Cơ sở xây dựng định hướng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá tổng hợp điều kiện tự nhiên cho mục đích phát triển bền vững du lịch huyện tam đảo, tỉnh vĩnh phúc​ (Trang 94 - 97)

7. Cấu trúc luận văn

3.2.1 Cơ sở xây dựng định hướng

3.2.1.1 Cơ sở khoa học về quản lý nhà nước

Phấn đấu đến năm 2020 du lịch, dịch vụ Tam Đảo phát triển và tạo được những hình ảnh đặc trưng riêng phù hợp với tiềm năng, lợi thế. Đến năm 2025 du lịch, dịch vụ Tam Đảo trở thành thế mạnh trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, là một trong những trung tâm du lịch, dịch vụ của vùng và cả nước, điểm đến hấp dẫn thân thiện của du khách.

3.2.1.2 Cơ sở thực tiễn

Dựa trên việc phân tích hiện trạng và kết quả đánh giá tổng hợp mức độ thuận lợi của tài nguyên du lịch, luận văn đưa ra những nhận định khách quan, phân tích SWOT về những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức đối với phát triển du lịch của huyện Tam Đảo.

a) Điểm mạnh

- Tính đa dạng về tài nguyên du lịch

Có đặc điểm tự nhiên phân hóa đa dạng, địa hình thấp dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam đã tạo cho Tam Đảo nhiều dạng tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú, đặc biệt tại khu vực VQG Tam Đảo. Bên cạnh đó, cùng với bề dày lịch sử, Tam Đảo là địa phương mang đậm nét văn hóa truyền thống của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Nhiều di tích văn hóa gắn với các giá trị lịch sử, cách mạng, tâm linh; nhiều lễ hội truyền thống và nhiều làng nghề nổi tiếng lâu đời.

Nhờ sự phong phú về các dạng tài nguyên du lịch, Tam Đảo có nhiều điều kiện thuận lợi để xây dựng những sản phẩm du lịch đặc thù, không trùng lặp với nhiều địa phương khác trong khu vực. Điều này đã mang lại cho Tam Đảo sức hấp dẫn du lịch riêng.

- Tài nguyên vị thế

Nhờ các vị thế thuận lợi về tự nhiên, kinh tế, chính trị, Tam Đảo là một huyện của tỉnh Vĩnh Phúc được xác định là tỉnh có vai trò động lực phát triển kinh tế của vùng KTTĐBB; là trung tâm kinh tế lớn của vùng thủ đô; là một tỉnh trong tiểu vùng du lịch trung tâm thuộc vùng du lịch Bắc Bộ và là vị trí cầu nối trong

tuyến du lịch quốc gia giữa thủ đô Hà Nội và các tỉnh vùng núi phía Bắc. Điều này đã tạo cho Tam Đảo nói riêng và tỉnh Vĩnh Phúc nói chung những vị thế thuận lợi trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và đặc biệt là du lịch trong mối quan hệ với thủ đô Hà Nội và các tỉnh, thành phố phía Bắc.

- Hình ảnh điểm đến du lịch

Đối với hoạt động du lịch, hình ảnh điểm đến hấp dẫn là một trong những yếu tố quan trọng tạo tâm lý hứng khởi và ấn tượng tốt trong lòng du khách. Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, địa danh Tam Đảo từ lâu đã nổi tiếng là một điểm nghỉ dưỡng núi và tham quan di tích, thắng cảnh đối với không chỉ du khách trong nước mà còn cả khách quốc tế. Cùng với đó, những năm gần đây với định hướng phát triển trở thành một trong những trung tâm lễ hội lớn nhất trong cả nước, Tam Đảo đã xây dựng khu di tích danh thắng Tây Thiên là một điểm đến đặc thù đối với loại hình DLVH tâm linh. Điều này đã tạo nên thế mạnh mang sắc thái riêng của du lịch Tam Đảo mà những địa phương khác không có được.

b) Điểm yếu

- Chất lượng lao động trong ngành du lịch

Đội ngũ lao động trong ngành du lịch Tam Đảo còn hạn chế cả về số lượng và trình độ quản lý, nghiệp vụ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển trong xu thế hội nhập du lịch của Việt Nam hiện nay. Tỷ lệ lao động được qua đào tạo cơ bản về quản lý và nghiệp vụ du lịch còn thấp. Nhiều doanh nghiệp du lịch còn sử dụng lao động chưa qua đào tạo. Hạn chế này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm của du lịch Tam Đảo mà còn ảnh hưởng tới vai trò là cầu nối trong tuyến du lịch quốc gia giữa thủ đô Hà Nội với các tỉnh vùng núi phía Bắc

- Tính mùa vụ trong hoạt động du lịch

Hoạt động du lịch của Tam Đảo mang tính “mùa vụ” rõ nét do chịu ảnh hưởng của đặc điểm khí hậu nhiệt đới gió mùa. Bên cạnh đó là những ảnh hưởng mang tính xã hội như "mùa" lễ hội; "mùa" nghỉ hè, "mùa" du lịch... Theo số liệu thống kê, nếu trong mùa du lịch cao điểm (từ tháng 5 đến tháng 9) lượng khách đến Tam Đảo chiếm khoảng 65,3% tổng lượng khách trong năm, công suất sử dụng phòng trung bình đạt khoảng 58,4% thì trong mùa thấp điểm những chỉ tiêu này chỉ đạt trên 30,6 % và 45,5%. Vì vậy, tính mùa vụ trong hoạt động du lịch được xem là một trong

những nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng đến số ngày lưu trú trung bình và mức độ chi tiêu vốn rất thấp của khách du lịch khi đến Tam Đảo.

