Trên thế giới

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá tổng hợp điều kiện tự nhiên cho mục đích phát triển bền vững du lịch huyện tam đảo, tỉnh vĩnh phúc​ (Trang 30 - 36)

7. Cấu trúc luận văn

1.2.1 Trên thế giới

1.2.1.1 Nhóm các công trình nghiên cứu về lý luận du lịch

- Hướng nghiên cứu mang tính lý luận về du lịch. Dưới góc độ xã hội, du lịch là sự di chuyển tạm thời của con người từ nơi cư trú đến nơi khác nhằm thỏa mãn các nhu cầu nghỉ dưỡng, thể thao giải trí; Dưới góc độ kinh tế, du lịch được coi là một ngành kinh tế siêu lợi nhuận [31, 32, 42, 43]; Một số công trình nhìn nhận du lịch dưới cả hai góc độ kinh tế và xã hội, coi du lịch như một ngành “công nghiệp

không khói”, có nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu tham quan, du lịch, giải trí (Mathieson và Wall, 1992; J.L.Michaud, 1983); Dưới góc độ tiếp cận cộng đồng, du lịch là tổng hòa các hiện tượng và mối quan hệ nảy sinh từ tác động qua lại giữa du khách, nhà cung ứng, chính quyền và cộng đồng địa phương (M.M.Coltman, 1991; Robert W.McIntosh, Chaler R.Goelder, J.R.Brent Ritchie, 1995); Dưới góc độ môi trường, Krippendorf (1975) và Jungk (1980) là những người đầu tiên cảnh báo về suy thoái môi trường do hoạt động du lịch gây ra với những khái niệm về “du lịch rắn - hard tourism” để chỉ loại hình du lịch ồ ạt gây tổn hại đến môi trường và “du lịch mềm - soft tourism” nhằm hướng đến một chiến lược du lịch tôn trọng môi trường.

- Hướng nghiên cứu về DLST. Được xác định là loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên, nhưng DLST cũng được nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau: Laarman và Durst (1987) nhấn mạnh yếu tố tự nhiên nhưng lại chưa đề cập đến vấn đề bảo tồn; Boo (1991), coi những giá trị tự nhiên và văn hóa là nền tảng của DLST; Allen (1993) đề cập đầy đủ hơn mối quan hệ giữa tự nhiên và con người, đồng thời đặc biệt chú trọng tới việc giảm thiểu tác động tới môi trường và đáp ứng được những lợi ích của người dân địa phương. Nhiều tổ chức Quốc tế cũng có đồng quan điểm cho rằng DLST là sản phẩm dựa vào thiên nhiên và văn hóa bản địa, có trách nhiệm giáo dục môi trường, đóng góp cho bảo tồn và cho lợi ích cộng đồng (TIES, 1990; IUCN, 1993; UNEP/WTO, 2002). Nhiều mô hình phát triển DLST được thực hiện tại các VQG trên thế giới như: VQG Galapagos (Equador), VQG Des Volcans (Ruanda), VQG Antonio Manual (Costa Rica), VQG South Luangawa (Zambia), khu dự trữ quốc gia Maasai Mara, VQG Amboseli (Kenia), khu bảo tồn thiên nhiên Annapurma (Nepal)[36, 37].

- Hướng nghiên cứu về du lịch bền vững. Vào đầu thập kỷ 90, thuật ngữ “du lịch bền vững” lần đầu tiên xuất hiện do nhiều tổ chức và các nhà khoa học trên thế giới đề cập (UNWTO, 1992; WTTC, 1996, L.Hens, 1998), đồng thời nhiều nghiên cứu khoa học được thực hiện nhằm đưa ra các khía cạnh ảnh hưởng của du lịch đến phát triển bền vững; WWF-UK (1998) đã đưa ra 4 nguyên tắc của du lịch bền vững bao gồm: (1) phát triển du lịch trong khả năng cho phép của tài nguyên thiên nhiên nhằm bảo đảm hiệu suất cũng như sự tái sinh của tự nhiên; (2) nhìn nhận sự đóng

góp của cộng đồng địa phương và tập quán, lối sống của họ như một dạng tài nguyên du lịch; (3) đảm bảo người dân địa phương được hưởng các nguồn lợi kinh tế từ hoạt động du lịch một cách công bằng; (4) định hướng phát triển du lịch trên cơ sở mong muốn của cộng đồng địa phương [28]. Các công trình về phát triển du lịch bền vững tập trung hướng đến các mục tiêu xã hội, thông qua các hoạt động du lịch tạo công ăn việc làm cho cộng đồng địa phương, giúp xóa đói giảm nghèo và góp phần bảo tồn thiên nhiên.

