Lễ hội cầu mưa ở Lạc Hồng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyền thuyết về tứ pháp và lễ hội cầu mưa ở hưng yên (Trang 76 - 81)

7. Cấu trúc của luận văn

3.1.4. Lễ hội cầu mưa ở Lạc Hồng

Xã Lạc Hồng xưa thuộc tổng Thái Lạc – huyện Thuận Thành (Bắc Ninh), nay thuộc huyện Văn Lâm(Hưng Yên). Nơi đây tự hào là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa với những di tích và lễ hội truyên thống đặc sắc bậc nhất của tỉnh Hưng Yên. Hiện xã Lạc Hồng còn bốn ngôi chùa thờ bốn vị thần Tứ pháp: Chùa Thái Lạc- Thờ Pháp Vân( thôn Quang Trung), chùa Bà Quê – thờ Pháp Vũ(Thôn Hồng Cầu), chùa bà Huế- thờ Pháp Lôi (thôn Nhạc Miếu), chùa Bà

Tông – thờ Pháp Điện( thôn Hồng Thái). Theo những dấu tích chạm khắc ở

chùa Pháp Vân, các nhà nghiên cứu cho rằng ngôi chùa được xây dựng từ thời Trần. Điều đó chứng tỏ tín ngưỡng thờ Tứ pháp đã có từ rất xa xưa. Lễ hội cầu mưa gắn với tín ngưỡng thờ Tứ pháp vốn là lễ hội của tổng Thái Lạc gắn liền

với cả ngôi chùa Ôn Xá bên dòng sông Tiên Cầu. Trong số các điểm thờ Tứ

pháp ở Hưng Yên, Lạc Hồng là một trong các địa phương bảo tồn và lưu giữ được khá đầy đủ cả hệ thống chùa thờ lẫn lễ hội cầu mưa. Hàng năm, nhân dân nơi đây vẫn tổ chức cầu đảo trọng thể trong ba ngày từ mồng 6 đến mồng 8 tháng 3 âm lịch.

Tương truyền rằng, mỗi khi trời hạn hán nhân dân xin quan làm lễ cầu mưa. Được phép, nhân dân làm lễ mở cửa chùa tụng kinh trong ba ngày rồi đóng cửa chùa ba ngày. Cứ làm như vậy ba lần nếu trời không mưa thì nhân dân mới tổ chức cầu đảo.

Trước kia lễ cầu đảo diễn ra trong vòng bảy ngày và có lễ rước các vị tượng thần Tứ Pháp lên chùa Ôn Xá- chùa tổng – vì tương truyền nơi đây là nơi mà các người thợ tạc tượng ở trong những ngày làm tượng từ những cành dâu. Nhưng ngày nay, lễ hội cầu mưa ở Lạc Hồng diễn ra trong vòng 3 ngày từ mồng 6 đến mồng 8 tháng 3 và chỉ tổ chức lễ rước qua bốn điểm thờ của xã Lạc Hồng.

Trước khi diễn ra lễ cẩu đảo dân làng làm lễ hạ bệ ở các chùa để làm lễ Mộc Dục (Lễ tắm Phật) và bao sái tượng và các đồ thờ. Thôn Yên Lạc (Thôn Hồng Thái) phải dựng ba gian nhà tre để các phật bà ngự. Người dân các thôn có tượng thờ và tham gia cầu đảo đều phải cử ra một số trai đinh khỏe mạnh, gia đình không vướng bận việc tang để tham gia lễ rước tượng. Các trai đinh mình trần, đóng khố, vai đeo tràng mạng. Người xưa có câu:

Khố điều được ghép bằng thừng Ngoài thì vải trắng giữa chừng chăng kim

Hạt bột thì lát như in

Lại thêm gối quạ đóng lên làm cầu Khuyên vàng, cúc bạc đính sau Vai đeo tràng mạng ra điểu lẳng lơ

Đầu quấn nhiễu đỏ phất phơ…

Theo người dân Lạc Hồng kể lại, những chiếc khố mà các trai làng đeo được làm rất kì công từ việc chẻ tre, bện thừng đến việc làm khuôn, đổ thiếc, trang trí… đều được nhân dân làm một cách cẩn thận đến từng chi tiết.

