Đặc điểm của nợ xấu và các yếu tố ảnh hưởng đến nợ xấu

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp nhằm hạn chế nợ xấu tại ngân hàng TMCP quân đội chi nhánh quảng ninh (Trang 29 - 34)

5. Kết cấu của luận văn

1.1.4. Đặc điểm của nợ xấu và các yếu tố ảnh hưởng đến nợ xấu

1.1.4.1 Đặc điểm của nợ xấu

Nợ xấu còn được biết tới dưới cái tên nợ khó đòi hay nợ không thanh toán, nhưng tựu chung lại là các khoản tín dụng ngân hàng không được hoàn trả đúng thời hạn do nhiều nguyên nhân khác nhau với tính chất khác nhau. Như vậy nợ xấu trong kinh doanh tín dụng là hiện tượng đến thời hạn thanh toán các khoản nợ mà người đi vay không có khả năng thực hiện ngay nghĩa vụ trả nợ của mình đối với người cho vay.

Nợ xấu là kết quả của mối quan hệ tín dụng không hoàn hảo, trước hết nó vi phạm đặc trưng cơ bản của tín dụng là tính thời hạn, sau nữa là nó có thể dẫn đến sự vi phạm đặc trưng thứ hai của tín dụng là tính hoàn trả đầy đủ, gây nên sự đổ vỡ lòng tin của người cấp tín dụng đối với người được tín dụng. Một khoản tín dụng được cấp luôn được xác định bởi hai yếu tố: thời hạn hoàn trả và lượng giá trị được hoàn trả. Nợ xấu sẽ phát sinh khi đến thời hạn trả nợ theo cam kết, người vay không có khả năng trả nợ được một phần hay toàn bộ khoản vay cho người cho vay.

1.1.4.2. Các yếu tố ảnh hưởng đến nợ xấu * Nhóm nhân tố từ phía khách hàng vay

Tiềm lực tài chính yếu: năng lực tài chính ảnh hưởng trực tiếp đến rủi ro tổng thể của khách hàng. Trong các giao dịch đều tiềm ẩn rủi ro, nhưng với các khách hàng có tiềm lực tài chính mạnh thì có khả năng chống chịu rủi ro rất tốt. Khi có tiềm lực tài chính mạnh họ đủ sức cầm cự, bù đắp tổn thất và tìm hướng kinh doanh để có thể tiếp tục trụ vững và phát triển. Còn nếu năng lực tài chính yếu, khách hàng rất dễ bị tổn thương khi gặp rủi ro và làm ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của khách hàng. Bên cạnh các doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, hoạt động kinh doanh có hiệu quả. Cũng còn có không ít các doanh nghiệp có tình hình tài chính không tốt, hoạt động kinh doanh kém hiệu quả, vay nợ chiếm tỷ trọng cao trong tổng nguồn vốn và khả năng dự báo thị trường yếu vẫn được ngân hàng cho vay, thậm chí được vay với số tiền rất lớn. Tình hình tài chính doanh nghiệp yếu kém, thiếu minh bạch. Quy mô nguồn vốn chủ sở hữu nhỏ bé, cơ cấu tài chính thiếu cân đối là đặc điểm chung của hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam. Công tác quản lý tài chính kế toán còn tùy tiện, thiếu đồng bộ, mang tính đối phó, làm cho thông tin Ngân hàng có được không chính xác, chỉ mang tính chất hình thức. Do đó, khi cán bộ ngân hàng lập các bản phân tích tài chính của doanh nghiệp dựa trên số liệu do các doanh nghiệp cung cấp, thường thiếu tính thực tế và sai lệch quá nhiều, dẫn đến tỷ lệ nợ xấu tăng cao.

