Hội tổng Ôn Xá Văn Lâm

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyền thuyết về tứ pháp và lễ hội cầu mưa ở hưng yên (Trang 69 - 71)

7. Cấu trúc của luận văn

3.1.1. Hội tổng Ôn Xá Văn Lâm

Tổng Ôn Xá thuộc huyện Văn Lâm, gồm có làng An Lạc, Thái Lạc, Nhạc Lộc, Nhạc Miếu, Tuấn Dị, Ôn Xá, Đình Dù... chạy dài dắt dây với những vườn thị, vườn nhãn luỹ tre, vòm đa um tùm xanh tốt, dọc theo hai bên đoạn đường số 5, cách Hà Nội 20 cây số. Ở đây cũng có một đoạn phố xá và chợ, người ta gọi là chợ Đường Cái. Sau chợ có một ngôi chùa là chùa Ôn Xá, tục gọi là chùa Un. Chùa không to, trước mặt là bãi đất rộng có mọc một cây hồng nên gọi là bãi chợ Hàng Hồng, là nơi khi nào hạn hán trầm trọng thì dân tổng Ôn Xá rước Tứ pháp đến đình hội để làm lễ đảo vũ.

Ngày hội người ta rước tượng đức Pháp Vân, Pháp Vũ và Pháp Lôi đến chùa Un –tương truyền đây là nơi ở của những người thợ tạc tượng bốn vị Tứ pháp. Người dân tổ chức lễ rước tượng Phật về chùa Un là để tri ân với những người thợ khéo tay đã tạo hình lên bốn bà.

Ba pho tượng giống nhau đều lớn nên rước trần không ngồi long kiệu. Tượng tạc kiểu tòa sen, sơn một màu đỏ nâu khoác áo vóc vàng, đầu đội mũ gỗ kiểu cánh sen thất Phật, mặt dài, cổ cao, mắt dài tô màu vàng. Tượng đặt trên một bệ gỗ vuông, đơn sơ và rộng như một mặt phản có đính sáu vòng sắt ở hai bên sườn để xuyên hai đòn rước. Đòn bằng gỗ sơn son đỏ to bằng bắp chân do ba hoặc bốn phù giá ghé vai khiêng ở mỗi đầu. Phù giá là những trai tráng khỏe mạnh ở trần đóng khố bao vải điều, có vải choàng chéo từ một vai xuống sườn bên kia, ghim chụm ngang hông và để hai đầu thòng lòng xuống đến đầu gối. Phù giá còn đội một kiểu mũ gấp và đeo túi trầu thuốc, phù giá nào nhà giàu thì túi trầu, khố, bao choàng chéo đều thêu chỉ ngũ sắc.

Lễ rước diễn ra như sau: đi đầu đoàn rước kiệu là đội múa rồng. Tiếp đến là những người tham gia rước kiệu, họ là những người khỏe mạnh, cởi trần, đóng khố. Đặc biệt trong lễ hội không thể thiếu đoàn nhạc. Người dân đứng hai bên đường chờ đoàn rước kiệu đi qua thì té nước, làm như thế là để cầu may, những ai được dính nước sẽ được may mắn. Mọi người cùng nhau chui qua kiệu mong được sức khỏe và bình an.

Người chấp hiệu, tay cầm cờ lệnh đi giật lùi phía trước hò cách quãng câu:

Ba bà trẩy hội chùa Un,

Mưa gió đùn đùn... thiên hạ dễ làm ăn... này...

Hò xong, phát cờ ra lệnh, phù giá vừa tiến bước vừa đồng thanh hưởng ứng bằng những tiếng ''ùa, ùa'' hoặc ''dô này dô'' để lấy đà đi cho đỡ nặng.

Cứ như thế tượng Ba Bà với những tàn quạt, cờ phướn rực rỡ và cảnh xách, nghi trượng son vàng uy nghi, lướt trên những làn sóng người nón ô chen chúc.

Thánh Bà chùa nào thì có các tín nữ làng ấy đi theo, tay cầm phan tay cầm quạt vừa đi vừa kể hạnh, sự tích Tứ Pháp và niệm Nam mô. Sau khi kết thúc hội các làng rước kiệu về. Khi nào kiệu Pháp Vân về đến chùa đánh lên một hồi chuông to cả ba làng xung quanh đều nghe thấy thì mới đồng loạt rước các bà vào chùa an vị.

Nhân dân trong vùng điều kiện kinh tế còn khó khăn nên chỉ năm nào đại hạn lắm mới dám tổ chức lễ cầu đảo. Mà đã rước, người trong miền tin rằng thế nào cũng mưa, vì hội chùa Un có tiếng là linh ứng.

Trái lại nếu gặp kỳ mưa dầm dai dẳng, thối đất thối trời thì khi cầu tạnh xong, mở cửa chùa ra bắt đầu đưa kiệu lên vai rước tượng ra đi thì có gió mát thổi và tạnh mưa ngay.

Lễ hội chùa Un là một lễ hội chính của tổng Thái Lạc xưa, ngày nay lễ hội này vẫn được duy trì thường tổ chức năm năm một lần. Xét về mặt quy mô đây là lễ hội cầu mưa được tổ chức trọng thể và quy mô nhất trong vùng. Người dân tham gia dự lễ đến hàng nghìn người. Tất cả người dân hướng về lễ hội với một lòng thành kính với các vị thần Tứ pháp để cầu mong mưa thuận gió hòa, phúc lộc, bình an.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyền thuyết về tứ pháp và lễ hội cầu mưa ở hưng yên (Trang 69 - 71)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(117 trang)