Môtíp điển hình

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyền thuyết về tứ pháp và lễ hội cầu mưa ở hưng yên (Trang 54 - 61)

7. Cấu trúc của luận văn

2.3.2. Môtíp điển hình

Môtíp (tiếng Pháp : motif) là từ Hán Việt là mẫu đề (do người Trung Quốc phiên âm chữ motif trong tiếng Pháp), có thể chuyển thành các

từ khuôn, dạng hoặc kiểu trong tiếng Việt, nhằm chỉ những thành tố, những bộ phận lớn hoặc nhỏ đã được hình thành ổn định bền vững và được sử dụng nhiều lần trong sáng tác văn học nghệ thuật, nhất là trong văn học nghệ thuật dân gian.

Theo Từ điển thuật ngữ văn học: Mô típ là các đơn vị cố định thể hiện một nội dung nào đó được sử dụng nhiều lần, là một hiện tượng phổ biến không chỉ trong văn học dân gian mà còn cả trong văn học viết [14;134].

Trong hệ thống truyền thuyết về Tứ pháp ở Hưng Yên chúng tôi nhận thấy sự xuất hiện của các mô típ phổ biến là: Mô típ sinh nở thần kì, mô tip người hóa đá, mô típ chiến công phi thường và mô típ hiển linh âm phù.

2.3.2.1.Mô típ sinh nở thần kì

Đây là một mô típ đặc trưng và rất phổ biến trong truyện kể dân gian thế giới, mô típ này xuất hiện không chỉ trong truyện cổ tích thần kỳ mà cả trong thần thoại, truyền thuyết và thậm chí là trong sử thi về các nhân vật anh hùng, dũng sĩ… Đây được xem là một mô típ rất quan trọng trong bất kỳ cốt truyện nào có chứa đựng nó, vì mô típ này thường xuất hiện ở đầu câu chuyện, giới thiệu hoàn cảnh xuất thân thần kỳ của nhân vật chính trong truyện. Những hình thức đa dạng của sự thụ thai có tính thần kỳ mà các nhà nghiên cứu đưa ra trong các bài viết của ḿnh là: thụ thai do ăn trái cây, do cầu nguyện, do uống nước, do người chết đầu thai, do người mẹ ăn phần thân thể còn lại của người chết… Hay thụ thai do tiếp xúc, đụng chạm, do nuốt giọt máu hay cục máu đông, do nuốt ngọc trai hoặc đá, do ánh nắng mặt trời hoặc nước mưa, do thức ăn của cầm thú hoặc trứng, đặc biệt còn có hình thức người vợ thụ thai do ăn hai cọng cỏ mọc trên mộ chồng và sinh ra được hai đứa con trai hay một cô gái mang thai khi thần chết bước vào lều của cô và bé gái mà cô sinh ra chính là con của thần chết.

Theo Propp: “Mô típ này không chỉ thấy có trong truyện cổ tích mà theo sự phán đoán hiện nay thì quan niệm về sự thụ thai trinh khiết phổ biến trong mọi tôn giáo trên thế giới – từ những tôn giáo nguyên thủy và xưa nhất cho tới những tôn giáo sau này, kể cả đạo thiên chúa”. Mô típ sinh đẻ thần kỳ xuất phát từ ý niệm về sự thụ thai trinh khiết của người phụ nữ, từ niềm tin nguyên thủy cho rằng đứa trẻ không phải là kết quả trực tiếp của hành động giao phối nam

nữ. Mà trong trường hợp này thì “bất cứ sự cố nào (như có một con thú chạy

qua, có một cơn gió nổi lên, người phụ nữ nuốt phải hòn sỏi nhỏ hoặc hột hồ đào…) theo cách nghĩ của người nguyên thủy đều được coi là nguyên nhân sinh ra đứa trẻ”[57]