Đạo đức, uy tín, năng lực quản trị, sản xuất kinh doanh và kinh nghiệm của người vay: Đây là một trong những nhân tố quan trọng tác động đến khả năng hoàn trả nợ vay. Điều này liên quan đến việc sử dụng vốn vay, tổ chức quản lý phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả nhằm tạo nguồn trả nợ cho ngân hàng. Với những khách hàng thiếu thiện chí, trình độ, năng lực quản trị kém, kinh nghiệm non yếu dễ dẫn đến việc sử dụng vốn sai mục đích, gây thất thoát vốn và thường dây dưa trong việc trả nợ cho ngân hàng. Đa số các

doanh nghiệp khi vay vốn ngân hàng đều có các phương án kinh doanh cụ thể, khả thi, nếu không kiểm tra, phân tích xem, có thể bị rủi ro. Số lượng doanh nghiệp sử dụng vốn sai mục đích, cố ý lừa đảo ngân hàng để chiếm đoạt tài sản không nhiều, nhưng không phải không có, thậm chí có những vụ việc phát sinh hết sức nặng nề và nghiêm trọng, liên quan đến uy tín của các cán bộ, làm ảnh hưởng xấu đến các doanh nghiệp khác. Năng lực quản lý kinh doanh yếu kém cũng là lý do phát sinh rủi ro. Nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nhiều lĩnh vực vượt quá khả năng quản lý.

* Nhân tố từ phía Ngân hàng

Chính sách tín dụng của một ngân hàng là kim chỉ nam cho hoạt động tín dụng của ngân hàng đó. Bên cạnh việc phải phù hợp với đường lối phát triển của Nhà nước thì chính sách tín dụng còn phải đảm bảo kết hợp hài hoà quyền lợi của người gửi tiền, người đi vay và quyền lợi của chính bản thân ngân hàng. Chính sách tín dụng phải tạo ra sự công bằng, không những phải đảm bảo an toàn cho hoạt động của ngân hàng mà còn phải đảm bảo đủ sức hấp dẫn đối với khách hàng. Một chính sách tín dụng đồng bộ, thống nhất, đầy đủ và đúng đắn sẽ định hướng cho cán bộ tín dụng có những chính sách phù hợp đối với từng khách hàng và đảm bảo an toàn trong hoạt động tín dụng. Ngược lại, một chính sách tín dụng không đầy đủ, đúng đắn và thống nhất sẽ tạo ra định hướng lệch lạc cho hoạt động tín dụng, dẫn đến việc cấp tín dụng không đúng đối tượng tạo kẽ hở cho người sử dụng vốn không đem lại hiệu quả kinh tế, dẫn đến rủi ro tín dụng, từ đó phát sinh các khoản nợ xấu. Quy trình tín dụng là tập hợp những nội dung, nghiệp vụ cơ bản, các bước tiến hành trong quá trình cho vay, thu nợ nhằm đảm bảo an toàn vốn tín dụng. Nó bao gồm các bước bắt đầu từ khâu chuẩn bị cho vay, giải ngân, kiểm tra trong quá trình cho vay cho đến khi thu hồi được nợ. Chất lượng tín dụng tuỳ thuộc nhiều vào chất lượng công tác thẩm định và quy định về điều kiện, thủ tục cho vay của từng ngân hàng thương mại. Kiểm tra quá trình sử dụng

vốn vay giúp cho ngân hàng nắm được diễn biến của khoản tín dụng đã cung cấp cho khách hàng để có những hành động điều chỉnh can thiệp khi cần thiết, sớm ngăn ngừa rủi ro có thể xảy ra. Hoạt động giám sát chủ yếu tập trung vào một số vấn đề như: sự tuân thủ việc sử dụng vốn đúng mục đích của khách hàng; tiến độ trả nợ; quá trình sử dụng, bảo quản và biến động giá trị tài sản của khách hàng; những vấn đề mới nảy sinh trong quá trình thực hiện phương án. Làm tốt công tác này sẽ giúp ngân hàng phát hiện và ngăn chặn kịp thời những biểu hiện tiêu cực như sử dụng vốn sai mục đích, âm mưu tẩu tán tài sản, lừa đảo ngân hàng, từ đó giảm thiểu rủi ro tín dụng. Thu hồi và giải quyết nợ là khâu quyết định đến chất lượng tín dụng. Sự nhạy bén của ngân hàng trong việc kịp thời phát hiện những biểu hiện bất lợi xảy ra đối với khách hàng cũng như những biện pháp xử lý kịp thời, tư vấn cho khách hàng sẽ giảm thiểu được những khoản nợ xấu và điều đó sẽ có tác dụng tích cực đối với hoạt động tín dụng. Như vậy, quy trình tín dụng càng chặt chẽ thì cán bộ đánh giá khách hàng càng khách quan, giám sát khoản vay càng tốt, chất lượng tín dụng càng cao từ đó ngân hàng sẽ hạn chế rủi ro trong hoạt động kinh doanh của mình.

