7. Cấu trúc của luận văn
2.2.1. Phản ánh sự hòa hợp của Phật giáo và những tín ngưỡng bản địa
Theo nhà nghiên cứu Võ Thị Hoàng Lan: “Tứ pháp là hiện tượng duy
nhất xuất hiện trên bàn thờ của người Việt trong tư cách vừa là thần, vừa là Phật. Và cũng có thể nói Phật giáo Tứ pháp là Phật giáo mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc Việt – dân tộc mà nguồn sống chủ yếu dựa trên nền nông nghiệp lúa nước”[28;34].
Như vậy, có thể nói trước khi tiếp xúc với Phật giáo thì người Việt cổ đã có sẵn thái độ sùng bái các hiện tượng tự nhiên mây, mưa, sấm, chớp. Trong tiềm thức của người Việt, việc canh tác nông nghiệp luôn phụ thuộc rất nhiều vào sự thuận hòa của các yếu tố thời tiết:
Trông trời, trông đất, trông mây
Trông cho chân cứng, đá mềm Trời yên bể lặng mới yên tấm lòng.
Với nhưng cư dân nông nghiệp thì sự phát triển của cây trồng trong từng giai đoạn kéo theo nhu cầu về nước, ánh sáng cũng thay đổi vì vậy việc điều chỉnh các yếu tố thời tiết sao cho phù hợp với chu trình canh tác là yếu tố kỹ thuật chi phối đến hiệu quả của sản xuất. Trước sự thất thường về thời tiết mà con người chưa có đủ khả năng để làm chủ được tự nhiên sẽ dẫn tới sự sùng bái thần linh để gửi gắm ước vọng có thể điều hòa được mưa nắng để cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, nhân dân no ấm. Sự hình thành của bốn vị nữ thần Pháp Vân (mây), Pháp Vũ (mưa), Pháp Lôi (sấm), Pháp Điện (chớp) cũng dựa trên tâm thức đó của nhân dân.
Đồng thời qua hình ảnh của Phật mẫu Man Nương các nữ thần được nhân dân tôn thờ còn có dấu ấn của tín ngưỡng thờ Mẫu trong dân gian.
Tín ngưỡng thờ Mẫu có thể được hiểu là một loại hình tín ngưỡng dân
gian được tích hợp bởi các lớp tín ngưỡng thờ nữ thần, thờ Mẫu thần và thờ Tam phủ - Tứ phủ với niềm tin thiêng liêng vào quyền năng của Mẫu, bảo trợ cho sự tồn tại và sinh thành ra con người.
Nữ thần được thờ có thể là nhiên thần như: Thần sấm, thần Mây, thần Mưa, thần Chớp (Tứ pháp), Mẹ Lúa, Mẹ Chim, Mẹ Cá…có thể là nhân thần như Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Âu Cơ, Ỷ Lan, Bà Trưng, Bà Triệu… Thờ Mẫu thần là sự phát triển từ thờ Nữ thần, trong đó chỉ có những Nữ thần là chủ thể của sinh nở mới được tôn là Mẫu. Danh xưng Mẫu gắn với chức năng sinh đẻ, chăm sóc và nuôi dạy con cái. Trong thờ Nữ thần có các nữ thần không bao hàm yếu tố này như các “bà cô” (những người phụ nữ không có chồng, con hoặc chết trẻ). Thờ Tam phủ- Tứ phủ, chính là mức phát triển cao về nhiều mặt từ thờ Mẫu thần. Ở tín ngưỡng Tam phủ- Tứ phủ đã có sự “chưng cất” (hay chăt lọc) từ tín ngưỡng đa thần về một số vị nữ thần cơ bản và gọi là Mẹ, Mẫu, bao gồm:
Mẫu Cửu Thiên Huyền Nữ, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải (Thủy), Mẫu Địa (Địa Tiên Thiên Thánh Mẫu). Bốn vị Mẫu trên đại diện cho bốn không gian địa lí khác nhau, trong đó mẫu Cửu Thiên Huyền Nữ cai quản vùng trời, Mẫu Thượng Ngàn cai quản vùng rừng núi, Mẫu Thoải cai quản ở vùng sông nước, Mẫu Địa cai quản miền đất.
Trong quá trình hình thành và phát triển, tín ngưỡng thờ Mẫu không ngừng nhận sự ảnh hưởng từ các loại hình tín ngưỡng, tôn giáo khác như tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng thờ thần tự nhiên, Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo.