Qua những sự chuẩn bị chu đáo của mình người dân Lạc Hồng coi đây là những hành động thể hiện sự tôn kính của mình với các vị thần Tứ Pháp, cũng qua đó nhân dân thể hiện mong muốn mua thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

* Nghi lễ chính thức:

- Lễ rước Phật:

Một trong những nghi lễ chính khi tổ chức cầu đảo là lễ rước tượng tại các điểm thờ Tứ pháp. Trong ngày đầu tiên, tượng bà Pháp Lôi(thôn Nhạc Miếu) làm lễ khởi kiệu đến chùa bà Pháp Vũ (Thôn Hồng Cầu) sau đó tượng hai bà được rước sang chùa Thái Lạc để hội ngộ với bà Pháp Vân(được mệnh

danh là chị cả), trong khi rước kiệu Pháp Vũ bao giờ cũng đi trước. Khi gần đến chùa Pháp Vân thì kiệu bà Pháp Lôi chạy vượt tường vào chùa trước rồi lại lùi ra chờ kiệu Pháp Vũ tới. Hai kiệu vào đến sân chùa thì kiệu Pháp Vân cũng được rước ra cửa để làm lễ chào – dân gian gọi là lễ Hạ Thủ. Tại đây ba bà yên vị để nhân dân cúng lễ cầu cho mưa xuống.

Hai bà xuống chơi chùa Vân Cơn mưa cơn gió xoay vần Để cho thiên hạ dễ làm ăn…

Tại chùa Pháp Vân, nhân dân tổ chức nghi lễ rước nước, tế thần, tụng kinh c ầu đảo và tổ chức khai hội với những màn trống hào hùng do chính những người dân địa phương chuẩn bị.

Ngày hôm sau cả ba bà đến chùa Pháp Điện (Hồng Thái) để sum họp. Trên đường đi nhân dân hai bên đường đều chuẩn bị lễ vật, nước sạch để té nước cầu mong sự may mắn đến với bản thân và gia đình. Các đoàn tham gia rước kiệu theo sự điều hành của người chủ xướng, vừa đi vừa đọc những lời cầu khấn để mong trời đất cảm động mà cho mưa xuống. Tham gia đoàn rước kiệu gồm các giai đinh, giai kiệu và hàng trăm dân chúng từ các thôn làng tham gia dự lễ và khách thập phương. Tất cả tạo lên một không khí đông vui nhộn nhịp của ngày hội. Gần đến chùa Hồng Thái, đoàn rước kiệu tượng bà Pháp Lôi chạy trước, vượt lên trước. Sau đó mới chờ các chị vào để làm lễ vái kiệu.

Tại chùa Hồng Thái, các bà ngự ở ba gian nhà tre đã được nhân dân chuẩn bị trước:

Ba bà ngự ở ngai vàng Cơn mưa cơn gió đầy đồng Để cho thiên hạ dễ làm ăn…

Tượng bà Pháp Điện được rước ra sân để chào các chị và dự hội cùng nhân dân. Trong quá trình tổ chức hội nhân dân luôn tuân theo quy định không bao giờ rước tượng bà Pháp Điện ra khỏi chùa. Tại đây, nhân dân tổ chức làm lễ yên vị, tổ chức lễ tế trọng thể: dâng hương, dâng trà, dâng thực, dâng quả. Sau phần lễ là phần hội, nhân dân tổ chức những sinh hoạt văn hóa văn nghệ với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Các bà ngự ở đó một đêm, ngày hôm sau là lễ rước các bà về các làng an vị. Trước khi chia tay các đoàn rước thực hiện nghi lễ vái kiệu.

- Lễ rước nước:

Đây là một trong những nghi lễ quan trọng của lễ hội Cầu mưa. Theo phong tục, khi hai kiệu của bà Pháp Lôi, Pháp Vũ ngự ở chùa Pháp Vân thì nhân dân nơi đây phải thực hiện nghi lễ rước nước. Để tiến hành nghi lễ, nhân dân phải chuẩn bị đắp 9 con rồng (2 con rồng to và 7 con rồng con) từ vật liệu là đất và rơm. Bệ rồng được các giai đinh, giai kiệu khiêng đi xin nước về tưới cho ruộng đồng. Sau khi làm lễ tại chùa Thái Lạc, đoàn rước rồng gồm: đoàn múa rồng dẫn đường, đoàn rước cờ ngũ phương, 4 trai đinh rước kiệu rồng, 4 trai làng vác gầu múc nước được làm từ những mo cau già (gọi là các Trại Long Vương), 4 trai rước kiệu Long Đình và đông đảo dân chúng tham gia lễ rước nước. Đoàn rước đi qua thôn Yên Lạc đến dòng sông Tiên Cầu làm lễ xin nước. Ngày nay, nhân dân làm lễ xin nước ở chùa Pháp Điện và rước về chùa Pháp Vân. Trên đường đi gặp chỗ nước sạch các trại Long Vương đều lấy gầu té nước cầu mưa. Nghi lễ rước nước chính là một trong những nét đặc trưng của lễ hội cầu mưa ở Lạc Hồng. Nghi lễ này chính là biểu hiện của dấu ấn văn hóa sông nước của làng xã Hưng Yên.

