Khái quát nội dung và nghệ thuật truyện cười

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn hóa ứng xử trong truyện cười dân gian người việt (Trang 28 - 32)

6. Kết cấu của luận văn

1.2.2. Khái quát nội dung và nghệ thuật truyện cười

* Nội dung truyện cười.

Đối tượng của truyện cười thuộc mọi lứa tuổi và tầng lớp trong xã hội. Vì vậy nội dung phản ánh của truyện cười cũng hướng tới những câu chuyện xoay quanh những đối tượng đó. Theo kết quả khảo sát thì chúng ta thấy truyện cười có hai nội dung chính cụ thể là: Truyện cười đem đến tiếng cười giải trí, hài hước và truyện cười châm biếm, đả kích những cái xấu xa trong xã hội.

1. Truyện cười đem đến tiếng cười giải trí, hài hước. Như ta đã thấy, dân tộc ta là một dân tộc rất giàu tinh thần lạc quan và có khiếu hài hước nên trong đời sống chúng ta rất hay sử dụng tiếng cười. “Trong nội dung hài hước

đề cập đến ba nhóm đề tài quen thuộc như: phê phán tính khoác lác (Con rắn

vuông, Thi nói khoác…), chế giễu thói tham ăn tục uống (Cho khỏi lạc đàn, Bánh tao đâu), truyện về những anh chàng sợ vợ (Tao mừng lắm, Sợ vợ chết cứng)” [59, tr.157].

Xã hội ngày càng phức tạp, thật giả đan xen lẫn lộn thì những con người khoác lác sinh ra lại càng nhiều. Có những con người nói khoác một cách lố bịch chẳng hạn như trong truyện Con rắn vuông khiến cho người nghe không khỏi bật cười. Khoác lác đã trở thành hiện tượng trong xã hội do vậy truyện cười sinh ra bên cạnh mục đích mang lại tiếng cười cho nhân dân còn có mục đích phê phán thói tật đó. Ở các làng quê đã có những khu vực mỗi khi nhắc đến tên địa danh là họ đã biết ngay đó là cái nôi của nói khoác, nói giễu chẳng hạn như: Đồng Sài, Trúc Ổ, Can Vũ ở huyện Quế Võ tỉnh Bắc Ninh hay cạnh đó là tỉnh Bắc Giang thì có Hòa Làng, Dương Sơn ở huyện Tân Yên; Kha Lí (Kẻ Xe), Cao Lôi (Kẻ Chối) của huyện Việt Yên…Ngoài ra ở nước ta còn có các làng cười như: Văn Lang (Tam Thanh- Phú Thọ), Vĩnh Hoàng (Vĩnh Linh- Quảng Trị) … trong đó mỗi làng cười lại có một nét độc đáo riêng, nội dung chủ yếu xoay quanh những câu chuyện về lao động sản xuất, những đặc sản, thói quen tập tục địa phương…Đằng sau nội dung phê phán tính khoác lác của

con người là một bài học về ứng xử. Qua những câu chuyện cười chúng ta cần rút ra bài học cần chân thật hơn với nhau, nếu như khoác lác để mang lại tiếng cười thì chúng ta cũng không nên lạm dụng điều này quá nhiều trong cuộc sống. Vì đôi khi nó sẽ trở thành xuyên tạc sự thật và lâu dần sẽ dẫn đến đổ vỡ niềm tin của mọi người xung quanh.

Tư duy của người dân Việt Nam trồng lúa nước là luôn gắn với cái ăn, lúc nào họ cũng lo mất mùa, đói kém, thiếu ăn chính vì vậy cái ăn từ lâu đã trở thành đối tượng tư duy của người dân Việt Nam. Họ thường lấy “cái bụng” là thước đo cho mọi hiện tượng đời sống. Do đó để nói về cái ăn mà nhân dân ta đã có những câu chuyện cười nhằm phê phán những con người tham ăn tục uống, thiếu lịch sự trong văn hóa ăn uống. Chẳng hạn như truyện: “Múc cháo

trong nồi nhỏ”, “Làm theo bố vợ”, “Ăn đôi củ”… qua đó muốn mang đến

tiếng cười mua vui, giải trí và mang lại bài học nhẹ nhàng về văn hóa ứng xử cho con người. Mỗi con người cần phát huy nét đẹp trong văn hóa ăn uống, “ăn trông nồi ngồi trông hướng”. Đôi khi đừng quá nặng nề xem trọng chuyện ăn uống mà đánh mất hình ảnh của mình trong mắt mọi người, nhất là những cá nhân trong gia đình cần làm gương cho con trẻ noi theo.