Ở hình ảnh Man Nương, chúng ta không chỉ tìm thấy tình thương, sự cứu giúp của bà đối với dân làng trong hoàn cảnh khó khăn (hạn hán) hay có thể chỉ huy các hiện tượng tự nhiên mà tượng trưng chính là các vị thần Tứ pháp, mà còn hơn thế khi coi Bà là Mẫu, một vị Phật với tư cách là mẹ, rất gần gũi với con người, luôn bao dung, độ lượng, che chở cho con người. Có thể thấy rằng sự hình thành và phát triển của hệ thống chùa Tứ pháp chính là sự khẳng định sức sống và xu hướng đề cao vai trò nữ thần, đề cao vai trò của cac bà mẹ trong tín ngưỡng bản địa của cư dân nông nghiệp lúa nước trước sự du nhập của Phật giáo vào Việt Nam. Cũng có nhiều tác giả cho rằng sự xuất hiện của hình tượng Man Nương trong truyền thuyết cũng như trong hệ thống chùa Tứ pháp trong thực tế đã đánh dấu một bước phát triển mới của Phật giáo ở Việt Nam đó chính là bước chuyển từ “Phật giáo ở Việt Nam” thành “Phật giáo Việt Nam”.
Trong hệ thống truyền thuyết về Tứ pháp ở Hưng Yên, ta còn thấy sự xuất hiện của cây thần- cây dung thụ. Hình ảnh này là biểu hiện cụ thể về tín ngưỡng thờ cây trong dân gian. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, đối với người Việt, cây cối là loại sinh thể đặc biệt, có đời sống trực giác tâm linh y như con người, có năng lượng phát ra và tương tác được với năng lượng của con người. Mặt khác, cây cối còn được coi là nơi trú ngụ của các vị thần linh hay ma quỷ. Vì vậy từ xa xưa thần cây đã xuất hiện trong các tác phẩm văn học dân gian
Việt Nam: trong sử thi Đẻ đất đẻ nước của người Mường đã nhắc đến cây si, họ xem cây si như một loại cây cội nguồn của tộc người họ. Người Dao thì thờ cây đa, cây sấu. Họ có lễ mở cửa rừng với bàn thờ thần cây sau những ngày Tết. Còn đối với người Việt từ xa xưa đã thờ thần cây, điều này được thể hiện khá rõ qua câu chuyện “Mộc tinh” được ghi trong Lĩnh Nam chích quái. Người Việt còn thờ Mẫu Thượng Ngàn và thờ cây đa, cây gạo ở mọi làng quê, đình chùa, miếu mạo.
Trong các bản truyền thuyết về Tứ pháp cây dung thụ được nhắc đến
như cây thiêng: “Khi Man Nương mang bé gái mới sinh cho sư Đà la, sư bèn
ẵm đứa bé vào trong rừng sâu hô to lên rằng: “Hỡi các cây gỗ to! Cây nào ẵm đứa con này cho ta thì mở lòng ra mà nhận. Sau này sẽ làm thiên thần, hưởng sự thờ cúng của thế gian, lưu truyền vĩnh viễn muôn đời”. Có một cây to vui vẻ trả lời: “Tôi xin giữ đứa trẻ này”. Cái cây ấy nứt ra, nhà sư liền đưa đứa bé ấy vào trong lòng cây gỗ. Cây gỗ từ từ khép lại”(Thần tích của thôn Đặng Xá- Ân Thi). Trong bản kể của các truyền thuyết được sưu tầm ở các điểm thờ dù có nhiều dị bản nhưng đều thống nhất ở việc ngợi ca cây
dung thụ: “Sư Già La ôm con đến một cây Phù Dung ở ngã ba đường, có cành
lá xum xuê, thân cây có một cai hốc sâu, sư đặt đứa trẻ vào đó và nói: Ta gửi con Phật mi giữ lấy sẽ thành Phật đạo”(Truyền thuyết về Pháp Vân tại Chùa Lương Hội- Thị trấn Lương Bằng – huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên)…Cây dung thụ được coi là cây bảo hộ của Phật vì vậy gỗ của cây thiêng được dùng để làm các pho tượng trong hệ thống Tứ pháp. Truyền thuyết cũng khẳng định: “Ngoài thân cây gỗ đã tạc tượng ra còn các cành cội của nó đều được nhân dân đến lấy về tạc tượng hoặc đem yểm tâm cho pho tượng sẵn có. Thánh Tứ pháp rất anh linh, năm nào đại hạn, cầu đảo đều mưa, nhân dân cầu phúc, cầu tự, cầu tài đều linh ứng rất nhanh”.(Thần tích thôn Đặng Xá). Việc linh thiêng hóa cây thần đặt hệ thống truyền thuyết về Tứ pháp ở Hưng Yên trong mạch tiếp nối của dòng chảy văn hóa bản địa.
