Hiện trạng cơ sở hạ tầng vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá tổng hợp điều kiện tự nhiên cho mục đích phát triển bền vững du lịch huyện tam đảo, tỉnh vĩnh phúc​ (Trang 63 - 67)

7. Cấu trúc luận văn

2.2.3 Hiện trạng cơ sở hạ tầng vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch

2.2.3.1 Cơ sở hạ tầng

Hệ thống giao thông của Tam Đảo chủ yếu là giao thông đường bộ. Ngoài ra có vận tải thủy trên các hồ và sông Phó Đáy, nhưng rất hạn chế.

Hệ thống giao thông của huyện hiện nay về cơ bản thuận lợi, đảm bảo 100% các thôn làng, bản đều có đường ô tô đến nơi. Đường Quốc lộ 2B từ thành phố Vĩnh Yên lên thị trấn Tam Đảo có chiều dài 24 km, trong đó thuộc địa phận huyện Tam Đảo 16,4 km đã được đầu tư nâng cấp, đi lại thuận tiện.

Bên cạnh đó Tỉnh đang đầu tư xây dựng, chuẩn bị khánh thành Quốc lộ 2B mới, mặt cắt 42m, từ Vĩnh Yên đến km 13 Tam Đảo, đường một chiều, hệ thống đèn chiếu sáng, cây xanh đồng bộ và là “trục thần đạo” của Vĩnh Phúc, dẫn liền Tam Đảo với Ba Vì, qua Sông Hồng.

Đường tỉnh 302 chiều dài 40km chạy dọc từ xã Minh Quang lên Yên Dương (dọc và cách chân dãy núi Tam Đảo khoảng 5 km) và nối liền Quốc lộ 2C đi Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang), tuyến đường này đã được đầu tư nâng cấp vào năm 2004 hoàn thành năm 2005.

Vì vậy, chất lượng tuyến đường đã được nâng lên. Du khách đi trên con đường này sẽ được ngắm, nhìn dãy núi Tam Đảo ở gần hơn và đặc biệt là cảm nhận được cảnh sắc của các làng quê Việt Nam. Đây cũng chính là tuyến đường giao thông quan trọng trong việc giao lưu, vận chuyển hàng hoá giữa các xã trong huyện; giữa huyện với các vùng lân cận, đặc biệt là giao lưu với Tân Trào, Sơn Dương (Tuyên Quang) và Định Hoá (Thái Nguyên).

Tuyến đường Tỉnh lộ 309 nối từ xã Tam Quan với Quốc lộ 2C có chiều dài 3,2 km, cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giao lưu, buôn bán và đi lại của du khách đặc biệt là giữa hai huyện Tam Đảo và Tam Dương.

Ngoài ra, huyện Tam Đảo còn có 96,25 km đường liên xã, hầu hết các tuyến đường này đã và đang được đầu tư nâng cấp đáp ứng nhu cầu đi lại, giao lưu, buôn bán của nhân dân. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng các sản phẩm và các tour, tuyến du lịch trong vùng.

Tỉnh Vĩnh Phúc đang xúc tiến công tác chuẩn bị và đầu tư thêm một số tuyến nối liền Tam Đảo với các vùng trong và ngoài Tỉnh như: tuyến đường Việt Nam - Parssno dọc chân núi Tam Đảo, từ sân bay Quốc tế Nội Bài, qua khu du lịch Đại Lải - Tam Đảo - Tân Trào; đường hầm xuyên núi nối liền Tam Đảo và Thái Nguyên. Khi các tuyến hoàn thành, hứa hẹn sẽ đáp ứng và thúc đẩy mạnh mẽ Kinh tế - Xã hội phát triển, đặc biệt là du lịch.

- Hệ thống cấp điện

+ Nguồn điện lưới quốc gia: Các xã, thị trấn đều có lưới điện 350 KV hoặc 10 KV, toàn bộ các xã trong vùng đệm - vườn Quốc gia Tam Đảo đều có điện sử dụng thông qua mạng lưới phân phối điện là các trạm hạ thế và mạng lưới đường dây hạ thế, đến nay 100% số hộ được sử dụng điện.

Tuy nhiên, do mạng lưới phân phối điện không đều, chất lượng và giá thành khác nhau do đầu tư đã lâu. Những năm gần đây, trên địa bàn huyện Tam Đảo đã tiếp nhận và triển khai dự án điện nông thôn Je - II, hết năm 2009 hoàn thành, chất lượng điện Tam Đảo khá ổn định và đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của huyện.