- Lễ vái kiệu (Lễ hạ thủ)

Trong lễ rước tượng phật, khi các phật bà gặp nhau đều thực hiện nghi lễ này một cách cẩn trọng, chu đáo. Nghi thức này được diễn ra theo quy ước bà Pháp Vân là chị cả rồi đến Pháp Vũ, Pháp Lôi và Pháp Điện là em út. Theo đó, khi gặp nhau em phải chào chị trước bằng ba lần hạ thủ (Các giai kiệu theo lệnh của chủ xướng cùng hò zô để hạ kiệu). Sau đó để đáp lễ chị cũng chào em bằng ba lần hạ kiệu. Khi đến chùa Pháp Vân, kiệu bà Pháp Vũ, Pháp Lôi phải thực hiện 6 lần vái kiệu chào chị Pháp Vân, kiệu bà Pháp Vân thực hiện 3 lần vái kiệu chào hai em. Khi đến chùa Pháp Điện, kiệu bà Pháp Điện không được rước qua cửa nhưng phải thực hiện 9 lần vài kiệu chào các chị và tượng bà ngự trong sân chùa Hồng Thái suốt những thời gian các chị ngự ở ngoài nhà cỏ. Khi bái biệt ra về các đoàn rước lại phải thực hiện nghi lễ như lúc gặp nhau. Ngay cả khi trở về an vị tại các ngôi chùa khác nhau nhưng đều tuân theo một quy ước: Khi chị cả (Pháp Vân) về đến chùa, đánh lên ba hồi chuông thì các kiệu của các em mới được vào chùa. Dù không phải là nghi lễ quan trọng nhất của lễ hội cầu mưa nhưng lễ vái kiệu lại giáo dục cho những thế hệ sau những bài học về đạo nghĩa chị em, răn dạy con người về việc giữ gìn đạo lí tốt đẹp của dân tộc.

Phần hội: Trò Đánh giăng(trăng)

Theo truyền thống lễ hội từ thủa xa xưa, khi bốn bà tụ họp và tổ chức nghi lễ xong thì những trai đinh khỏe mạnh của các làng tham gia trò Đánh giăng(trăng). Tham gia là khoảng 50 trai đinh đại diện cho các làng. Dẫn đầu là một người đánh trống hiệu và một người cầm cờ lệnh. Các giai kiệu nghe hiệu lệnh rồi chạy theo chiều xoáy trôn ốc. Cứ làm như vậy ba vòng thì kết thúc một lần đánh giăng. Theo quan niệm của nhân dân trò đánh giăng vốn miêu tả những vòng xoáy của vũ trụ, miêu tả sự vần vũ của mây, mưa, sấm chớp vì vậy tham gia lễ hội cũng là một cách để nhân dân bày tỏ ước vọng cầu mưa và sự vận hành hài hòa của các thành tố thiên nhiên mang đến sự bình an thình vượng cho cuộc sống.

Những nghi thức của lễ hội cầu mưa ở Hưng Yên đã khẳng định những nét riêng biệt mang tính văn hóa bản địa của mảnh đất này. Mặc dù kế thừa căn bản các nghi lễ cầu mưa cầu tạnh của lễ hội chùa Dâu như: Lễ Mộc dục, Lễ rước Phật nhưng các lễ hội liên quan đến Tứ Pháp ở Hưng Yên không có lễ rước các phật bà về chùa Tổ thờ Man Nương, trong phần hội cũng không có trò

Cướp nước, Mẹ đuổi con, Múa gậy mà thay vào đó lại có Lễ rước nước, trò Đánh giăng rất đặc trưng. Một điểm sáng tạo nữa của nhân dân Hưng Yên trong lễ hội cầu mưa đó là sự hiện hữu của con vật cúng tế là con Rồng. Có thể thấy nguyên nhân của sự khác biệt này là quan niệm của dân gian Rồng chính là con vật thiêng cai quản nước. Điều này chúng ta lại thấy điểm tương đồng với các lễ hội cầu mưa ở các địa phương khác như: Lễ cầu mưa ở Long an, Lễ Cầu nước trời của dân tộc Thái ở Con Cuông - Nghệ An…

3.2.Mối quan hệ giữa truyền thuyết về Tứ pháp và lễ hội cầu mưa ở Hưng Yên

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyền thuyết về tứ pháp và lễ hội cầu mưa ở hưng yên (Trang 76 - 81)