Bên cạnh dấu ấn của tín ngưỡng thờ cây, hình ảnh Thạch Quang Phật xuất hiện trong các truyền thuyết về Tứ pháp cũng chính là biểu hiện cụ thể của
tín ngưỡng thờ đá trong dân gian. Tín ngưỡng thờ đá gắn liền với thời kì nguyên thủy của loài người. Trong buổi bình minh của lịch sử nhân loại, con người từ khi sinh ra đến khi chết đi đều gắn với hang (đá), đá tạo nên công cụ sản xuất, đá tạo ra lửa… Nói chung, đá tham gia vào mọi hoạt động sinh hoạt, lao động của con người. Sự gắn bó của con người với đá trong xã hội nguyên thủy, khi
Thuyết vật linh tồn tại phổ biến thì người ta thấy rằng: giữa đá và linh hồn con người có mối liên quan chặt chẽ. Đá cũng là sự sống, cũng có phần hồn, phần xác như con người và đá có thể là nơi trú ngụ cho linh hồn con người, cũng như trong thực tế, thân xác con người sống trong đá (hang), và chết có khi cũng nằm trong đá (chum đá của các dân tộc ở Lào, quan tài chèn đá của người Mường…). Trong tiềm thức của người Việt đá còn là cầu nối giữa con người và thần linh, là nơi thông linh giữa trời và đất. Cho nên, đá có thể là phương tiện để truyền đạt mong muốn của con người với các thế lực siêu nhiên khác.
Trong hệ thống truyền thuyết về Tứ pháp ở Hưng Yên, Đức Thạch Quang chính là kết quả của thiên nhân hợp khí giữa nhà sư Khâu Đà La và nàng Man Nương. Sau khi Man Nương hạ sinh một bé gái (có bản kể của nhân dân Lạc Hồng là sinh ra một hòn đá), đã mang trả nhà sư. Đứa bé được nhà sư gửi vào cây dung thụ. Nhân dân khi vớt cây lên làm tượng xẻ đến chỗ đặt người con gái thì đã hóa thành tảng đá lớn. Tốp thợ lấy rìu đập tảng đá, rìu bị mẻ hết, bọn thợ tức mình vứt tảng đá xuống sông thì xuất hiện một tia sáng chói lên, hồi lâu đá mới chìm xuống nước. Bọn thợ tự nhiên ngã lăn ra chết. Chỉ đến khi Man Nương ra bái rồi thuê dân chài vớt tảng đá lên và đưa vào điện thờ, đặt trong tượng phật, phật tự nhiên trông như mạ vàng. Cái chết của những người thợ chính là lời cảnh tỉnh đến những hành động dám phạm đến thần linh của con người. Ánh hào quang tỏa ra từ đá minh chứng cho sự linh thiêng của đá. Đặc biệt, ngày Man Nương sinh con cũng chính là ngày mồng 8 tháng tư – ngày
Phật đản. Như vậy, trong mối quan hệ với Phật giáo, hình tượng Thạch Quang Phật chính là biểu tượng cho sự hoà hợp giữa nguồn gốc bản địa và tính chất ngoại lai.