Theo đó, trong các truyền thuyết về Tứ pháp đều nhấn mạnh đến sự thụ

thai thần kì của Phật Mẫu Man Nương: Tụng kinh xong, sư Già La xuống bếp

không tiện đánh thức lên bước qua mình Man Nương để lấy cháo ăn. Không ngờ như thế mà nàng động thai. Yếu tố thần kì còn được thể hiện qua thời gian

mang thai khác thường: Nàng có mang đẫy mười bốn tháng, đến giờ Ngọ ngày

mồng Tám tháng Tư năm Giáp Ngọ, sinh được đứa con gái. Cũng có truyền thuyết kể rằng: Đến kì sinh nở, bà đẻ ra hòn đá. Bằng việc sử dụng mô típ sinh nở thần kì, các tác giả dân gian đã vừa nhấn mạnh được lòng tin yêu và sự ngưỡng mộ đối với các nhân vật qua sự xuất thân kì lạ. Đồng thời, sự hợp hôn thần kì giữa Man Nương và Khâu Đà La cũng là một phương thuật tôn giáo phản ánh quá trình Phật giáo du nhập vào Việt Nam kết hợp với văn hóa bản địa, đánh dấu một bước ngoặt trong đời sống tinh thần của nhân dân ta, một bước chuyển từ tín ngưỡng nguyên thủy (thờ đá, thờ nước, thờ cây…) sang sinh hoạt tôn giáo có chùa chiền và thờ thần tượng.

2.3.2.2. Mô típ người hóa đá

Trong mô típ này, đá mang ý nghĩa biểu trưng quan trọng. Bởi lẽ đá có tính chất bền vững với thời gian, và trong khi đời người bị hạn định thì đời đá là vô hạn. Và nếu như gắn đời người hạn hẹp vào đời đá thì đó chính là một sự

cơi nới vô biên cho đời người. Hay nói cách khác, sự gắn kết người và đá/ hóa thân người thành đá đồng thời là phương thức để bất tử hóa con người, dù có thể đời người đã khép lại. Cho nên đá là sự không thể hư hại, linh hồn người quá cố phải tồn tại mãi mãi mà không phân hủy.

Có thể khẳng định rằng phương thức hóa thân thành đá trong truyền thuyết dân gian là sự vay mượn đặc trưng bền vững của biểu tượng đá cho nhân vật của truyền thuyết. Đây như là một sự ghi ơn của người đời dành cho họ. Bởi lẽ những nhân vật hóa đá trong truyền thuyết đều có hành trạng xuất chúng hoặc có công lao to lớn đối với cuộc sống no ấm, yên lành của người dân. Trong

hệ thống truyền thuyết về Tứ pháp cũng không nằm ngoài quy luật này: “Đến

kì sinh nở, bà đẻ ra hòn đá; hòn đá tỏa ra ánh hào quang rực rỡ; khi nhũng nguời thợ lấy rìu bổ vào hòn đá thì rìu mẻ, tốp thợ lăn ra bất tỉnh; khi không có hòn đá thì không thể nhấc nổi tượng Pháp Vân; khi Man Nương ra đến bến sông làm lễ thì hòn đá bỗng nhảy lên bờ’’… Như vậy, bằng hàng loạt các chi tiết thần kì, hòn đá vốn được hóa thân từ cuộc hôn phối thần kì giữa Man Nương và Khâu Đà La đã được linh thiêng hóa trở thành Thạch Quang Phật. Cùng với các vị thần Tứ pháp, Thạch Quang Phật cũng là hiện thân cho đấng siêu nhiên với quyền năng để đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân.

2.3.2.3. Mô típ chiến công phi thường

Mô típ chiến công phi thường là mô típ có vai trò đặc biệt trong việc miêu tả hành trạng của nhân vật, nó cũng ghi dấu những công lao to lớn của các nhân vật trong hành trình thực hiện ước nguyện của nhân dân. Chính vì vậy mô típ này xuất hiện trong phần lớn các văn bản truyền thuyết, thần thoại, truyện cổ tích thần kì…

Trong hệ thống truyền thuyết về Tứ pháp chúng ta có thể tìm thấy sự xuất hiện của mô típ này trong việc xây dựng ba nhân vật: Khâu Đà La, Man Nương và Sĩ Nhiếp.