- Khả năng liên kết phát triển du lịch

Với vai trò là một điểm đến quan trọng trong vùng du lịch Bắc Bộ, có mối liên hệ chặt chẽ với thủ đô Hà Nội - trung tâm du lịch và là trung tâm phân phối khách lớn nhất của vùng thì việc liên kết du lịch giữa Tam Đảo - Vĩnh Phúc với các địa phương trong vùng, đặc biệt với Hà Nội là rất quan trọng. Việc liên kết không chỉ thúc đẩy sự phát triển du lịch của Tam Đảo, mà còn có ý nghĩa đối với hoạt động du lịch chung của cả vùng, làm tăng sức hấp dẫn và tính cạnh tranh của các sản phẩm du lịch mang tính vùng. Tuy nhiên thời gian qua, du lịch tam Đảo chưa chủ động tạo ra sự liên kết này. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự hạn chế của các dòng khách đến Tam Đảo, cũng như chưa tạo được hình ảnh du lịch đặc trưng.

c) Cơ hội

- Chiến lược marketing định vị Việt Nam là điểm đến độc đáo, hấp dẫn và an toàn

Nhằm tạo dựng hình ảnh của du lịch Việt Nam, Chính phủ đã xây dựng chương trình xúc tiến du lịch quốc gia cho giai đoạn 2015 - 2020, với Chiến lược marketing định vị Việt Nam là điểm đến độc đáo, hấp dẫn và an toàn. Với mục tiêu, thông qua truyền thông nâng cao nhận thức về sự đa dạng của sản phẩm du lịch Việt Nam nhằm tăng thời gian lưu trú và chi tiêu của khách, thu hút khách quay lại với nhiều trải nghiệm khác biệt. Đồng thời, tạo cơ hội hợp tác marketing du lịch giữa nhiều thành phần, hướng tới các phân đoạn thị trường đang tăng trưởng cao cũng như các thị trường mới nổi. Đây chính là cơ hội cho du lịch Tam Đảo khẳng định hình ảnh du lịch của mình đối với thị trường du lịch trong nước và quốc tế.

- Nhu cầu du lịch trong nước, quốc tế ngày một gia tăng

Do tình hình an ninh, chính trị ổn định, Việt Nam đã và đang thu hút được sự quan tâm của khách du lịch quốc tế khi quyết định lựa chọn điểm đến du lịch. Thực tế những năm qua, các thị trường trọng điểm của du lịch Tam Đảo như các nước Đông Nam Á, Trung Quốc, Bắc Mỹ... đều có sự gia tăng về số lượng khách. Đối với thị trường khách du lịch nội địa, đặc biệt là từ thủ đô Hà Nội - thị trường phân phối khách lớn nhất ở khu vực phía Bắc, nhu cầu du lịch những năm gần đây cũng tăng nhanh cùng với sự phát triển kinh tế của đất nước và với việc gia tăng số ngày nghỉ của người lao động.

Như vậy có thể thấy du lịch Tam Đảo đang đứng trước cơ hội phát triển ngày một tăng cao từ góc độ “cầu” của thị trường khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch quốc tế.

d) Thách thức

- Khả năng cạnh tranh của du lịch Tam Đảo

Trong bối cảnh phát triển du lịch của Việt Nam hiện nay, sự cạnh tranh về các sản phẩm du lịch là một thách thức rất lớn của các địa phương, trong đó có Tam Đảo. Có thể thấy một số tỉnh, thành trong vùng du lịch Bắc Bộ phát huy được lợi thế cạnh tranh về các giá trị di sản quốc gia, quốc tế cho phát triển du lịch, như: Phú Thọ có hát xoan - di sản văn hóa phi vật thể của thế giới, có Quốc giỗ Hùng Vương - di sản văn hóa đặc biệt cấp quốc gia; Quảng Ninh có di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long; Bắc Ninh với Hội Lim; Ninh Bình có Tràng An...

Do Tam Đảo không có các di sản nên không tạo được sức cạnh tranh cao trong hoạt động du lịch. Đây là một trong những yếu tố khách quan, ảnh hưởng đến vị trí của du lịch Tam Đảo trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng như trong chiến lược phát triển du lịch vùng du lịch Bắc Bộ nói riêng và của du lịch Việt Nam nói chung.

- Sử dụng và khai thác bền vững tài nguyên du lịch

Sử dụng và khai thác bền vững các nguồn tài nguyên du lịch luôn là thách thức đối với du lịch của cả nước nói chung và của Tam Đảo nói riêng. Cùng với sự phát triển của hoạt động du lịch là những tác động không nhỏ tới tài nguyên, môi trường và văn hóa bản địa. Điều này có thể dễ dàng nhận thấy ở nhiều điểm tài nguyên du lịch có giá trị của Tam Đảo với sự xuống cấp của các di tích lịch sử văn hoá, sự suy giảm đa dạng sinh học ở các khu tự nhiên, đặc biệt ở VQG Tam Đảo, do hoạt động khai thác không được quản lý.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá tổng hợp điều kiện tự nhiên cho mục đích phát triển bền vững du lịch huyện tam đảo, tỉnh vĩnh phúc​ (Trang 94 - 97)