Điểm chung thống nhất giữa hệ thống truyền thuyết về Tứ pháp ở trung tâm Luy Lâu (Thuận Thành- Bắc Ninh) và hệ thống truyền thuyết ở khu vực Hưng Yên đó là việc lý giải cội nguồn của tín ngưỡng thờ Tứ pháp. Các truyền thuyết này đều khẳng định sự du nhập của Phật giáo là yếu tố quan trọng hình thành lên tín ngưỡng thờ Tứ pháp của người Việt. Thần tích làng Đặng Xá- Ân Thi- Hưng Yên kể lại : “Tương truyền vào cuối đời Hán Minh Đế có một nhà sư tên là Khâu Đà La vốn dòng đạo Bà La Môn ở nước Thiên Trúc, tay cầm gậy thần xích chu du bốn bể mười phương”, Trong bản Truyện Man Nương của Trần Thế Pháp cũng viết: “Vào khoảng đầu thế kỷ thứ nhất, bên bờ tây sông Thiên Đức có ngôi chùa Phúc Thắng. Trụ trì trong chùa là nhà sư Đà La, chẳng những tài cao đức rộng mà còn có nhiều thuật phép lạ, nên được dân chúng khắp nơi kính phục, tìm đến theo học rất đông’. Theo tài liệu Cổ Châu Pháp Vân phật bản hạnh ngữ lục trong đó có chép truyện Man Nương, thì vị sư Giàlađồlê chính là Khâu Đà La một trong các vị sư Ấn Độ đã đến với Luy Lâu để truyền đạo. Như vậy Tứ pháp là kết quả của cuộc hôn phối thần kì giữa một nhà sư Ấn Độ và Man Nương, một thiếu nữ bản địa. Khâu Đà La tuy là một nhà sư nhưng lại có phép thuật mang yếu tố phù thủy nên đã được cư dân bản địa chấp nhận và tin theo. Đồng thời đạo Phật muốn du nhập và ăn sâu bám rễ vào bản địa phải dựa vào những tín ngưỡng văn hóa bản địa cổ xưa đó là tín ngưỡng thờ tự nhiên và tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Chính bởi mối quan hệ ràng buộc đó mà tín ngưỡng thờ Tứ pháp nhanh chóng lan tỏa sự ảnh hưởng tới một một không gian rộng lớn ở trấn Kinh Bắc xưa.
Trong các truyền thuyết về Tứ pháp đều ngợi ca sư Khâu Đà La và những phép thuật của người, đặc biệt là khả năng hô mưa gọi gió. Trong thần tích của làng Đặng Xá kể lại : “Nhà sư lấy gậy thần xích cắm xuống vườn nước bèn vọt
lên. Tu Định theo đúng chỗ đó đào một cái giếng để phòng ngừa hạn hán”.
Vào năm hạn hán các giếng trong vùng đều hết nước trừ giếng của nhà Tu Định. Nhân dân vì thế mà được cứu sống khỏi cơn hoạn nạn. Trong bản truyện kể về sự tích chùa Pháp Vân ở chùa Lương Hội (Lương Bằng- Kim Động – Hưng
Yên) cũng viết về cây tích trượng thần kì mà sư Đà La tặng Man Nương: “Ta
cho Nàng vật này, nàng về nếu gặp năm đại hạn thì cắm trượng xuống đất lấy nước cứu sinh dân. Man Nương cung kính nhận lấy về ở trong chùa”. Từ những chi tiết đó cho thấy khi du nhập Phật giáo vào nước ta, nhân dân đã gửi gắm vào đó một ước nguyện về sự thuận hòa của các yếu tố thiên nhiên hòa trộn với phép thuật thần thông của các yếu tố văn hóa ngoại lai.
Cũng trong bản thần tích của làng Đặng Xá, so với bản được chép lại của
Lĩnh nam chích quái đã được thêm vào những bài kệ mang triết lí của đạo Phật:
“Hình hài như nghịch lữ, Tâm không đính diệc không Phủ nhiên nhất vị ngữ
Ứng vạn vật duyên đồng”.
(Nghĩa là: Hình thể con người ở đời như cái quán trọ, trong lòng hư không tất cả đều hư không. Lặng thinh một mùi vị ngộ đạo, ứng tiếp vạn vật chung một nhân duyên).
Nhưng lời kệ mang những tư tưởng đầy màu sắc của Phật giáo, khuyên răn con người, đề cao vai trò của ngộ đạo, đề cao cái duyên thiên định của Phật. Ngay cả trong kiến trúc tín ngưỡng thờ Tứ pháp, tượng của 4 bà Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện đều được đặt ở vị trí trung tâm Phật đường. Theo các nhà nghiên cứu từ màu sắc tượng Tứ pháp đến tư thế và đường nét của các bức tượng đều mang dấu ấn của đạo Phật. Tất cả những chi tiết đó đều góp phần khẳng định con đường du nhập của Phật giáo vào nước ta trên cơ sở của nền văn hóa bản địa. Tuy nhiên khi vào đến nước ta, sự dung hòa đó lại tạo
lên một màu sắc riêng biệt của Phật giáo Tứ pháp- Phật giáo dân gian Việt Nam.