Ở nhân vật Khâu Đà La nhân dân chủ yếu ca ngợi tài năng hô mưa, gọi gió cứu giúp nhân dân chống lại thiên tai, lũ lụt, bảo vệ sự sống, bảo vệ mùa

màng cho muôn dân: “Sư nghe lời trở về, liền hô gió gọi mưa, biến hóa, bay

nhảy trên không, hóa phép thư phù, chẳng đầy chớp mắt thì mưa đổ như trút. Khi ấy trong nước từ trên xuống dưới, không ai là không tỏ ra sung sướng, không một vật nào không tỏ vẻ sinh dưỡng trưởng thành”.

Với Man Nương đó là sức mạnh phi thường dịch chuyển cây dung thụ: Man Nương đã từng làm được những việc mà cả ngàn quân lính của Sĩ Nhiếp không sao làm nổi (kéo cây Dung thụ từ dưới sông Dâu lên bờ; gọi được Thạch Quang trở về lòng mình...). Đặc biệt, khi trong vùng bị hạn hán kéo dài, Man Nương đã dùng cây tích trượng (do Khâu Đà La trao cho) cắm xuống đất, khơi được nguồn nước tràn trề, cứu dân qua cơn đại hạn. Sức mạnh của bà là sức mạnh của tình mẫu tử thiêng liêng. Bởi vậy Man Nương được suy tôn là Phật Mẫu. Dân gian lấy ngày bà sinh (ngày mồng 8 tháng 4) là ngày Phật Đản.

Với Sĩ Nhiếp công lao to lớn của Vương trong cách đánh giá của nhân dân đó là việc tạc tượng, xây chùa, cầu đảo theo nguyện ước của nhân dân để muôn dân no ấm. Để nhấn mạnh công lao to lớn ấy nhân dân đã sáng tạo thêm những chi tiết thần kì để linh thiêng hóa việc làm của Sĩ Nhiếp. Đó là chi tiết giấc mộng điềm báo của Sĩ Vương, là sự linh ứng của các thần Tứ pháp trong đại lễ khánh thành: Sau khi tạc xong bốn pho tượng, Vương mở hội khánh thành, bỗng nhiên mây kéo đen nghịt, mưa đổ xuống, sấm nổi lên, chớp sáng lòe, nhân đó Vương đặt tên cho bốn pho tượng là Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện.

Sự xuất hiện của mô típ chiến công phi thường trong việc khắc họa hình tượng nhân vật phản ánh quan điểm tôn vinh và ngợi ca với những vị nhân thần có công lao hình thành lên tín ngưỡng thờ Tứ pháp đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Đặc điểm này cũng là đặc điểm đặc trưng của thể loại truyền thuyết.

2.3.2.4. Mô típ hiển linh âm phù

Hóa thân – hiển linh là một motip độc đáo, thường xuất hiện trong truyền thuyết, thông qua truyền thuyết thể hiện nhiều tầng ý nghĩa và nhân sinh quan của người dân Việt Nam từ thuở xa xưa. Đặc biệt hơn nữa khi hai yếu tố trong motip này có liên hệ mật thiết với nhau, và với các motip khác của truyền thuyết, làm nên một thể thống nhất, linh hoạt cho thể loại truyền thuyết.

