Truyền thuyết Bà chúa Mõ (Công chúa Quỳnh Trân) và lễ hội đền Mõ ở

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyền thuyết và lễ hội về nữ thần ở hải phòng (Trang 87 - 93)

7. Đóng góp của luận văn

3.4. Truyền thuyết Bà chúa Mõ (Công chúa Quỳnh Trân) và lễ hội đền Mõ ở

Kiến Thụy

3.4.1.Truyền thuyết về bà chúa Mõ

3.4.1.1. Nội dung truyền thuyết về bà Chúa Mõ

“Tương truyền vào thời Trần (1226 – 1400), công chúa Quỳnh Trân – con gái vua Trần Thánh Tông trước khi quy Tam Bảo đã chọn mảnh đất làng Nghi

Dương thuộc huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn (nay là thôn Du Lễ, xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy) lập điền trang, thái ấp, cấp lương thực, tiền bạc cho kẻ nghèo đói, tập hợp muôn dân trong vùng đến đây làm ăn, sinh sống. Công chúa Quỳnh Trân đã cho lập một mạng lưới truyền tin dân dã, được quy định bằng tiếng mõ. Tiếng mõ là hiệu lệnh xác định giờ giấc sinh hoạt, sản xuất đồng áng, là khẩu lệnh tác chiến khi giặc dã, hỏa hoạn, trộm cướp,… nên mọi người gọi công chúa là “Bà chúa Mõ”, rồi tụ tập trai tráng mở vật cầu trời cho mưa thuận gió hòa, có nước cho nhà nông cấy trồng, mùa màng tươi tốt. Cũng theo truyền thuyết, một dịp trời hạn hán, có bọn mục đồng vào chùa xin nước, bà nói: “Các cháu thử cùng nhau thi vật xem được thua thế nào, ta sẽ cho nước uống…”. Bọn trẻ vâng lời, vờn tay đấu vật, bà cả mừng ban phép, nghiệm thay trời đổ mưa mát mẻ chan hoà khắp vùng, nhân đó đổi tên chùa là Đồng Mục. Tháng 11 năm Mậu Thân, công chúa viên tịch. Thi hài được đưa về chùa Tư Phúc ở Kinh sư lập tháp an táng. Vua Trần Anh Tông đã sắc phong cho Bà là “Trần Triều A Nương Thiên Thụy Quỳnh Trân công chúa”, ban cấp 300 quan tiền đồng cho 5 xã rước sắc phong về xã Nghi Dương lập đền thờ. Đền Mõ có từ đó và được lưu giữ đến ngày nay, bốn mùa hương hoa. Từ đó, lễ hội đền Mõ được dân làng tổ chức và lưu giữ để tưởng nhớ về công đức của Bà đối với dân làng”.

Truyền thuyết trên lưu truyền trong dân gian Hải Phòng, song cũng có thể so sánh truyền thuyết với bản Ngọc phả chép về vị Thượng Đẳng thần triều Trần là Ả Nương Thiên Thịnh Quỳnh Trân, với nội dung như sau:

“Triều vua Lý Chiêu Hoàng, con hào trưởng Trần Thừa vốn tổ tiên xa là người vùng Mân, Triết (tức vùng Phúc Kiến, Triết Giang, Trung Quốc) ba đời trú ở hương Tức Mặc có người con trai thứ tên Trần Cảnh được giữ chức nội thị. Năm Ất dậu (1225) Trần Cảnh được vua Lý (Chiêu Hoàng) nhường ngôi nên được thiên hạ đó là vua Trần Thái Tông, ở ngôi 33 năm, nhường ngôi cho Thái tử là Hoàng, xuất gia tu ở chùa Chân Giáo. Thái Tử Hoàng lên ngôi vua, đổi niên hiệu là Thiệu Khánh. Đó là vua Trần Thánh Tông, cha sinh của công chúa