+ Các nguồn điện khác: Tại một số cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ có nhu cầu sử dụng điện liên tục đã trang bị các trạm phát hoặc máy phát điện (dự phòng) như: khu vực truyền hình Tam Đảo có trạm phát điện diezen công suất 250 KVA, các bưu điện, nhà hàng, khách sạn… có máy phát điện dự phòng từ 10 - 15

KVA. Một số thôn, bản sát chân núi còn có nguồn thuỷ điện nhỏ do các hộ gia đình tự đầu tư cung cấp điện cho sản xuất và sinh hoạt.

- Hệ thống thông tin và truyền thông

Hệ thống hạ tầng bưu chính, viễn thông được đầu tư đồng bộ, hiện đại nhằm phục vụ kịp thời nhu cầu của nhân dân và khách du lịch. Đến nay 100% các xã có điểm bưu điện văn hoá, điểm cung cấp dịch vụ internet, phủ sóng điện thoại, đến hết năm 2008, bình quân có 15 máy điện thoại trên 100 người dân, hầu hết các công sở trên địa bàn, các cơ sở lưu trú đều có điểm truy cập mạng internet, các cơ sở kinh doanh du lịch đều thiết lập được website … Dịch vụ bưu chính, viễn thông trên địa bàn khá hoàn thiện, đồng bộ và hiện đại, chất lượng phục vụ ngày càng tốt hơn.

- Hệ thống cấp, thoát nước

+ Thực trạng hệ thống thủy lợi: Nước cho nông nghiệp được lấy từ 2 nguồn: nước mưa và nước từ hệ thống sông, suối trên địa bàn Huyện. Nguồn nước mặt của Tam Đảo khá phong phú với sông Phó Đáy và các sông nhỏ như: Vực Chuông, Đình Cả. Đặc biệt là hệ thống hồ chứa nước lớn như: Xạ Hương dung tích 12,78 triệu m3, Làng Hà 2,3 triệu m3, Hồ Vĩnh Thành 2,7 triệu m3, Bản Long 2,5 triệu m3 và hàng loạt các hồ chứa nước nhỏ (25 hồ).

Hệ thống hồ, đập (38 cái) không chỉ cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, còn phục vụ cho sân gôn, nhà máy Z95, nuôi trồng thủy sản và tạo nguồn nước ngầm cho các giếng của dân cư trong Huyện.

Trên địa bàn huyện Tam Đảo có Trung tâm khai thác các công trình thủy lợi, với năng lực tưới 5.523 ha. Hiện tại, hệ thống công trình của Công ty đã phục vụ tưới cho 3.271 ha đất nông nghiệp của Huyên, số còn lại phục vụ cho các huyện khác thuộc vùng quản lý của Công ty.

Hiện trên địa bàn Huyện còn 136 ha không có khả năng tưới do địa hình phức tạp, không thể xây dựng được các công trình thủy nông. Hệ thống kênh cấp 2 đã được cứng hóa, nhưng 380 km kênh đất thuộc kênh nội đồng đã xuống cấp cần nâng cấp, cải tạo. Các hồ chứa nước tuy hiện đang cung cấp đủ nước, nhưng một vài đập bị dò rỉ (đập hồ Làng Hà) hoặc đang tạm ngừng cấp nước để cải tạo, mở rộng dung tích.

+ Thực trạng cấp nước sinh hoạt: tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh của huyện Tam Đảo chiếm 93%. Nguồn nước phục vụ sinh hoạt trong huyện có ba nguồn: nước mưa, nước mặt và nước ngầm.

Tại khu nghỉ mát Tam Đảo, nguồn nước hiện đang được khai thác từ ba nguồn chính: khe Mãng Chì, Hồ Xanh và nguồn nước mưa bổ trợ. Hiện nay, ở khu vực này đã được đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước, đảm bảo cung cấp nước cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh và sử dụng của toàn bộ khu nghỉ mát. Theo đánh giá của các nhà khoa học thì nguồn nước mặt của Tam Đảo có trữ lượng cao, đáp ứng đủ nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh và là nguồn cung cấp nước chủ yếu hiện tại cũng như lâu dài.

+ Thực trạng thoát nước: Về thoát nước, trên địa bàn Huyện chỉ có khu vực thị trấn Tam Đảo và khu vực sân gôn đã xây dựng hệ thống thoát nước thải. Tuy nhiên, hệ thống thoát nước vẫn rất đơn giản, chủ yếu là công trình nổi, lộ thiên và chưa qua xử lý. Còn ở các khu vực khác, nước thải sinh hoạt ở mỗi hộ dân, nước mưa chủ yếu được thoát xuống các ruộng trũng, ao hồ, mương rãnh hiện có sau đó chảy ra hệ thống các mương tiêu chính rồi cuối cùng đổ ra sông. Tình trạng trên gây ô nhiễm cho môi trường chung và cần phải được xem xét xử lý trong thời gian tới.