- Hướng nghiên cứu về sức chứa du lịch (sức chịu tải du lịch). Xuất hiện vào những năm đầu của thập kỷ 60, việc xác định sức chứa nhằm mục tiêu thỏa mãn nhu cầu của du khách nhưng không gây suy thoái hệ sinh thái tự nhiên, không gây xung đột xã hội giữa cộng đồng địa phương và du khách, không gây suy thoái nền kinh tế truyền thống của người dân bản địa (D’Amore, 1983; Shelby và Heberlein, 1987; Boo, 1990; Luc Hens, 1998). Sức chứa du lịch được tiếp cận theo nhiều khía cạnh như khả năng chịu tải kinh tế (O’Reilly, 1986), khả năng chịu tải xã hội, khả năng chịu tải sinh thái (Getz, 1983; Mathieson và Wall, 1992; Carpenter R.A. và Maragos J.E, 1989). Nhiều phương pháp tính sức chứa du lịch đã được đưa ra như: xác định sức chứa thường xuyên của một điểm du lịch (CPI) thông qua diện tích của khu vực (AR) và tiêu chuẩn không gian tối thiểu cho một du khách; hoặc tính sức chứa hàng ngày (CDP) của điểm du lịch bằng các chỉ số về sức chứa thường xuyên (CPI) và công suất sử dụng mỗi ngày (TR) [39]. Gần đây, phương pháp mới của A.M.Cifuentes và H.Héctor Ceballos-Lascurain về xác định khả năng chịu tải vật lý (PCC) và hiệu quả chịu tải thực tế (ERCC) về số lượng khách đã được áp dụng trong nhiều nghiên cứu.

Tóm lại, trong quá trình phát triển, khái niệm du lịch không ngừng được mở rộng. Xuất phát từ các khái niệm ban đầu cho rằng du lịch là một hiện tượng xã hội, đơn thuần là các chuyến đi xa khỏi nơi cư trú đến nhận thức cho rằng du lịch là một hoạt động kinh tế mang lại hiệu quả cao. Giai đoạn đầu, các công trình tập trung nghiên cứu về ý nghĩa giải trí và giá trị kinh tế của hoạt động du lịch. Đến đầu những năm 80 của thế kỷ XX, khi trào lưu DLST lần đầu tiên xuất hiện, và đặc biệt khi các vấn đề về phát triển bền vững được đề cập thì các nhà khoa học bắt đầu chú

trọng đến việc bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên. Mặc dù xuất hiện muộn, nhưng quan điểm phát triển du lịch bền vững đã nhanh chóng lan tỏa và được vận dụng nhằm đáp ứng được các nhu cầu hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch của tương lai.

1.2.1.2 Nhóm các công trình nghiên cứu về đánh giá điều kiện địa lý và tài nguyên du lịch

- Tại Liên Xô (cũ) và các nước Đông Âu

Cuối những năm 60 của thế kỷ XX, đặc biệt tại Liên Xô (cũ), bắt đầu xuất hiện nhiều công trình đánh giá về điều kiện địa lý và tài nguyên du lịch. Các công trình tập trung vào việc đánh giá các hợp phần của tự nhiên và xây dựng các chỉ tiêu đánh giá tài nguyên du lịch như: các chỉ tiêu đánh giá bãi tắm về chiều rộng và vật liệu nền đáy của bãi biển như cát, sỏi, cuội, sét, bùn (Viện Địa lý - Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô); Các chỉ tiêu đánh giá mức độ đa dạng của cảnh quan cho dạo chơi ngắm cảnh (V.X.Tauxkat, 1969; Mukhina, 1973); Các chỉ tiêu đánh giá mức độ tương phản địa hình (I.U.Vedenhin và nnk, 1975); Các chỉ tiêu về nhiệt độ nước để xác định thời hạn của mùa tắm (Kornilova, 1979); Đánh giá toàn bộ các yếu tố tự nhiên (Iu.A.Vedenhin và N.N.Mirosnhitrencô, 1981).