Quỳnh Trân. Thánh Tông là người hiếu lễ, nhân từ, trọng người hiền, sùng và thấu hiểu đạo Phật. Ngay từ khi còn là Thái Tử, đường con cái đã muộn mằn mới sai Đạo sĩ Cung Thái Thanh làm sớ cầu tự. Thượng đế xem xong tấu chương, sai Nam thì Thánh Kim Chân, Nữ thì công chúa Quỳnh Hoa xuống trần ở 6 kỷ. Một hôm vua Thánh Tông tựa long sàng ngủ, mơ thấy một phụ nữ nhan sắc rực rỡ, thong thả bước tới trước mặt nhà vua mà tâu rằng: “Tôi là công chúa Quỳnh Hoa ở thiên cung chầu hầu chúc thọ thượng đế, không may lỡ tay làm rơi chén ngọc, mẻ mất một góc, thượng đế cả giận đày xuống trần giới, thái sinh làm con nhà vua. Vậy xin dâng trước một vòng xuyến trân Châu để làm hậu nghiệm. Thánh Tông giơ tay nhận thì mắt nhìn rối loạn, giật mình tỉnh giấc, đem chuyện kể lại cho cung phi nghe (cung phi này tên là Vũ Thị Ngọc Lan). Sau nàng có thai 8 tháng 20 ngày, sinh được một gái, lúc sinh ra trên không có tiếng tiêu thiều nhã nhạc, hương lan tỏa mùi sực nức báo điềm lành. Người con gái mới sinh sắc như bình bạc, mặt tựa gương báu, thân thể mang vẻ hoa nở sáng trăng, dung nghi giống như xuân sơn thu thủy, vẻ ngoài đoan chính, tục nhà Trần sinh con trai gọi là Hoàng tử, sinh con gái la Ả Nương (Ả Nàng). Do đó gọi à Ả Nương Quỳnh Trân.... Công chúa Quỳnh Trân vốn dòng dõi thần tiên nên có sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành, lại thông minh xuất chúng, học thức hơn người thông thạo cả cầm, kỳ, cung, kiếm được nhà vua rất yêu quý, … Ngày mồng 2 tháng 10 năm Giáp Thân, Quỳnh Trân được phong là Công chúa Thiên Thụy, (sau xuất gia tu phật mới đổi là Thiên Thính)... Mùa xuân năm Kỉ Mão, vua nhường ngôi cho Hoàng thái tử, hiệu là Nhân Tông, vua Nhân Tông tôn vua cha làm Thượng Hoàng, lúc này công chúa Thiên Thụy (là chị gái của vua), đã qua 20 tuổi, Thượng Hoàng và nhà vua muốn gả chồng, nhưng công chúa không chịu… Lại nói lúc ấy, tướng nhà Nguyên là Toa Đô dẫn 15 vạn quân sang, nói thác là mượn đường đi đánh Chiêm Thành nhưng thực là định cướp nước ta. Vua đến Bình Than hội họp vương hầu để bàn kế chống giữ. Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn tiến cử người Chí Linh là Trần Khánh Dư.

Dư được vua phong làm Phò đô, sai đem quân đi đánh giặc, quân Nguyên bị thua, Thượng Hoàng cho lập làm Thiên tử nghĩa nam (con nuôi). Cũng năm đó, người Man ở vùng núi làm loạn Khánh Dư đi dẹp yên nên được thăng lên chức Phiêu Kỵ tướng quân, quyền Phán Thủ. Nhà vua rất kính yêu. Từ đó được ra vào cung cấm, không kiêng dè gì nữa. Một hôm, Khánh Dư lẻn vào buồng công chúa Quỳnh Trân định thông dâm, công chúa thét lớn: “ Ngươi là loại người nào mà dám vào đây? Ta nghe nói đạo người nam tử phải lấy trung nghĩa làm đầu, đạo đàn bà trước hết phải giữ điều trinh thuận. Và ta là con gái Thượng hoàng, ngươi là con nuôi của người, dẫu không cùng máu mủ nhưng cũng là gốc của nhân luân, sao người dám mang lòng lang thú, coi nhẹ cương thường quá thế. Nếu ngươi ra khỏi ngay ta sẽ tha cho, nếu không nghe lời thì sẽ hối không kịp đâu.” Nói xong thét gọi cung thân, Khánh Dư sợ, theo phía sau mà chạy thoát. Thượng Hoàng được tin mới buộc tội Khánh Dư, lại đuổi về Chí Linh làm nghề buôn bán. Năm Qúy Mùi, Công chúa lòng không muốn bụi trần mới xin Thượng hoàng cho xuất gia thờ Phật. Thượng hoàng bằng lòng, cho phép được đi thăm thú các nơi trong nước xem có nơi nào có thắng tích thì được dựng chùa. Công chúa từ Phủ Thiên Trường đi tìm cảnh đẹp. Một hôm qua xã Nghi Dương, huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn thấy dịa thế đất này như con chim đang bay, núi non sông nước mênh mông, phong cảnh thanh bình quả là cảnh cực lạc, bèn làm một am nhỏ, ngày đêm hương đèn thờ phật. Nửa năm sau, lại mở rộng chùa , tạc tượng đúc chuông , chùa trở thành một danh thắng lớn gọi là chùa Nghi Dương. Ngày 12 háng 2 năm Giáp Thân (1284) làm lễ Khánh hạ, tự xưng đạo hiệu là Đại Uy Thiên chính công chúa, lại mở rộng việc khai khẩn ruộng vườn, cấp phát tiền tài cho nhiều người cày cấy. Từ đấy dân Nghi Dương ngày càng đầy đủ, trở thành một làng giàu có lớn. Đến tháng giêng năm Ất Dậu (1285) tướng Nguyên – Ô Mã Nhi xâm phạm các xứ Vân Đồn, Vạn Kiếp rồi đưa quân vào Nghệ An. Vua họp quân thần , mọi người đều hô “ đánh”, bỗng có một ông già nói “ Đánh giặc có hai cách Chiến hoặc Hòa, nếu đánh mà không được thì hòa.

