Truyền thuyết về Thánh Chân công chúa

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyền thuyết và lễ hội về nữ thần ở hải phòng (Trang 79 - 83)

7. Đóng góp của luận văn

3.3.1. Truyền thuyết về Thánh Chân công chúa

3.1.1.1. Nội dung Truyền thuyết Thánh Chân công chúa

“Lê Chân – con ông Lê Đạo và bà Trần Thị Châu ở trang An Biên, Đông Triêu. Gia đình họ Lê chuyên nghề dạy học, làm thuốc, dốc lòng làm việc thiện, tránh điều ác, những việc làm cầu, dựng chùa, tô tượng, đúc chuông đều hết sức đóng góp. Do đó, họ được nhân dân trong vùng hết sức kính mến nhưng chỉ hiềm một nỗi ông bà tuổi cao, muộn con nên rất lo lắng. Một hôm, hai vợ chồng thành tâm sắm sửa lễ vật lên chùa Yên Tử làm lễ cầu tự mong sao có được mụn con. Ngay đêm hôm ấy, ông Lê Đạo nằm mơ thấy có hai vị thiên sứ, một vị mặc áo xanh tay cầm kim mâu, một vị mặc áo tía tay cầm bảo kiếm dẫn ông lên thiên cung. Ông bàng hoàng kinh sợ, vội vàng sụp lạy trước một vị dại quan lớn ngồi trong điện đầu đội mũ bách tinh, mình khoác áo bào vàng bên trái bên phải mỗi bên đều có một vị quan tay cầm bút. Bỗng nhiên ông Đạo nghe văng vẳng lời vị đại quan truyền bảo rằng: “Nhà ngươi có phúc lớn, tiếng lên đến tận thiên đình. Nay nhân có một tiên nữ phạm lỗi, Ngọc Hoàng sai đầy xuống trần 40 năm, cho đầu thai làm con nhà ngươi, sau này sẽ làm rạng rỡ gia đình, con trai cũng không sánh kịp.” Lời truyền vừa dứt bỗng tiếng trống nổi lên inh ỏi, chói tai làm ông chợt bừng tỉnh, ông mới biết là mình nằm mơ. Hôm sau vợ chồng ông trở về nhà.

Thế rồi, một buổi sáng sớm, như thường lệ bà đi ra ngoài ấp, bỗng thấy có một vết chân lạ rất lớn, bà ngạc nhiên đưa chân ướm thử. Trở về nhà, tự nhiên bà thấy người xúc động rồi có thai. Sau 12 tháng, bà mới sinh được một cố con gái (hôm ấy ngày mồng 8 tháng 2), má phấn môi son, mày ngài mắt phượng, sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành. Nhân cơ ướm chân mà sinh hạ ông bà đặt tên cho con là Chân. Tháng lại ngày qua, cô gái lớn lên tuổi vừa 18, thông minh hơn người, độ lượng khác người, cầm thi cung kiếm đều thạo. Mọi người cho là bậc trai lạ trong giới nữ lưu. Đến 20 tuổi, tài sắc vượt trội, khắp nơi nức tiếng nổi danh tấp nập, nhưng nàng đều từ tạ, gác bỏ ngoài tai những lời ong bướm.

Lúc bấy giờ nước ta đang bị nhà Hán đô hộ, triều đình cử tên Tô Định vô cùng tham lam, tàn ác sang làm thái thú. Tô Định nghe tiếng, muốn cưỡng ép lấy nàng làm thiếp, nhưng nàng nhất định không nghe. Qua ba bốn phen bị từ chối, Tô Định oán giận, tìm cách giết hại cha nàng. Nàng lập tức thu thập gia tư, ôm mối thù cha, tìm phương rửa hận, thề không đội trời chung với tên Tô Định. Nàng lánh đến vùng đất An Dương ven sông Cấm, nàng phát hiện ra vùng biển có đường thủy nối liền, lòng riêng mừng thầm, nghĩ được trời ban cho nơi che chở. Nàng bèn trở về quên chiêu mộ nghĩa sĩ quen biết cùng họ hàng được vài chục người, cấp cho lương thực, nông cụ đến nơi đất mới khai khẩn cấy trồng để tích lũy lương thực. Qua ba năm dựng thành ấp, đặt tên là trang An Biên, lại mở một chợ bên sông để tiện mua bán. Nàng ở đây chừng chục năm, thu nạp những người trốn tránh vì có thù với giặc hoặc không đường sinh sống, để trả thù cho cha. Nhưng nghĩ mình là con gái, chưa biết mưu tính sao thì may thay trời cao giúp đỡ, người dân muốn nổi dậy chống bọn tham tàn.