Kế thừa các nghiên cứu của các học giả Liên Xô (cũ), các nhà khoa học Bungari đã phát triển cả về phương pháp luận cũng như thực tiễn nghiên cứu, theo Đ.Đ.Bắc (2005) [15] đây được coi là quốc gia có các công trình về kiểm kê tài nguyên du lịch một cách hệ thống nhằm phục vụ cho việc tổ chức lãnh thổ và quy hoạch phát triển du lịch. Các công trình đánh giá dựa trên các tiêu chí về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, giao thông; Xây dựng mô hình đánh giá tài nguyên tự nhiên cho mục đích du lịch; Đánh giá các nguồn nước khoáng nóng nhằm phục vụ quy hoạch phát triển du lịch nghỉ dưỡng và chữa bệnh.

- Tại các nước Châu Á

Chịu ảnh hưởng lớn của trường phái địa lý Liên Xô (cũ), từ những năm 70 của thế kỷ trước, tại một số nước châu Á như Ấn Độ, Nhật Bản, các công trình về đánh giá điều kiện địa lý và tài nguyên du lịch cũng chủ yếu theo hướng phân loại, kiểm kê, đánh giá các thành phần tự nhiên để xây dựng các chỉ tiêu phù hợp với

mục đích du lịch như: đánh giá bãi biển cho hoạt động tắm biển (các nhà khoa học Nhật Bản); Xây dựng các chỉ tiêu khí hậu sinh học đối với con người (các nhà khoa học Ấn Độ).

Từ năm 1980, Trung Quốc được coi là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển du lịch nhanh và mạnh trên thế giới. Các nhà địa lý Trung Quốc đã dựa trên bảng phân loại tài nguyên du lịch của UNTWO để kiểm kê, phân loại, đánh giá tài nguyên và các nguồn lực phát triển du lịch trên phạm vi cả nước và các địa phương [27, 43].

- Tại Mỹ và các nước Tây Âu

Các công trình đánh giá điều kiện địa lý phục vụ mục đích du lịch, nghỉ dưỡng được phát triển và đề cập thêm nhiều yếu tố mới như: dựa vào khả năng tiếp cận, hiện trạng sử dụng đất, chất lượng môi trường, hệ thống đường trong rừng, địa hình, các loại tài nguyên nước; Xây dựng các tiêu chí đánh giá dựa trên mức độ thuận lợi của số ngày mưa trong năm thích hợp với hoạt động du lịch; Xây dựng giản đồ tương quan giữa nhiệt độ và độ ẩm tuyệt đối phù hợp với khách du lịch (dẫn theo [39]).

Dưới góc độ đánh giá tài nguyên du lịch nhân văn, B.Rosemary (1998) dựa vào các chỉ tiêu như: khả năng tiếp cận các hoạt động du lịch, cơ sở hạ tầng - vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, sự lôi cuốn và sự tham gia của cộng đồng địa phương (dẫn theo [31]). Đồng thời, đánh giá tài nguyên du lịch cũng được coi là một bước cơ bản trong quá trình quy hoạch phát triển du lịch của từng địa phương hoặc ở quy mô quốc gia. Nhiều phương pháp mới mang tính định lượng cao được áp dụng trong đánh giá điều kiện địa lý và tài nguyên như phương pháp ma trận, phương pháp “phân tích chi phí - lợi ích” (CBA), “chi phí du hành” (TCM), phương pháp “đánh giá ngẫu nhiên” (CVM).