Ngày nay, việc đã gấp, khó lòng đánh. Xưa Hung Nô nhiều lần xâm phạm biên cương nhà Hán, Cao Đế đem công chúa gả cho, cũng như sau lại gả Chiêu Quân,cho chức Thiền Vu ... mà không tốn sức, biên giới được yên. Thần xin nhà vua bắt chước người xưa để tìm kế hoãn binh. Sau ta sẽ mài nanh rũa vuốt để mưu đồ tiến đánh. Thượng hoàng nghe lời xuống chiếu vời công chúa về kinh nghe lệnh chỉ. Công chúa tâu: “ Sinh con trai mong dựng vợ, sinh con gái mong

gả chồng để thành gia thất, đó là chí tình của cha mẹ. Nhưng con thuở nhỏ đã mộ đạo từ bi, dốc trí tu hành cho thành quả phúc. Nay đâu dám đổi phong vị nhà chùa kham khổ mà lấy cao lương mỹ vị., đài các phong lưu”. Thượng hoàng

thương tình cho trở về chùa. Rồi đem công chúa An Tư cho Thoát Hoan để thử nạn nước. Công chúa Quỳnh Trân không chịu xuất giá, trở lại Nghi Dương ngày đêm đốt hương thờ Phât tụng niệm chân kinh, thiết lập đàn tràng, khuyến bố thí kẻ khó. Những người xung quanh đều được hưởng ân huệ, dân 5 xã người đói thì được sống ở cõi đài xuân.

Lúc ấy ở xã Du Lễ có ông Bạt Hải rất cảm phục đạo đức lớn của Công chúa nên mới đem ruộng từ ở xứ Tri Lai gồm 26 mẫu cúng tiến. Công chúa rất khen ngợi hảo tâm và giao cho người cày cấy, lấy làm ruộng thờ cúng mãi mãi. Công chúa tuy ở chốn cửa thiền nhưng do nhiều năm chăm nghiệp lớn nông trang nên điền sản ngày một nhiều, nô bộc ngày càng đông, việc trông nom cai quản khó biết đầy đủ. Công chúa bèn dựng một cái quán ở cạnh ấp, bảo nô bộc rằng: “Các nươi nghe hiệu lệnh của ta bằng tiếng mõ để đi làm về hay về nghỉ. Nếu trong ngày hễ nghe tiếng mõ ở chùa thì về ăn uống, nếu nghe tiếng mõ ở quán thì có công việc. Nô bộc vâng lệnh, hàng ngày cứ theo hiệu lệnh mà làm. Mọi người truyền ngôn là: “Chùa Mõ”. Bắt nguồn từ đây người dân gọi bà là Bà Chúa Mõ, rồi có tổng Mõ, Chợ Mõ, và sau này là đền Mõ.

Bà lại cho đắp một gò đất bên chùa để xem thời tiết. Dựng một nhà tại cánh đồng Mõ để làm kho chứa giống má, nông cụ, lại cho đào một giếng nước mạch rất trong, cho người có nước uống lúc mùa hè nóng bức, cánh đồng khô

cạn. Một hôm trẻ trăn trâu bò bàn nhau : “Chúng ta rất khát, không biết xin ở đâu, trong chùa có giếng ta vào xin nước uống”. Nói rồi cùng nhau đan tay đến xin, Công chúa thấy khen ngợi và dặn các cháu nên cùng nhau vui đùa chớ có nghịch ngợm. Công chúa nói các cháu thử cùng nhau thi vật xem thua được thế nào, rồi sẽ cho nước uống khỏi khát. Bọn trẻ vâng lời kéo đến trước thềm, nắm tay cùng vật. Công chúa rất vui mừng, ban phép thần thông, bỗng nhiên trời đổ mưa xuống. Bọn trẻ được uống no nước ngọt lành đều vui vẻ ca múa nhẩy nhót, lậy tạ rồi ra về, đều xưng tụng công chúa là Thiên thánh xuống trần.

