Ngoại hình, cử chỉ, hành động

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn hóa ứng xử trong truyện cười dân gian người việt (Trang 85 - 87)

6. Kết cấu của luận văn

3.3.3. Ngoại hình, cử chỉ, hành động

Để xây dựng thành công một nhân vật văn học, nhà văn phải có một khả năng đồng cảm, phát hiện những đặc điểm bền vững của nhân vật. Có nhiều biện pháp khác nhau trong việc xây dựng nhân vật, ở luận văn này chúng tôi tập chung xoay quanh một số biện pháp chung chủ yếu nhất đó là miêu tả ngoại hình, cử chỉ, hành động của nhân vật.

Ngoại hình là dáng vẻ bên ngoài của nhân vật bao gồm y phục, cử chỉ, tác phong, diện mạo…góp phần tạo nên cá tính của nhân vật. “Trong truyện

cười, thế giới nhân vật rất phong phú nhưng đó không phải là những con người cụ thể” [59, tr 163]. Chính vì vậy khi xây dựng nên các nhân vật các tác giả

dân gian không chú trọng tới việc khắc họa nhân vật theo từng chi tiết ngoại hình. Nhân vật xuất hiện chỉ như lát cắt ở ngoài đời sống, với mỗi một tác phẩm truyện cười là một tình huống xảy ra đòi hỏi các nhân vật phải có một ứng xử phù hợp. Do đó yếu tố mà người đọc cần quan tâm đến nhân vật trong truyện cười chính là cách xử lí, giải quyết các tình huống mà các tác giả dân gian đặt ra. Chẳng hạn trong câu chuyện Nấu cháo gà mà ăn tình huống đặt ra là ở một vùng quê đang lụt lội, dân tình đói kém một viên quan được điều xuống địa phương đó để quan sát giúp đỡ nhân dân. Khi đến làng này, ông quan đã được lí trưởng báo tin hiện nay nhân dân đang đói kém mong muốn nhận được sự giúp đỡ. Các tác giả dân gian không đi miêu tả chi tiết xem ông quan đó cao lớn ra sao, mặt mũi, ăn mặc thế nào mà chỉ quan tâm đến việc ông quan ấy sẽ xử lí như thế nào. Mặt khác, những tình huống nảy sinh trong câu chuyện là những điều mà mọi cá nhân hay gặp phải thuộc nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội vì thế các tác giả dân gian không khắc họa diện mạo cho bất kì một nhân vật nào. Chẳng hạn trong Nhưng nó phải bằng hai mày xây dựng

lên tình huống một vị quan ăn đút lót của dân nhưng ở đây vị quan này liền lúc nhận đút lót của hai người cùng một vụ kiện do vậy khi phân xử ai đút lót nhiều hơn thì người đó thắng kiện. Nếu đặt vào thời điểm lúc bấy giờ chắc hẳn không chỉ có mình vị quan và hai anh nông dân trong câu chuyện này có những hành động đút lót và nhận đút lót mà còn rất nhiều người khác nữa, do đó tác giả dân gian không muốn khắc họa diện mạo cho một cá nhân cụ thể nào mà nó là hình ảnh phản chiếu cho những tiêu cực trong xã hội.

Hành động của nhân vật là khái niệm để chỉ các việc làm của nhân vật. “Nhân vật truyện cười không có tên, không có kết cục số phận ra sao, họ chỉ

xuất hiện thoảng qua, làm một hành động, nói một vài câu” [59, tr.164]. Vì

vậy, các nhân vật trong truyện cười xuất hiện rất mờ nhạt, người đọc chỉ nhận ra nhân vật khi nhân vật đưa ra các cử chỉ, hành động để xử lí các tình huống. Chẳng hạn, trong câu chuyện Sang cả mình con thì người đọc sẽ chỉ nhớ đến nhân vật là một ông lão nhà giàu sai một người ở quạt cho mình lúc trời nắng nóng với câu nói “ồ, mồ hôi của tao nó đi đâu mất cả rồi nhỉ?”. Còn nhân vật người đi ở cũng hiện ra trong tâm trí người đọc qua hành động quạt cho chủ và cử chỉ vòng tay thưa: “Bẩm, nó sang cả mình con rồi ạ!”. Nếu không có những hành động và cử chỉ, lời nói như trên của các nhân vật thì chúng ta khó hình dung ra và nhớ các nhân vật. Ở đây người đọc cũng không quan tâm đến phía sau đó sẽ còn những sự việc nào xảy ra với hai nhân vật nữa. Qua hành động, cử chỉ, lời nói của nhân vật đầy tớ với chủ của mình chúng ta nhận thấy văn hóa ứng xử của người Việt thể hiện ra rõ nét. Mặc dù nhân vật đầy tớ bị bóc lột sức lao động thậm tệ nhưng đối với chủ của mình người đầy tớ này không hề thể hiện sự tức giận hay chống lại. Trái lại rất cam chịu phục vụ cho chủ, có cử chỉ khoanh tay và nói những lời lễ phép để không gây ra xung đột với chủ của mình. Lời nói của nhân vật đầy tớ có kính ngữ: “Bẩm,……ạ!” đây là cách xưng hô của những người có vai thấp hơn đối với những người vai cao hơn dựa trên

kiểu quan hệ vị thế. Người Việt truyền thống có thói quen khi gặp người lớn tuổi hơn hay khi trả lời người lớn tuổi thuộc vai trên thì thường khoanh tay cúi đầu, thưa gửi lễ phép. Ở đây nhân vật đầy tớ đã có những hành động, cử chỉ và lời nói đúng với nét văn hóa của dân tộc.

Như vậy, thông qua các nhân vật trong truyện cười chúng ta nhận thấy những nét văn hóa sinh hoạt đời thường của người Việt. Từ văn hóa đặt tên của các nhân vật đến văn hóa xưng hô, đồng thời tác giả dân gian cũng quan tâm đến ngoại hình, cử chỉ, hành động của các nhân vật bởi qua đây chúng ta nhận ra được những ứng xử của các nhân vật.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn hóa ứng xử trong truyện cười dân gian người việt (Trang 85 - 87)