Tóm lại, từ nửa cuối thế kỷ XX, hướng nghiên cứu về đánh giá điều kiện địa lý và tài nguyên du lịch được phát triển tại nhiều quốc gia trên thế giới. Mặc dù không có cùng xuất phát điểm và được tiếp cận dưới nhiều góc độ khác nhau nhưng các công trình đều theo hướng đánh giá mức độ thuận lợi của tài nguyên cho mục đích phát triển du lịch. Các công trình nghiên cứu đi theo hướng từ mô tả, kiểm kê

đến việc đưa ra các chỉ tiêu đánh giá phục vụ mục đích du lịch, nghỉ dưỡng. Nhiều phương pháp đánh giá tài nguyên đã được áp dụng, các phương pháp đánh giá phát triển dần từ định tính sang hướng định lượng cao.

1.2.1.3 Nhóm các công trình nghiên cứu về tổ chức lãnh thổ du lịch

Vào nửa cuối những năm 30 của thế kỷ XX, trong hệ thống các khoa học địa lý đã hình thành một hướng mới, nghiên cứu về địa lý các nguồn khách du lịch, về tiềm năng khai thác tài nguyên cho các hoạt động du lịch, về phân vùng và TCLTDL. Theo hướng nghiên cứu này, có thể nói các nhà khoa học của các nước Xã hội chủ nghĩa (theo trường phái địa lý Xô Viết) là những người tiên phong.

Dưới góc nhìn của các nhà địa lý Xô Viết và khu vực Đông Âu cũ, TCLTDL được xem là một dạng của tổ chức lãnh thổ xã hội, mang tính lịch sử, được hình thành và phát triển với các hình thức gồm hệ thống lãnh thổ du lịch, thể tổng hợp lãnh thổ du lịch và vùng du lịch [45,46].

Trong khi đó ở Mỹ và các nước Tây Âu, những năm đầu thập kỷ 60 xuất hiện trào lưu địa lý học hiện đại theo cách tiếp cận về một không gian mở không bị bó hẹp bởi các rào cản về ranh giới lãnh thổ với mục tiêu góp phần quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đặc biệt sau năm 1980, khi quan điểm phát triển bền vững được đề cập thì các hoạt động du lịch nói chung được tiêu chuẩn hóa, có sự giám sát và kiểm tra chặt chẽ. Việc quản lý, sử dụng tài nguyên du lịch được tiến hành theo hướng có lợi cho tài nguyên và cộng đồng. Các công trình về TCLTDL thường nghiên cứu về các định mức và tiêu chuẩn phù hợp với sức chứa của tài nguyên phục vụ cho các hoạt động du lịch [11]. Theo hướng này, TCLTDL cần hướng tới bốn mục tiêu cơ bản bao gồm: (1) đáp ứng sự hài lòng và thỏa mãn của du khách; (2) đạt được những hiệu quả về kinh doanh; (3) bảo vệ nguồn tài nguyên du lịch; (4) tạo ra sự thống nhất ở vùng du lịch và cộng đồng. Theo quan điểm của các nhà địa lý phương Tây, TCLTDL được hình thành với các hình thức: hệ thống du lịch và cụm tương hỗ phát triển du lịch.

Tóm lại, hướng nghiên cứu về TCLTDL được hình thành khá sớm và phát triển mạnh trong khoa học địa lý từ những năm 70 của thế kỷ XX. So với Liên Xô (cũ) và các nước Đông Âu, hướng nghiên cứu này tại Mỹ và các nước Tây Âu tuy

phát triển muộn nhưng phát triển độc lập và hoàn thiện hơn về phương pháp luận. Đồng thời theo nhiều quan điểm tiếp cận hiện đại phù hợp với xu thế phát triển du lịch của thế giới. Mặc dù vậy, dưới bất kỳ góc độ tiếp cận nào khi nghiên cứu về TCLTDL, các nhà khoa học đều hướng đến mục tiêu chung là khai thác, sử dụng được hiệu quả các nguồn tài nguyên du lịch và các nhân tố phục vụ du lịch nhằm đạt được các mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường cao nhất.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá tổng hợp điều kiện tự nhiên cho mục đích phát triển bền vững du lịch huyện tam đảo, tỉnh vĩnh phúc​ (Trang 30 - 36)