7. Cấu trúc luận văn
1.3.2 Phương pháp nghiên cứu
- Phương pháp phân tích tổng hợp và nghiên cứu hệ thống
Thu thập và phân tích tổng hợp tài liệu là phương pháp quan trọng trong việc tiếp cận các vấn đề nghiên cứu. Tổng quan tài liệu cho phép tiếp cận với những kết quả nghiên cứu trong quá khứ, cập nhật những vấn đề hiện tại trong nước và quốc tế. Việc phân loại, phân nhóm và phân tích dữ liệu sẽ cho phép phát hiện những vấn đề trọng tâm và những khía cạnh cần được tiếp cận của vấn đề. Trên cơ sở những tài liệu thu thập được và những kết quả phân tích, việc tổng hợp sẽ giúp định hình một tài liệu toàn diện và khái quát về chủ đề nghiên cứu.
- Phương pháp điều tra thực địa
Nghiên cứu thực địa giúp tiếp cận vấn đề một cách chủ động, trực quan, kiểm tra, đánh giá một cách xác thực để có được tầm nhìn toàn diện về các đối tượng nghiên cứu thông qua việc trực tiếp quan sát, gặp gỡ, trao đổi với chính quyền địa phương và người dân sở tại.
- Phương pháp bản đồ và hệ thông tin địa lý
Bản đồ không chỉ là phương tiện phản ánh những đặc điểm không gian về nguồn tài nguyên, các luồng khách, cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ du lịch hoặc các thuộc tính riêng của hệ thống lãnh thổ du lịch, mà còn là cơ sở để nhận được những thông tin mới và vạch ra tính quy luật hoạt động của toàn bộ hệ thống. Cùng với GIS, các thông tin thuộc tính được kết nối với các đối tượng không gian của bản đồ cho phép nghiên cứu theo các mục đích như: đánh giá tài nguyên, xác định vị trí thuận lợi cho phát triển các điểm, cụm, tuyến du lịch…
Nghiên cứu du lịch là nghiên cứu tổng hợp các dạng tài nguyên thiên nhiên, kinh tế, xã hội, văn hóa và chính trị. Do đó việc áp dụng công nghệ GIS góp phần tạo mối liên kết không gian, quản lý và khai thác các hoạt động du lịch.
- Phương pháp chuyên gia
Đánh giá điều kiện tự nhiên phục vụ phát triển du lịch là một vấn đề phức tạp có liên quan tới lý luận và thực tiễn của nhiều ngành khoa học và hiện trạng kinh tế - xã hội. Vì vậy trong quá trình nghiên cứu luận văn, rất cần và đã thực hiện việc tham khảo ý kiến của các chuyên gia thuộc nhiều ngành, nhiều lĩnh vực có liên quan, đặc biệt là các chuyên gia về quy hoạch và tổ chức lãnh thổ.
- Phương pháp phân vùng
Việc phân vùng địa lý tự nhiên trong luận văn được tiến hành theo các phương pháp từ dưới lên, tức là nhóm các địa tổng thể nhỏ thành các địa tổng thể lớn hơn. Phân vùng địa lý tự nhiên sẽ cho thấy vị thế, tiềm năng và đặc điểm tài nguyên của từng tiểu vùng. Từ đó kết hợp với các phân tích định lượng để có thể xác định được mối quan hệ của các hệ thống tự nhiên và xã hội, đồng thời đề xuất định hướng phát triển du lịch phù hợp với đặc điểm tài nguyên của từng lãnh thổ.
- Phương pháp phân tích đa chỉ tiêu
phép phân tích tổ hợp các chỉ tiêu khác nhau để cho ra một kết quả cuối cùng. Ứng dụng của phương pháp phân tích đa chỉ tiêu giúp xác định mức độ thuận lợi của các yếu tố phân tích nhằm hỗ trợ cho các bài toán quy hoạch, tổ chức lãnh thổ trong nhiều lĩnh vực. Nội dung cơ bản của phương pháp phân tích đa chỉ tiêu là sử dụng một hệ thống các chỉ tiêu phù hợp để phân tích, đánh giá đối tượng nghiên cứu. Đây là phương pháp đánh giá bán định lượng cho kết quả khách quan đáng tin cậy.
- Phương pháp phân tích SWOT
Phương pháp phân tích SWOT (ma trận SWOT), là phương pháp phân tích chiến lược, đánh giá vị trí và định hướng của một mục tiêu phát triển dựa trên phân tích các điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức. Từ thực tiễn phát triển du lịch của Tam Đảo, luận văn vận dụng mô hình phân tích SWOT nhằm tạo cơ sở cho việc đề xuất các định hướng phát triển của huyện, tỉnh. Trong đó, điểm mạnh và điểm yếu được phân tích như những yếu tố nội bộ, còn cơ hội và nguy cơ là những yếu tố bên ngoài góp phần thúc đẩy hoặc làm giảm khả năng phát triển của du lịch Tam Đảo nói riêng và Vĩnh Phúc nói chung.
TIỂU KẾT CHƯƠNG 1
Thông qua nghiên cứu về lịch sử phát triển, tổng quan về các hướng nghiên cứu và cơ sở lý luận đã tạo tiền đề cho các nghiên cứu của luận văn, xác định được quy trình, mục tiêu và phương pháp đánh giá tài nguyên tự nhiên. Đó chính là cơ sở để luận văn tiếp cận trên quan điểm địa lý tự nhiên theo hướng phân vùng. Nghiên cứu, đánh giá tổng hợp mức độ thuận lợi của tài nguyên tự nhiên cho mục đích phát triển du lịch và đánh giá mức độ thuận lợi của tài nguyên cho một số loại hình du lịch đặc trưng theo từng tiểu vùng. Từ đó, đề xuất định hướng phát triển du lịch theo tiểu vùng và định hướng TCLTDL trên địa bàn huyện Tam Đảo.
Luận văn đã tổng quan tài liệu và cơ sở lý luận theo các hướng nghiên cứu về đánh giá tài nguyên cho mục đích phát triển du lịch, phân vùng địa lý tự nhiên và phát triển du lịch qua những công trình nghiên cứu tại Việt Nam và tại địa bàn nghiên cứu - lãnh thổ huyện Tam Đảo.
CHƯƠNG 2
ĐẶC ĐIỂM ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ HIỆN TRẠNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH HUYỆN TAM ĐẢO