7. Cấu trúc của luận văn
1.4.2. Lễ hội ở Hưng Yên
Với một mảnh đất có một nền văn hóa truyền thống đa dạng và phong phú, Hưng Yên trở thành một mảnh đất màu mỡ để các lễ hội truyền thống nảy
sinh, phát triển cho tới ngày nay. Theo số liệu điều tra năm 2002 của Bảo tàng tỉnh Hưng Yên, trước Cách mạng tháng 8-1945, Hưng Yên có 711 lễ hội truyền thống phân bố khắp 10 huyện, thành phố, trung bình có 0,7 lễ hội trên một cây số vuông.
STT Tên huyện(Thành phố) Số lễ hội
1 Ân Thi 82 2 Khoái Châu 92 3 Kim Động 80 4 Mỹ Hào 79 5 Phù Cừ 55 6 Tiên Lữ 62 7 Thành phố Hưng Yên 62 8 Văn Giang 53 9 Văn Lâm 59 10 Yên Mỹ 87
Bảng 2: Bảng phân bố các lễ hội trên địa bàn tỉnh Hưng Yên (Theo số liệu của Bảo tàng tỉnh Hưng Yên)
Sau 30 năm chiến tranh, đến nay toàn tỉnh khôi phục được 362 lễ hội. Các lễ hội được phục dựng lại đều gồm hai phần gắn bó chặt chẽ: Những nghi thức tế lễ và những sinh hoạt vui chơi mang tính cộng đồng.
Vì là tỉnh chủ yếu canh tác nông nghiệp theo mùa vụ cho nên các hoạt động lễ hội cũng thường diễn ra theo mùa. Lúc nông nhàn, đất chờ nghỉ vụ sau cũng là lúc con người nghỉ ngơi và công đồng làng xã khai hội. Ngày xưa, hội làng được tổ chức chủ yếu vào hai mùa: mùa xuân và mùa thu. Trong đó số làng mở hội xuân (80%) nhiều hơn số làng mở hội thu (20%). Trong ba tháng của mùa xuân, lễ hội tháng ba nhiều hơn lễ hội tổ chức vào tháng giêng và tháng hai. Vì vậy, dân gian thường có câu:
Tháng hai ăn đám, tháng ba hội hè.
Không gian diễn ra lễ hội là những không gian thiêng - nơi thờ thần, thờ Phật, thờ thần hoàng làng - ở đình, đền, quán, miếu, chùa, nghè, …và cùng là không gian sinh hoạt chung gần gũi với cộng đồng. Theo thống kê của Ban quản ly di tích tỉnh Hưng Yên, tính đến hết 2017 Hưng Yên có 1.210 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 165 di tích và cụm di tích được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia và 214 di tích, cụm di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Hưng Yên là tỉnh chỉ đứng sau Hà Nội về số lượng di tích. Nếu mỗi di tích gắn với một lễ hội thì trung bình 1,3 di tích/1km vuông diện tích tự nhiên của tỉnh có một lễ hội được tổ chức. Con số đó chứng minh độ đậm đặc của hội làng Hưng Yên.
Nhân vật được tôn vinh trong các lễ hội ở Hưng Yên là các vị anh hùng có công trong công cuộc bảo vệ giang sơn, những ông tổ nghề, những vị thần hoàng làng, có làng lại thờ thần núi, thần biển, có làng thờ các vị thần tự nhiên như Mây, Mưa, Sấm, Chớp…
Có ý kiến chia hội làng ở Hưng Yên thành 4 vùng:
- Vùng thứ nhất gồm 3 huyện: Văn Lâm, Mỹ Hào, Yên Mỹ lấy lễ hội Tứ pháp làm trung tâm
- Vùng thứ hai gồm cách huyện: Văn Giang, Khoái Châu, Kim Động với lễ hội Chử Đồng Tử làm trung tâm
- Vùng thứ ba gồm ba huyện: Ân Thi, Phù Cừ, Tiên Lữ lây ba lễ hội: Ông Đùng- Bà Đà, lễ hội Phù Ủng, lễ hội Đền Tống Trân làm những lễ hội trung tâm;
- Vùng thứ tư là thành phố Hưng Yên lấy lễ hội đền Mẫu, đền Trần, đền Thiên Hậu, đền Đào Đặng làm lễ hội trung tâm.