Đề tài về những anh chàng sợ vợ có lẽ là đề tài mà được mọi người yêu thích và hứng thú hơn cả. Thông thường những người đàn ông khoẻ mạnh là trụ cột trong gia đình lẽ ra vai trò của họ phải được đề cao. Nhưng ở đây tác giả dân gian xây dựng họ như những “con rùa chui trong xó cửa” chỉ biết nép mình cho những chị vợ sai bảo. Lí giải điều này có lẽ xuất phát từ cội nguồn văn hóa của dân tộc ta đó là một đất nước từ lâu có văn hóa thờ mẫu, vai trò của người vợ, người mẹ được đề cao “phúc đức tại mẫu”. Khi xã hội có sự phân chia giai cấp, vai trò trụ cột của người chồng dần thay thế cho người vợ trong việc lo gánh vác công việc gia đình lúc này xã hội phụ hệ ra đời. Đặt trong giai đoạn chế độ phong kiến suy tàn, khi mà có quá nhiều bất công ngang trái đặt ra cho những người phụ nữ thì lúc này truyện cười ra đời như là tiếng nói đòi lại

quyền bình đẳng cho người họ. Thông qua những câu chuyện hài hước muốn nhắn nhủ đến các ông chồng cần tôn trọng và quan tâm hơn đến những người phụ nữ của mình. Bên cạnh đó các chị vợ cũng cần có thái độ tôn trọng chồng mình, đôi khi những người chồng nhún nhường không phải vì họ sợ mà vì họ muốn “một điều nhịn là chín điều lành” muốn cho gia đình êm ấm mà họ nhường nhịn và đề cao vợ mình. Từ đó suy ra trong một gia đình vợ chồng cần phải có sự ứng xử khéo léo phù hợp, không nên thái quá dễ làm trò cười cho mọi người. Người chồng cần thể hiện bản lĩnh của người đàn ông mạnh mẽ vững vàng tránh nhu nhược, còn người vợ cần mềm mại, dịu dàng hơn không vì được chồng ưu ái mà “lấn sân” làm mất quyền của người đàn ông.

Trong nội dung mua vui giải trí của truyện cười dường như chưa có sự tách biệt rạch ròi với nội dung châm biếm đả kích thói hư tật xấu trong xã hội, giữa hai nội dung này có sự liên quan ràng buộc nhau.

2. Truyện cười châm biếm, đả kích những cái xấu trong xã hội. Khi mà xã hội bộc lộ quá nhiều điều bất công ngang trái con người buộc phải lên tiếng phản đối, nhưng có những điều không phải lúc nào cũng nói thẳng nói thật. Mượn truyện cười là phương tiện để nói lên tiếng nói của mình là một việc làm hết sức thông minh của các tác giả dân gian.

Các nhà lí luận mĩ học đã nhận ra vai trò đấu tranh xã hội của truyện cười “Truyện cười là người trung gian lớn phân xử sự thực và sự dối trá” (Biêlinxki). Thông qua truyện cười các đối tượng từ vua, quan, thầy đồ, thầy thuốc, sư sãi, thầy cúng, thầy pháp là những người đức cao vọng trọng trong xã hội cho tới những cậu học trò, anh chàng sợ vợ…đều được phản ánh đậm nét. Thông qua những thói hư tật xấu tiếng cười bật ra có tác dụng giáo dục con người và từ đó hướng tới những giá trị tốt đẹp nhằm xây dựng một xã hội văn minh. Mỗi con người cần biết phân biệt cái tốt và cái xấu để từ đó lựa chọn cho mình những điểm tích cực để tiếp thu học hỏi, với cái xấu cần tẩy chay bài trừ, với cái đẹp cần cố gắng lĩnh hội. Với những đối tượng vốn được nhân dân coi trọng, đề cao cần làm gương và giữ được hình ảnh đẹp trong mắt mọi người.

* Nghệ thuật truyện cười

Nghiên cứu về nghệ thuật của truyện cười chúng ta cần quan tâm tới: cốt truyện, tình huống, nhân vật, ngôn ngữ.