Lúc ấy ở đạo Sơn Tây có người con gái họ Hùng tên là Trưng Trắc, căm giận Tô Định giết chồng là Thi Sách, mới cùng em là Trưng Nhị phát lời kêu gọi anh tài, trai gái khắp nơi khởi nghĩa giết giặc Tô Định. Lê Chân được tin, lập tức mộ được hơn một răm thanh niên trai gái ở An Biên, An Dương làm quân thân tín kéo về Sơn Tây. Nàng vào bái yết, Trưng Trắc thấy nàng diện mạo khác thường, có chí khí của một bậc tài trai nên rất ưng ý. Ngay hôm ấy, nàng được phong chính là “Thánh Chân công chúa”, sai cất quân cùng Bình Khôi công chúa Trưng Nhị tiến đánh Tô Định.

Tô Định bị thua to bỏ trốn về Bắc quốc. Nước Nam được bình định, Trưng Trắc tự lập làm vua, khen thưởng quân sĩ, ban khen quân thần. Thánh Chân công chúa được ban thêm bổng lộc và sắc phong, sai đem binh mã về trang An Biên dựng đồn. Từ đó thuyền buôn phương Bắc bị cấm không được qua lại nơi này. Công chúa lại xuất tiền tài chẩn cấp cho dân. Chỉ vài năm vùng này trở nên giàu có, nhân khang vật thịnh, ai ai cũng đội ơn sâu, kính yêu công

chúa như cha mẹ. Còn Tô Định sau khi bỏ trốn về nước dâng biểu tâu vua Hán. Vua nhà Hán là Hán Quang Vũ bèn cử Mã Viện làm Phục Ba tướng quân đem binh mã sang đánh nước ta để rửa nhục cũ. Lúc này vua Trưng mới lên ngôi được ba năm, nghe tin Mã Viện sang xâm chiếm, bèn triệu tập chỉ huy các đồn sở về Kinh đô bàn kế chống giặc. Quân Hán thường thua luôn.

Một hôm vua Trưng thấy quân Hán bèn cùng các tướng ruổi dài đuổi đánh. Nhà vua cưỡi voi lớn, bất ngờ gió thổi tung bay dải yếm, quân hán trông thấy biết vua, quan đều là đàn bà. Sau đó, Mã Viện dùng kế sai quân trút bỏ quần áo, trần truồng chiến đấu ở dông Nhị Hà (nay là đạo Sơn Nam Thượng). Vua Trưng thấy thế rất ngượng ngùng xấu hổ, để rơi cờ hiệu khí giới. Quân Hán thừa thế đuổi đến sát gần. Nhà vua và các tướng biết là đã trúng kế không thể thoát, bèn nhảy xuống sông Nhị Hà tự vẫn (hôm ấy là ngày 22 tháng 12).

Thánh Chân công chúa sau khi lao đầu xuống sông tự vẫn thường rất linh ứng. Lúc này ở trang An Biên người và vật đêu không được yên. Ban đêm mọi người thường mơ thấy công chúa trở về bảo: “Nay ta đã hết hạn ở dưới trần phải về chầu Thượng đế. Dân chúng nếu sớm ra bờ sông thấy có vật lạ nên rước về ấp thờ phụng, nếu không Hồng Thiên sẽ trách phạt.”