Trong Luận án Tiến sĩ đề tài “Lễ hội cổ truyền ở Hưng Yên- Sự biến đổi ngày nay”[đd, 42], tác giả Hoàng Mạnh Thắng dựa vào số lượng lễ hội cùng thờ một người và mật độ lễ hội ở một khu vực đã chia hội làng ở Hưng Yên thành bốn nhóm: Nhóm lễ hội Chử Đồng Tử; nhóm lễ hội Tứ pháp; nhóm lễ hội Đông Hải đại vương Đoàn Thượng và nhóm lễ hội Phố Hiến
Phạm vi hội làng Hưng Yên rộng, hẹp khác nhau, có hội tổng, hội làng. Hội Đa Hòa là hội của tám làng tổng Mễ (Đa Hòa, Mễ Sở, Nhạn Tháp, Phú Thị, Phú Trạch, Hoàng Trạch, Thiết Trụ, Bằng Nha). Hội đền Hóa xá Dạ Trạch là hội của bảy làng tổng An Vĩnh. Lễ hội cầu mưa huyện Yên Mỹ có hai tổng Liêu Xá, Sài Trang tham gia. Lễ hội Tứ pháp ở Văn Lâm là hội của tổng Thái Lạc…Quy mô của lễ hội phụ thuộc vào ảnh hưởng của nhân vật được thờ và tín ngưỡng của nhân dân trong vùng.
Lễ hội dân gian bao giờ cũng gồm hai phần: Phần lễ của hội làng là phần nghi thức linh thiêng dâng lên thánh thần bao gồm: lễ cáo yết, lễ mộc dục, lễ rước nước, rước thánh phát ru, tế lễ hoàn cung, tế yên vị cầu an, lễ tạ đóng cửa đình/đền…Phần hội gồm các trò diễn, trò vui và trò chơi dân gian.
Như vậy, dù chia theo cách nào thì các nhà nghiên cứu đều khẳng định rằng nhóm lễ hội về Tứ pháp là một nhóm lễ hội quan trọng cấu thành, định hình lên diện mạo của lễ hội trên mảnh đất Hưng Yên.
*Tiểu kết chương 1:
Truyền thuyết là một bộ phận cấu thành lên kho tàng văn học dân gian vô giá của dân tộc. Truyền thuyết không chỉ mang đến một cách phản ánh lịch sử mới mẻ, độc đáo mà còn là nơi dân gian gửi gắm những tình cảm, những quan điểm, thái độ của mình một cách gián tiếp. Nhưng trong quá trình phát triển một trong những yếu tố để tạo lên sức sống lâu bền của truyền thuyết đó là lễ hội dân gian. Vì vậy nghiên cứu truyền thuyết đặt trong mối quan hệ với lễ hội là một xu hướng nghiên cứu mang lại nhiều đóng góp mới mẻ, giá trị
trong hành trình bảo tồn các giá trị văn hóa dân gian của nước ta nói riêng và văn hóa nhân loại nói chung.
Hưng Yên, một mảnh đất giàu truyền thống văn hiến lâu đời, nơi tự hào là mảnh đất vẫn lưu giữ được những dấu ấn văn hóa đặc trưng của vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Với hàng trăm truyền thuyết được lưu truyền cho tới ngày nay, dân gian đã tái hiện lại quá trình hình thành nòi giống dân tộc và đấu tranh bảo vệ độc lập tự chủ, quá trình chinh phục thiên nhiên, xây dựng nền văn hiến một cách đặc sắc. Và với hơn 700 lễ hội truyền thống, Hưng Yên tự hào là địa danh chỉ xếp sau thủ đô Hà Nội về số lượng lễ hội truyền thống của cả nước. Nhìn từ những nét tổng quan đó đã có thể khẳng định Hưng Yên xứng đáng với danh tiếng của một địa danh “Thứ nhất kinh kì thứ nhì Phố Hiến”. Mảnh đất ấy hứa hẹn sẽ là nơi di dưỡng những di sản văn hóa đặc sắc trong đó có truyền thuyết về Tứ pháp và lễ hội cầu mưa.