Khi vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con trai để đi tu ở núi yên Tử, Thái tử lên ngôi lấy hiệu là Hưng Long, vua Trần Anh Tông . Nhà vua ban chiếu tất cả ruộng đất thân vương được miễn thuế, công chúa xin vua cho 5 xã Nghi dương, Xuân Dương, Mai Dương, Tú Đôi, Du Lễ được miễn thuế lao dịch. Sau khi công chúa viên tịch, thi hài của công chúa được đưa về chùa Tư Phúc ở kinh sư an táng. Vua Trần Anh Tông ra chỉ sắc phong cho Công chúa là “Trần Triều A Nương Thiên Thụy Quỳnh Trân công chúa, ban cấp 300 quan tiền đồng cho 5 xã sắc phong về xã Nghi Dương lập đền thờ bên cạnh chùa Mõ, gọi là Đền Mõ”.

3.4.1.2.Bà chúa Mõ trong tín ngưỡng dân gian

Trong tâm thức của người dân xã Ngũ Phúc, Công chúa Quỳnh Trân là vị thành hoàng có công khai trang lập ấp, bảo trợ cho sự hình thành và phát triển của làng xã nơi đây.

Tìm về với làng quê,với đồng ruộng, với đời sống cần cù lam lũ của những người nông dân chân lấm tay bùn, Quỳnh Trân công chúa không còn là tầng lớp quý tộc lá ngọc cành vàng cao xa quyền quý mà đã trở thành một vị phật sống, một thánh mẫu rất gần gũi trong lòng nhân dân. Bà đã làm biết bao điều công đức, hữu ích cho dân: Bà khai khẩn được cả một tổng Nghi Dương gồm 5 xã thuộc giang phận xã Ngũ Phúc, một ấp ở thôn Quang Khải, ... bà là người nhân từ thông tuệ có nhiều sáng kiến chiêu mộ dân lưu tán, giúp họ ngưu canh điền khí, thuốc men... nên sinh thời dân coi như mẹ hiền. Bà thường cho trẻ

con trong ấp tập võ, tập đấu vật, tập bơi lội, làm cầu, làm quán, làm chùa cho dân ấp. Người dân nơi đây gọi bà với cái tên dân dã, gắn liền với việc làm cải tạo làng ấp của bà - Bà chúa Mõ.

Trong truyền thuyết về Công chúa Quỳnh Trân, nhân dân đã tô thêm những đường viền kì ảo để tôn vinh công trạng và tài năng hơn người của bà đó là khả năng gọi mưa, được thể hiện cụ thể qua chi tiết: “Một hôm trẻ trăn trâu

bò bàn nhau : “Chúng ta rất khát, không biết xin ở đâu, trong chùa có giếng ta vào xin nước uống”. Nói rồi cùng nhau đan tay đến xin, Công chúa thấy khen ngợi và dặn các cháu nên cùng nhau vui đùa chớ có nghịch ngợm. Công chúa nói các cháu thử cùng nhau thi vật xem thua được thế nào, rồi sẽ cho nước uống khỏi khát. Bọn trẻ vâng lời kéo đến trước thềm, nắm tay cùng vật. Công chúa rất vui mừng, ban phép thần thông, bỗng nhiên trời đổ mưa xuống. Bọn trẻ được uống no nước ngọt lành đều vui vẻ ca múa nhẩy nhót, lậy tạ rồi ra về, đều xưng tụng công chúa là Thiên thánh xuống trần.”

Sau này trong lễ hội đền Mõ luôn diễn tích vật cầu mưa này.

Đến đây , ta có thể khẳng định việc tôn thờ Quỳnh Trân công chúa ở đền Mõ, Kiến Thụy gắn liền với tín ngưỡng thờ nữ thần, thờ mẫu và tín ngưỡng sùng nước rất phổ biến trong văn hóa nông nghiệp lúa nước ở nước ta. Những tín ngưỡng này được thể hiện sinh động, cụ thể hơn nữa trong lễ hội đền Mõ được tổ chức thường niên.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyền thuyết và lễ hội về nữ thần ở hải phòng (Trang 87 - 93)