Theo nhà nghiên cứu Trần Thị An: “Truyền thuyết vốn dĩ là một thể loại có chỗ đứng rất biệt lập so với các thể loại văn học dân gian khác bởi hệ thống các đặc trưng về nội dung và kết cấu. Một đặc trưng tiêu biểu của thể loại truyền thuyết là tính gắn bó chặt chẽ với lễ hội dân gian và tín ngưỡng dân gian. Chính vì thế, các motip về sự hóa thân, hiển linh của nhân vật trong truyền thuyết đặc biệt được nhân dân chú trọng. Nhân dân hầu như không thể quên nối dài đời sống của vị anh hùng hay nhân vật có số phận kì lạ nào đó bằng cách kể về những hiển ứng linh diệu sau cái chết hay sự biến mất đột ngột của họ. Dân gian nối dài đời sống của nhân vật truyền thuyết cũng chính là nối dài đời sống của thể loại này trong đời sống tinh thần vốn rất phong phú của mình… Xét thêm một khía cạnh khác, nếu coi truyền thuyết là thể loại của niềm tin, là nơi nhen lên những tín điều bất diệt về sức mạnh của con người (dù nhiều khi họ phải mượn đến chiếc áo thần thánh để hiển linh) thì nhất định, vị trí quan trọng nhất trong kết cấu truyền thuyết phải thuộc về khúc đoạn cuối với những motip hóa thân của nhân vậy để trở nên bất tử và hóa nhập vào miền vĩnh hằng trong kí ức dân gian.” [1;108]

Trong hệ thống truyền thuyết về Tứ pháp ở Hưng Yên mô típ hiển linh âm phù xuất hiện trong hầu hết các truyện. Khi thì là sự hiển linh của thần Tứ

pháp để ủng hộ nhân dân địa phương thờ phụng các vị thần: “Khi quan quân

phát hiện đuổi theo thì nhân dân chạy đến đâu thì nắng còn quan quân thì bị mưa như tát nước vào mặt; Thấy vậy, quân quyền lập tức đuổi theo đòi lại nhưng đoàn người đuổi đến đâu thì trời sầm sập mưa đến đấy; Người làng Ngải

Dương đuổi theo nhưng đuổi theo đến đâu thì mưa như tát nước vào mặt đến đó nên đành quay về; Sau đó dù có bao nhiêu người khiêng cùng không rước nổi kiệu đi, đành phải rước kiệu Pháp Vân vào thờ ở chùa Thứa”. Những chi tiết đó không chỉ chứng minh sự anh linh của các vị thần mà còn thể hiện niềm tin và sự ngưỡng mộ của nhân dân bản địa và đó cũng là cách nhân vân tôn vinh những nét đẹp của địa phương.

Bên cạnh đó mô típ hiển linh cũng được thể hiện qua cách nhân dân ngợi ca sự anh linh của các vị thần Tứ pháp khi nhân dân tổ chức cầu đảo: “Thánh Tứ Pháp rất anh linh, năm nào đại hạn, cầu đảo đều mưa, nhân dân cầu phúc, cầu tự, cầu tài đều linh ứng rất nhanh; Trải các triều Đinh, Lê, Lý… khai sáng nghiệp lớn, các ngài đều hiển linh giúp nước giúp dân, cầu gió được gió, cầu mưa được mưa, cho nên lịch đại đế vương đều có gia phong duệ hiệu”. Cũng chính bởi sự linh thiêng đó mà mỗi khi có đại hạn người dân nơi đây lại tổ chức lễ hội cầu mưa để mong ước sự hiển linh của các vị thần Tứ pháp phù hộ cho muôn dân được mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu.

Đặc biệt trong truyền thuyết của chùa Sậy(Phù Cừ), nhân dân lại kể về sự hiển linh của đức thánh Pháp Vũ trong công cuộc chiến đấu chống giặc ngoại

xâm bảo vệ đất nước: “Chùa Sậy là nơi thờ thánh Pháp Vũ, là một trong tứ

pháp của Việt Nam. Pháp Vũ là người có công âm phù Đỗ Quốc Uy – có công đánh giặc Tô Định nhà Hán trong cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng vào thế kỉ I sau Công Nguyên”.

Như vậy, mặc dù xuất phát từ tín ngưỡng thờ tự nhiên nhưng thông qua hệ thống mô típ trên thì tín ngưỡng thờ Tứ pháp nói chung và truyền thuyết về Tứ pháp nói riêng đã vượt qua những mong ước mưa thuận gió hòa mà vươn tới niềm tin và ước vọng cho sự hòa bình, ấm no, hạnh phúc của muôn dân.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyền thuyết về tứ pháp và lễ hội cầu mưa ở hưng yên (Trang 54 - 61)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(117 trang)