủ và hoàn thiện trong hoạt động TMĐT, nhưng không vì thế mà các doanh nghiệp kinh doanh trong hoạt động này được tự do, tránh được nghĩa vụ thuế do nhà nước đặt ra. Nhà nước đã và đang hoàn thiện hệ thống quản lý thuế trong hoạt động TMĐT, đảm bảo các đối tượng nộp thuế hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ của mình theo quy định đúng theo bản chất của hoạt động thương mại.

Thứ ba, quản lý thuế đối với TMĐT tạo ra một cơ chế quản lý thống nhất trong quá trình thu thuế. Từ đó, tạo ra sự nhất quán, đồng bộ, đảm bảo quyền lợi của các bên khi tham gia hoạt động TMĐT đầy tiềm năng và tạo thuận lợi cho các cơ quan chức năng truy thu thuế nhanh chóng, kịp thời và đủ số thuế đã được ấn định từ các doanh nghiệp (Lê Thị Thu Thảo, 2013, tr. 22 - tr 23).

* Ý nghĩa đối với xã hội:

Thứ nhất, quản lý thuế trong hoạt động TMĐT phát huy việc kiểm soát và điều tiết các hoạt kinh tế xã hội. Hoạt động TMĐT là một hoạt động thương mại, là

hoạt động phát sinh nhiều lỗ hỗng pháp lý so với hoạt động thương mại thông thường, vì vậy việc tăng cường thêm những quy định pháp luật để quá trình kinh doanh phát triển trong sự kiểm soát của nhà nước.

Thứ hai, khuyến khích người dân tham gia vào các hoạt động TMĐT, vì hoạt động này chi phí quản lý thấp mà thu nhập thì cao hơn so với hoạt động kinh doanh bình thường. Tạo sự an tâm cho chính các nhà đầu tư.

Thứ ba, nâng cao mức sống và góp phần cải thiện bộ mặt kinh tế của xã hội, làm đa dạng hóa các loại hình giao dịch. TMĐT mang lại giá trị vật chất rất lớn nên phát triển lĩnh vực hoạt động, phát triển khâu quản lý thuế thì cũng đồng nghĩa với việc đóng góp vào nguồn đầu tư, phục vụ vào các chính sách công (Lê Thị Thu Thảo, 2013, tr 23).

d. Các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, tuy nhiên có thể phân loại thành 4 nhóm yếu tố chính: chính sách thuế; tổ chức bộ máy quản lý thuế; ý thức của người nộp thuế và các yếu tố khác, cụ thể như sau:

- Thứ nhất, chính sách thuế:

Chính sách thuế đóng vai trò nền tảng, bản lề để có thể quản lý thuế tốt đối với các hoạt động thương mại nói chung và TMĐT nói riêng. Chính sách thuế phải phù hợp, hiệu quả, công bằng thì mới khuyến khích người nộp thuế tuân thủ đầy đủ nghĩa vụ thuế. Việc xây dựng chính sách thuế không chỉ nhằm mục đích huy động nguồn đóng góp từ các tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT mà phải chú ý đến nuôi dưỡng nguồn thu. Nếu hệ thống chính sách thuế ổn định, rõ ràng, minh bạch, không chồng chéo, đơn giản, dễ hiểu sẽ tạo điều kiện cho người nộp thuế dễ dàng tuân thủ và tự giác tuân thủ pháp luật thuế.

- Thứ hai, tổ chức bộ máy quản lý thuế:

Nhìn chung, cơ quan thuế các nước trên thế giới đều được tổ chức thành hệ thống bao gồm nhiều cấp, theo đó mô hình phổ biến bao gồm: cơ quan thuế Trung Ương, cơ quan thuế cấp vùng hoặc cấp tỉnh, thành phố và cơ quan thuế cấp quận,

huyện. Đối với mục tiêu quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, việc phân định cơ quan thuế cấp nào có nhiệm vụ quản lý và mức độ quản lý đến đâu sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý thuế. Việc quản lý thuế TMĐT cần chia 2 mức độ: cơ quan thuế Trung Ương với vai trò nghiên cứu tổng quan về các mô hình TMĐT, đề ra biện pháp quản lý chung và học tập kinh nghiệm của nước ngoài; trong khi đó, cơ quan thuế địa phương sẽ trực tiếp quản lý, kiểm tra, thanh tra người nộp thuế để đảm bảo theo dõi sát sao sự tuân thủ thuế của đối tượng nộp thuế.

Về cơ chế quản lý thuế, có 2 cơ chế quản lý thuế phổ biến trên thế giới: (1) Cơ quan thuế đảm nhiệm tính thuế và thông báo thuế và (2) Cơ chế tự khai, tự nộp.

Một phần của tài liệu Thực trạng quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử tại việt nam,khoá luận tốt nghiệp (Trang 33)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(85 trang)
w