Chất lượng đội ngũ cán bộ ngân hàng là nhân tố quyết định đến sự thành bại trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng nói chung và trong hoạt động tín dụng nói riêng. Sỡ dĩ như vậy là vì cán bộ tín dụng là người tham gia trực tiếp vào mọi khâu của quy trình tín dụng, từ bước đầu tiên đến bước cuối cùng. Cán bộ tín dụng mà không có đạo đức nghề nghiệp, làm việc thiếu tinh thần trách nhiệm, cố ý làm trái pháp luật sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng. Một cán bộ tín dụng giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, có kỹ năng, có kinh nghiệm, có đạo đức nghề nghiệp sẽ đánh giá khách quan, chính xác tính khả thi của phương án, xác định được tính chân thực của các báo cáo tài chính, phát hiện các hành vi cố tình lừa đảo của khách hàng. Ngược lại nếu cán bộ tín dụng thiếu tinh thần trách nhiệm sẽ dẫn đến đánh giá năng lực của khách hàng sơ sài, thẩm định không tốt, có thể chấp nhận cho vay những khoản vay không khả thi hoặc bị khách hàng lừa gạt.

* Nhân tố khách quan

Môi trường kinh tế xã hội: Môi trường tự nhiên: Nói chung môi trường tự nhiên không tác động trực tiếp tới hoạt động tín dụng của ngân hàng mà vai trò của nó thể hiện qua sự tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp mà hoạt động của chúng phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên như các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nông nghiệp, ngư nghiệp. Điều kiện tự nhiên diễn biến thuận lợi hay bất lợi sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, do đó ảnh hưởng tới khả năng trả nợ cho ngân hàng.

Môi trường kinh tế: Là một tế bào trong nền kinh tế, sự tồn tại và phát triển của ngân hàng cũng như doanh nghiệp chịu ảnh hưởng rất nhiều của môi trường này. Sự biến động của nền kinh tế theo chiều hướng tốt hay xấu sẽ làm cho hiệu quả hoạt động của ngân hàng và doanh nghiệp biến động theo. Đặc biệt, trong điều kiện quốc tế hóa mạnh mẽ như hiện nay, hoạt động của các ngân hàng và doanh nghiệp không chỉ chịu ảnh hưởng của môi trường kinh tế trong nước mà cả môi trường kinh tế quốc tế. Những tác động do môi trường kinh tế gây ra có thể là trực tiếp đối với ngân hàng hoặc tác động xấu đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, qua đó gián tiếp ảnh hưởng tới chất lượng tín dụng ngân hàng.

Môi trường chính trị, xã hội: Sự ổn định của môi trường chính trị, xã hội là một căn cứ quan trọng để ra quyết định của các nhà đầu tư. Nếu môi trường này ổn định thì các nhà đầu tư sẽ yên tâm thực hiện việc mở rộng đầu tư và do đó nhu cầu vốn tín dụng ngân hàng trung và dài hạn tăng lên. Ngược lại nếu môi trường bất ổn thì họ sẽ tìm cách thu hẹp sản xuất để bảo toàn vốn, hạn chế rủi ro khi đó nhu cầu vốn tín dụng ngân hàng

Môi trường pháp lý không chặt chẽ nhiều khe hở và bất cập sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp yếu kém làm ăn bất chính, lừa đảo lẫn nhau và lừa đảo ngân hàng. Môi trường pháp lý không chặt chẽ và thiếu sự ổn định cũng khiến các nhà đầu tư trung thực e dè, không dám mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh do đó hạn chế nhu cầu về vốn tín dụng ngân hàng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp nhằm hạn chế nợ xấu tại ngân hàng TMCP quân đội chi nhánh quảng ninh (Trang 29 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(121 trang)