Sớm hôm sau mọi người cùng ra bờ sông, hôm ấy là mồng ba tháng Giêng, bầu trời u ám, gió lớn, mưa to, mặt nước sông cuồn cuộn sóng , thuồng luồng, rùa giải đua bơi, cá côn cá kình rẽ sóng, bỗng thấy có một phiến đá trôi từ từ ngược dòng. Dân các nơi dâng lễ cầu lạy nhưng phiến đá không trôi vào. Dân An Biên trông thấy, lại gặp đúng phiên chợ vào sắm lễ vật nhưng vào lúc chợ đã vãn chỉ còn một sóc cua bể và một mâm bún, dân nơi đây bèn mua tạm về làm lễ dâng hương án rồi cùng nhau sụp lạy. Quả nhiên phiến đá bỗng dạt vào, cùng nhau nhìn kĩ thì ra là một tháp đá, trên tháp có miếu đá, trong miếu có ghi hàng chữ “Thánh Chân công chúa”. Dân chúng cùng với người ở chợ rước phiến đá về ấp. Nhưng khi đến xứ Đồng Mạ có hình mộc, phiến đá đột nhiên rơi xuống.

Mọi người khiêng thế nào cũng không di chuyển được nên họ nghĩ chắc thánh muốn ngự ở đây. Vì thế, nhân dân lập đền thờ quay về hướng Đông.

Từ đó về sau Thánh Chân công chúa rất linh thiêng. Nhân dân trong ấp cứ đến ngày mồng 3 tháng Giêng đến miếu hành lễ. Lễ phẩm dùng cỗ chay, lễ xong có ca hát và đấu vật. Từ đó cầu mưa được mưa, cầu gió được gió”.

3.1.1.2. Nữ tướng Lê Chân - nhân vật anh hùng chống xâm lăng trong tín ngưỡng dân gian

Truyền thuyết về nữ tướng Lê Chân là truyền thuyết về một nhân vật lịch sử có công đánh giặc giữ nước. Không chỉ có vậy bà còn là nhận vật sáng tạo văn hóa, lập trang ấp, gắn với địa danh An Biên. Bởi vậy nên với nhân dân Hải Phòng, nữu tướng Lê Chân không chỉ là một nữ tướn anh hùng, Người còn là một Thánh Mẫu, là phúc thần, là thành hoàng làng đất Cảng.

Truyền thuyết về Lê Chân được bao phủ bằng những đường viền kì ảo lung linh, gắn với tín ngưỡng dân gian : tín ngưỡng thờ đá, một tín ngưỡng cổ ở nước ta.

Có thể nói, từ xa xưa nhân dân ta đã có tục thờ đá. Trong công trình “Văn

học dân gian - những công trình nghiên cứu” do Bùi Mạnh Nhị chủ biên ( Nxb

Giáo dục , 2002) đã nêu: “Quan niệm cổ xưa cho rằng con người từ đất, từ đá

sinh ra và khi chết đi lại trở về với đất đá đã dẫn dắt cho sự hóa thân”. Hẳn vì

thế mà những dạng thể của đá như hòn đá, phiến đá, tháp đá, ... trôi nổi hay tìm về đất cũ, đã trở thành hiện tượng có ý nghĩa biểu đạt sự linh thiêng, chuyên chở nhiều ý nghĩa mang giá trị văn hóa sâu sắc, thể hiện nhiều quan niệm tín ngưỡng dân gian. Trong truyền thuyết về nữ tướng Lê Chân có chi tiết “Bỗng thấy có một phiến đá trôi từu từ ngược dòng ... Dân An Biên trông thấy, lại gặp đúng phiên chợ vào sắm lễ vật ... làm lễ dâng lên hương án rồi cùng nhau sụp lạy. Quả nhiên, phiến đá bỗng nhiên dạt vào, cùng nhau nhìn kĩ thì ra là một tháp đá, trên tháp có một miếu đá, trong miếu có ghi hàng chữ Thánh Chân công chúa” . Bản chất nghệ thuật của chi tiết hư cấu ấy đã thể hiện quan niệm thần thánh hóa,

thiêng hóa và bất tử hóa về nhân vật lịch sử được nhân dân Hải Phòng ngưỡng vọng và yêu kính.

Có thể nói sử sách ghi chép về nhân vật còn sơ lược nhưng nhân vật cũng như dư âm của cuộc khởi nghĩa, của công lao khai trang lập ấp thì mãi mãi còn lại trong kí ức nhân dân qua các câu chuyện, truyền thuyết được lưu truyền và được tái hiện sinh động qua các tín ngưỡng, lễ hội tổ chức thường niên.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyền thuyết và lễ hội về nữ thần ở hải phòng (Trang 79 - 83)