2.2.3.2 Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch - Cơ sở lưu trú

Hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng từng bước được nâng cấp, đầu tư mới. Toàn huyện có 104 cơ sở lưu trú trong đó 1 khu nghỉ dưỡng Resort, 1 khách sạn đạt tiêu chuẩn 3 sao, 8 khách sạn 2 sao và 8 khách sạn 1 sao, còn lại đủ tiêu chuẩn kinh doanh lưu trú du lịch, với tổng số 1.827 phòng nghỉ. Hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, các cơ sở lưu trú đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu nghỉ dưỡng, lưu trú của du khách. Hiện có 15 cơ sở lưu trú, nhà hàng đã có dịch vụ thanh toán bằng thẻ và 9 cơ sở lưu trú thực hiện đặt phòng qua mạng internet [20].

Nhìn chung, chất lượng các cơ sở lưu trú không cao nên không đáp ứng được nhu cầu của du khách. Do vậy công suất sử dụng buồng phòng trung bình chỉ đạt 60%. Riêng khu vực núi Tam Đảo trong mùa du lịch có thể đạt mức 70% - 80% công suất sử dụng.

Theo quy hoạch du lịch của huyện, dự kiến những năm tới, với công suất sử dụng phòng theo mức trung bình như hiện nay (65% - 70%) và thời gian lưu trú là 3 ngày đối với khách quốc tế và 2,5 ngày đối với khách nội địa thì đến năm 2020 huyện Tam Đảo sẽ cần 250 khách sạn, nhà nghỉ với khoảng 7.000 phòng để đáp ứng

nhu cầu lưu trú cho du khách (UBND TD, 2015) [20].

- Cơ sở ăn uống

Hiện tại Tam Đảo có khoảng 34 nhà hàng thuộc các cơ sở lưu trú, phục vụ các món ăn khác nhau đáp ứng nhu cầu của du khách. Các cơ sở ăn uống bên ngoài khách sạn, tại các điểm tham quan có quy mô nhỏ hơn. Các nhà hàng, quán ăn phát triển mạnh do các khu vực này là nơi thu hút được lượng lớn du khách tới thăm quan.

- Dịch vụ vận tải: Dịch vụ vận tải được cải thiện về chất lượng phục vụ, số lượng các loại phương tiện gia tăng, mạng lưới các phương tiện giao thông công cộng được đầu tư nâng cấp: Trên địa bàn huyện có 01 tuyến xe buýt Vĩnh Yên đi Cầu Chang (Tam Đảo) với 09 xe loại 36 - 45 chỗ, tần suất 60 chuyến/ngày. Có 01 bến xe đặt tại trung tâm huyện lỵ, tổng số phương tiện vận tải có 145 xe, trong đó xe khách có 15 xe, xe tải có 130 xe, có 5 -6 hãng taxi hoạt động thường xuyên và trên 60 xe điện hoạt động tại sân golf và Tây Thiên, tuyến cáp treo với 49 cabin, sức chứa 8 người/cabin, thời gian đi chuyển từ đền Cậu đến đền Thượng 8 phút/lượt. Nhìn chung, dịch vụ vận tải bước đầu đáp ứng nhu cầu trong giai đoạn hiện nay.

- Các cơ sở thể thao, vui chơi giải trí và các cơ sở phục vụ du lịch khác

Việc phát triển các cơ sở thể thao, vui chơi giải trí tại các khách sạn cũng như các hoạt động tiêu khiển khác ở Tam Đảo hiện còn rất hạn chế, hầu như mới chỉ dừng ở các hoạt động karaoke, massage, bơi lội, phòng tập thể hình và sân tennis. Riêng tại các khu resort ở Tam Đảo được xây dựng theo mô hình tổ hợp vui chơi giải trí cao cấp kết hợp với sân golf tiêu chuẩn quốc tế. Khu nghỉ dưỡng và sân golf đầu tiên của Việt Nam ở Tam Đảo được đưa vào hoạt động từ năm 2005. Sức chứa tối đa của 3 sân golf này là 200 khách/lượt. Đây chính là điểm nhấn quan trọng và là lợi thế cạnh tranh của du lịch Tam Đảo đối với các địa phương lân cận trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và với cả nước.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá tổng hợp điều kiện tự nhiên cho mục đích phát triển bền vững du lịch huyện tam đảo, tỉnh vĩnh phúc​ (Trang 63 - 67)