5. Kết cấu của luận văn
1.3.2. Tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ quản lý thu ngân sách nhà nước
- Cách thức tổ chức thực hiện, phân cấp, quản lý thu ngân sách chính là trả lời cho câu hỏi thu như thế nào. Đó là quá trình thực hiện, cụ thể hoá các cơ chế, chính sách thu đối với nền kinh tế. Quá trình này quyết định số thu thực tế mà NSNN huy động được, đồng thời cho phép nhìn nhận lại các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, chính sách thu ngân sách, từ đó đưa ra các điều chỉnh, biện pháp tổ chức thu thích hợp. Đây chính là yếu tố quan trọng, tác động lớn tới thực tế kết quả thu ngân sách. Thu không đúng tiềm năng, thất thu chủ yếu là do sự tác động của nhân tố này. Bao gồm yếu tố: tổ chức bộ máy thu, tổ chức giám sát, thanh tra kiểm tra, phương tiện thông tin, kỹ thuật,... và rất quan trọng nữa là yếu tố con người, năng lực và đạo đức cán bộ.
- Bộ máy quản lý thu ngân sách vừa là chủ thể chi phối công tác thu lại vừa chính là đối tượng của quá trình quản lý. Bản thân bộ máy quản lý thu NSNN cũng là đối tượng thụ hưởng, tiêu dùng nguồn tài chính huy động được. Vì thế, xác lập, tổ chức bộ máy quản lý thu ngân sách phải vừa đảm bảo đạt kết quả công tác thu vừa phải gọn nhẹ, hợp lý.
- Việc xây dựng bộ máy quản lý thu NSNN phải căn cứ vào sự hình thành hệ thống các cấp chính quyền và quá trình thực hiện phân cấp quản lý kinh tế - xã hội các cơ quan Nhà nước. Quá trình hình thành hệ thống chính quyền các cấp là một tất yếu khách quan của mọi thể chế chính trị, nhằm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước trên mọi vùng lãnh thổ. Sự ra đời của hệ thống chính quyền nhiều cấp là tiền đề cần thiết xuất hiện hệ thống NSNN nhiều cấp. Phù hợp với mô hình tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hệ thống ngân sách nước ta gồm NS trung ương và NS các cấp chính quyền địa phương.
- Để đảm bảo công tác thu đạt hiệu quả, tổ chức bộ máy phải đảm bảo một số những yêu cầu nhất định. Thứ nhất, phải đảm bảo thống nhất, tập trung dân chủ. Tức là phải làm sao để vừa phát huy được sức mạnh sáng tạo
của mọi cấp vừa đảm bảo thống nhất, tập trung nguồn tài lực quốc gia. Yêu cầu này đòi hỏi việc phân chia trách nhiệm, quyền hạn trong quản lý thu ngân sách phải rõ ràng, mang lại hiệu quả cao nhất. Chính quyền các cấp có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, điều chỉnh, đảm bảo thực hiện nghiêm túc các chính sách, chế độ thu ngân sách. Thứ hai, tổ chức bộ máy thu ngân sách phải đảm bảo kết hợp quản lý theo ngành với quản lý theo địa phương và vùng lãnh thổ, tức là phải phát huy tính tích cực sáng tạo của địa phương trên cơ sở có tính đến nét đặc trưng của từng ngành. Những nét đặc thù của ngành, những điều kiện đặc trưng riêng của từng địa phương đòi hỏi phải có sự khác biệt trong tổ chức nhất định, nhằm đạt hiệu quả thu cao nhất. Chuyên môn hóa theo ngành đảm bảo việc quản lý thu theo nguồn hình thành phù hợp đặc điểm kinh tế, kỹ thuật của từng lĩnh vực. Tổ chức quản lý thu theo phân cấp chính quyền đảm bảo phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của từng địa phương, đồng thời nâng cao hiệu quả thu nhờ hiểu biết, sát thực tình hình kinh tế trong phạm vi lãnh thổ của địa phương đó. Ngoài ra, tổ chức thu tốt cũng còn thể hiện ở việc nhiệm vụ và quyền hạn được giao phù hợp cho từng bộ phận. Điều này sẽ đảm bảo tính khả thi trong công tác thu ngân sách.
- Một cách thức tổ chức khoa học, sự phân cấp quản lý phù hợp sẽ là tiền đề đảm bảo hiệu quả công tác thu. Điều đó cũng đồng nghĩa việc tổ chức quản lý quyết định đến kết quả thu có đúng như mong đợi hay không.