1. Nói đến cốt truyện chúng ta cần hiểu đó là “Hệ thống sự kiện cụ thể,

được tổ chức theo những yêu cầu tư tưởng và nghệ thuật nhất định, tạo thành bộ phận cơ bản, quan trọng nhất trong hình thức động của tác phẩm văn học thuộc các loại tự sự và kịch” [17, tr.99]. Thông qua cốt truyện các nhân vật

được bộc lộ ra rõ ràng và các xung đột xã hội cũng được tái hiện. Đối với thể loại truyện cười thì cốt truyện thường rất đơn giản, ngắn gọn không ưa dài dòng lan man vì điều đó làm nhạt đi tiếng cười. Truyện phải gói kín mở nhanh mới tạo được sự bất ngờ. Cốt truyện của truyện cười sở dĩ ngắn gọn như vậy cũng là một yếu tố thuận lợi cho người đọc bởi đa số truyện cười sáng tác để phục vụ quần chúng nhân dân, nếu quá phức tạp khó hiểu thì người đọc không dễ nhận ra hàm ý ẩn sau câu chuyện và như vậy tiếng cười không được bật ra.

2. Tình huống truyện là một điểm sáng khi nghiên cứu về nghệ thuật của truyện cười góp phần thể hiện sâu sắc tư tưởng của tác giả. Ứng với thể loại truyện cười thì mỗi câu chuyện là một tình huống, với mỗi một tình huống các nhân vật lại bộc lộ sự khéo léo của mình khi xử lí và thường đem đến cho người đọc những cái kết bất ngờ. Hoàn cảnh, bối cảnh của mỗi câu chuyện thường xoay quanh không gian làng quê phạm vi nhỏ hơn là trong gia đình, ở đó các nhân vật được đặt vào những tình huống cụ thể. Mỗi một nhân vật lại có một mối quan hệ với nhân vật còn lại khá thân thiết và với những hoàn cảnh cụ thể đó nhân vật được bộc lộ tình cảm, thái độ và tính cách rõ nét.

3. Bên cạnh tình huống truyện thì nhân vật cũng là một mắt xích quan trọng của truyện cười. Theo “Từ điển thuật ngữ văn học” thì “Nhân vật chính

thường xuất hiện nhiều lần trong tác phẩm và được nhà văn khắc họa đầy đặn bằng nhiều loại chi tiết: chi tiết tiểu sử, chi tiết ngoại hình, chi tiết nội tâm, tính cách và xung đột. Chính vì thế, nhân vật chính thường thể hiện rõ nét những

cách tân nghệ thuật của một nhà văn” [17, tr.226]. Nếu bám theo lí thuyết về

nhân vật chính theo cách định nghĩa này của các tác giả thì ta nhận thấy nhân vật chính trong truyện cười không tuân theo những đặc điểm trên. Nhân vật chính của truyện cười được phân thành hai loại chính đó là nhân vật của truyện hài hước và nhân vật của truyện châm biếm. Xét chung cả hai loại nhân vật này đều được đặt vào một tình huống đó là tình huống sinh hoạt đời thường. Điểm khác biệt của hai loại nhân vật này chính là ở hành vi ứng xử của các nhân vật. Các nhân vật chính không được miêu tả tính cách rõ ràng mà chỉ xuất hiện như những lát cắt thông qua những câu nói giao tiếp hoặc đôi ba hành vi cử chỉ để từ đó bộc lộ cá tính nhân vật. Các nhân vật phụ trong truyện cười là đối tượng của cái cười hài hước còn nhân vật chính là đối tượng của cái cười châm biếm.

4. “Ngôn ngữ nhân vật là một trong các phương tiện quan trọng được

nhà văn sử dụng nhằm thể hiện cuộc sống và cá tính nhân vật. Trong tác phẩm nhà văn có thể cá thể hóa ngôn ngữ nhân vật bằng nhiều cách: nhấn mạnh cách đặt câu, ghép từ, lời phát âm đặc biệt của nhân vật, cho nhân vật lặp lại những từ, câu mà nhân vật thích nói kể cả từ ngoại quốc và từ địa phương…Trong các tác phẩm tự sự nhà văn còn thường trực tiếp miêu tả phong cách ngôn ngữ của nhân vật” [17, tr.214]. Ngôn ngữ trong truyện cười

chủ yếu là ngôn ngữ đối thoại. Mỗi câu chuyện trong truyện cười giống như một màn kịch nhỏ ở đó các nhân vật đối thoại với nhau. Thông qua ngôn ngữ người đọc cũng nắm bắt được tính cách của các nhân vật.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn hóa ứng xử trong truyện cười dân gian người việt (Trang 28 - 32)